Trách nhiệm xã hội (CSR) của doanh nghiệp nhỏ và vừa

Thứ tư - 14/12/2016 09:44

 1.1. Tổng quan về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (Corporate Social Responsibility hay CSR)

1.1.1. Một số quan điểm về CSR

Thuật ngữ trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp mới chính thức xuất hiện từ năm 1953, khi H.R.Bowen công bố cuốn sách của mình với nhan đề “Trách nhiệm xã hội của doanh nhân” (Social Responsibilities of the Businessmen) nhằm mục đích tuyên truyền và kêu gọi người quản lý tài sản không làm tổn hại đến các quyền và lợi ích của người khác, kêu gọi lòng từ thiện nhằm bồi hoàn những thiệt hại do các doanh nghiệp làm tổn hại cho xã hội.

Tuy nhiên, từ đó đến nay, thuật ngữ trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (TNXHDN) đang được hiểu theo nhiều cách khác nhau:

- Năm 1973, Keith Davis đưa ra định nghĩa: “TNXHDN là sự quan tâm và phản ứng của doanh nghiệp với các vấn đề vượt ra ngoài việc thỏa mãn những yêu cầu pháp lý, kinh tế, công nghệ”.

- Năm 1975, Prakash, Sethi cho rằng: “TNXHDN hàm ý nâng hành vi của doanh nghiệp lên một mức phù hợp với các quy phạm, giá trị và kỳ vọng xã hội đang phổ biến”

- Năm 1999, Archie Carroll đưa ra định nghĩa: “TNXHDN là tất cả các vấn đề kinh tế, pháp lý, đạo đức và những lĩnh vực khác mà xã hội trông đợi ở doanh nghiệp trong mỗi thời điểm nhất định”.

- Năm 2004, Matten và Moon đã đưa ra định nghĩa: “TNXHDN là một khái niệm chùm bao gồm nhiều khái niệm khác như đạo đức kinh doanh, doanh nghiệp làm từ thiện, công dân doanh nghiệp, tính bền vững và trách nhiệm môi trường. Đó là một khái niệm động và luôn được thử thách trong từng bối cảnh kinh tế, chính trị, xã hội đặc thù”.

Hiện đang tồn tại hai quan điểm đối lập nhau về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Những người ủng hộ quan điểm thứ nhất cho rằng, doanh nghiệp không có trách nhiệm gì đối với xã hội mà chỉ có trách nhiệm với cổ đông và người lao động của doanh nghiệp, còn nhà nước phải có trách nhiệm với xã hội; doanh nghiệp đã có trách nhiệm thông qua việc nộp thuế cho nhà nước. Trái lại, những người khác lại có quan điểm cho rằng, với tư cách là một trong những chủ thể của nền kinh tế thị trường, các doanh nghiệp đã sử dụng các nguồn lực của xã hội, khai thác các nguồn lực tự nhiên và trong quá trình đó, họ gây ra những tổn hại không tốt đối với môi trường tự nhiên. Vì vậy, ngoài việc đóng thuế, doanh nghiệp còn có trách nhiệm xã hội đối với môi trường, cộng đồng, người lao động, v.v..

Còn ở Việt Nam, trong những năm gần đây, người ta thường sử dụng định nghĩa của Ủy ban Kinh tế Thế giới về Phát triển bền vững: “TNXHDN là một cam kết kinh doanh nhằm cư xử một cách có đạo đức và đóng góp cho sự phát triển kinh tế cùng với việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người lao động và gia đình của họ cũng như chất lượng cuộc sống của cộng đồng và xã hội nói chung”. Nói cách khác, doanh nghiệp muốn phát triển bền vững luôn phải tuân theo những chuẩn mực về bảo vệ môi trường, bình đẳng về giới, an toàn lao động, quyền lợi lao động, trả lương công bằng, đào tạo và phát triển nhân viên và phát triển cộng đồng.

1.1.2. Đo lường thực hiện  TNXHDN ở các lĩnh vực

Để đánh giá việc đạt được mục tiêu trách nhiệm xã hội của một doanh nghiệp, việc đo lường có thể được thực hiện đối với một số lĩnh vực như kinh tế, chất lượng cuộc sống, đầu tư xã hội hay giải quyết các vấn đề cộng đồng. Tùy vào mục tiêu trách nhiệm xã hội mà mỗi doanh nghiệp muốn hướng đến, các lĩnh vực cụ thể mà mỗi tổ chức muốn đánh giá cũng sẽ khác nhau. Mặc dù vậy thì tất cả các công ty nên đánh giá trách nhiệm xã hội trong ít nhất 4 lĩnh vực chủ yếu:

- Lĩnh vực kinh tế: Ở lĩnh vực này, đánh giá được đưa ra để xác định xem liệu các hoạt động sản xuất hàng hóa và dịch vụ có đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, có tạo công ăn việc làm cho xã hội, có trả lương công bằng cho người lao động, có bảo đảm an toàn lao động hay không. Việc đánh giá ở lĩnh vực này đưa ra một số dấu hiệu cho thấy sự đóng góp của tổ chức tới khía cạnh kinh tế cho xã hội.

- Lĩnh vực chất lượng cuộc sống: Đo lường chất lượng cuộc sống nên tập trung vào việc liệu tổ chức đang cải thiện hay đang làm giảm chất lượng cuộc sống trong xã hội. Sản xuất hàng hóa chất lượng cao, giải quyết công bằng với nhân viên và khách hàng, nỗ lực để bảo vệ môi trường tự nhiên là một số chỉ tiêu mà tổ chức giúp duy trì hoặc cải thiện chất lượng cuộc sống. Chẳng hạn như, một số người tin rằng các công ty thuốc lá làm giảm chất lượng cuộc sống bởi họ sản xuất ra hàng hóa có thể gây tổn hại cho sức khỏe của xã hội.

- Lĩnh vực đầu tư xã hội: Sự đánh giá trong lĩnh vực này thể hiện ở mức độ mà một tổ chức đầu tư cả tiền bạc và nhân lực để giải quyết các vấn đề xã hội của cộng đồng. Tổ chức có thể tham gia hỗ trợ các hoạt động giáo dục, từ thiện hay nghệ thuật.

- Lĩnh vực giải quyết vấn đề: Việc đo lường trong lĩnh vực này tập trung vào mức độ mà các tổ chức giải quyết các vấn đề xã hội, ví dụ như tham gia vào chương trình cộng đồng dài hạn hay tiến hành các nghiên cứu để xác định và giải quyết các vấn đề xã hội.

1.1.3. Bộ công cụ về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp

TNXHDN thể hiện được cam kết của doanh nghiệp. Nó cũng là một bộ quy tắc ứng xử của doanh nghiệp, bộ quy tắc này vừa góp phần định hướng việc đánh giá tác động của doanh nghiệp đối với vùng lãnh thổ vừa góp phần định hướng cho việc cải thiện hệ sinh thái.

Hiện nay trên thế giới đang tồn tại nhiều tiêu chuẩn về trách nhiệm xã hội và môi trường khác nhau.

  1. Bộ quy tắc ứng xử BSCI

Bộ tiêu chuẩn đánh giá tuân thủ trách nhiệm xã hội trong kinh doanh (BSCI - Business Social Compliance Initiative) ra đời năm 2003 theo đề xuất của Hiệp hội Ngoại thương với mục đích thiết lập một diễn đàn chung cho các quy tắc ứng xử và hệ thống giám sát về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp ở châu Âu.

Bộ quy tắc ứng xử BSCI gồm 10 nội dung:

- Nội dung 1: Tuân thủ pháp luật

- Nội dung 2: Tự do lập hội và quyền thương lượng tập thể

- Nội dung 3: Cấm phân biệt đối xử

- Nội dung 4: Lương bổng

- Nội dung 5: Thời giờ làm việc

- Nội dung 6: An toàn và sức khỏe tại nơi làm việc

- Nội dung 7: Cấm sử dụng lao động trẻ em

- Nội dung 8: Cấm cưỡng bức lao động và các biện pháp kỉ luật

- Nội dung 9: Các vấn đề về an toàn và môi trường

- Nội dung 10: Hệ thống quản lý

  1. Bộ nguyên tắc CERES:

Liên minh các nền kinh tế có trách nhiệm với môi trường (CERES – Coalition for Environmentally Responsible Economies) là một tập hợp gồm các nhóm hành động vì môi trường, cùng hoạt động vì một tương lai bền vững và cam kết liên tục cải thiện các khía cạnh liên quan đến môi trường. CERES khuyến khích doanh nghiệp áp dụng các nguyên tắc đạo đức môi trường do CERES đề xuất gồm nội dung chính:

- Nguyên tắc 1: Bảo vệ sinh quyền

- Nguyên tắc 2: Sử dụng tài nguyên thiên nhiên bền vững

- Nguyên tắc 3: Giảm thiểu và loại bỏ chất thải

- Nguyên tắc 4: Bảo tồn năng lượng

- Nguyên tắc 5: Giảm thiểu rủi ro

- Nguyên tắc 6: Sản phẩm và dịch vụ an toàn

- Nguyên tắc 7: Phục hồi và tái tạo môi trường

- Nguyên tắc 8: Công bố thông tin minh bạch

- Nguyên tắc 9: Cam kết của ban quản trị

- Nguyên tắc 10: Đánh giá và báo cáo hoạt động

  1. Tiêu chuẩn SA 8000:

SA 8000 là tiêu chuẩn quốc tế ra đời năm 1997, tập trung vào các yêu cầu về Quản trị trách nhiệm xã hội nhằm cải thiện điều kiện làm việc trên toàn cầu.

Đây là tiêu chuẩn có thể áp dụng cho mọi loại hình doanh nghiệp ở mọi quy mô trên toàn thế giới. Mục đích của SA 8000 là cung cấp hỗ trợ về kĩ thuật và nâng cao nhận thức của doanh nghiệp nhằm cải thiện điều kiện sống và làm việc. SA 8000 giúp các doanh nghiệp đồng thời đạt được mục tiêu lợi nhuận và mục tiêu xã hội.

Trách nhiệm xã hội trong tiêu chuẩn SA 8000 tập trung đề cập đến điều kiện làm việc và các vấn đề liên quan như: Lao động trẻ em; lao động cưỡng bức; an toàn sức khỏe; tự do hội họp và thỏa ước lao động tập thể; kỉ luật; thời gian làm việc; sự đền bù và hệ thống quản lý.

  1. Tiêu chuẩn ISO 26000:

ISO 26000 được phát triển bởi Tổ chức Tiêu chuẩn quốc tế, có thể áp dụng cho tất cả các loại hình doanh nghiệp, từ doanh nghiệp nhà nước đến doanh nghiệp tư nhân, từ các nước phát triển và đang phát triển, đến các nền kinh tế chuyển đổi. Tiêu chuẩn này sẽ hỗ trợ cho các tổ chức thực hiện trách nhiệm xã hội một cách linh hoạt và hiệu quả.

Nội dung của tiêu chuẩn ISO 26000 về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp bao gồm sáu khía cạnh chính:

- Môi trường;

- Hòa hợp và phát triển cộng đồng;

- Thực hành kinh doanh trung thực;

- Người tiêu dùng;

- Lao động;

- Điều hành doanh nghiệp và quyền con người.

Trong đó, 4 yếu tố đầu tiên thể hiện trách nhiệm bên ngoài của doanh nghiệp, còn 2 yếu tố cuối thể hiện trách nhiệm bên trong của doanh nghiệp.

  1. Tiêu chuẩn ISO 14001:

ISO 14001 là tiêu chuẩn do tổ chức quốc tế đề ra để giúp cho doanh nghiệp thực hiện được trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ môi trường. Mục đích của tiêu chuẩn ISO 14001 là giúp các doanh nghiệp thiết lập, duy trì và liên tục cải tiến hệ thống quản lý môi trường của mình nhằm bảo vệ môi trường, ngăn ngừa ô nhiễm do các hoạt động của chính doanh nghiệp gây ra.

Tiêu chuẩn ISO 14001 được áp dụng cho tất cả các loại hình tổ chức không phân biệt quy mô, loại hình hoạt động hay sản phẩm. Tiêu chuẩn ISO 14001 tập trung vào các nguyên tắc về quản lý môi trường:

- Nguyên tắc 1: Cam kết của lãnh đạo

- Nguyên tắc 2: Sự tham gia của mọi thành viên

- Nguyên tắc 3: Quản lý theo quá trình

- Nguyên tắc 4: Quản lý theo hệ thống

- Nguyên tắc 5: Đảm bảo pháp luật và cân bằng nhu cầu kinh tế - xã hội.

- Nguyên tắc 6: Đảm bảo một hệ thống tài liệu và hồ sơ phù hợp.

1.2. Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam

1.2.1. Lợi ích trong thực hiện TNXH tại doanh nghiệp nhỏ và vừa

Theo nghiên cứu khảo sát của Viện khoa học Lao động và Xã hội Việt Nam trên 24 doanh nghiệp thuộc hai ngành dệt may và da giầy đã chỉ ra rằng nhờ thực hiện các chương trình CSR, doanh thu của các doanh nghiệp này đã tăng 25%, năng suất lao động cũng tăng từ 34,2 lên 35,8 triệu đồng/lao động/năm, tỷ lệ hàng xuất khẩu tăng từ 94% lên 97%. Ngoài hiệu quả kinh tế, các doanh nghiệp còn có lợi từ việc tạo dựng hình ảnh với khách hàng, sự gắn bó và hài lòng của người lao động, thu hút lao động có chuyên môn cao.

Đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thực hiện TNXH sẽ đem lại lợi ích trên nhiều mặt:

- Góp hần thu hút và giữ chân các nhân viên giỏi và có tay nghề cao bởi vì doanh nghiệp thực hiện tốt TNXHDN (quan tâm tới người lao động, tạo môi trường làm việc an toàn…) sẽ tác động tích cực đến tinh thần của nhân viên. Từ đó, động lực và cam kết của người lao động đối với doanh nghiệp sẽ được nâng cao.

- Thực hiện TNXHDN thông qua hoạt động đào tạo nội bộ sẽ giúp nhân viên trong doanh nghiệp có được những kỹ năng và năng lực mới. Từ đây, nhân viên có thể thực hiện công việc tốt hơn và kết quả là hoạt động của doanh nghiệp sẽ hiệu quả hơn.

- Thu hút thêm khách hàng và giữ chân những khách hàng hiện tại, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang tìm kiếm khách hàng hoặc tham gia vào chuỗi cung ứng với các công ty toàn cầu.

- Đáp ứng được những nhu cầu và yêu cầu mới của các bên liên quan, giúp doanh nghiệp duy trì giấy phép hoạt động ở cộng đồng địa phương và tăng uy tín và danh tiếng với các đối tác trong và ngoài cộng đồng.

- Thay đổi nhận thức về vai trò của các doanh nghiệp trong xã hội (không chỉ là một nguồn lợi nhuận), thông qua các phương tiện truyền thông, giáo dục và hành động của các bên liên quan.

- Sử dụng tài nguyên hiệu quả, tiết kiệm các chi phí xử lý chât thải, có thêm các nguồn sáng tạo, đổi mới trong kinh doanh và tăng cơ hội liên kết với các mạng lưới.

1.2.3. Thực trạng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa khi thực hiện trách nhiệm xã hội

Hiện tại, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm trên 95% tổng các doanh nghiệp ở Việt Nam,  sử dụng 51% lao động xã hội và đóng góp hơn 40% GDP, 30% tổng thu ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, việc thực hiện trách nhiệm xã hội ở các doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa thực sự rõ ràng về tiêu chí, tiêu chuẩn và cách thức triển khai, áp dụng trong quá trình sản xuất kinh doanh, cụ thể:

- Chưa quan tâm đến việc thực hiện TNXHDN do nhận thức, kiến thức còn hạn chế. Theo số liệu thống kê, có tới 55,63% số chủ doanh nghiệp có trình độ học vấn từ trung cấp trở xuống, trong đó 43,3% chủ doanh nghiệp có trình độ học vấn từ sơ cấp và phổ thông các cấp. Cụ thể, tiến sỹ chỉ chiếm 0,66%; thạc sỹ 2,33%; tốt nghiệp đại học 37,82%; tốt nghiệp cao đẳng chiếm 3,56%; tốt nghiệp trung học chuyên nghiệp chiếm 12,33% và 43,3% có trình độ thấp hơn. Về lực lượng lao động, có tới 75% lực lượng lao động trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật; việc thực hiện chưa đầy đủ các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động đã làm giảm đi chất lượng công việc trong khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ.

- Doanh nghiệp nhận thức, hiểu biết, tiếp cận và áp dụng thực hiện TNXH chưa đầy đủ, thậm chí làm sai lệch ý nghĩa của TNXHDN. Nhiều doanh nghiệp chỉ nghĩ là đóng góp làm từ thiện là đã thực hiện trách nhiệm xã hội mà chưa quan tâm đến điều kiện làm việc của lao động, xử lý chất thải công nghiệp, đảm bảo chất lượng sản phẩm như cam kết…

- Nhiều doanh nghiệp vi phạm nghiêm trọng các quy định của nhà nước về quản lý lao động, bảo vệ môi trường, lợi ích của người tiêu dùng và cộng đồng. Nhiều doanh nghiệp chưa tạo được môi trường làm việc an toàn cho lao động và đảm bảo quyền lợi cho các đối tác… Theo kết quả điều tra xã hội học cho thấy, có 46,8% người lao động cho rằng điều kiện lao động thực tế vẫn gây ra ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người lao động, trong đó chủ yếu là do ảnh hưởng của bụi (70,4%), vi khí hậu (nóng bức khó chịu 53,7%, độ ẩm cao 23,1%), tiếng ồn (52,8%). Từ kết quả trên, có thể thấy rõ sự thờ ơ của các doanh nghiệp trong công tác bảo đảm an toàn lao động tại công trình, nhà máy, xí nghiệp.

- Phần lớn các doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa lồng ghép thực hiện TNXHDN với sứ mệnh, mục tiêu, chiến lược, văn hóa của doanh nghiệp, chưa có kế hoạch cụ thể thực hiện TNXH nên hiệu quả hoạt động chưa cao.

- Các doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa xây dựng bảng quy tắc ứng xử nội bộ cho cán bộ, công nhân của doanh nghiệp trong việc thực hiện TNXHDN nên bản thân người lao động chưa biết, chưa quan tâm đến việc thực hiện TNXH của bản thân và doanh nghiệp. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa áp dụng các bộ tiêu chuẩn quốc tế phù hợp với sản xuất của doanh nghiệp nên khả năng xuất nhập khẩu hạn chế.

 1.2.4. Định hướng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong thực hiện TNXH

- Cần phát triển tầm nhìn về phát triển chiến lược TNXHDN. Để thực hiện thành công các hoạt động TNXHDN cần phải bắt nguồn từ người lãnh đạo doanh nghiệp. Doanh nghiệp chỉ thành công trong việc áp dụng TNXHDN nếu có sự cam kết của ban lãnh đạo, thực sự hiểu rõ tầm quan trọng và lợi ích TNXHDN sẽ mang lại trong dài hạn và biến TNXHDN thành một phần văn hóa doanh nghiệp.

- Doanh nghiệp cần lồng ghép việc thực hiện TNXHDN với sứ mệnh, mục tiêu, chiến lược, văn hóa của doanh nghiệp thông qua các chương trình đào tạo TNXH cho toàn bộ nhân viên như việc đào tạo về đạo đức nghề nghiệp, về việc sử dụng hiệu quả năng lượng, giảm khí thải, ô nhiễm hay cách tạo ra môi trường làm việc an toàn. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần có bản đánh giá các chương trình TNXHDN, bản báo cáo hoạt động TNXHDN tóm tắt hàng năm nhằm cung cấp cho nhân viên, khách hàng, các đối tác và cổ đông của doanh nghiệp những thông tin về chương trình TNXHDN và hiệu quả của các chương trình này đem lại.

- Doanh nghiệp cần xây dựng bảng quy tắc ứng xử nội bộ cho cán bộ, công nhân, của doanh nghiệp trong việc thực hiện TNXHDN. Bảng quy tắc này không những là cơ hội để doanh nghiệp đưa ra các cam kết thực hiện TNXHDN của doanh nghiệp mình mà còn được xem như việc doanh nghiệp đang lồng ghép các giá trị TNXHDN vào văn hóa doanh nghiệp như thế nào.

- Doanh nghiệp cần cụ thể hóa chương trình hành động liên quan đến việc thực hiện TNXHDN bằng việc dự kiến ngân sách dành cho các hoạt động TNXHDN dựa trên các chương trình TNXH mà doanh nghiệp đã đưa ra.

- Doanh nghiệp cần gắn công tác quản trị doanh nghiệp với thực hiện trách nhiệm xã hội về thực hành lao động, bảo vệ môi trường và cộng đồng. Các chủ doanh nghiệp cần xác định các lợi ích của người lao động, lợi ích kinh tế và lợi ích của xã hội và sau đó là kết hợp hài hòa lợi ích của các nhóm có liên quan nhằm tạo ra một hình ảnh doanh nghiệp tốt hơn trong mắt công chúng và cộng đồng.

- Doanh nghiệp cần tạo điều kiện để nhân viên cùng tham gia thực hiện TNXHDN. Cụ thể, doanh nghiệp có thể đưa các nội dung về thực hiện trách nhiệm xã hội trên khía cạnh thực hành lao động vào sổ tay nhân viên. Việc nhân viên cùng tham gia với doanh nghiệp trong thực hiện TNXHDN vừa có lợi ích trong việc đáp ứng nguyện vọng và mang lại ý nghĩa nhiều hơn cho công việc của họ, đồng thời cũng giúp nhân viên hiểu hơn về những cố gắng và nỗ lực của doanh nghiệp trong việc thực hành lao động phù hợp với trách nhiệm kì vọng của xã hội.

Tóm lại, theo chuẩn CSR, doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng cần bảo đảm được cơ bản các tiêu chí như về môi trường, lao động, quản trị tổ chức và nhân quyền, kinh doanh trung thực, bảo vệ người tiêu dùng, gắn kết với cộng đồng. Do đó, để bảo đảm mối quan hệ lao động hài hòa, doanh nghiệp và người lao động cần tuân thủ pháp luật lao động, nguồn thu nhập bảo đảm, điều kiện làm việc thuận lợi, tổ chức công đoàn vững mạnh, thực hiện đầy đủ các chính sách lao động, xây dựng thỏa ước lao động tập thể tiến bộ, tiến hành thường xuyên đối thoại doanh nghiệp...

Tài liệu tham khảo:Nguyễn Ngọc Thắng, Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2015.

Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Nhàn, Trần Thị Hằng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây