Ảnh hưởng của phát triển kinh tế – xã hội đến môi trường tự nhiên

Chủ nhật - 19/11/2017 15:55
1. Đặt vấn đề

            Để phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội, con người đã khai thác, sử dụng tài nguyên và thải vào môi trường các loại chất thải độc hại. Việc làm này đang dần hủy hoại môi trường, nơi cung cấp sự sống cho con người. Khi môi trường bị hủy hoại nó sẽ tác động ngược trở lại đến đời sống, sản xuất của con người như: ảnh hưởng tới sức khỏe, thiên tai, bão lũ, hạn hán, sóng thần. .. và các tài nguyên phục vụ cho đời sống sản xuất ngày càng cạn kiệt. Như vậy, giữa phát triển kinh tế - xã hội với môi trường có mối quan hệ mật thiết và tác động qua lại với nhau. Vì vậy, không cần một thứ tự ưu tiên giải quyết vấn đề nào trước, mà tất cả đều là vấn đề cần được giải quyết song hành. Tìm ra những giải pháp cấp bách hiện nay để giảm thiểu ô nhiễm môi trường đồng thời vẫn đảm bảo được phát triển bền vững là vấn đề ưu tiên hàng đầu.

2. Thực trạng môi trường tự nhiên hiện nay

2.1. Môi trường không khí

            Năm 2016 theo bản đồ của Đại học Yale được tạp chí Forbes Việt Nam dẫn lại thể hiện màu đỏ và đỏ sẫm chủ đạo tại khu vực miền Bắc, Việt Nam - cho thấy nơi này là khu vực bị ô nhiễm không khí nặng nhất cả nước, trong đó, nặng hơn cả là Thủ đô Hà Nội và các tỉnh thành lân cận.

            Với những số liệu thu thập được, Đại học Yale xếp hạng chất lượng không khí của Việt Nam là 54,76/100 điểm, đứng thứ 170/180 nước nghiên cứu. Chỉ số PM 2.5 (Particulate Matter - nghĩa là chất dạng hạt) của Việt Nam hiện tại là 43,95, xếp thứ 170/180 nước. Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ, những khu vực có chỉ số PM 2.5 tiêu cực, người dân rất hay mắc các bệnh về phổi và đường hô hấp, đặc biệt là với người già cũng như trẻ nhỏ.

2.2. Môi trường đất

            Ðất chính là một dạng tài nguyên vật liệu của con người.  Chúng ta có thể hiểu đất với 2 nghĩa khác nhau: Một là đất đai dùng để ở hay xây dựng các cơ sở hạ tầng phục vụ con người, hai là thổ nhưỡng dùng để làm mặt bằng sản xuất nông lâm nghiệp.

          Tài nguyên đất của thế giới nói chung và của Việt Nam nói riêng hiện đang bị suy thoái rất nghiêm trọng do nhiều lý do như: Xói mòn, rửa trôi, nhiễm mặn, ô nhiễm đất, bạc mầu, nhiễm phèn và do biến đổi khí hậu. Hiện nay 10% đất có tiềm năng nông nghiệp đã bị sa mạc hoá.

         Ðất là hệ sinh thái hoàn chỉnh nên thường bị ô nhiễm bởi các hoạt động của con người. Khi cuộc sống ngày càng phát triển và được nâng cao hơn thì dường như tài nguyên đất ngày càng bị suy thoái và trở nên cằn cỗi.

           Đất bị ô nhiễm do chất thải công nghiệp, chất thải sinh hoạt, chất thải nông nghiệp, ô nhiễm nguồn nước và không khí tại các khu dân cư tập trung.

2.3. Môi trường nước

            Nước là tài nguyên quý giá của con người nhưng không phải vô tận. Nguồn nước sinh hoạt, nước tự nhiên ở Việt nam hiện nay ngày càng bị ô nhiễm trầm trọng. Đặc biệt, môi trường nước ở nhiều đô thị, khu công nghiệp và làng nghề ngày càng bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi nước thải, khí thải và chất thải rắn. Ở các thành phố lớn, hàng trăm cơ sở sản xuất công nghiệp đang gây ô nhiễm môi trường nước do không có công trình và thiết bị xử lý chất thải. Với tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hoá khá nhanh cùng sự gia tăng dân số là nguyên nhân chính gây áp lực ngày càng nặng nề đối với tài nguyên nước.

3. Ảnh hưởng của phát triển kinh tế - xã hội đến môi trường tự nhiên

3.1. Môi trường dân số

            Theo thống kê dân số thế giới tính đến ngày 16/01/2017, dân số Việt Nam có 94.070.597 người đứng thứ 13 thế giới và thứ 3 Đông Nam Á. Quá trình gia tăng dân số nhanh chóng kéo theo những nhu cầu ngày càng tăng về sinh hoạt, giáo dục, đào tạo, chăm sóc y tế, giao thông vận tải, nhà ở, việc làm,…làm gia tăng sức ép đối với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội.

3.2. Phát triển công nghiệp

            Hiện nay, tỷ trọng khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 33,9% GDP cả nước, đứng thứ hai trong cơ cấu kinh tế hiện nay. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến đóng vai trò quan trọng. Tỷ lệ công nghệ hiện đại trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh còn khoảng cách khá xa so với các quốc gia  khác trong khu vực, do vậy, để sản xuất các mặt hàng cần tiêu thụ nhiều hơn nguyên liệu và năng lượng, thải ra nhiều hơn chất thải, lại không được xử lý hoặc xử lý không đảm bảo, gây ô nhiễm môi trường.

3.3. Phát triển năng lượng

            Việt Nam là một trong những nước tiêu thụ năng lượng tương đối lớn so với khu vực và thế giới. Các nguồn năng lượng ở nước ta khá đa dạng: Nhiên liệu hóa thạch, thủy điện, sinh khối năng lượng gió, năng lượng mặt trời…tuy nhiên, nguồn năng lượng chủ yếu vẫn sử dụng các nhiên liệu hóa hóa thạch: than đá, dầu thô, khí đốt…và thủy điện. Quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng khiến nguồn cung năng lượng đã không bắt kịp cầu. Từ một nước xuất khẩu năng lượng (xuất khẩu than và dầu thô), sắp tới, Việt Nam phải nhập khẩu năng lượng (nhập khẩu sản phẩm dầu qua chế biến và điện năng).

1

            (Nguồn: UNDP, Bộ KH&ĐT, Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT, 2014)

Hình 1: Các lĩnh vực sử dụng năng lượng ở nước ta giai đoạn 2010 – 2030

3.4. Phát triển xây dựng

            Do tốc độ phát triển dân số, kinh tế và quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng nên hoạt động xây dựng công nghiệp, xây dựng nhà dân dụng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đô thị và nông thôn diễn ra mạnh mẽ ở các vùng miền.

2

            (Nguồn: Niên giám Thống kê, TCTK, 2015)

            Trong quá trình xây dựng diễn ra các khoạt động như đào lấp đất, đập phá công trình cũ, vật liệu xây dựng bị rơi vãi trong quá trình vận chuyển, thường gây ô nhiễm bụi khá nghiêm trọng đối với môi trường xung quanh. Các công trình xây dựng được thải ra với số lượng lớn, trên diện tích rộng, có mức độ ảnh hưởng lớn, nếu không được xử lý, về lâu dài tính chất thổ nhưỡng tại khu vực đó sẽ bị thay đổi, ảnh hưởng tới sự sinh trưởng của thực vật, đồng thời gây ảnh hưởng xấu tới cảnh quan.

3.5. Phát triển giao thông

            Trong thời gian vừa qua, hệ thống giao thông phát triển nhanh chóng đặc biệt là giao thông đường bộ. Một số công trình giao thông lớn quan trọng đã hoàn thành như Cầu Nhật Tân, Nhà ga T2 – sân bay quốc tế Nội Bài, đường nối cầu Nhật Tân với sân bay Nội Bài, đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai, đường cao tốc  Cầu Giẽ - Ninh Bình, đường cao tốc HCM – Long Thành – Dầu Giây và rất nhiều công trình khác.

            Mặc dù kết cấu hạ tầng giao thông cả nước từng bước được cải thiện nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển KT-XH; chi phí vận tải cao; tính kết nối các vùng miền còn hạn chế, chủ yếu vận tải bằng đường bộ; giao thông đô thị chưa phát triển. Bên cạnh đó, chất lượng hạ tầng còn thấp, phương tiện giao thông đô thị dày đặc gây ùn tắc, đặc biệt vào các giờ cao điểm làm gia tăng ô nhiễm không khí tại các khu đô thị.

3.6. Phát triển dịch vụ, y tế

            Ngành dịch vụ trong thời gian vừa qua đã đóng góp phần không nhỏ vào GDP của nước ta (đạt khoảng 44% trong năm 2015). Một số ngành dịch vụ được tập trung phát triển như công nghệ thông tin, truyền thông, giao nhận – vận tải, tài chính, ngân hàng, du lịch, thương mại điện tử,…Tuy nhiên, các ngành dịch vụ có hàm lượng tri thức cao như tài chính – tín dụng, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, y tế còn chiếm tỷ trọng nhỏ trong GDP của toàn nền kinh tế.

            Trong thời gian vừa qua ngành du lịch đã phát triển nhanh chóng thể hiện là việc gia tăng lượng khách du lịch nên hoạt động xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng du lịch cũng diễn ra nhanh chóng. Đồng thời cũng gia tăng nhu cầu sử dụng các tài nguyên thiên nhiên như: Nguồn nước, cảnh quan tự nhiên, bãi biển, hồ nước,… đã gây tác động không nhỏ đến môi trường như: rác thác, nước thải, chất thải độc hại và vấn đề vệ sinh môi trường từ hoạt động du lịch,..

            Ngoài sự tác động của ngành du lịch đến môi trường thì y tế cũng đang ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường. Hiện nay, cả nước có hơn 13.500 cơ sở y tế công và tư, hàng ngày thải ra 47 tấn chất thải y tế nguy hại, tổng lượng nước thải y tế phát sinh cần xử lý lên tới 125.000m3/ngày. Bên cạnh đó, việc thu gom, xử lý chất thải; việc kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ môi trường ở nhiều bệnh viện chưa được chú trọng đúng mức dẫn tới công tác quản lý rác thải còn lỏng lẻo. Đặc biệt là các bệnh viện cũ, cơ sở y tế tư nhân, cơ sở y tế vùng sâu, vùng xa. Điều này đã tác động không nhỏ tới môi trường.

3.7. Phát triển nông nghiệp

            Mặc dù trong thời gian gần đây ngành nông nghiệp gặp không ít khó khăn, tốc độ tăng trưởng thấp nhưng hoạt động này đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường.

            Trong hoạt động nông nghiệp được chia ra làm 3 hoạt động chính là: Hoạt động trồng trọt, hoạt động chăn nuôi và hoạt động nuôi trồng thủy sản.

            - Hoạt động trồng trọt: Để tăng năng suất cây trồng thì người dân không ngừng ra tăng các loại phân bón và hóa chất bảo vệ thực vật. Việc sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật tràn lan, không có cơ sở khoa học và mang tính tự phát, dẫn đến hậu quả làm ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái, làm cho đất bị chua hóa, mất khả năng sản xuất. Bên cạnh đó, sau mỗi mùa vụ người dân thường đốt bỏ rơm rạ và các sinh khối khác ngay trên đồng ruộng gây khói mù các vùng lân cận và gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe con người.

            - Hoạt động chăn nuôi: Thời gian vừa qua, hoạt động chăn nuôi chủ yếu là chăn nuôi lợn và gia cầm, riêng chăn nuôi bò sữa tiếp tục tăng nhanh ở vùng Đông Nam Bộ (chiếm 75%) và các tỉnh phía Bắc (chiếm 20%). Ngoài một số trang trại được đầu tư với quy mô lớn thì vẫn còn nhiều hình thức chăn nuôi manh mún, nhỏ lẻ, ở quy mô hộ gia đình. Theo thống kê của Cục Trồng trọt – Bộ NN&PTNT, trung bình mỗi năm ngành chăn nuôi thải ra 85-90 triệu tấn phân, nhưng chỉ khoảng 40% được xử lý, phần còn lại bị xả thải trực tiếp ra môi trường, ảnh hưởng đến năng suất chăn nuôi, gây ô nhiễm đất, nước mặt, nước ngầm, tạo mùi khó chịu, ảnh hưởng tới sức khỏe người dân.

            - Hoạt động nuôi trồng thủy sản: Diện tích mặt nước sử dụng cho nuôi trồng thủy sản không tăng, nhưng lượng thủy sản lại gia tăng liên tục, với mức tăng bình quân là 9,07%/năm. Tổng diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản khoảng 1.046,4 nghìn ha. Trong nuôi trồng thủy sản gây ra những áp lực không nhỏ cho môi trường như: Xây dựng đầm ao nuôi trồng thủy sản ở vùng cửa sông, ven biển dẫn đến những thay đổi về nơi sinh sống của quần xã sinh vật, độ muối, lắng đọng trầm tích và xói lở bờ biển, vấn đề xả thải các chất hữu cơ phú dưỡng, chất độc vi sinh vật (cả mầm bệnh) và các chất thải sinh hoạt bừa bãi làm cho môi trường suy thoái, bùng nổ dịch bệnh và gây thiệt hại đáng kể về kinh tế cũng như về điều kiện môi trường sinh thái.

4. Một số chính sách giảm thiểu sự tác động tiêu cực của phát triển kinh tế - xã hội tới môi trường tự nhiên.

            Để giảm thiểu sự tác động của phát triển kinh tế - xã hội lên môi trường cần có sự kết hợp từ nhiều phía: Nhà nước, doanh nghiệp, người tiêu dùng và các tổ chức khác.

            - Nhà nước: Cần có sự quy hoạch tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội cân đối với vấn đề bảo vệ môi trường. Cụ thể:

            + Phải kiểm soát sự gia tăng dân số, có chính sách di dân phù hợp để giảm tải cho các thành phố lớn.

            + Phải quy hoạch các khu công nghiệp tránh xa các khu vực có danh lam thắng cảnh đẹp và xa các khu di tích. Kiểm soát chặt chẽ các chất phát thải tại các khu công nghiệp. Bên cạnh đó, hỗ trợ các làng nghề trong việc đầu tư công nghệ sản xuất và xử lý chất thải.

            + Kiểm soát, giám sát chặt chẽ các công trình xây dựng về vấn đề bảo vệ môi trường. Đặc biệt trong quá trình vận chuyển vật liệu, đào xới, những dự án kéo dài, hoang hóa,..

            + Quan tâm tới xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, kiểm soát các phương tiện giao thông, xử lý mạnh thậm chí thu hồi các phương tiện không đủ tiêu chuẩn lưu hành. Khuyến khích việc sử dụng các phương tiện bảo vệ môi trường.

            + Tăng cường sự kiểm soát môi trường đối với các cơ sở y tế không đảm bảo. Xây dựng, đầu tư hệ thống xử lý nước thải, chất thải y tế tại các bệnh viện đã cũ kĩ. Đầu tư xây dựng các bệnh viện lớn ngoài các trung tâm thành phố, để giảm tải sự tập trung quá đông đúc ở đô thị.

            + Hướng dẫn, hỗ trợ nông dân cả về kiến thức, công nghệ trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Kiểm soát chặt chẽ các hóa chất trong nông nghiệp đã bị cấm sử dụng. Phải có biện pháp xử lý đối với các rác thải nông nghiệp mang tính bền vững.

            - Doanh nghiệp: Cần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường thông qua các hoạt động như đầu tư trang thiết bị sản xuất hiện đại tiêu tốn ít năng lượng và giảm thiểu sự xả thải ra môi trường. Đối với một số ngành công nghiệp gây ô nhiễm phải đầu tư hệ thống xử lý chất thải trước khi xả thải ra môi trường. Tuân thủ, quy định của luật bảo vệ môi trường. Có hướng dẫn cụ thể đối với người tiêu dùng trong quá trình sử dụng sản phẩm về vấn đề bảo vệ môi trường.

            - Người tiêu dùng: Tiêu dùng những sản phẩm đạt tiêu chuẩn, chất lượng và quá trình sản xuất sản phẩm ít gây ô nhiễm môi trường. Có ý thức bảo vệ môi trường trong quá trình tiêu dùng sản phẩm như: Phân loại rác, để rác đúng nơi quy định, bảo vệ các tài nguyên, các khu di tích, các danh nam thắng cảnh đẹp,…

5. Kết luận

            Môi trường là vấn đề quan tâm của toàn xã hội không chỉ của riêng cá nhân nào, tổ chức nào. Bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến tất cả sự sống trên trái đất. Con người đang sống hòa mình với thiên nhiên và có sự tác động qua lại. Để tồn tại, phát triển con người đã, đang và sẽ lấy đi nhiều tài nguyên quý giá, gây mất cân bằng hệ sinh thái. Điều này con người phải trả giá như gặp phải: Thiên tai, bão lũ, sóng thần, hạn hán, động đất, dịch bệnh, … Vì vậy, chúng ta không thể bất chấp việc phát triển kinh tế - xã hội mà hi sinh môi trường. Nhà nước cần vào cuộc và bảo vệ môi trường ở tầm vĩ mô bằng thể chế pháp lý, bằng sự hướng dẫn, đầu tư và kiểm soát chặt chẽ. Các doanh nghiệp, người tiêu dùng cần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, có trách nhiệm với môi trường trong quá trình sản xuất, tiêu dùng.

Tác giả bài viết: Ngô Luyện

Tổng số điểm của bài viết là: 19 trong 4 đánh giá

Xếp hạng: 4.8 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây