Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương(TPP)

Thứ sáu - 27/11/2015 11:23

      Đôi nét về TPP

ld

Lãnh đạo Việt Nam cùng lãnh đạo các quốc gia khác tham gia đàm phán TPP

          Đây là một Hiệp định thương mại tự do nhiều bên, được ký kết với mục tiêu thiết lập một mặt bằng thương mại tự do chung cho các nước khu vực châu Á Thái Bình Dương, thúc đẩy thương mại, hấp dẫn đầu tư, thúc đẩy các nước cải cách thể chế. Hiệp định này được ký kết ngày 3/6/2005, có hiệu lực từ 28/5/2006 giữa 4 nước Singapore, Chile, New Zealand, Brunei. Tháng  9/2008, Hoa Kỳ tỏ ý định muốn tham gia  đàm phán TPP, sau đó, tháng 11/2008, các  nước Australia, Peru cũng  tuyên bố tham gia, tiếp đến là Canada tham gia vào tháng 10/2012 và mới đây nhất, Nhật Bản tham gia đàm phán vào tháng 3/2013. Việt Nam đã tuyên bố tham gia TPP với tư cách là thành viên đầy đủ từ ngày 13/11/2010. Tính đến thời điểm hiện nay, có 12 quốc gia tham gia đàm phán, trong đó có những đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia, Singapore. Với sự tham gia của các nền kinh tế lớn trên thế giới, TPP trở thành khu vực kinh tế với hơn 790 triệu  dân, đóng góp 40% GDP và chiếm 1/3 thương mại toàn cầu.

       TPP được đánh giá là Hiệp định mẫu mực cho thế kỷ XXI, không chỉ vì nó là Hiệp định lớn mà còn ở tầm vóc và sức ảnh hưởng của nó. Về phạm vi, so với Hiệp định Thương mại song phương (BTA), Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) và trong WTO, TPP mở rộng hơn bao gồm cả về thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư và sở hữu trí tuệ. Ngoài ra, còn có các vấn đề phi thương mại như mua sắm Chính phủ, môi trường, lao động, công đoàn, hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ...

    Các lĩnh vực đàm phán chính của TPP

      Một số nội dung đàm phán nổi bật, nhạy cảm khi tham gia TPP là:

  • Thương mại hàng hóa
  • Mở cửa thị trường và dịch vụ đầu tư.
  • Sở hữu trí tuệ
  • Mua sắm Chính phủ, doanh nghiệp nhà nước, lao động, công đoàn
  • Các rào cản kỹ thuật (Hiệp định về Hàng rào kỹ thuật đối với Thương mại - TBT, Hiệp định về việc áp dụng các Biện pháp kiểm dịch động thực vật - SPS)
  • Chống tham nhũng
  • Bảo vệ môi trường

   Cơ hội cho Việt Nam

      Theo đánh giá của các chuyên gia trong nước cũng như quốc tế, khi tham gia "sân chơi" này, Việt Nam sẽ có những cơ hội:

  • Cải thiện cơ cấu thị trường xuất nhập khẩu
  • Mở thêm thị trường cho hàng hóa của Việt Nam
  • Tham gia các chuỗi sản xuất khu vực và quốc tế
  • Tạo thuận lợi cho tái cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng
  • Hoàn thiện môi trường thể chế
  • Tăng tính hấp dẫn với đầu tư nước ngoài và đầu tư trong nước, tạo năng lực sản xuất mới và tạo việc làm cho người lao động

        Sở dĩ Việt Nam có cơ hội trên vì mục tiêu chính của TPP là giảm thuế và những rào cản hàng hoá cho dịch vụ. Khi các dòng thuế giảm xuống, Việt Nam có thể gia tăng xuất khẩu quần áo, giày dép, hải sản và nhiều mặt hàng khác vốn là thế mạnh của mình vào các thị trường lớn, đặc biệt là Hoa Kỳ - thị trường lớn nhất trong TPP, mà không phải cạnh tranh với sản phẩm của một số nước khác (đặc biệt là hàng hóa Trung Quốc).

        Có thể nói, việc mở rộng giao lưu thương mại với Hoa Kỳ và đầu tư nước ngoài gia tăng là yếu tố quan trọng giúp kinh tế Việt Nam phát triển. Những nước TPP sẽ là nguồn cung cấp vốn đầu tư nước ngoài cho Việt Nam. Với tình trạng kinh tế trì trệ như hiện nay, Việt Nam cần vốn đầu tư nước ngoài hơn bao giờ hết. Nếu có một chính sách đầu tư nước ngoài khéo léo, Việt Nam có thể học hỏi và phát triển những ngành công nghiệp cao từ những nước TPP.

       Theo kết quả nghiên cứu của Peter A. Petri, Michael G. Plummer và Fan Zhai vào cuối năm 2012, thì việc gia nhập TPP sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng 46 tỉ USD, tức khoảng 13,6%. Khi TPP được ký kết, GDP của Việt Nam sẽ tăng thêm khoảng 26,2 tỉ USD và sẽ tăng lên 37,5 tỉ USD nếu Nhật Bản tham gia TPP.

        Bên cạnh đó, trong số 11 đối tác đang  đàm phán với Việt Nam, hiện có 7 đối tác có quan hệ thương mại tự do với  nước ta; 4 đối tác còn lại (Hoa Kỳ, Canada, Mexico, Peru), chưa thiết lập quan hệ thương mại tự do nên cơ hội chủ yếu của Việt Nam sẽ mở rộng ở 4 thị trường này. Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) kỳ vọng, TPP sẽ mang về cho Việt Nam kim ngạch xuất khẩu 30 tỷ USD vào năm 2020 và cán mức 55 tỷ USD vào năm 2030.

       Ba lĩnh vực mà Việt Nam có thể tận dụng lợi thế khi tham gia TPP để tập trung phát triển nhằm đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn tới là:

  • Nhóm hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam (gồm nông sản, dệt may, da giầy và đồ gỗ nội thất) sẽ được hưởng rất nhiều ưu đãi khi Việt Nam tham gia vào TPP.
  • Lĩnh vực cơ sở hạ tầng, vì đây là nền tảng để hàng hóa của các nước thành viên được luân chuyển trong khu vực.
  • Cơ hội đầu tư vào ASEAN, với quy mô 600 triệu dân và GDP đạt 1.800 tỷ USD, thì ASEAN là khu vực có tiềm năng phát triển về tiêu dùng và đầu tư tương đối lớn.

    Thách thức cho Việt Nam

      TPP nêu ra một số vấn đề nồng cốt mà Việt Nam sẽ phải thỏa mãn, đồng thời cũng là thách thức đối với Việt Nam như:

      * Về thương mại hàng hóa, với một số chủng loại nông sản mà Hoa Kỳ và một số nước khác trong TPP (Australia, New Zealand, Chile) có thế mạnh, sức ép cạnh tranh là khá lớn khi thuế được đưa về 0%, trong đó nổi bật là thịt lợn, thịt gà. Đây là những mặt hàng ta đã sản xuất được nhưng sức cạnh tranh còn yếu. Một số nông sản khác cũng sẽ gặp khó khăn nhưng ở mức độ nhẹ hơn vì những sản phẩm này ta vẫn phải nhập khẩu với số lượng lớn, trong nước dù sao cũng đã quen với cạnh tranh, đó là sản phẩm sữa, đậu tương, ngô và nguyên liệu sản xuất thức ăn gia súc.

         Một số sản phẩm công nghiệp mà bạn hàng TPP có thế mạnh cũng có thể gây khó khăn cho sản xuất của ta, thí dụ như giấy, thép, ô tô. Tuy nhiên, có cơ sở để cho rằng sức ép cạnh tranh sẽ không lớn vì sản phẩm của ta hướng đến phân khúc thị trường trung bình trong khi sản phẩm của các nước TPP thường hướng đến phân khúc thị trường cao cấp.

        Một số sản phẩm các nước TPP có sản xuất, thuế nhập khẩu của ta đang được duy trì ở mức cao, nhưng việc hạ thuế về 0% chủ yếu sẽ gây giảm thu thuế nhập khẩu là chính, không gây ra sức ép cạnh tranh, bao gồm: bánh kẹo, chất tẩy rửa, đồ trang sức, sản phẩm kim loại (chủ yếu là đồ bếp), điều hòa không khí, đồ nội thất, xe mô-tô phân khối lớn, rượu, thuốc lá.

       Để vượt qua thách thức này, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp – chăn nuôi, Việt Nam phải hết sức nỗ lực, biến thách thức thành cơ hội đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế.

      * Về thương mại dịch vụ và đầu tư, mở cửa thị trường dịch vụ – đầu tư sẽ không ảnh hưởng tới quyền chủ động của Nhà nước trong quản lý, cụ thể là không ảnh hưởng tới quyền áp dụng các biện pháp quản lý không mang tính phân biệt đối xử, theo các tiêu chí minh bạch, áp dụng chung.

       Với các lĩnh vực còn lại, kết quả đàm phán dự kiến sẽ không gây xáo trộn lớn vì đa phần tương đương với độ mở hiện hành.

       * Về hoàn thiện khung khổ pháp luật, thể chế, để thực thi cam kết trong TPP, sẽ phải điều chỉnh, sửa đổi một số quy định pháp luật về thương mại, đầu tư, đấu thầu, sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường … Tuy nhiên, như kinh nghiệm gia nhập WTO đã chỉ ra, với sự chuẩn bị nghiêm túc và nỗ lực cao độ, Việt Nam có thể thực hiện thành công khối lượng công việc này, nhất là khi ta được quyền thực hiện theo lộ trình.
     * Thách thức về xã hội,cạnh tranh tăng lên khi tham gia TPP có thể làm cho một số doanh nghiệp, trước hết là các doanh nghiệp vẫn dựa vào sự bao cấp của Nhà nước, các doanh nghiệp có công nghệ sản xuất và kinh doanh lạc hậu rơi vào tình trạng khó khăn, kéo theo đó là khả năng thất nghiệp trong một bộ phận lao động sẽ xảy ra. Tuy nhiên, do phần lớn các nền kinh tế trong TPP không cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam, nên ngoại trừ một số ít sản phẩm nông nghiệp, dự kiến tác động này là có tính cục bộ, quy mô không đáng kể và chỉ mang tính ngắn hạn.
      * Thách thức về thu ngân sách, do tỷ trọng thu ngân sách từ thuế nhập khẩu đang giảm dần qua các năm, việc xóa bỏ thuế nhập khẩu lại được thực hiện theo lộ trình, nên về cơ bản sẽ không gây tác động lớn và đột ngột. Bên cạnh đó, khi xóa bỏ thuế nhập khẩu theo lộ trình, thu từ thuế nhập khẩu có thể giảm nhưng bù lại, số thu từ các sắc thuế khác sẽ tăng lên do sản xuất, kinh doanh phát triển, không những đủ để bù đắp số thu mất đi từ thuế nhập khẩu mà còn bổ sung thêm cho ngân sách nhà nước. Việc tính toán tác động của Hiệp định TPP lên nguồn thu từ hàng nhập khẩu, vì vậy, cần được nhìn theo cả 2 hướng.

Tác giả bài viết: Trần Hằng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây