Những điểm cần chú ý khi nghiên cứu và áp dụng luật doanh nghiệp hiện hành cho sinh viên ngành kinh tế

Thứ năm - 14/12/2017 16:19

       Tên “Luật Doanh nghiệp” lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam là Luật Doanh nghiệp 2005. Trước đó Việt Nam có Luật công ty 1990, luật này có phạm vi điều chỉnh hẹp hơn. Kể từ khi ra đời, Luật doanh nghiệp năm 2005 đã có sự đóng góp đáng kể vào quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật kinh doanh, từng bước xây dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi cho doanh nghiệp.

          Tuy nhiên, trải qua gần 10 năm đi vào thực tế, Luật doanh nghiệp 2005 đã dần bộc lộ những hạn chế, chưa thực sự phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội, phần nào gây khó khăn đến hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh đất nước đang hội nhập kinh tế quốc tế. Vì vậy, việc sửa đổi Luật doanh nghiệp cho phù hợp với xu hướng hiện hành là cần thiết, cấp bách để đáp ứng được môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi cho doanh nghiệp.

           Ngày 26/11/2014, Quốc hội đã thông qua Luật Doanh nghiệp năm 2014, có hiệu lực kể từ 01/7/2015 – đây là Luật doanh nghiệp hiện hành của Việt Nam. So với Luật Doanh nghiệp năm 2005, Luật Doanh nghiệp năm 2014 có nhiều sửa đổi nhằm tháo gỡ những vướng mắc, bất cập cho các doanh nghiệp, tiếp tục tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp và phù hợp với thông lệ quốc tế. Chính vì vậy, nếu không tìm hiểu kỹ Luật Doanh nghiệp hiện hành, sinh viên ngành Kinh tế có thể có một số nhầm lẫn về các quy định trong Luật Doanh nghiệp. Bài viết sau đây sẽ giới thiệu một số điểm sửa đổi cần chú ý của Luật Doanh nghiệp hiện hành.

  1. Về nội dung giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

          Trước kia, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có 9 nội dung: 1. Tên công ty; 2. Trụ sở chính; 3. Ngành nghề kinh doanh; 4. Vốn điều lệ; 5. Vốn pháp định; 6. Thông tin thành viên góp vốn; 7. Thông tin người đại diện trước pháp luật; 8. Thông tin chi nhánh công ty; 9. Thông tin địa điểm đăng ký kinh doanh.

4

Hình 1. Mẫu giấy chứng nhận ĐKKD trước đây

        Nay theo Luật doanh nghiệp 2014 nội dung trên giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp còn lại 4 nội dung: 1. Tên công ty; 2. Địa chỉ trụ sở chính; 3. Vốn điều lệ công ty; 4. Thông tin người đại diện trước pháp luật.

2

Hình 2. Mẫu giấy chứng nhận ĐKKD hiện nay

         Mục đích của việc rút gọn nội dung trên giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh: Để hạn chế việc thay đổi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nhiều lần, mất thời gian cho doanh nghiệp;

  1. Ngành nghề kinh doanh

        Theo Luật doanh nghiệp 2014, trên giấy phép đăng ký kinh doanh bỏ không ghi ngành nghề kinh doanh (công ty vẫn phải đăng ký ngành nghề kinh doanh khi thành lập mới nhưng ghi ngành nghề kinh doanh trong hồ sơ đăng ký kinh doanh ban đầu).

        Theo Luật doanh nghiệp 2005 thì ngành nghề kinh doanh được ghi trên giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, điều này rất bất tiện. Nếu công ty đăng ký hàng trăm ngành nghề, dẫn đến giấy phép đăng ký kinh doanh có rất nhiều tờ; và nếu doanh nghiệp thay đổi, bổ sung ngành nghề kinh doanh thường xuyên để phù hợp với tình hình kinh doanh của thị trường thì phải thay đổi cả giấy đăng ký kinh doanh.

          Để tránh việc thay đổi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nhiều lần, khi thay đổi ngành nghề kinh doanh, Luật doanh nghiệp 2014 bỏ ghi phần ngành nghề trên giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khi muốn chớp cơ hội để kinh doanh ngành nghề mới phát sinh mà không có ngành nghề trong hồ sơ đăng ký kinh doanh ban đầu.

  1. Người đại diện trước pháp luật

         Luật doanh nghiệp 2014 cho phép Công ty TNHH và công ty Cổ phần có thể có một hoặc nhiều hơn một người đại diện trước pháp luật (Luật doanh nghiệp 2005 chỉ có một người đại diện trước pháp luật).

         Doanh nghiệp phải bảo đảm luôn có ít nhất một người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam. Trường hợp doanh nghiệp chỉ có một người đại diện theo pháp luật thì người đó phải cư trú ở Việt Nam và phải ủy quyền bằng văn bản cho người khác thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật khi xuất cảnh khỏi Việt Nam. Trường hợp này, người đại diện theo pháp luật vẫn phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện quyền và nghĩa vụ đã ủy quyền.

        Mục đích của quy định này nhằm giúp cho doanh nghiệp có thể chủ động và cơ động hơn trong việc ký kết hợp đồng.

  1. Điều kiện tiến hành cuộc họp công ty TNHH 2 thành viên trở lên và công ty Cổ phần

       Đối với công ty TNHH 2 thành viên trở lên: Cuộc họp Hội đồng thành viên được tiến hành khi có số thành viên dự họp sở hữu ít nhất 65% vốn điều lệ; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định; Luật Doanh nghiệp 2005 quy định Cuộc họp Hội đồng thành viên được tiến hành khi có số thành viên dự họp đại diện ít nhất 75% vốn điều lệ; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định. Như vậy so với Luật 2005 thì luật Doanh nghiệp 2014 đã giảm tỉ lệ để tiến hành cuộc họp công ty TNHH 2 thành viên xuống.

       Đối với công ty Cổ phần: Cuộc họp Đại hội đồng cổ đông được tiến hành khi có số cổ đông dự họp đại diện ít nhất 51% tổng số phiếu biểu quyết; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định; Luật Doanh  nghiệp 2005 quy định Cuộc họp Đại hội đồng cổ đông được tiến hành khi có số cổ đông dự họp đại diện ít nhất 65% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định. Như vậy so với Luật Doanh nghiệp 2005 thì luật Doanh nghiệp 2014 đã giảm tỉ lệ để tiến hành cuộc họp của công ty cổ phần xuống.

  1. Tăng giảm vốn điều lệ của công ty TNHH một thành viên

      Tại khoản 1 điều 87 luật Doanh nghiệp 2014 cho phép công ty TNHH một thành viên được thay đổi vốn điều lệ trong trường hợp: Hoàn trả một phần vốn góp trong vốn điều lệ của công ty nếu đã hoạt động kinh doanh liên tục trong hơn 02 năm, kể từ ngày đăng ký doanh nghiệp và bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác sau khi đã hoàn trả cho chủ sở hữu; Không góp đủ vốn điều lệ đã đăng ký sau thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

        Nhưng trong Luật Doanh nghiệp 2005, tại khoản 1 điều 76 quy định công ty TNHH một thành viên “không được giảm vốn điều lệ”.

         Như vậy, theo Luật Doanh nghiệp 2014, công ty TNHH một thành viên được giảm vốn điều lệ. Điều này giúp chủ sở hữu công ty có thể điều chỉnh vốn kinh doanh phù hợp với tình hình hiện tại để tối ưu hóa nguồn vốn kinh doanh của mình.

  1. Doanh nghiệp nhà nước

         Theo Luật Doanh nghiệp 2014, doanh nghiệp Nhà nước phải là doanh nghiệp sở hữu 100% vốn điều lệ (trong Luật Doanh nghiệp 2005 quy định Doanh nghiệp Nhà nước sở hữu trên 51% vốn điều lệ).

        Như vậy, những doanh nghiệp ngoài phần vốn góp của Nhà nước có có  phần vốn góp của các cá nhân, tổ chức khác sẽ không phải hoạt động theo quy định của doanh nghiệp Nhà nước, điều này cho phép doanh nghiệp có nhiều cơ hội tổ cạnh tranh hơn.

        Đối với các bạn sinh viên khối ngành kinh tế, hiểu biết luật kinh tế là điều vô cùng cần thiết cho công việc sau này. Tuy nhiên, với môi trường kinh tế luôn biến động, Nhà nước muốn tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp phát triển thì phải sửa đổi những quy định pháp lý cho phù hợp với tình hình hiện tại. Vì vậy mỗi cá nhân hoạt động trong lĩnh vực kinh tế cần phải cập nhật những thay đổi của quy định pháp lý kịp thời để đảm bảo làm việc đúng pháp luật. Trên đây là một số điểm cần chú ý của Luật doanh nghiệp hiện hành so với Luật doanh nghiệp 2005, hy vọng bài viết này sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích cho các bạn. Chúc các bạn thành công!

Tác giả: Nguyễn Thủy

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây