Đối với các doanh nghiệp sản xuất gạch, sự cạnh tranh về giá cả diễn ra giữa các doanh nghiệp ngày càng khốc liệt. Mặt khác, hoạt động sản xuất gạch còn gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường, do đó các chi phí bảo vệ môi trưởng, đổi mới công nghệ tại các doanh nghiệp sản xuất gạch ảnh hưởng đáng kể đến giá thành sản phẩm. Việc kiểm soát chi phí, phân tích thông tin và đưa ra quyết định trong sản xuất kinh doanh có tính quyết định đến sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp sản xuất gạch. Để làm tốt công tác này, doanh nghiệp phải xây dựng được hệ thống báo cáo quản trị chi phí hợp lý, thu thập được thông tin một cách chi tiết, kịp thời, phản ánh đúng bản chất chi phí phát sinh làm cơ sở cho việc phân tích thông tin và ra quyết định.
Việc tổ chức công tác kế toán quản trị chi phí sản xuất được thể hiện thông qua các báo cáo sản xuất do doanh nghiệp thực hiện. Báo cáo sản xuất là báo cáo chi tiết về tình hình chi phí phát sinh tại phân xưởng và kết quả hoàn thành nhằm cung cấp thông tin cho các cấp quản trị để từ đó có các quyết định thích hợp. Thực chất báo cáo sản xuất mô tả các hoạt động sản xuất nhằm đánh giá trách nhiệm của Quản đốc phân xưởng hay đội trưởng đội sản xuất.
Đối với các doanh nghiệp sản xuất gạch là doanh nghiệp có đặc điểm sản xuất khá phức tạp, sản phẩm trải qua nhiều giai đoạn sản xuất. Mặt khác, chủng loại gạch cũng rất đa dạng, một phân xưởng hoặc một quy trình sản xuất có thể đồng thời sản xuất ra nhiều loại sản phẩm khác nhau như: gạch 2 lỗ, gạch 4 lỗ, gạch 6 lỗ…
Để quản lý và tính toán chính xác, đầy đủ, kịp thời các yếu tố chi phí phát sinh ở từng phân xưởng, từng giai đoạn chi tiết cho từng đối tượng chịu chi phí, doanh nghiệp phải xây dựng được hệ thống báo cáo sản xuất hợp lý, theo dõi phản ánh được các chi phí phát sinh ở từng phân xưởng, giai đoạn.
Ảnh hưởng của ngành sản xuất gạch không chỉ phụ thuộc vào loại hình chế biến, mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như quy mô sản xuất, sản phẩm, nguyên vật liệu đầu vào, trình độ công nghệ sản xuất, trình độ tổ chức quản lý sản xuất. Trong đó, yếu tố công nghệ và tổ chức quản lý sản xuất có ảnh hưởng quyết định đến vấn đề bảo vệ môi trường của DN. Do vậy, các thông tin liên quan đến tài sản môi trường (thiết bị xử lý chất thải, kiểm soát chất thải…) nợ phải trả môi trường (khoản nợ phải trả về xử lý ô nhiễm, các khoản dự phòng nợ phải trả môi trường về làm sạch ô nhiễm, di dời nhà máy…), thu nhập về môi trường (thu từ bán rác thải, phế thải, các khoản trợ cấp,…) cần phải được cung cấp bởi hệ thống báo cáo kế toán doanh nghiệp giúp cho các đối tượng sử dụng thông tin thuận tiện trong việc so sánh, phân tích đánh giá ảnh hưởng của vấn đề môi trường đến tình hình tài chính, đánh giá rủi ro môi trường và đồng thời giúp các nhà quản trị DN kiểm soát và quản trị tốt hơn chi phí môi trường trong DN.
Về đặc điểm tổ chức bộ máy quản lý và tổ chức bộ máy kế toán. Hầu hết các DN sản xuất gạch đều có bộ máy tổ chức quản lý theo mô hình giản đơn và trực tuyến - chức năng, tức là nhà quản trị cấp cao (giám đốc, chủ tịch hội đồng quản trị) trực tiếp điều hành hoạt động của các DN, trong đó từng nhiệm vụ chuyên môn do các bộ phận chức năng trong đơn vị đảm nhiệm. Tổ chức bộ máy kế toán hầu hết các DN sản xuất gạch đang áp dụng mô hình kế toán tập trung chiếm khoảng 94%. Các DN sản xuất gạch đã thực hiện công tác KTQT tuy nhiên chưa xây dựng bộ máy KTQT riêng mà kết hợp chung với KTTC. Điều này ảnh hưởng đến tính chuyên môn hoá và hệ thống trong việc lập các báo cáo quản trị chi phí của doanh nghiệp.
Nhằm giúp các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tổ chức tốt công tác kế toán, Bộ tài chính đã ban hành thông tư 53/2006/TT- BTC hướng dẫn áp dụng kế toán quản trị trong DN, trong đó đưa ra nguyên tắc tổ chức hệ thống thông tin kế toán quản trị: Việc tổ chức hệ thống thông tin kế toán quản trị không bắt buộc phải tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc kế toán và có thể được thực hiện theo những quy định nội bộ của doanh nghiệp nhằm tạo lập hệ thống thông tin quản lý thích hợp theo yêu cầu quản lý cụ thể của từng doanh nghiệp. Doanh nghiệp được toàn quyền quyết định việc vận dụng các chứng từ kế toán, tổ chức hệ thống sổ kế toán, vận dụng và chi tiết hoá các tài khoản kế toán, thiết kế các mẫu báo cáo kế toán quản trị cần thiết phục vụ cho kế toán quản trị của đơn vị. Thông tư cũng đưa ra một số mẫu báo cáo kế toán quản trị bao gồm:
* Báo cáo tình hình thực hiện:
- Báo cáo doanh thu, chi phí và lợi nhuận của từng loại sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ;
- Báo cáo khối lượng hàng hoá mua vào và bán ra trong kỳ theo đối tượng khách hàng, giá bán, chiết khấu và các hình thức khuyến mại khác;
- Báo cáo chi tiết khối lượng sản phẩm (dịch vụ) hoàn thành, tiêu thụ;
- Báo cáo chấp hành định mức hàng tồn kho;
- Báo cáo tình hình sử dụng lao động và năng suất lao động;
- Báo cáo chi tiết sản phẩm, công việc hoàn thành;
- Báo cáo cân đối nhập, xuất, tồn kho nguyên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hoá;
- Báo cáo chi tiết nợ phải thu theo thời hạn nợ, khách nợ và khả năng thu nợ;
- Báo cáo chi tiết các khoản nợ vay, nợ phải trả theo thời hạn nợ và chủ nợ;
- Báo cáo bộ phận lập cho trung tâm trách nhiệm;
- Báo cáo chi tiết tăng, giảm vốn chủ sở hữu.
* Báo cáo phân tích:
- Phân tích mối quan hệ giữa chi phí, khối lượng và lợi nhuận;
- Phân tích tình hình tài chính của doanh nghiệp;
- Phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến tình hình thực hiện kế hoạch sản xuất và tài chính;
Hiện nay, tại các doanh nghiệp sản xuất gạch trên địa bàn tỉnh Hải Dương công tác lập báo cáo quản trị chi phí đã được một số doanh nghiệp quan tâm, tuy nhiên về cơ bản các báo cáo còn chưa đầy đủ và có hệ thống.
* Đối với báo cáo thực hiện:
Trong các doanh nghiệp sản xuất gạch, chủng loại sản phẩm thường đa dạng, nhiều kích cỡ và phẩm cấp khác nhau, do đó việc lập các báo cáo quản trị càng chi tiết cho các đối tượng sản xuất càng có ý nghĩa quan trọng trong việc đánh giá và ra quyết định của nhà quản trị. Tuy vậy, qua khảo sát cho thấy các doanh nghiệp chủ yếu mới chỉ thực hiện các báo cáo trên cơ sở số liệu sẵn có từ công tác kế toán tài chính như: Báo cáo công nợ phải trả, phải thu, báo cáo tổng hợp nhập xuất tồn kho vật tư, báo cáo hoạt động sản xuất kinh doanh...Các báo cáo về doanh thu, chi phí, báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh mới chỉ dừng lại ở dạng báo cáo tổng hợp mà không chi tiết cho các loại sản phẩm, phẩm cấp, kích cỡ sản phẩm.
Đối với báo cáo về dự toán chi phí, tình hình chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm, hầu hết các doanh nghiệp đã thực hiện các báo cáo về dự toán chi phí trên cơ sở định mức vật liệu sản xuất cho từng loại sản phẩm. Các báo cáo về quản trị chi phí sản xuất như lập các bảng tính giá thành cho từng loại sản phẩm cũng được hầu hết các doanh nghiệp quan tâm để làm cơ sở cho các nhà quản trị doanh nghiệp kiểm soát chi phí và ra quyết định. Đối với các báo cáo về giá thành sản phẩm: Trong cùng một quy trình sản xuất gạch thông thường cho ra những sản phẩm khác nhau như gạch 2 lỗ, 4 lỗ, 6 lỗ, các phẩm cấp loại 1, loại 2… hoặc trọng lượng khác nhau. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp chưa thực hiện phân bổ chi phí hoặc vận dụng các phương pháp như hệ số, tỷ lệ để tính giá thành cho từng loại sản phẩm. Một số doanh nghiệp không thực hiện tính giá thành cho từng sản phẩm mà chỉ tập hợp chi phí toàn bộ các sản phẩm trên cơ sở hạch toán kế toán tài chính trên tài khoản 154. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến các báo cáo về kết quả kinh doanh, báo cáo bán hàng của doanh nghiệp chưa được phản ánh chi tiết theo từng mặt hàng cụ thể. Mặt khác, trong quá trình sản xuất gạch phát sinh các sản phẩm hỏng, phế liệu từ sản xuất nhưng hầu hết các doanh nghiệp đều chưa phản ánh và bóc tách các chi phí này trên các báo cáo chi phí sản xuất. Việc tổ chức theo dõi và báo cáo theo các trung tâm chi phí (phân xưởng, tổ, đội) và xác định trách nhiệm trung tâm chi phí không rõ ràng đặc biệt là doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp tuy có thực hiện lập báo cáo quản trị nhưng chưa đầy đủ và đôi khi chỉ thực hiện với mục tiêu tuân thủ quy định chung của chế độ tài chính kế toán hiện hành hơn là phục vụ quản trị doanh nghiệp như bảng định mức vật tư, báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh….
* Đối với báo cáo chi phí môi trường
Hiện nay, số lượng doanh nghiệp sản xuất gạch nung từ đất sét còn chiếm tỷ trọng lớn, tuy nhiều doanh nghiệp đã đổi mới công nghệ từ lò đốt thủ công sang lò tuynel để hạn chế ô nhiễm môi trường nhưng vấn đề này vẫn chưa được giải quyết triệt để. Trong quá trình sản xuất còn phát sinh nhiều loại chất thải gây ảnh hưởng đến môi trường.
Theo quyết định số: 1469/QĐ-TTg ngày 22/8/2014 của Thủ tướng chính phủ về quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng việt nam đến năm 2020 và định hướng dẫn năm 2030 như sau: “Quy hoạch năm 2015: Tổng công suất thiết kế gạch đất sét nung trên toàn quốc chiếm tối đa 80% tổng sản lượng vật liệu xây, tương đương khoảng 21 tỷ viên quy tiêu chuẩn. Năm 2020: Tổng công suất thiết kế gạch đất sét nung trên toàn quốc chiếm tối đa 60% tổng sản lượng vật liệu xây, tương đương khoảng 18 tỷ viên quy tiêu chuẩn. Đối với các cơ sở đang sản xuất gạch đất sét nung bằng lò tuy nen, phải tiếp tục đầu tư hoàn thiện và cải tiến công nghệ để giảm tiêu hao nguyên, nhiên liệu, tiết kiệm tài nguyên; đối với các tỉnh miền Nam khuyến khích đầu tư công nghệ lò tuy nen sử dụng nhiên liệu trấu và mùn cưa”.
Như vậy, ngoài những chi phí liên quan trực tiếp đến sản xuất sản phẩm, doanh nghiệp sản xuất gạch còn phải chi trả các khoản chi phí xử lý chất thải, bảo vệ môi trường do áp lực từ phía chính quyền cũng như yêu cầu tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. Tuy nhiên thực trạng cho thấy các doanh nghiệp sản xuất gạch đều không theo dõi báo cáo các chi phí bảo vệ môi trường mà đưa vào chi phí sản xuất chung của sản phẩm, do đó các nhà quản lý kinh tế không thể thấy được quy mô và tính chất của chi phí môi trường nói chung và từng khoản chi phí môi trường nói riêng.
* Đối với báo cáo phân tích
Theo khảo sát của tác giả nhận thấy hầu hết các doanh nghiệp không chú trọng đến công tác phân tích kinh doanh nói chung và phân tích dự toán cụ thể nói riêng. Đa phần các doanh nghiệp cũng chỉ thực hiện phân tích định kỳ theo quý, năm và cũng chỉ phân tích một số chỉ tiêu cơ bản để đưa ra nhận xét đánh giá chung chung, chủ yếu là so sánh số liệu thực tế với dự toán, kế hoạch ở một số chỉ tiêu cơ bản, những nội dung mang tính “truyền thống”; chưa đi phân tích sâu sắc, tỉ mỉ và tìm nguyên nhân cho những kết quả đó. Và quan trọng hơn cả, ở hầu hết các DN, việc phân tích nếu được thực hiện thì chỉ thực hiện phân tích sau khi kết thúc quá trình kinh doanh, không phân tích trước và trong quátrình thực hiện dự toán, việc tiến hành phân tích điểm hoà vốn, thực hiện phân tích mối quan hệ chi phí - khối lượng - lợi nhuận không được chú trọng. Việc lập Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh dạng lãi trên biến phí gần như không có ở các doanh nghiệp hiện nay, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa. Do đó, việc lập các báo cáo phân tích nhằm mục đích tổng kết lại, không phản ánh tính linh hoạt trong thông tin kế toán quản trị, giảm khả năng phục vụ cho những quyết định mang tính chất tức thời của nhà quản trị.
Thứ nhất: Chế độ kế toán đã ban hành thông tư 53/2006/TT- BTC hướng dẫn áp dụng kế toán quản trị trong DN song các DN vẫn rất khó áp dụng, thậm chí một số mẫu báo cáo kế toán quản trị như Báo cáo sản xuất còn thiếu logic trong sắp xếp các chỉ tiêu trên biểu, tính hiện thực chưa cao. Các nội dung hướng dẫn của thông tư 53/2006/TT- BTC còn chung chung và nhận thức về vai trò và tầm quan trọng của thông tin kế toán quản trị cung cấp tại các DN chưa cao.
Thứ hai: Bản thân các doanh nghiệp chưa nhận thức được tầm quan trọng của các báo cáo quản trị chi phí sản xuất đối với doanh nghiệp trong việc kiểm soát chi phí và đưa ra quyết định trong sản xuất kinh doanh
Thứ ba: Đội ngũ kế toán được tổ chức trong các doanh nghiệp chưa đáp ứng được trình độ chuyên môn về lĩnh vực kế toán quản trị, phân tích tài chính.
* Đối với Nhà nước
Thứ nhất: Nhà nước cần tạo môi trường cho kế toán quản trị phát triển, hiện tại Thông tư số 53/2006/TT-BTC chỉ mới hướng dẫn chung mà chưa chi tiết, cụ thể về cách thức vận dụng. Chính vì vậy Bộ Tài Chính cần có các thông tư hướng dẫn cụ thể hơn về cách thức vận dụng, phạm vi và nội dung vận dụng, mô hình hóa công tác kế toán quản trị vào một số loại hình doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. Các báo cáo quản trị chi phí cần có hướng dẫn cụ thể hơn tạo thuận lợi cho công tác kế toán quản trị chi phí tại doanh nghiệp.
Thứ hai: Nhà nước có chính sách hỗ trợ cần thiết để doanh nghiệp sản xuất gạch có thể tiếp cận, chuyển giao kế toán QTCP từ các nước có nền kinh tế phát triển đã vận dụng thành công kế toán QTCP trên thế giới tạo tiền đề cho việc vận dụng tại doanh nghiệp sản xuất. Đào tạo chuẩn hóa về kế toán QTCP tại các trường đại học. Trong công tác đào tạo cần có sự đổi mới cả về nội dung và phương thức đào tạo. Về nội dung cần đưa vào các phương pháp kế toán QTCP hiện đại vào giảng dạy. Về phương thức đào tạo tăng cường tính chủ động sáng tạo và tính thực tiễn tại đơn vị đồng thời phát triển ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác đào tạo nhằm đảm bảo tính hữu hiệu trong công tác kế toán QTCP.
* Đối với các doanh nghiệp sản xuất gạch
Về trình độ nhân viên kế toán:
Để hệ thống báo cáo kế toán QTCP thực sự đạt được hiệu quả thì khi triển khai tại các doanh nghiệp sản xuất gạch cần nhìn nhận đúng từ hai phía: Nhà quản trị (người cần thông tin) và nhân viên kế toán quản trị (người cung cấp thông tin). Nhà quản trị cần phải nắm rõ thông tin mình cần là gì và yêu cầu cụ thể đối với nhân viên kế toán, đồng thời nhà quản trị cần định hướng thông tin rõ ràng thông qua cụ thể hóa các chiến lược kinh doanh, mục tiêu của doanh nghiệp. Nhân viên kế toán quản trị: trường hợp nhân viên đã làm lâu năm tại doanh nghiệp cần được bồi dưỡng công tác kế toán quản trị và tham khảo mô hình kế toán quản trị thành công; đối với nhân viên mới phải được đào tạo chuyên môn kế toán quản trị mới được tuyển dụng.
Về tổ chức quản lý sản xuất kinh doanh ở doanh nghiệp:
Các doanh nghiệp cần căn cứ vào điều kiện cụ thể, quy mô sản xuất kinh doanh, cơ chế quản lý tài chính. Các doanh nghiệp sản xuất gạch cần hoàn thiện cơ chế quản lý với sự phân cấp quản lý. Xác định mối quan hệ giữa các bộ phận trong hoạt động tác nghiệp và mối quan hệ giữa các thành viên trong bộ máy kế toán. Chủ động xây dựng bộ máy kế toán QTCP với doanh nghiệp từ đó từng bước vận dụng các nội dung của kế toán QTCP phù hợp, hoàn thiện hệ thống báo cáo quản trị chi phí trong doanh nghiệp.
Đối với các chi phí về bảo vệ môi trường các doanh nghiệp chủ động hạch toán chi phí liên quan đến môi trường bằng việc mở các tài khoản chi tiết nội bộ như tài khoản 154 để tập hợp các chi phí bỏ ra liên quan đến hoạt động bảo vệ môi trường. Lập các báo cáo về chi phí và lợi ích thu được từ việc bảo vệ môi trường…
Ứng dụng công nghệ thông tin
Cần nâng cao sự kết nối giữa kế toán quản trị QTCP với công nghệ thông tin. Hiện tại các doanh nghiệp sản xuất gạch đều đã ứng dụng phần mềm kế toán, đây chính là nhân tố quan trọng trong sự thành công của kế toán quản trị chi phí tại doanh nghiệp.
Tác giả bài viết: Đinh Thị Kim Thiết
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn