Tăng trưởng xanh – Mô hình tăng trưởng mới trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế

Thứ hai - 18/09/2017 10:08

         Tại Việt Nam, "tăng trưởng xanh" tuy đã được nhiều địa phương quan tâm, một số doanh nghiệp lớn đã ứng dụng nhưng tầm quan trọng vẫn chưa được thực sự đề cao so với việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Chính vì thế, phần lớn người dân và doanh nghiệp chưa có nhận thức đầy đủ về sự cấp thiết của tăng trưởng xanh. Đây sẽ là điểm yếu đặc biệt đối với doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, khi các công ty mong muốn thu hút nguồn vốn và tìm kiếm khách hàng, đối tác từ nước ngoài. Ngày nay, các tổ chức tài chính chuyên nghiệp đều có chỉ tiêu về tăng trưởng xanh trong đánh giá đầu tư, và người tiêu dùng ngày càng nhạy cảm hơn đối với những hoạt động ảnh hưởng tới môi trường của doanh nghiệp. Do đó, vấn đề làm gì và làm như thế nào để doanh nghiệp Việt Nam có thể phát triển bền vững theo chiến lược tăng trưởng xanh vẫn là nỗi trăn trở của các nhà quản lý hiện nay.

        Xuất phát từ những vấn đề đó, trong khuôn khổ bài viết này, tác giả đưa ra những nội dung căn bản của tăng trưởng xanh và vai trò của tăng trưởng xanh trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế

  1. Lý thuyết về tăng trưởng xanh
xanh

        Theo quan điểm OECD: “Tăng trưởng xanh là thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế, đồng thời đảm bảo các nguồn tài sản tự nhiên tiếp tục cung cấp các tài nguyên và dịch vụ môi trường thiết yếu cho cuộc sống của chúng ta. Để thực hiện điều này, tăng trưởng xanh phải là nhân tố xúc tác trong việc đầu tư và đổi mới, là cơ sở cho sự tăng trưởng bền vững và tăng cường tạo ra các cơ hội kinh tế mới”.

        Quan điểm của UNESCAP cho rằng: “Tăng trưởng xanh là cách tiếp cận để đạt được tăng trưởng kinh tế, chính trị xã hội trong sự hạn chế về môi trường và nguồn tài nguyên thiên nhiên, hay nói cách khác đi tăng trưởng xanh là quá trình xanh hóa hệ thống kinh tế theo qui ước và là một chiến lược để đạt được một nền kinh tế xanh”.

       Tại Việt Nam, “tăng trưởng xanh được hiểu là tiến tới nền kinh tế các-bon thấp, làm giàu vốn tự nhiên trở thành xu hướng chỉ đạo trong phát triển kinh tế bền vững; giảm phát thải và tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính dần trở thành chỉ tiêu bắt buộc và quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội”.

       Có nhiều cách tiếp cận để thúc đẩy tăng trưởng xanh, tuy nhiên, với cách tiếp cận nào, nội dung của tăng trưởng xanh cũng chủ yếu bao gồm các vấn đề: sản xuất và tiêu dùng bền vững; giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu; xanh hóa các hoạt động sản xuất kinh doanh thông qua phát triển công nghệ xanh. Bên cạnh đó chú trọng phát triển các ngành công nghiệp cao, sử dụng ít tài nguyên, áp dụng các biện pháp sản xuất sạch; xây dựng cơ sở hạ tầng bền vững; bảo vệ, khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên; cải tổ và áp dụng các công cụ kinh tế; xây dựng và thực hiện các chỉ số sinh thái.

        Các doanh nghiệp Việt Nam cần thiết phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng bằng thực hiện tăng trưởng xanh vì những lý do sau: “(1) tăng trưởng kinh tế hiện nay dựa chủ yếu vào yếu tố vốn và lao động, trong khi đó hiệu quả và năng suất chưa được coi trọng; (2) nền sản xuất dựa vào khai thác các nguồn tài nguyên, nhưng hiệu quả sử dụng thấp; (3) vai trò của khoa học – công nghệ chưa được phát huy trong mô hình tăng trưởng”.

       Trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, tăng trưởng xanh có vai trò quan trọng, đó không chỉ là động lực phục hồi kinh tế mà còn là phương thức thực hiện phát triển bền vững với ba thành tố chính: (1) phát triển kinh tế; (2) đảm bảo an sinh xã hội; (3) bảo vệ môi trường. Vì vậy, các doanh nghiệp phải lựa chọn cho mình phương thức tăng trưởng xanh để có thể tiến kịp hoặc không bị tụt hậu xa hơn so với các quốc gia trên thế giới và khu vực.

        Các doanh nghiệp Việt Nam có nhiều tiềm năng để thực hiện nền kinh tế xanh và bền vững trên cơ sở lợi thế so sánh về vốn tự nhiên và vốn lao động. Chiến lược phát triển bền vững giai đoạn 2011-2020 cũng đã xác định rõ hướng kinh tế cần ưu tiên nhằm thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững là: (1) đẩy mạnh áp dụng rộng rãi sản xuất sạch hơn để nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên vật liệu, năng lược, nước đồng thơi giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, bảo vệ chất lượng môi trường, sức khỏe con người’ (2) xây dựng văn hóa tiêu dùng văn minh, hài hòa và thân thiện với thiên nhiên. Từng bước thực hiện dán nhãn sinh thái, mua sắm xanh. Phát triển thị trường sản phẩm sinh thái và sáng kiến cộng đồng về sản xuất và tiêu dùng bền vững.

  1. Vai trò của tăng trưởng xanh trong mô hình tăng trưởng mới thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế       
2

     Thứ nhất, tăng trưởng xanh là hướng tới một mô hình tăng trưởng theo chiều sâu và bền vững trong điều kiện biến đổi khó hậu.

       Tăng trưởng xanh không chỉ là động lực phục hồi nền kinh tế sau khủng hoảng mà còn là phương thức thực hiện phát triển kinh tế với ba thành tố chính: (1) phát triển kinh tế, (2) đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội, (3) bảo vệ môi trường. Dựa trên những lợi thế đang có và cùng với định hướng thực hiện tăng trưởng xanh, Việt Nam có nhiều tiềm năng để thực hiện nền kinh tế xanh và bên vững. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng thu hẹp khu vực “kinh tế nâu”, mở rộng khu vực “kinh tế xanh” trên cơ sở lợi thế so sánh về “vốn tự nhiên”,, vị trí “địa – chiến – lược”, vốn người với cơ cấu “dân số vàng” là những yếu tố tiền đề để có thể thực hiện tăng trưởng xanh. Bên cạnh đó, một thể chế thị trường khoa học – công nghệ theo hướng “xanh hóa”, trong đó định rõ vai trò của Nhà nước trong việc hình thành và thúc đẩy các thể chế trên thị trường khoa học công nghệ thân thiện với môi trường, từ đó biến sản phẩm khoa học công nghệ thành một đầu vào quan trọng cho việc tăng năng suất tổng hợp của nền kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, và chuyển hướng từ một nền kinh tế tăng trưởng dựa vào các nhân tố sản xuất là vốn và lao động sang một nền kinh tế tăng trưởng bền vững dựa vào tăng năng suất các nhân tố tổng hợp.

        Thứ hai, hướng tới nền kinh tế xanh chính là quá trình tái cân bằng các nguồn lực cho phát triển ưu tiên đầu tư các nguồn lực và các ngành, lĩnh vực xanh hóa nền kinh tế.

       Quá trình chuyển sang nền kinh tế xanh cũng chính là quá trình tái phân bổ lại các nguồn lực cho phát triển trên toàn cầu và ở mỗi quốc gia. Trong hai thập niên gần đây, phần lớn các nguồn lực đầu tư cho sản xuất còn thiếu quan tâm tới sự cạn kiệt của vốn tự nhiên và hệ sinh thái. Chính mô hình này đã gây ra những tác động ngoại biên hầu như không kiểm soát được đối với xã hội và môi trường, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của thế hệ ngày nay cũng như để lại những thách thức, rủi ro cho thế hệ tương lai. Những cuộc khủng hoảng liên tiếp gần đây chứng minh cho nhận định này. Vì thế các chính sách phân bổ lại nguồn lực, tập trung đầu tư nhiều hơn cho kinh tế xanh là rất quan trọng để tái cân bằng mô hình tăng trưởng.

      Thứ ba, chuyển dịch sang nên tảng công nghệ mới (công nghệ xanh và năng lượng thay thế)

       Xu hướng chuyển dịch này đang tạo ra những động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế thế giới, đây là một xu hướng khách quan; Việt Nam không thể đứng ngoài xu hướng đó. Vì vậy Việt Nam phải lựa chọn phương thức tăng trưởng xanh để có thể tiến kịp các quốc gia trên thế giới và khu vực. Đối với những nước đang phát triển theo đuổi “kinh tế nâu” thì sau này phải mất thời gian điều chỉnh để trở lại quỹ đạo của kinh tế xạnh là cơ hội cho Việt Nam có thể theo đuổi tăng trưởng xanh từ bây giờ.

Tác giả bài viết: Trần Hằng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây