Seminar "Các hình thức trải nghiệm sáng tạo cho sinh viên ngành Quản trị kinh doanh"

Thứ sáu - 31/03/2017 10:51

1. Đặt vấn đề

     Mục tiêu giáo dục đại học theo Điều 5, chương 1 luật giáo dục đại học được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 18 tháng 6 năm 2012 là: Đào tạo trình độ đại học để sinh viên có kiến thức chuyên môn toàn diện, nắm vững nguyên lý, quy luật tự nhiên - xã hội, có kỹ năng thực hành cơ bản, có khả năng làm việc độc lập, sáng tạo và giải quyết những vấn đề thuộc ngành được đào tạo. Vì vậy, yêu cầu đặt ra trong giáo dục sinh viên nói chung và sinh viên ngành quản trị kinh doanh nói riêng ngoài việc được trang bị các kiến thức lý luận còn phải trang bị thêm các kiến thức thực tiễn và kỹ năng mềm. Điều này đòi hỏi người dạy phải xây dựng các chương trình trải nghiệm sáng tạo cho sinh viên dưới nhiều hình thức còn về phía người học, chủ động tích cực tham gia và sáng tạo trong hoạt động.

      Trải nghiệm sáng tạo là hoạt động được coi trọng trong từng môn học; đồng thời trong kế hoạch giáo dục cũng bố trí các hoạt động trải nghiệm sáng tạo riêng, mỗi hoạt động này mang tính tổng hợp của nhiều lĩnh vực giáo dục, kiến thức, kĩ năng khác nhau.

     Trên cơ sở đó nhóm tác giả đi nghiên cứu thực trạng trải nghiệm sáng tạo của sinh viên ngành quản trị kinh doanh trường Đại học Sao Đỏ từ đó có những đề xuất về hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho sinh viên trong thời gian tới ứng với hai chuyên ngành Quản trị kinh doanh tổng hợp và Quản trị kinh doanh khách sạn nhà hàng.

2. Các hình thức trải nghiệm sáng tạo của sinh viên

2.1.Tổ chức thảo luận

       Đây có lẽ là cách thức tổ chức dạy học trải nghiệm đơn giản và dễ thực hiện nhất với điều kiện nước ta cũng như mặt bằng chung của các trường hiện nay.

        Thảo luận có thể diễn ra trong phạm vi hẹp trong lớp học dưới sự hướng dẫn điều khiển của giảng viên sinh viên  cùng nhau trao đổi tìm ra nguyên nhân và giải pháp thực hiện chủ đề cùng trao đổi.

       Giảng viên chỉ là người tổ chức còn sinh viên là người chủ trì, dẫn dắt, thực hiện. Tuy nhiên đây cũng chỉ là bước đầu của học tập trải nghiệm hình thức tổ chức này sẽ khó phát huy hết năng lực người học và đặc biệt là những em sinh viên  còn chưa chú ý tới học tập. Bởi vậy giảng viên cần có những hình thức tổ chức hấp dẫn với tất cả đối tượng sinh viên  nhằm phát triển năng lực ở người học.

2.2. Tổ chức các trò chơi

       Trò chơi là một loại hoạt động giải trí, thư giãn đồng thời là món ăn tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống của con người. Việc lựa chọn trò chơi phù hợp sẽ có tác dụng rất tích cực tới con người nói chung và đặc biệt đối với sinh viên  nói riêng.

        Muốn để cho trò chơi là một hoạt động học tập tích cực đòi hỏi phải có sự chọn lọc, tư duy của người giảng viêntrong cách lựa chọn trò chơi để tổ chức học tập trải nghiệm.

      Trò chơi mang lại những thuận lợi trong quá trình tổ chức dạy học trải nghiệm rõ nét nhất là: việc phát huy tính sáng tạo, hấp dẫn và gây hứng thú cho sinh viên , giúp sinh viên  dễ tiếp thu kiến thức, rèn luyện tác phong nhanh nhẹn… Bên cạnh những thuận lợi là khó khăn về mặt tổ chức lựa chọn địa điểm thời gian cho phù hợp để đảm bảo nội dung chương trình chuẩn.

        Một số trò chơi được sử dụng nhiều trong các trường phổ thông hiện nay như: trò chơi học tập, trò chơi vận động, trò chơi mô phỏng game truyền hình…Có thể thấy tổ chức trò chơi là hoạt động quen thuộc dễ thực hiện trong quá trình học tập trải nghiệm và có ý nghĩa giáo dục tích cực.

2.3. Tổ chức các cuộc thi

      Tổ chức các cuộc thi có thể trong nhà trường, lớp học hay ngoài không gian trường học. Nội dung cuộc thi rất phong phú và dễ lồng ghép bất cứ nội dung giáo dục nào. Và đó cũng là yêu cầu đặt ra đối với mỗi cuộc thi đều phải mang ý nghĩa giáo dục nhất định.

        Việc lựa chọn cách thức thực hiện hay làm cho cuộc thi trở nên hấp dẫn mang tính giáo dục hiệu quả đòi hỏi chất xám từ các nhà tổ chức mà không ai khác đó chính là những thầy cô giáo người trực tiếp làm nhiệm vụ giáo dục. Nếu như tổ chức cuộc thi chỉ là hình thức thì thật khó đem tới hiệu quả và bộc lộ hết năng lực của người học.

       Cuộc thi có nhiều cách tổ chức dưới nhiều hình thức khác nhau hay nhiều nội dung khác nhau nhằm rèn luyện cho sinh viên cả kỹ năng cứng và kỹ năng mềm như các cuộc thi mang tính chuyên môn như tin học, ngoại ngữ, khởi nghiệp…, hay rèn luyện kỹ năng mềm như thi kỹ năng thuyết trình, khiêu vũ, hóa trang, …

1

Cuộc thi tin học văn phòng của sinh viên Khoa Kinh tế

2

Hội thi “Đẹp cùng sinh viên Kinh tế”

      Mỗi hình thức có thể tổ chức với một chủ đề trong đó mang một hay nhiều nội dung giáo dục mà ở đó có sự gắn kết với nội dung chương trình cũng như giáo dục kĩ năng sống.

2.4. Tổ chức các câu lạc bộ

       Đây là hình thức hoạt động ngoại khóa của một nhóm sinh viên cùng sở thích, nhu cầu, năng khiếu… dưới định hướng của nhà giáo dục nhằm tạo môi trường giao lưu thân thiện, tích cực giữa các sinh viên  với nhau và giữa sinh viên  với các giảng viên và những người trưởng thành khác.

       Hoạt động câu lạc bộ đòi hỏi lịch sinh hoạt định kì và với các chủ đề thảo luận nghiên cứu khác nhau như: câu lạc bộ tin học, câu lạc bộ khởi nghiệp, câu lạc bộ ngoại ngữ…Việc thực hiện duy trì câu lạc bộ đòi hỏi có những nguyên tắc nhất định về: tinh thần, thời gian, địa điểm, sự công bằng, sự cống hiến sáng tạo, tôn trọng, bình đẳng…

2.5. Sinh hoạt tập thể

      Hình thức sinh hoạt tập thể là hình thức tổ chức ít được quan tâm ở những trường đại học, cao đẳng. Đây là hình thức tổ chức có sự gắn kết cao, đồng thời cũng là yếu tố chính để duy trì và phát triển các phong trào và đoàn thể thanh thiếu niên.Ở các trường đại học hoạt động sinh hoạt tập thể chủ yếu do đoàn thanh niên phát động.

2.6. Hoạt động tình nguyện

      Hoạt động tình nguyện là hình thức hoạt động mang tính tập thể cao. Có thể được tổ chức trong khuôn viên nhà trường hoặc làng xóm như: Vệ sinh vườn trường, sân trường lớp học; vệ sinh đường làng ngõ xóm, trồng và chăm sóc vườn hoa, chăm sóc và bảo vệ di tích lịch sử, các công trình công cộng, di sản văn hóa…

3

Sinh viên khoa Kinh tế lao động công ích tại chùa Côn Sơn

       Tuy nhiên việc lao động công ích phải xuất phát từ việc làm của mỗi cá nhân, cái tâm của mỗi người góp sức mình để tham gia xây dựng, tu bổ công trình công trình công cộng vì lợi ích chung của cộng đồng nhằm bảo tồn các công trình, biết yêu quý giá trị lao động cũng như có những hành động cần thiết để bảo vệ, phòng chống khắc phục hành động chưa đúng đắn.

2.7. Tổ chức tham quan dã ngoại

        Đây là hình thức tổ chức học tập trải nghiệm hiệu quả nhất bởi tính hấp dẫn đối với sinh viên.

       Các hình thức tham quan dã ngoại mà hiện nay được các trường đại học, cao đẳng quan tâm khuyến khích như: Tham quan các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa, nhà máy, xí nghiệp; tham quan các cơ sở sản xuất, làng nghề, tham quan các viện bảo tàng, tham quan du lịch truyền thống.

      Mỗi hình thức tham quan dã ngoại lại gắn với một chủ để học tập giáo dục trong chương trình hay là nguồn bổ sung kiến thức thực tiễn hoặc kĩ năng sống cần thiết cho sinh viên.

       Tuy nhiên việc tổ chức tham quan dã ngoại không phải trường nào cũng có cơ hội và khả năng thực hiện do yếu tố kinh phí, đảm bảo thời gian chương trình, sự đồng thuận từ phía phụ huynh, xã hội.

4

Đoàn tham quan học tập thực tế tại khách sạn Biển Nhớ

2.8. Diễn đàn

     Diễn đàn được tổ chức với quy mô khác nhau ở khối lớp, cấp trường, cấp quận/huyện, cấp tỉnh hoặc cao hơn nữa. Chủ đề của diễn đàn có thể xây dựng dựa trên nội dung các hoạt động giáo dục, những nhu cầu, mong muốn của các em với nhà trường.

         Cũng từ đó các bậc phụ huynh, thầy cô giáo thấu hiểu tâm tư nguyện vọng của các em để từ đó tìm ra những giải pháp cho phù hợp để xây dựng biện pháp giáo dục cho phù hợp.

         Với cách thức tổ chức diễn đàn như thế này yêu cầu về mặt thời gian, sự công phu từ người diễn thuyết đồng thời dễ đi lạc hướng. Bởi vậy giảng viên cần xây dựng chương trình cụ thể khoa học và có tính định hướng để nhằm đi đúng mục đích giáo nhằm phát triển năng lực ở người học.

2.9. Giao lưu

       Giao lưu có những đặc trưng riêng biệt khó hòa lẫn với các hình thức tổ chức khác. Đó là giao lưu phải có đối tượng là những nhân vật điển hình có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực nào đó thực sự là tấm gương sáng cho các em noi theo, phù hợp với hứng thú của sinh viên. Thu hút sự tham gia đông đảo cũng như hứng thú của sinh viên.

      Đồng thời, đòi hỏi sự trao đổi thông tin tình cảm chân thực những vấn đề cần thiết liên quan tới nội dung học tập và hứng thú của các em.

2.10. Tổ chức sự kiện

     Các hình thức tổ chức sự kiện khá quen thuộc thường bắt gặp trong nhiều trường đại học như: Lễ khai giảng, nhập học, lễ tốt nghiệp, lễ vinh danh sinh viên có thành tích xuất sắc, hội thảo khoa học, hoạt động học tập thực tế du lịch khảo sát thực tế, tìm hiểu di sản văn hóa, về phong tục tập quán, khám phá đất nước, trải nghiệm văn hóa nước ngoài…

5

Ngày hội làm bánh truyền thống khoa Kinh tế

       Việc tổ chức sự kiện đòi hỏi sự công phu cũng như chuẩn bị kĩ càng ở cả sinh viên và giảng viên làm sao để sinh viên biết hợp tác với nhau làm việc nhóm hiệu quả và kĩ năng giải quyết vấn đề thực tế ngay trong quá trình tổ chức sự kiện.

2.11. Hoạt động chiến dịch

       Mỗi chiến dịch mang một chủ đề định hướng học tập trải nghiệm như: Chiến dịch giờ trái đất, chiến dịch làm sạch môi trường xung quanh trường học, chiến dịch ứng phó với biến đổi khí hậu, chiến dịch bảo vệ rừng ngập mặn, chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn…

       Quy mô của hoạt động chiến dịch có thể tổ chức trong không gian nhà trường hoặc ngoài nhà trường. Việc tổ chức có thể diễn ra thường xuyên nhưng phải phù hợp với điều kiện địa phương và nhà trường và đảm bảo những vấn đề đó là vấn đề lâu dài có tính cấp thiết và giáo dục cao.

2.12. Sân khấu tương tác

        Là một hình thức nghệ thuật tương tác dựa trên hoạt động diễn kịch, trong đó vở kịch chỉ có phần mở đầu đưa ra tình huống, phần còn lại được sáng tạo bởi người tham gia, trong đó đề cao tính tương tác hay sự tham gia của khán giả.

         Nội dung của sân khấu tương tác là các vấn đề, những điều trực tiếp tác động tới cuộc sống của sinh viên. Sinh viên tự chọn ra vấn đề bức thiết, các em tự xây dựng kịch bản và cuối cùng là chọn ra những diễn viên cho vở diễn đó để thực hiện và sẽ không có sự giúp đỡ từ bên ngoài. Sân khấu tương tác có thể diễn ra trong phạm vi trong lớp học hoặc rộng hơn là phạm vi toàn trường.

6

Phần thi “Tài năng tuyết trình” của đội tuyển khoa Kinh tế

      Bên cạnh 12 hình thức tổ chức cơ bản trên còn có hình thức tổ chức thí nghiệm, điều tra, hoạt động tình nguyện… Mỗi hình thức tổ chức đều có những ưu và nhược điểm nhất định nhưng tựu chung lại đều hướng tới mục đích giáo dục không chỉ về kiến thức mà còn cả về kĩ năng nhằm phát triển năng lực ở người học. Rèn luyện tính tự tin, tính sáng tạo và tư duy có vấn đề.

3. Đề xuất, kiến nghị nhằm tăng cường hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong đào tạo

       Trên cơ sở nghiên cứu phân tích thực trạng hoạt động trải nghiệm sáng tạo sinh viên ngành Quản trị kinh doanh của trường Đại học Sao Đỏ cho thấy sinh viên được trải nghiệm trên nhiều hoạt động và rèn luyện được cả kỹ năng cứng và kỹ năng mềm. Tuy nhiên các hoạt động này tập trung nhiều vào kỹ năng mềm vì vậy, vấn đề đặt ra trong thời gian tới là các giảng viên cần xây dựng kế hoạch trải nghiệm cho sinh viên tập trung vào một số hoạt động trải nghiệm cho từng chuyên ngành như hoạt động: Tổ chức thảo luận; tổ chức trò chơi, sự kiện; tham quan học tập; tổ chức diễn đàn, giao lưu học hỏi kinh nghiệm.

3.1. Tổ chức thảo luận

      - Chuyên ngành quản trị kinh doanh tổng hợp: Các giảng viên cần tập trung xây dựng một số bài tập thực hành cho sinh viên về: Tổ chức bán hàng trên mạng, soạn thảo các văn bản hành chính thông thường, hay các hợp đồng trong kinh doanh,… Vì đây là những nội dung các em được trang bị khi ngồi trên ghế nhà trường và có thể vận dụng ngay vào thực tế trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.

       - Chuyên ngành quản trị kinh doanh khách sạn nhà hàng: Các giảng viên tập trung xây dựng nội dung thảo luận về các nội dung như: Văn hóa doanh nghiệp, văn hóa vùng miền ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của khách sạn nhà hàng, hay vấn đề vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm trong các  khách sạn, nhà hàng hiện nay,… Đây là những nội dung được quan tâm rất nhiều từ công chúng. Vì vậy, các sinh viên tìm hiểu, thảo luận và đưa ra chứng kiến bản thân. Từ đó giúp các em có cái nhìn đúng đắn và đưa ra quyết định đúng trong công việc sau này.

        Để buổi thảo luận đạt kết quả cao các giảng viên cần lựa chọn nội dung trọng tâm của từng học phần và triển khai kế hoạch cho sinh viên ngay từ buổi học đầu để sinh viên chủ động nghiên cứu tìm hiểu trước khi buổi thảo luận diễn ra.

3.2. Tổ chức trò chơi, sự kiện

      - Chuyên ngành quản trị kinh doanh tổng hợp: Một số học phần chuyên ngành có nội dung có thể tích hợp lại để tổ chức sự kiện cho sinh viên như học phần: Quản trị bán hàng, quản trị thương hiệu, quản trị marketing, chiến lược kinh doanh, quản trị kinh doanh tổng hợp. Sinh viên có thể tổ chức một số sự kiện giới thiệu sản phẩm, triển khai ý tưởng kinh doanh,…

      - Chuyên ngành quản trị kinh doanh khách sạn nhà hàng: Có thể phối hợp với sinh viên chuyên ngành quản trị kinh doanh tổng hợp tham gia các sự kiện. Các sự kiện được tổ chức là nơi để các em học tập, khẳng định bản thân và thể hiện các ý tưởng sáng tạo của mình và thể hiện sức mạnh tập thể thông qua làm việc nhóm.

3.3. Tham quan học tập

      Các giảng viên cần xây dựng kế hoạch chương trình và tổ chức tham quan học tập cho sinh viên thuộc hai chuyên ngành: Quản trị kinh doanh tổng hợp, quản trị kinh doanh khách sạn nhà hàng.

     - Chuyên ngành quản trị kinh doanh tổng hợp: Giảng viên có thể kết hợp một số học phần cho cùng đối tượng sinh viên để tiết kiệm thời gian và kinh phí. Trong thời gian tới sinh viên có thể tham quan dây chuyền sản xuất, mô hình bán lẻ, bán buôn, hay tham quan hệ thống các siêu thị các trung tâm thương mại, các hội chợ triển lãm.. Đây là những hoạt động thực tế có gắn chặt với các nội dung em được học trên ghế nhà trường. Từ đó giúp các em tiếp thu nhanh kiến thức được học trên lớp đồng thời được tìm hiểu ngay trong thực tiễn.

     - Chuyên ngành quản trị kinh doanh khách sạn nhà hàng: Giảng viên tiếp tục lập kế hoạch tổ chức cho sinh viên tham quan mô hình kinh doanh khách sạn. Giảng viên cần lập kế hoạch sớm và lựa chọn khách sạn phù hợp để thuận tiện cho các em vừa học vừa thực hành được thường xuyên.

3.4. Tổ chức diễn đàn, giao lưu học hỏi kinh nghiệm

     - Các giảng viên chủ động liên hệ với chủ các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả trong sản xuất kinh doanh để trao đổi, chia sẻ trên các diễn đàn với sinh viên ngành quản trị kinh doanh. Vì được tham gia diễn đàn trao đổi với các chủ doanh nghiệp cũng là nguyện vọng của các sinh viên. Họ muốn hiểu các doanh nghiệp cần gì ở sinh viên để từ đó tự chủ trau rồi cho mình những kiến thức, kỹ năng cần thiết, phục vụ cho công việc của mình sau này.

      - Khoa Kinh tế liên hệ với cựu sinh viên ngành quản trị kinh doanh thành đạt để trao đổi, chia sẽ những kinh nghiệm hay kỹ năng cần trang bị cho sinh viên của ngành.

     Thực hiện tốt hoạt động trải nghiệm sáng tạo cũng chính là thực hiện tốt Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục sáng tạo góp phần thực hiện tốt mục tiêu: “Phát triển trí tuệ, thể chất, hình thành phẩm chất, năng lực công dân, phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu, định hướng nghề nghiệp cho sinh viên. Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng giáo dục lý tưởng, truyền thống, đạo đức, lối sống, năng lực và kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Phát triển khả năng sáng tạo, tự học,…” của người học.

       Mỗi giảng viên, khoa và nhà trường cần căn cứ vào tình hình thực tế vào khả năng của sinh viên, của nhà trường, của cộng đồng để tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo sao cho sinh viên chủ động, phấn khởi và tham gia tích cực.

Tác giả bài viết: Ngô Thị Luyện

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây