Phẩm chất của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ hội nhập

Thứ ba - 10/10/2017 08:45
1. Đặt vấn đề

        Phẩm chất của doanh nhân là một giá trị xã hội cao quí không phải xuất phát từ ý muốn chủ quan của một người nào đó, mà xuất phát từ vai trò xã hội của doanh nhân. Vai trò đó là vô cùng quan trọng trong việc xây dựng đời sống vật chất, kinh tế cho sự tồn tại và phát triển của một quốc gia, một dân tộc, một chế độ.

        Hiện nay đã có nhiều nghiên cứu về doanh nhân Việt Nam như của Phùng Xuân Nhạ (2010), Trần Ngọc Thêm (2006), Phùng Ngọc Quang (2008)…..Nhìn chung các nghiên cứu đã chỉ ra những đặc điểm, thực trạng và giải pháp phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên trong nghiên cứu này bằng việc sử dụng các nguồn số liệu thứ cấp, tác giả trình bày một số quan điểm về doanh nhân, phẩm chất doanh nhân, thực trạng phát triển đội ngũ doanh nhân ở nước ta hiện nay để từ đó rút ra một số phẩm chất cần thiết của doanh nhân trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với các nước trên thế giới.

2. Cơ sở lý luận

2.1. Một số quan điểm về doanh nhân, phẩm chất doanh nhân

2.1.1. Quan điểm về doanh nhân

           Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam định nghĩa: “Doanh nhân là nhà đầu tư, là nhà quản lý, là người chèo lái con thuyền doanh nghiệp mà điểm khác biệt của doanh nhân với những người khác là ở chỗ họ là người dám chấp nhận mạo hiểm, rủi ro khi dấn thân vào con đường kinh doanh”.

           Theo nhà nghiên cứu Vũ Quốc Tuấn, trong bài “Doanh nhân – một góc nhìn” trên báo Doanh nhân Sài Gòn cuối tuần, ngày 13/10/2007: “Người chủ doanh nghiệp trực tiếp kinh doanh doanh nghiệp của mình, những người được cử hoặc được thuê để quản lý doanh nghiệp, thực hiện nhiệm vụ kinh doanhtrách nhiệm và lợi ích của họ gắn liền với kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, mà yêu cầu đầu tiên của họ là phải có đủ điều kiện để sáng tạo, không ngừng phát triển doanh nghiệp”.

          Sách Bài giảng Văn hóa Kinh doanh của Đại học Kinh tế quốc dân (tr 197) viết: “Doanh nhân là người làm kinh doanh, là chủ thể lãnh đạo, chịu trách nhiệm trước xã hội và pháp luật, Doanh nhân có thể là chủ một doanh nghiệp, là người sở hữu và điều hành: Chủ tịch công ty, Giám đốc công ty hoặc cả hai”.

           Cách định nghĩa như trên cho chúng ta thấy một quan điểm tương đối toàn diện về doanh nhân. Tuy nhiên ba định nghĩa trên chưa đề cập đến những cá nhân là kinh doanh và các hộ kinh doanh nhưng chưa hoặc không thành lập doanh nghiệp mà chính sự đóng góp của họ với tư cách là các chủ thể kinh doanh ngày càng phát triển với số lượng lớn đã tạo nên nét đặc sắc của văn hóa doanh nhân và văn hóa kinh doanh Việt Nam.

2.1.2. Quan điểm về phẩm chất doanh nhân

          Trong cuốn Từ điển tâm lý, Nguyễn Khắc Viện đã giải thích khái niệm phẩm chất: “Tổng hòa tất cả những gì hợp thành một con người, một cá nhân với bản sắc và cá tính rõ nét: đặc điểm thể chất (tạng), tài năng, phong cách, ý chí đạo đức, vai trò xã hội. Và là một cá nhân có ý thức về bản thân, đã tự khẳng định được, giữ được phần nào tính nhất quán trong mọi hành vi”. Như vậy, phẩm chất cá nhân bao gồm bốn yếu tố cơ bản là đặc điểm thể chất, tài năng, ý chí đạo đức và vai trò xã hội.

          Còn trong Từ điển Tâm lý học, GS. Vũ Dũng xác định: “Phẩm chất  là một hệ thống các chức năng vận động, tự điều chỉnh gắn liền với các thuộc tính, quan hệ và hành động tương hỗ với nhau, tích lũy trong quá trình phát sinh cá thể của con người”. Ở đây, phẩm chất được giải thích theo cả nghĩa rộng và nghĩa hẹp, là chủ thể của các mối quan hệ xã hội và hoạt động có ý thức; do vậy, phẩm chất có tính hệ thống của cá nhân được quy định bởi việc tham gia vào các mối quan hệ xã hội.

2.2. Phẩm chất doanh nhân Việt Nam

2.2.1. Yếu tố Đức:

            Đức là đạo đức hay tâm của con người. Đức đóng vai trò là gốc rễ của nhân cách, là trung tâm điều khiển hành vi của nhân cách. Bản thân Đức là một hệ thống gồm ba yếu tố cấu thành: tư tưởng, thái độ, phẩm chất đạo đức, lối sống. Phân tích sâu hơn nữa thì tư tưởng, thái độ của doanh nhân thể hiện tình cảm, mục đích, lý tưởng của họ trong công việc, gồm bốn yếu tố chính là tinh thần dân tộc chính là lòng yêu nước, tự tôn, tự hào dân tộc; tinh thần ham học, cầu tiến; trọng pháp luật và tinh thần hội nhập quốc tế.

2.2.2. Yếu tố Trí

         Trí thể hiện tinh thần kinh doanh, khả năng, mức độ tài năng của doanh nhân, bao gồm ba yếu tố chính là ý chí: trí tuệ (sự hiểu biết); năng lực, kỹ năng lãnh đạo và quản lý. Đi vào cụ thể, ý chí, tinh thần kinh doanh thể hiện ý chí và niềm đam mê làm giàu; dám đương đầu với những mạo hiểm, rủi ro, thách thức của nghề nghiệp; đó chính là tinh thần doanh nhân, tinh thần làm giàu; ý chí vươn lên, không ngừng phấn đấu trở thành người dẫn đầu, không thỏa mãn với những gì đã có.

         Chúng ta có thể đánh giá yếu tố Trí của đội ngũ doanh nhân Việt Nam thông qua tài năng kinh doanh của các doanh nhân. Dưới đây là top 5 doanh nhân Việt Nam có giá trị tài sản cao nhất năm 2016.

Untitled
STT Tên doanh nhân Chức vụ Giá trị tài sản cá nhân 12/2016
1 Phạm Nhật Vượng Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Vingroup 30,483 tỷ đồng
2 Nguyễn Thị Phương Thảo Tổng giám đốc Vietjet Air 15,242 tỷ đồng
3 Trịnh Văn Quyết Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC

30,000 tỷ đồng

 

4 Trần Đình Long Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hòa Phát

9,147 tỷ đồng

 

5 Bùi Thành Nhơn Chủ tịch Hội đồng quản trị Novaland

7,584 tỷ đồng

 

(Theo taichinh.online tổng hợp)

2.2.3. Yếu tố Thể

            Thể là các tố chất tự nhiên phù hợp với nghề kinh doanh, bao gồm năng khiếu, sở thích hoạt động kinh doanh, dám và thích mạo hiểm trong kinh doanh; khả năng tính toán, dự trù đúng trong kinh doanh.

2.2.4. Yếu tố Lợi

            Lợi hay lợi ích mà doanh nhân thu được cho bản thân và cống hiến cho xã hội là yếu tố quan trọng nhất để đánh giá năng lực của mỗi doanh nhân, đồng thời thể hiện rõ nét nhất vai trò, giá trị của cộng đồng doanh nhân trong xã hội. Lợi gồm bốn yếu tố chính là lợi nhuận, phúc lợi, đóng thuế và trách nhiệm xã hội.

2.3. Những hạn chế của doanh nhân Việt Nam

           - Mức độ dám chấp nhận rủi ro thấp

           Tuổi đời trẻ, ảnh hưởng nhiều tới tính năng động, ý chí dám chấp nhận rủi ro, thách thức, khả năng học hỏi và sức làm việc của doanh nhân. Ở một góc nhìn khác, việc dám đối mặt với rủi ro trong quyết định của một bộ phận doanh nghiệp Việt nam vẫn mang nặng tính “liều” và quyết định mang tính thiếu nhận thức và hiểu biết. Có thể nhận thức những “rủi ro trong những quyết định dám chấp nhận rủi ro” của doanh nghiệp Viêt Nam như sau:

            Thiếu những qui tắc khôn ngoan trong việc chấp nhận rủi ro.

            Thiếu kỷ luật trong việc tuân thủ nguyên tắc này.

            Đơn giản hóa những qui trình kinh doanh.

            Chưa đo lường và lượng hóa được những rủi ro.

         - Doanh nhân Việt Nam còn yếu kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý, nghệ thuật trong kinh doanh chưa điêu luyện, kiến thức về thị trường quốc tế, về kinh tế các nước còn sơ sài, chưa dành nhiều thời gian tham dự các buổi hội thảo trong nước hoặc quốc tế hay với các ban ngành, chuyên gia tư vấn… để tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng, tăng năng lực dự đoán thị trường.

         - Điểm yếu của doanh nhân Việt Nam là dù sở hữu các doanh nghiệp có vốn ít, khả năng cạnh tranh chưa cao, nhưng lại thiếu cởi mở, đoàn kết, đôi khi còn chơi xấu, cạnh tranh nhau không lành mạnh ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh.

         - Điều cuối cùng, đó là một số người trong doanh nhân thiếu tầm nhìn xa trông rộng, muốn được hưởng thụ sớm quá, phung phí, tự mãn sớm quá.

  1. Những phẩm chất cần thiết cho doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ hội nhập

         Việt Nam đã chính thức gia nhập WTO, để hội nhập và cạnh tranh thắng lợi, hơn bao giờ hết yêu cầu phát triển đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân ngang tầm khu vực và thế giới, cả về số lượng và chất lượng đang là nhiệm vụ cấp bách hàng đầu.

       - Tầm nhìn: là hướng đi, là đích đến hấp dẫn trong tương lai. Đó không phải là bức tranh treo trên tường hay lời tuyên bố ghi trên một tấm thẻ, hơn thế nó hướng các thành viên của tổ chức, doanh nghiệp đi đến những hành vi mới. Là nhà lãnh đạo, nếu doanh nhân không biết mình sẽ dẫn dắt doanh nghiệp của mình đến đâu và đạt được mục tiêu gì thì chẳng thể mang lại tương lai cho nhân viên và doanh nghiệp.

        Tầm nhìn đa quốc gia: Trong điều kiện mở cửa và hội nhập một người lãnh đạo chuyên nghiệp và bản lĩnh không bao giờ để doanh nghiệp mình trong “Ao làng” mà phải biết chèo lái con thuyền vượt “Đại dương” bao la.

        - Chuyên sâu và tập trung: Chỉ có chuyên sâu và tập trung mới tạo ra sự chuyên môn hóa và sự khác biệt giữa các nhà lãnh đạo chuyên nghiệp.

       - Kỹ năng vượt khó: Là phẩm chất hội tụ của cái khôn ngoan cùng may mắn. Người lãnh đạo giỏi phải thấu hiểu cái cơ trong nguy, cái kiên nhẫn đợi thời để đứng chống đỡ cái khó khăn trước mắt.

       - Sáng tạo: Là cách duy nhất để người khác nhớ đến bạn nhanh nhất và lâu nhất. Đôi khi để đánh giá người lãnh đạo chuyên nghiệp không  phải là khối lượng công việc mà anh ta làm được mà là sự sáng tạo trong cách điều hành doanh nghiệp. Sáng tạo trong suy nghĩ và hành động sẽ mang lại giá trị khác biệt cho doanh nghiệp.

       - Biết mình biết người: Chính là phẩm chất để tránh những thất bại hiệu quả nhất. Trước khi “Mang chuông đi đánh xứ người” người lãnh đạo phải biết được điểm mạnh, điểm yếu của doanh nghiệp mình cũng như của đối thủ cạnh tranh. Để có thể trả lời được những câu hỏi như: Doanh nghiệp mình có chỗ đứng trên thị trường hay chưa? Có nên đối đầu với đối thủ cạnh tranh tại thời điểm này không? Đối đầu bằng cách nào? Tại thời điểm nào?...

         - Quản lý rủi ro: Một người lãnh đạo chuyên nghiệp là người biết trước những rủi ro ma doanh nghiệp mình có thể gặp phải trong tương lai, từ đó nên có những phương án dự phòng để luôn kiểm soát tình hình của doanh nghiệp mình.

        - Lui lại khi cần: Khi giao lại vị trí lãnh đạo cho thế hệ sau, người lãnh đạo nên sửa soạn một kế nghiệp lâu dài và bền vững cho doanh nghiệp của mình. Đó là sự khiêm tốn cần thiết của người lãnh đạo, biết lùi để một dòng máu mới thay đổi và tiến bộ. Không nghĩ mình là đỉnh cao phải ôm quyền hành và quyền lợi đến khi tắt thở, là cách kéo dài tuổi thọ cho doanh nghiệp mình.

  1. Kết luận

         Trong quá trình phát triển kinh tế của đất nước đã khẳng định đội ngũ doanh nhân có vai trò quan trọng đóng góp vào tiềm lực kinh tế, tạo công ăn việc làm cho xã hội, góp phần xoá đói giảm nghèo, nâng cao vị thế của dân tộc trên trường quốc tế. Tiếp bước thành công của các thế hệ doanh nhân đi trước, doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ hội nhập cần hội tụ một số phẩm chất mới nhằm đóng góp ngày càng nhiều hơn nữa vào quá trình phát triển kinh tế, có nghĩa vụ và trách nhiệm đối với sự phát triển phồn vinh của đất nước.  Trong hội nhập quốc tế, muốn xây dựng văn hóa kinh doanh chúng ta phải tiếp nối truyền thống trong điều kiện mới; cần đấu tranh từ bỏ những thói quen sinh hoạt và lao động manh mún, tiểu nông vốn là di sản của nền kinh tế tự cung tự cấp; đồng thời phải kế thừa những giá trị truyền thống, tiếp tục bổ sung những giá trị mới, các yếu tố truyền thống sẽ được phát huy có hiệu quả. Đó là những đặc trưng: yêu nước và tiến bộ; có nội dung cốt lõi là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; nhằm mục tiêu tất cả vì con người.

Tác giả bài viết: Mạc Liên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây