Giải pháp tăng cường thu hút vốn đầu tư vào nông nghiệp Việt Nam

Thứ ba - 15/10/2019 09:18

         Để đẩy mạnh thu hút đầu tư vào nông nghiệp, thời gian tới cần triển khai một số giải pháp sau:

        Một là, Nhà nước cần có chính sách cải cách về thủ tục trong thu hút vố đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp cụ thể:

       Đối với đầu tư trong nước, cần có các chính sách khuyến khích hợp tác công tư hợp lý và hiệu quả. Cụ thể chính sách này cần dành cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp những ưu đãi và trợ cấp về thuế (thu nhập, VAT, thuế xuất - nhập khẩu...) bên cạnh đó cần có những chính sách đồng bộ phát triển các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh, hỗ trợ về hạ tầng thị trường, hỗ trợ xúc tiến thương mại và cơ chế tài chínhđặc thù. Cơ chế hỗ trợ theo hình thức vườn ươm doanh nghiệp cũng cần được ưu tiên thực hiện.

       Đối với thu hút FDI, Chính phủ cần xây dựng mới chính sách thu hút đầu tư FDI đặc biệt trong các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất đầu vào, dịch vụ hậu cần, chế biến nông sản, quản lý chất lượng, phát triển thị trường,.. gắn thu hút doanh nghiệp với nhu cầu thị trường, theo địa phương và lĩnh vực trọng điểm. Nghiên cứu ban hành các cơ chế chính sách giúp đơn giản hóa các thủ tục trong việc vay vốn ngân hàng, khuyến khích ngân hàng cung cấp tín dụng ưu đãi cho các doanh nghiệp kinh doanh có vùng nguyên liệu được tổ chức và có hợp đồng nông sản với nông dân.

       Phát triển công tác thúc đẩy liên kết công  tư trong đầu tư vào nông nghiệp thông qua xây dựng các diễn đàn về chính sách để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; đưa doanh nghiệp cùng tham gia vào quá trình hoạch định các chính sách liên quan; cùng doanh nghiệp thiết kế những dự án đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả cho cả doanh nghiệp và nông dân; cung cấp dịch vụ công để hỗ trợ doanh nghiệp khi đầu tư vào nông nghiệp như thông tin về chính sách, cơ sở dữ liệu cho đầu tư, chuyên gia của từng lĩnh vực…để tư vấn, phát triển dự án và thị trường.

       Hai là, Để hạn chế rủi ro trong đầu tư đồng thời tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học áp dụng công nghệ vào lĩnh vực nông nghiệp thì cần ưu tiên các doanh nghiệp đầu tư, nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng vào các nhóm lĩnh vực, ngành nghề: (i) Đầu tư, phát triển vùng sản xuất tập trung trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; (ii) Sản xuất, phát triển giống cây trồng, vật nuôi, giống cây lâm nghiệp, giống thủy sản. Sản xuất đầu vào như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi và thủy sản, chế phẩm sinh học, thuốc thú y chăn nuôi và thủy sản; (iii) Ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ tự động hóa và các công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển trong sản xuất nông nghiệp; (iv) Đầu tư vào lĩnh vực chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản, dược liệu, tinh chế muối; sản xuất máy, thiết bị, chất phụ gia, phụ trợ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp…

       Ba là, nâng cao hiệu quả đào tạo nghề cho lực lượng lao động nông nghiệp. Đào tạo nghề phải xuất phát từ nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp trên từng địa bàn cụ thể và nhu cầu thực tế của người dân. Do đó, từng địa phương cần có những nghiên cứu đánh giá để nắm bắt nhu cầu cụ thể của từng nghề, nhóm nghề, vị trí công việc… của doanh nghiệp nhằm đáp ứng nhân lực phù hợp.

       Đồng thời, đẩy mạnh đào tạo nghề, nâng cao kiến thức cho người lao động nông thôn để có thể tiếp thu thành quả công nghệ hiện đại trong sản xuất nông nghiệp. Tạo thêm nhiều việc làm mới ở khu vực ngoại thành để thu hút lao động dư thừa trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

       Mặt khác, đa dạng hóa hình thức đào tạo, đẩy mạnh xã hội hóa dạy nghề. Xây dựng và ban hành chính sách đào tạo, thu hút người lao động có trình độ cao đẳng, đại học về hợp tác xã nông nghiệp, nhất là con em tại chỗ của địa phương; đẩy mạnh thực hiện chính sách hỗ trợ học nghề cho lao động nông thôn thực hiện theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020; hoàn thiện các chương trình đào tạo kỹ năng, tay nghề cho người lao động, nâng cao nhận thức về việc làm và khả năng tìm kiếm việc làm cho người lao động.

       Bốn là, phát triển thị trường, dịch vụ hỗ trợ hoạt động nông nghiệp. Cụ thể:

      - Hình thành sàn giao dịch công nghệ cao trong nông nghiệp và phát triển các loại hình dịch vụ môi giới, tư vấn, đánh giá, đầu tư, pháp lý, tài chính, bảo hiểm, sở hữu trí tuệ và các dịch vụ khác nhằm thúc đẩy hoạt động công nghệ cao, tiêu thụ, sử dụng sản phẩm công nghệ cao trong nông nghiệp.

      - Xây dựng cơ sở dữ liệu đồng bộ về công nghệ cao trong nông nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tiếp cận, sử dụng, trao đổi thông tin về công nghệ cao trong nông nghiệp; tổ chức, tham gia chợ, hội chợ, triển lãm công nghệ cao trong nông nghiệp quy mô quốc gia, quốc tế.

      - Khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp nông nghiệp hàng đầu của Việt Nam đầu tư nghiên cứu nhu cầu và thị hiếu các thị trường nước ngoài để phát triển đa dạng sản phẩm với chất lượng tốt, hạn chế xuất khẩu thô và xây dựng mạng lưới phân phối trực tiếp đến tận tay người tiêu dùng ở các thị trường quốc tế. Hình thành chuỗi ngành hàng chiến lược bám sát thị trường, có liên kết quốc tế mạnh, có thương hiệu toàn cầu, có vị thế ở một số thị trường mục tiêu, có ảnh hưởng kinh tế và xã hội lớn...

Tác giả bài viết: Ngô Luyện

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây