Bài toán thúc đẩy thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào nông nghiệp ở Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức. Nguyên nhân xuất phát từ:
Một là, hành lang pháp lý, cơ chế để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn không ít rào cản với một hệ thống thủ tục nhiêu khê, rắc rối và tầng tầng, lớp lớp. Doanh nghiệp muốn đầu tư vào lĩnh vực trồng trọt, một trong những ngành nghề được tạm coi là khá nhẹ nhàng, trước hết cũng phải có quy hoạch, đánh giá tác động môi trường, xin cấp phép khai thác nước ngầm để tưới cây, xin cả giấy phép để xả thải. Nếu doanh nghiệp nào nằm trong quy hoạch chăn nuôi, phải thêm điều kiện xử lý chất thải áp dụng theo tiêu chuẩn nước thải công nghiệp, và khi muốn bổ sung thêm trồng trọt để tạo liên kết "vườn, ao, chuồng" tận dụng nguồn chất thải từ chăn nuôi sang trồng trọt, góp phần bảo vệ môi trường thì phải điều chỉnh quy hoạch…
Bên cạnh đó là những vướng mắc về đất đai. Thời gian qua nhiều địa phương lúng túng khi triển khai chủ trương dồn điền đổi thửa để quy hoạch lại đồng ruộng theo hướng quy vùng sản xuất hàng hoá.Vì vậy nhiều doanh nghiệp không có diện tích đất đủ lớn để đầu tư sản xuất, phát triển kinh doanh lâu dài, chủ yếu vẫn dừng lại ở các gia trại, trang trại, hợp tác xã, với năng lực sản xuất vừa đủ lớn, nhưng chưa thể phát triển thành doanh nghiệp.
Hai là,đầu tư vào nông nghiệp mang tính rủi ro cao. Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Năm 2017, biến đổi khí hậu phức tạp gây nhiều hình thái thời tiết dị thường, thiên tai xảy ra liên tiếp, kéo dài cả năm trên khắp cả nước, gây thiệt hại lớn đến kết cấu hạ tầng, sản xuất và đời sống của nhân dân; dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát... Thiên tai trong năm 2017 đã làm 361,4 nghìn ha lúa và hoa màu bị thiệt hại; 69.757 con gia súc và 1,98 triệu con gia cầm bị chết; 59.992ha và 41.375 lồng nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại [3]. Mặt khác, theo số liệu từ của Tổng cục Thống kê, GDP ngành nông, lâm, thủy sản năm 2017 tăng 2,9%, nhưng nếu không bị thiệt hại bởi các cơn bão số 10, 12 và 16, thì có thể đã tăng trên 3,0% [8]. Những rủi ro này đang thách thức ngành nông nghiệp trước sự phát triển bền vững. Do đó, nhiều doanh nghiệp khá dè dặt khi đầu tư vào lĩnh vực này.
Cụ thể, hiện cả nước có khoảng hơn 49.600 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh, sản xuất, phân phối… nông nghiệp, chiếm 8% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước. Tuy nhiên chỉ có khoảng 4.447 doanh nghiệp trực tiếp thực hiện hoạt động sản xuất nông nghiệp (Bảng 2), còn lại các doanh nghiệp trong chuỗi các ngành liên quan đến nông nghiệp như chế biến hàng; cung cấp nguyên liệu đầu vào, doanh nghiệp dịch vụ thương mại...Trong 6 tháng đầu năm 2018, mới chỉ có 890 doanh nghiệp nông nghiệp đăng ký thành lập mới, trên tổng số 64.531 doanh nghiệp thành lập, chiếm khoảng 1,38%. Đó là chưa kể, hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp chủ yếu hiện nay vẫn ở dạng hộ sản xuất với hơn 9,2 triệu hộ. Xét theo quy mô lao động, 96% các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp chủ yếu có quy mô nhỏ và siêu nhỏ [5].
Hơn nữa, vốn đầu tư vào nông nghiệp hiện rất khiêm tốn. Theo Bảng 1, vốn đầu tư của doanh nghiệp vào nông nghiệp năm 2016 là 245.719 tỷ đồng, chỉ chiếm khoảng 0,94% so với tổng vốn đầu tư của doanh nghiệp vào các ngành kinh tế là 26.049.661 tỷ đồng.
Doanh nghiệp FDI cũng không ngoại lệ. Mặc dù tỷ trọng FDI của cả nước có xu hướng tăng, nhưng trong thời gian qua, dòng vốn FDI vào lĩnh vực nông nghiệp còn hạn chế, quá nhỏ cả về quy mô dự án và tỷ trọng vốn đầu tư so với tổng vốn FDI của cả nước, chưa xứng với tiềm năng, cũng như thế mạnh phát triển nông nghiệp của Việt Nam.
Ba là, khoa học, công nghệ chưa phát huy vai trò là động lực, là đòn bẩy trong sản xuất. Các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp còn nhỏ lẻ, phân bố không đồng đều, chưa giảm được nhiều tác động tiêu cực của các yếu tố khí hậu đối với sản xuất nông nghiệp. Nguyên nhân là do cơ chế, chính sách phục vụ phát triển chưa đồng bộ, hiệu quả chưa cao; lãnh đạo một số sở, ban, ngành chưa thật sự quan tâm đầu tư cho hoạt động khoa học, công nghệ.
Ngoài ra, việc nhân rộng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, cơ giới hóa sản xuất còn bất cập. Việc khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp, hình thành chuỗi giá trị chưa đáp ứng yêu cầu. Các sản phẩm khoa học, công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp chưa được xây dựng, quảng bá và phát triển thương hiệu, do vậy giá trị kinh tế chưa cao.
Bốn là, rất ít lao động có tay nghề được đào tạo bài bản. Điều này khiến cho năng suất lao động nông nghiệp của Việt Nam khá thấp so với các nước trong khu vực. Theo báo cáo về “Triển vọng phát triển châu Á năm 2017” của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), sản lượng nông nghiệp bình quân trên mỗi lao động ở Việt Nam chỉ bằng 1/3 của Indonesia và chưa bằng một nửa so với Thái Lan, Philippines.
Năm là, Việt Nam chưa có sàn giao dịch nông sản đúng nghĩa để kiểm soát được chất lượng, sản lượng và giá trị cho nông sản cũng như thúc đẩy các doanh nghiệp nông nghiệp phát triển thương mại điện tử, chú trọng truy xuất nguồn gốc, đảm bảo yếu tố an toàn thực phẩm. Một trong các nguyên nhân khiến hàng nông sản Việt Nam dù đa dạng, phong phú và tiềm năng nhưng chưa xuất khẩu bền vững, xuất phát từ thói quen sử dụng các vật tư nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật một cách tuỳ tiện, ảnh hưởng đến chất lượng nông sản.
Hơn nữa, cơ chế hợp tác công - tư trong xúc tiến thương mại ngành nông nghiệp còn hạn chế, hình thức, ít hiệu quả. Việc không xác định được thị trường trọng tâm trọng điểm dẫn đến phân bổ nguồn lực xúc tiến bất hợp lý; các chương trình xúc tiến còn hình thức, chưa thực sự kết nối được nhu cầu của các thị trường với tiềm năng sản xuất trong nước nên nhiều nguồn lực của cả hai phía công - tư còn bị lãng phí.
Sáu là, hệ thống Logictic trong các lĩnh vực nói chung và trong phục vụ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản của Việt Nam phát triển chưa đồng bộ. Do vậy, chi phí vận chuyển, bảo quản các sản phẩm nông nghiệp quá cao, dẫn đến giá thành khó cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại một số nước như Trung Quốc, Thái Lan trong xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Autraylia, Singapore,
Tác giả bài viết: Ngô Luyện
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn