Marketing địa phương
Khái niệm marketing địa phương còn khá mới mẻ ở Việt Nam, tuy nhiên trên thế giới khái niệm này đã không còn xa lạ gì. Người đặt nền móng cho lý luận về Marketing địa phương là Philip Kotler - cha đẻ của Marketing hiện đại. Trong những năm gần đây, có nhiều tác giả ở Việt Nam nghiên cứu về Marketing địa phương như: Nguyễn Minh Thành (Vận dụng Marketing địa phương trong phát triển du lịch tỉnh Bắc Ninh), Đặng Thanh Liêm (Nghiên cứu xây dựng Marketing địa phương nhằm phát triển du lịch tỉnh Bến Tre), Nguyễn Thị Thống Nhất (Chiến lược Marketing địa phương nhằm thu hút khách du lịch đến thành phố Đà Nẵng)… Tất cả các tác giả đều phân tích Marketing địa phương dựa trên khái niệm marketing địa phương của Philip Kotler (2004): “Marketing địa phương được định nghĩa là việc thiết kế hình tượng của một địa phương để thỏa mãn nhu cầu của những thị trường mục tiêu. Điều này thành công khi người dân và các doanh nghiệp sẵn lòng hợp tác với cộng đồng và sự mong chờ của những người du lịch và nhà đầu tư” [2,4].
Marketing địa phương bao gồm ba chủ thể chính, đó là chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và công chúng. Chính quyền và các cơ quan ban ngành chủ quản đóng vai trò chủ đạo trong việc ban hành và thực hiện các chính sách quy hoạch địa phương, xây dựng môi trường hấp dẫn cũng như tạo ra được uy tín cho địa phương mình. Chủ thể tạo ra sản phẩm cho địa phương có sức hấp dẫn đối với khách hàng chính là cộng đồng doanh nghiệp, chủ thể này bên cạnh việc tạo việc làm, đóng góp cho ngân sách còn hỗ trợ chính quyền trong việc thực hiện các hoạt động dịch vụ công cộng. Tuy nhiên, mọi chủ trương, chính sách của chính quyền chỉ được thực hiện thành công khi có sự ủng hộ của người dân địa phương. Mặc dù không trực tiếp tham gia vào việc ban hành chương trình marketing địa phương, nhưng lại gián tiếp hỗ trợ cho các hoạt động này được dễ dàng và thuận lợi hơn [3].
Công cụ Marketing địa phương trong phát triển du lịch
Các địa phương có những cách thức marketing thương hiệu của mình khác nhau. Thông thường các nhà marketing địa phương sử dụng các chiến lược marketing địa phương là [1,4]:
(1) Marketing hình ảnh địa phương: Được thực hiện thông qua việc tạo nên một hình ảnh tốt, một hình tượng hấp dẫn, có ấn tượng cho các thị trường mục tiêu của địa phương. Cách thực hiện thông qua việc xây dựng các “luận cứ độc đáo” cho thương hiệu địa phương mình để làm hấp dẫn khách hàng mục tiêu.
(2) Marketing đặc trưng nổi bật: Thường được thực hiện thông qua việc đầu tư vào các điểm nổi bật của địa phương mình. Các điểm nổi bật này có thể do thiên nhiên ưu đãi, lịch sử để lại, hay do địa phương xây dựng nên.
(3) Marketing hạ tầng cơ sở địa phương: Như hệ thống giao thông tiện lợi và hiện đại như đường xe điện ngầm, đường bộ, sân bay, cảng biển, mạng lưới thông tin liên lạc, các công viên khoa học…
(4) Marketing con người của địa phương thông qua việc sử dụng nhân vật nổi tiếng. Các địa phương cũng thường Marketing trình độ chuyên nghiệp của các lực lượng lao động của địa phương mình cho khách hàng mục tiêu.
Tác giả bài viết: Nguyễn Thủy
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn