1. Đặt vấn đề
Môi trường của chúng ta ngày càng bị ô nhiễm nặng nề do khí thải công nghiệp, rác sinh hoạt, hóa chất… Nguồn tài nguyên tự nhiên thì ngày một cạn kiệt do khai thác quá mức, sử dụng lãng phí…và do cả biến đổi khí hậu.
Kinh doanh khách sạn được xem là một trong những ngành công nghiệp không khói rất giàu tiềm năng. Cơ hội nghề nghiệp của ngành này trong tương lai tương ứng với tiềm năng phát triển của ngành. Những nhà quản lý khách sạn (KS) trên thế giới nhận ra rằng thực hiện tốt các vấn đề môi trường và xã hội sẽ đem lại lợi ích cho kinh doanh KS, cho môi trường và cho cộng đồng, từ việc tiết kiệm năng lượng đến việc đảm bảo môi trường tại điểm đến. Vì vậy quan tâm đến các giải pháp quản lý vấn đề môi trường trong kinh doanh KS là điều quan trọng. Hướng tới mục tiêu phát triển du lịch bền vững đối với cơ sở lưu trú đặc biệt là kinh doanh khách sạn, công tác bảo vệ môi trường là một trong những nhiệm vụ đặt ra trong giai đoạn hiện nay.
(Ảnh: Internet)
2. Cơ sở lý luận về môi trường và kinh doanh KS
2.1. Khái niệm môi trường, môi trường du lịch khách sạn.
- Khái niệm môi trường:
Môi trường là một tổ hợp các yếu tố tự nhiên và xã hội bao quanh bên ngoài của một hệ thống nào đó. Chúng tác động lên hệ thống này và xác định xu hướng và tình trạng tồn tại của nó. Môi trường có thể coi là một tập hợp, trong đó hệ thống đang xem xét là một tập hợp con.Môi trường của một hệ thống đang xem xét cần phải có tính tương tác với hệ thống đó. Một định nghĩa rõ ràng hơn như: Môi trường là tập hợp tất cả các yếu tố tự nhiên và xã hội bao quanh con người, ảnh hưởng tới con người và tác động đến các hoạt động sống của con người như: không khí, nước, độ ẩm, sinh vật, xã hội loài người và các thể chế.
Nói chung, môi trường của một khách thể bao gồm các vật chất, điều kiện hoàn cảnh, các đối tượng khác hay các điều kiện nào đó mà chúng bao quanh khách thể này hay các hoạt động của khách thể diễn ra trong chúng.
- Khái niệm môi trường du lịch khách sạn:
Khái niệm môi trường du lịch khách sạn theo nghĩa rộng là “các nhân tố về tự nhiên, kinh tế - xã hội và nhân văn trong đó hoạt động du lịch tồn tại và phát triển”. Hoạt động du lịch có mối quan hệ mật thiết với môi trường, khai thác đặc tính của môi trường để phục vụ mục đích phát triển và tác động trở lại góp phần làm thay đổi các đặc tính của môi trường.
2.2. Ô nhiễm môi trường là gì?
Ô nhiễm môi trường là tình trạng môi trường bị ô nhiễm bởi các chất hóa học, sinh học, tiếng ồn,... gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người và các cơ thể sống khác. Ô nhiễm môi trường xảy ra là do con người và cách quản lý của con người.
2.3. Quản lý môi trường là gì?
"Quản lý môi trường là tổng hợp các biện pháp, luật pháp, chính sách kinh tế, kỹ thuật, xã hội thích hợp nhằm bảo vệ chất lượng môi trường sống và phát triển bền vững kinh tế xã hội quốc gia".
Các mục tiêu chủ yếu của công tác quản lý nhà nước về môi trường bao gồm:
Khắc phục và phòng chống suy thoái, ô nhiễm môi trường phát sinh trong hoạt động sống của con người.
Phát triển bền vững kinh tế và xã hội quốc gia theo 9 nguyên tắc của một xã hội bền vững do hội nghị Rio-92 đề xuất. Các khía cạnh của phát triển bền vững bao gồm: Phát triển bền vững kinh tế, bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên, không tạo ra ô nhiễm và suy thoái chất luợng môi trường sống, nâng cao sự văn minh và công bằng xã hội.
Xây dựng các công cụ có hiệu lực quản lý môi trường quốc gia và các vùng lãnh thổ.Các công cụ trên phải thích hợp cho từng ngành, từng địa phương và cộng đồng dân cư.
2.4. Khách sạn là gì?
Khách sạn là công trình kiến trúc được xây dựng độc lập, có quy mô từ 10 buồng ngủ trở lên, bảo đảm chất lượng về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dịch vụ cần thiết phục vụ khách du lịch. KS là một công trình kiến trúc kiên cố, có nhiều tầng, nhiều phòng ngủ được trang bị các thiết bị, tiện nghi, đồ đạc chuyên dùng nhằm mục đích kinh doanh các dịch vụ lưu trú, phục vụ ăn uống và các dịch vụ bổ sung khác. Tùy theo nội dung và đối tượng sử dụng mà phân loại KS tạm trú, du lịch, nghỉ dưỡng, hội nghị, v.v...
Theo mức độ tiện nghi phục vụ, KS được phân hạng theo số lượng sao từ 1 đến 5 sao.
KS là cơ sở kinh doanh lưu trú phổ biến trên thế giới, đảm bảo chất lượng và tiện nghi cần thiết phục vụ kinh doanh lưu trú, đáp ứng một số yêu cầu về nghỉ ngơi, ăn uống, vui chơi giải trí và các dịch vụ khác trong suốt thời gian khách lưu trú tại KS, phù hợp với động cơ, mục đích chuyến đi.
KS được hiểu là một loại hình doanh nghiệp được thành lập, đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật nhằm mục đích sinh lời.
2.5. Hoạt động kinh doanh của Khách sạn
Hoạt động kinh doanh chủ yếu của KS là kinh doanh dịch vụ lưu trú và ăn uống. Hiện nay cùng với việc phát triển của ngành du lịch và cuộc cạnh tranh thuhút khách, hoạt động kinh doanh KS không ngừng được mở rộng và đa dạnghoá. Ngoài hai dich vụ cơ bản trên các nhà kinh doanh đã tổ chức các hoạt động khác như tổ chức các hội nghị, hội thảo, phục vụ vui chơi, giải trí...Trong các dịch vụ trên có những dịch vụ do KS sản xuất ra để cung cấp cho khách như dịch vụ KS, ăn uống, vui chơi giải trí... có những dịch vụ KS làm đại lý bán cho các cơ sở khác như: đồ uống, điện thoại, giặt là....Trong các dịch vụ KS cung cấp cho khách có những dịch vụ và hàng hoá khách phải trả tiền, có những dịch vụ và hàng hoá khách không phải trả tiền như dịch vụ giữ đồ cho khách, dịch vụ khuân vác hành lý...Kinh doanh trong ngành du lịch thực hiện thu hút một phần quỹ tiêu dùngcủa nhân dân và thực hiện tái phân chia quỹ tiêu dùng của cá nhân theo lãnh thổ.
2.6. Tiêu chuẩn đánh giá về công tác quản lý môi trường
* ISO 14000 là gì?
ISO 14000 là bộ tiêu chuẩn về quản lý môi trường do Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) ban hành nhằm giúp các tổ chức/doanh nghiệp giảm thiểu tác động gây tổn hại tới môi trường và thường xuyên cải tiến kết quả hoạt động về môi trường. ISO 14001:2015 là tiêu chuẩn quy định các yêu cầu về quản lý những yếu tố ảnh hưởng tới môi trường trong quá trình hoạt động của tổ chức, doanh nghiệp. Đây là tiêu chuẩn dùng để xây dựng và chứng nhận hệ thống quản lý môi trường theo ISO 14000. Tiêu chuẩn ISO 14001 đã được Việt Nam chấp thuận trở thành tiêu chuẩn quốc gia: TCVN ISO 14001:2015 Hệ thống quản lý môi trường - Các yêu cầu và hướng dẫn sử dụng.
* Đối tượng áp dụng
Tiêu chuẩn ISO 14001 hướng tới mọi loại hình tổ chức: kinh doanh, trường học, bệnh viện, các tổ chức phi lợi nhuận… có mong muốn thực hiện hoặc cải tiến hệ thống quản lý môi trường của mình. Tiêu chuẩn này có thể áp dụng được tại các tổ chức sản xuất và dịch vụ, với các tổ chức kinh doanh cũng như phi lợi nhuận.
* Lợi ích
a) Về khía cạnh quản lý:
b) Về khía cạnh tạo dựng thương hiệu:
c) Về khía cạnh tài chính:
3. Thực trạng quản lý môi trường trong kinh doanh KS
3.1. Quản lý việc sử dụng năng lượng
Năng lượng đã và đang trở thành một thước đo quan trọng cho các KS. Tiết kiệm năng lượng có nghĩa là tiết kiệm các chi phí hoạt động.KS dùng rất nhiều năng luợng cho các động hàng ngày và giải trí. Nhu cầu năng lượng cao là do việc sử dụng các thiết bị kỹ thuật hiện đại như máy điều hoà nhằm tạo sự thoải mái cho một số lượng lớn khách lưu trú. Hầu hết các KS đáp ứng nhu cầu năng lượng của mình bằng cách mua năng lượng sản sinh từ việc đốt năng lượng hoá thạch, như than, dầu… điều này là tác nhân gây ô nhiễm không khí, làm thay đổi nhiệt độ môi trường.
3.2. Quản lý sử dụng nước
Trong hoạt động của KS, ngoài lượng nước cần cho mỗi phòng KS và các hoạt động thông thường ở KS như bếp núc và giặt ủi, một số nhu cầu về nước khác như các hồ bơi, các bãi cỏ, các sân gôn có thể cần đến một lượng nước rất đáng kể. Việc sử dụng nước quá mức có thể làm suy thoái hay hủy hoại các nguồn nước địa phương, đe doạ việc cung cấp nước thường xuyên cho nhu cầu ở địa phương. Những vấn nạn này có thể trở nên tồi tệ hơn ở những khu vực có mùa cao điểm của du lịch trùng với các thời kỳ khô hạn.
3.3. Quản lý nước thải
Các KS thải ra một lượng nước thải đáng kể. Nước thải có thể là “nước xám”, là nước thải phần lớn từ các máy giặt, bồn rửa tay, vòi sen, nhà tắm và nước từ máng xối, hoặc là “nước đen”, là nước thải từ các nhà vệ sinh và nước rửa chén bát của nhà bếp. Ở một số điểm du lịch, những loại nước thải này rất ít hoặc hầu như không được xử lý.Các chất ô nhiễm như các loại trực khuẩn đường ruột và các hoá chất được thải trực tiếp vào môi trường.Việc lý nước thải không tốt có thể gây nên ô nhiễm đất và nước mặt và gây suy thoái các nguồn tài nguyên du lịch.
3.4. Quản lý rác thải
Các KS thải ra một lượng lớn chất thải rắn, bao bì, các loại thức ăn thừa, các vật liệu sử dụng trong công việc vệ sinh và bảo trì, một vài thứ trong số này là độc hại. Trong nhiều trường hợp, chất thải được tập trung tại các thùng rác không thích hợp không phân loại ngay từ đầu hoặc được thải trực tiếp vào môi trường tự nhiên. Việc đổ bỏ chất thải không hợp lý có thể gây ô nhiễm đất và nước do các chất nhiễm bẩn thấm qua các đống rác xuống đất. Các bãi đổ rác được thiết kế không thích hợp có thể gây cháy, bốc mùi, phát sinh ruồi nhặng và chứa chất thải không hiệu quả. Các bãi thải chứa các vật liệu độc hại như các lon sơn và các loại pin có thể làm ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước, không khí và đất, đe doạ sự an toàn môi trường và sức khoẻ con người.
3.5. Quản lý hóa chất
Các hoá chất dùng để vệ sinh các phòng khách KS hoặc sử dụng cho các cơ sở giải trí như hồ bơi có thể làm nhiễm bẩn đất, nước ở địa phương và có thể nguy hiểm đối với sức khoẻ của con người. Việc rò rỉ các chất CFCs và HCFCs từ tủ lạnh, máy điều hoà và các thiết bị làm lạnh khác cũng như các hoá chất dùng cho giặt khô, các bình xịt, bình và bọt khí chữa lửa, là những hoá chất góp phần làm suy thoái tầng ôzôn.
3.6. Vấn đề mua sắm
Các KS phải mua sắm một số lượng rất lớn các loại hàng hoá, bao gồm các nguồn hàng sử dụng cho giặt ủi và vệ sinh, thức ăn và các loại nước uống, thiết bị, xe cộ, văn phòng phẩm, đồ đạc, giường chiếu và các vật dụng dùng trong phòng tắm của khách. Trong quá trình sản xuất, sử dụng và thải bỏ, những mặt hàng này có thể gây ra những tác động tiêu cực lên môi trường. Các quyết định về mua sắm sản phẩm ảnh hưởng đến lượng chất thải của KS cũng như khả năng gây ô nhiễm không khí, nước hoặc đất do việc sử dụng hay thải bỏ những sản phẩm này.
4. Một số ví dụ thực tế về công tác quản lý môi trường tại các khách sạn – Bài học kinh nghiệm.
4.1. Tập đoàn khách sạn ACOR
Accor là một trong những tập đoàn đi tiên phong trong việc thực hiện chính sách bảo vệ môi trường trong hoạt động kinh doanh khách sạn. Ngay từ năm 1994, tập đoàn này đã đề ra vị trí Giám đốc phụ trách môi trường. Năm 1997, Accor thành lập bộ phận chuyên trách môi trường với nhiệm vụ đề ra chính sách môi trường nhằm giải quyết những thách thức môi trường toàn cầu. Mục tiêu của chính sách môi trường của Accor: “đến năm 2018, áp dụng Hiến chương môi trường cho tất cả các khách sạn trong tập đoàn (hiện nay mới chỉ có 93% tổng số khách sạn áp dụng) và phấn đấu có 20% số khách sạn được cấp chứng chỉ sinh thái”. Nội dung của Hiến chương môi trường lần đầu tiên được phát triển vào năm 1998 gồm 15 hành động bảo vệ môi trường và được áp dụng chủ yếu ở các khách sạn trong tập đoàn tại châu Âu. Các hoạt động này được kiểm soát thông qua hệ thống báo cáo qua mạng nội bộ. Đến nay, sdo nhu cầu bảo vệ môi trường, tập đoàn Accor cải thiện nội dung của Hiến chương môi trường lên thành 65 hành động (mức độ áp dụng thay đổi tùy theo nhãn hiệu). Những nội dung cụ thể trong chính sách môi trường của Accor bao gồm:
1. Thông tin và nâng cao nhận thức: thông qua hoạt động định kỳ nhằm trình bày cho nhân viên về tác động môi trường của khách sạn hoặc mời diễn giả từ bên ngoài trình bày những vấn đề cụ thể trong các nội dung của Hiến chương môi trường;
2. Quản lý năng lượng (một số nội dung áp dụng cho cả quản lý nước): gồm các biện pháp như lập mức tiêu thụ; giám sát và phân tích mức tiêu thụ hàng tháng; liệt kê các cải tiến kỹ thuật; tổ chức các biện pháp ngăn ngừa; đảm bảo việc sử dụng tối ưu các cơ sở và máy móc; lắp đặt các đèn trang trí tiết kiệm năng lượng; sử dụng các bóng đèn tiết kiệm năng lượng; sử dụng các bóng đèn có độ chiếu sáng thấp trong phòng ngủ; sử dụng đèn LED cho đèn trang trí bên ngoài; sử dụng đèn LED làm tín hiệu cho tín hiệu thoát hiểm; sử dụng tủ lạnh tiết kiệm năng lượng; bọc vỏ cách nhiệt cho các ống dẫn nước nóng; sử dụng thiết bị đun nước nóng tiết kiệm điện; thu hồi năng lượng từ hệ thống thông gió chính; sử dụng điều hòa tiết kiệm năng lượng; thu hồi năng lượng từ hệ thống điều hòa không khí; lắp tấm thu năng lượng mặt trời để đun nước nóng; lắp tấm thu năng lượng mặt trời để làm ấm bể bơi; thúc đẩy việc sử dụng nguồn năng lượng tái tạo.
3. Quản lý nước: gồm các biện pháp như lắp đặt thiết bị điều chỉnh dòng nước trong vòi nước; lắp đặt thiết bị điều chỉnh dòng nước ở các vòi hoa sen; lắp đặt thiết bị vệ sinh tiết kiệm nước; sử dụng thiết bị giặt tiết kiệm nước; khuyến khích khách sử dụng lại khăn tắm; khuyến khích khách sử dụng lại khăn trải giường; loại bỏ hệ thống tủ lạnh làm mát bằng nước; thu hồi nước mưa.
4. Quản lý nước thải: gồm các biện pháp như thu hồi và tái chế dầu ăn qua sử dụng; phân loại và thu hồi thức ăn vụn; xử lý nước thải.
5. Quản lý chất thải: gồm các biện pháp như tái xử lý bao gói bằng giấy và bìa các tông; tái chế giấy, giấy báo và tạp chí; hạn chế việc sử dụng các bao bì không phân hủy được; tái chế chai lọ thủy tinh; tái chế bao đựng bằng nhựa; tái chế các hộp đựng kim loại; thực hiện phân loại chất thải trong phòng ngủ của khách; hạn chế việc sử dụng bọc các sản phẩm vệ sinh trong phòng ngủ; tái chế các chất thải hữu cơ từ nhà hàng; tái chế chất thải xanh trong vườn; thải pin của khách sạn một cách an toàn; thải pin của khách một cách an toàn; tái chế thiết bị điện và điện tử; tái chế hộp mực; thải các bóng đèn huỳnh quang và bóng đèn ống một cách an toàn.
6. Các biện pháp bảo vệ tầng ozone: gồm các biện pháp như loại bỏ các thiết bị chứa CFC; kiểm tra các thiết bị chứa CFC, HCFC hoặc HFC không rò rỉ.
7. Đảm bảo tính đa dạng sinh học: gồm các biện pháp như giảm việc sử dụng thuốc trừ sâu; giảm thuốc diệt cỏ; giảm việc sử dụng thuốc diệt nấm mốc; sử dụng phân hữu cơ; tưới cây một cách hợp lý; trồng các cây thích nghi với địa phương; trồng ít nhất mỗi cây một năm; tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường ở địa phương.
8. Mua sắm xanh: bao gồm các biện pháp như sử dụng giấy sinh học; sử dụng các sản phẩm có nhãn sinh thái; hỗ trợ những sản phẩm hữu cơ.
9. Cấp chứng chỉ: việc nhận chứng chỉ ISO 14001 là hoạt động ở cấp độ cao hơn so với các biện pháp thực hiện ở trên nhằm thể hiện rõ cam kết môi trường trên toàn cầu của tập đoàn cũng như thực hiện Hiến chương môi trường. Hiện tập đoàn Accor đã áp dụng tiêu chuẩn ISO 14001 để thể hiện tầm quan trọng trong tiếp cận tổng thể môi trường. Cách tiếp cận này đảm bảo lợi ích dài hạn phù hợp với quy định và quá trình cải tiến liên tục trong hoạt động bảo vệ môi trường của khách sạn.
Thông qua việc xem xét chính sách môi trường của tập đoàn Accor, các khách sạn của Việt Nam có thể tiếp thu những yếu tố cơ bản trong chính sách môi trường, quan điểm tiếp cận và một số các biện pháp thực hiện bảo vệ môi trường./.
4.2. Khách sạn MAJESTIC
Là khách sạn sớm áp dụng biện pháp bảo vệ và quản lý tài nguyên trong hoạt động kinh doanh, khách sạn Majestic thực hiện chương trình này từ năm 1998.
Giai đoạn thứ nhất, khách sạn tập trung chủ yếu vào các biện pháp tiết kiệm năng lượng nhằm giảm chi phí kinh doanh. Với sự giúp đỡ của Cơ quan quản lý môi trường và năng lượng Pháp (ADEME), khách sạn tập trung thực hiện các biện pháp tiết kiệm năng lượng:
Giai đoạn thứ hai, được triển khai từ tháng 10/2003 đến nay nhằm áp dụng các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường thông qua các hoạt động:
Hàng năm nhóm kỹ sư trình bày với Ban Giám đốc bản kế hoạch về các biện pháp thực hiện quản lý, tiết kiệm tại từng bộ phận. Đồng thời, nhóm kỹ sư này giám sát việc thực hiện kế hoạch ở từng bộ phận.
Nhờ việc thực hiện các biện pháp trên đây, khách sạn không những góp phần bảo vệ môi trường mà còn trực tiếp làm giảm chi phí kinh doanh. Theo thống kê của khách sạn, tính chung kết quả trong 5 năm, khách sạn đã tiết kiệm được 2,8 tỷ đồng trong đó phần tiết kiệm chi phí điện năng chiếm phần lớn trong chi phí kinh doanh tiết kiệm được (khoảng 2,5 tỷ đồng).
4.3. Khách sạn REX
Khách sạn Rex áp dụng các biện pháp quản lý và bảo vệ môi trường từ tháng 5/2002 đến nay được 16 năm. Việc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường được khách sạn thực hiện theo hai nội dung chính:
- Áp dụng các biện pháp tiết kiệm năng lượng và quản lý tài nguyên như tiết kiệm điện, tiết kiệm nước, phân loại rác thải, sử dụng các hóa chất thân thiện với môi trường.
- Thực hiện các biện pháp cải tiến kỹ thuật nhằm nâng cao hiệu suất sử dụng như thay bóng đèn thường bằng bóng đèn compact, lắp thêm các lưới kiểm soát dòng chảy ở các vòi nước để tiết kiệm nước, thay thế các tủ lạnh sử dụng CFC bằng loại không dùng CFC.
Trong thời gian ba năm thực hiện các biện pháp bảo vệ và quản lý môi trường, khách sạn Rex đã tiết kiệm được 5,4 tỷ đồng trong đó tiết kiệm điện là 4,5 tỷ đồng.
4.4. Bài học kinh nghiệm
Qua thực tế áp dụng của hai khách sạn nêu trên, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:
- Quá trình quản lý bảo vệ môi trường thực chất góp phần giảm được chi phí hoạt động của khách sạn thông qua các biện pháp đơn giản và dễ thực hiện. Phần lớn chi phí tiết kiệm được là từ tiết kiệm chi phí hóa đơn tiền điện, chiếm khoảng 80% tổng chi phí tiết kiệm được. Như vậy, thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường trong khách sạn không chỉ đóng góp vào hoạt động bảo vệ môi trường chung của ngành Du lịch mà trực tiếp góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của khách sạn.
- Hầu hết các biện pháp quản lý bảo vệ môi trường đều là các biện pháp đơn giản không đòi hỏi chi phí đầu tư ban đầu tốn kém, thậm chí là các biện pháp không cần đầu tư. Do vậy, có thể khẳng định các biện pháp quản lý bảo vệ môi trường có thể được áp dụng tại các khách sạn với quy mô nhỏ cũng như hạng sao thấp. Đây là bước quan trọng trong giảm định kiến của nhiều người khi đề cập tới hoạt động bảo vệ môi trường thường cho rằng đây là biện pháp đòihỏi đầu tư tốn kém chỉ phù hợp với khách sạn sao cao.
- Hoạt động bảo vệ môi trường trong khách sạn gắn liền với việc phân chia theo giai đoạn và trong các giai đoạn sau có sự tham gia của việc đào tạo nhân viên, thành lập các nhóm chuyên trách quản lý môi trường nhằm đảm bảo các hoạt động bảo vệ môi trường là quá trình liên tục.
- Hoạt động bảo vệ môi trường còn góp phần cải thiện hình ảnh của cơ sở lưu trú đối với khách hàng. Nhờ việc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, hai khách sạn trên đã nhận được một số giải thưởng bằng khen trong và ngoài nước. Khách sạn Majestic nhận “Giải thưởng năng lượng ASEAN” do Tập đoàn năng lượng Châu Á trao. Khách sạn Rex nhận chứng chỉ ISO 14001.
5. Giải pháp quản lý môi trường trong kinh doanh KS
5.1. Giải pháp cho vấn đề quản lý việc sử dụng năng lượng
KS nên đánh giá mức độ tiêu thụ năng lượng hiên tại để biết nơi nào tiêu phí năng lượng lớn nhất trong quá trình kinh doanh.
Tổ chức giám sát thường xuyên việc tiêu thụ năng lượng. Việc giám sát hàng ngày hoặc hàng tuần giúp xác định được những chỗ tiêu thụ bất thường và định mức tiết kiệm nhờ lắp đặt các thiết bị hiệu quả và thực hiện các biện pháp tiết kiệm cần thiết.
Khuyến khích khách lưu trú thực hiện việc tiết kiệm như tắt đèn và máy điều hoà khi ra khỏi phòng…
Phối hợp với các nhân viên để định ra các biện pháp tiết kiệm như tắt đèn, không sử dụng máy điều hoà khi dọn phòng, thay vào đó là mở cửa sổ để lấy không khí tự nhiên và ánh sáng.
Khi có thể, KS đầu tư sử dụng năng lượng như nguồn năng lượng tái tạo như: ga sinh học, năng lượng gió và mặt trời.
5.2. Giải pháp cho vấn đề quản lý sử dụng nước
- Xác định các khu vực tiêu thụ nhiều nước trong KS, đây là những nơi có thể tiết kiệm được nhiều nước.
- Khuyến khích khách lưu trú sử dụng khăn tắm và ra trải giường của họ nhiều hơn một ngày, cho họ những lời khuyên về các biện pháp tiết kiệm nước như khoá các vòi nước khi cạo râu hay đánh răng.
- Làm việc với các nhân viên nhằm xác định những thói quen tiết kiệm nước như tránh để nước chảy không có mục đích hay chỉ vận hành máy giặt và máy rửa chén bát khi chúng đã chứa đầy.
- Yêu cầu các ban kỹ thuật và quản lý nội vi tham gia phát hiện và sữa chữa các toa lét, vòi nước và vòi tắm bị rò rỉ.
- Lắp đặt các thiết bị tiết kiệm nước như toa lét có mức xả nước thấp và vòi nước và vòi tắm có áp lực thấp. Thiết bị giảm áp lực trong các vòi tắm có thể giảm lưu lượng nước xuống còn 50% mà không ảnh hưởng đến sự bất tiện của người sử dụng.
- Sử dụng các công nghệ để giảm thiểu sử dụng nước thông qua việc tái chế nước.
- Tránh các thói quen sử dụng nước phung phí cho cây cảnh như tưới nước trên bề mặt ở ngoài trời và tưới vườn trong ngày.
- Sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt và chọn những loài cây bản địa chịu hạn tốt cho việc tạo phong cảnh
5.3. Giải pháp cho vấn đề quản lý nước thải
- Giảm tối thiểu lượng nước thải thông qua việc giảm sử dụng nước.
- Sử dụng bột giặt và các chất tẩy rửa dễ phân huỷ bằng sinh học tương thích với các công nghệ xử lý nước thải.
- Giảm tối thiểu việc sử dụng Clo, các chất tẩy quần áo, các loại bột giặt và các hoá chất khác thải vào trong nước thải.
- Đảm bảo tất cả nước thải được xử lý tốt trước khi thải vào môi trường
5.4. Giải pháp cho vấn đề quản lý rác thải
- KS nên tái sử dụng và tái chế các sản phẩm có thể cắt giảm được các chi phí mua sản phẩm.
- Xác định cho nhân viên biết đổ bỏ chất thải bất hợp pháp hay không đúng quy định có thể chịu chi phí xử phạt và xử lý.
- Tuyên truyền cho nhân viên hiểu được tầm quan trọng của đổ bỏ chất thải đúng quy định có thể hạn chế nguy cơ kiên tụng từ khách du lịch và cư dân trong khu vực do nhiễm bệnh từ các chất thải nguy hại.
- Việc quản lý chất thải tốt có thể bảo vệ uy tín của KS thông qua việc hạn chế xả chất thải chưa được sử lý ra bên ngoài môi trường tự nhiên và nâng cao sự thỏa mãn của khách lưu trú. Hiệu quả của việc quản lý chất thải tốt chính là sự quan tâm hàng đầu của khách lưu trú trong việc chọn lựa các điểm nghỉ ngơi của họ.
5.5.Giải pháp cho vấn đề quản lý hóa chất
- Hạn chế số lượng hoá chất sử dụng trong KS.
- Sử dụng các chất tẩy rửa, các loại dung môi, và các sản phẩm khác đã được chứng nhận về mặt môi trường và dễ bị phân huỷ sinh học.
- Sử dụng liều lượng tự động các hoá chất trong việc chùi rửa và các hồ bơi nhằm đảm bảo rằng một lượng hoá chất vừa phải được sử dụng cho mỗi trường hợp.
- Thải bỏ các vật liệu độc hại một cách hợp lý và theo đúng các tiêu chuẩn qui định.
- Thường xuyên theo dõi các máy điều hoà, tủ lạnh, tủ đông và thiết bị làm mát bếp để kịp thời phát hiện và sửa chữa các rò rỉ các khí CFCs và HCFCs làm suy thoái tầng ôzôn.
- Sử dụng các phân bón hữu cơ hay vi sinh thay cho phân bón hoá học.
5.6. Giải pháp cho vấn đề mua sắm
- KS nên mua những sản phẩm đã được xác nhận về chất lượng đạt tiêu chuẩn thân thiện với môi trường
- Mua các sản phẩm bằng giấy có hàm lượng được tái chế cao sau khi sử dụng và không cần sử dụng Clo để tẩy trắng.
- Mua các sản phẩm với số lượng lớn và cần ít bao bì để giảm thiểu các chi phí về đóng gói, lưu kho, vận chuyển và thải bỏ.
- Mua các vật liệu và sản phẩm địa phương ít đòi hỏi vận chuyển, đóng gói và lưu kho. Việc làm này có thể làm gia tăng các quan hệ và thiện ý với nhân dân địa phương.
6. Kết luận
Trong quá trình thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường trong cơ sở lưu trú du lịch, đặc biệt là kinh doanh khách sạn, việc xây dựng chính sách bảo vệ môi trường được coi là bước đầu tiên với tư cách định hướng cho công tác bảo vệ môi trường. Thông qua việc xem xét chính sách môi trường tại các khách sạn có thể tiếp thu những yếu tố cơ bản trong chính sách môi trường, quan điểm tiếp cận, và một số các biện pháp thực hiện bảo vệ môi trường.
Tác giả bài viết: Vũ Hường
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn