Ngày 09/3/2018, bộ môn Tài chính kế toán - khoa Kinh tế đã tổ chức seminar với chủ đề: Chất lượng giảng viên bộ môn Tài chính kế toán và định hướng phát triển đến năm 2015.
Báo cáo viên trình bày nội dung seminar
Căn cứ vào thông tư liên tịch số 36/2014/TTLT-BGDĐT-BNV của Bộ GD&ĐT quy định mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập, trong đó quy định tiêu chuẩn đối với giảng viên đại học cao đẳng bao gồm các tiêu chuẩn sau:
a) Nắm vững kiến thức cơ bản của môn học được phân công giảng dạy và có kiến thức tổng quát về một số môn học có liên quan trong chuyên ngành đào tạo được giao đảm nhiệm;
b) Nắm vững mục tiêu, kế hoạch, nội dung, chương trình các môn học được phân công thuộc chuyên ngành đào tạo. Xác định được thực tiễn và xu thế phát triển đào tạo, nghiên cứu của chuyên ngành ở trong và ngoài nước;
c) Biên soạn giáo án, tập hợp các tài liệu tham khảo liên quan của bộ môn, chủ trì hoặc tham gia biên soạn giáo trình, sách hướng dẫn bài tập, thực hành, thí nghiệm;
d) Có khả năng tham gia nghiên cứu khoa học và tổ chức cho sinh viên nghiên cứu khoa học; ứng dụng, triển khai những kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ vào công tác giáo dục và đào tạo, sản xuất và đời sống;
đ) Có phương pháp dạy học hiệu quả, phù hợp với nội dung môn học; giảng dạy đạt yêu cầu trở lên.
Ngoài ra, theo Điều 54. Giảng viên - Luật Giáo dục đại học số 08/2012/QH13 của Quốc hội quy định: “Giảng viên trong cơ sở giáo dục đại học là người có nhân thân rõ ràng; có phẩm chất, đạo đức tốt; có sức khỏe theo yêu cầu nghề nghiệp; đạt trình độ về chuyên môn, nghiệp vụ quy định tại điểm e khoản 1 Điều 77 của Luật giáo dục”.
Như vậy, chất lượng của đội ngũ GVĐH được đánh giá trước hết qua các tiêu chuẩn cơ bản của nhà giáo, bao gồm: phẩm chất và năng lực là hai bộ phận tạo nên cấu trúc nhân cách của mỗi người giảng viên. Phẩm chất nhà giáo là thế giới quan của họ (hay nói cách khác là phẩm chất chính trị của nhà giáo), nền tảng định hướng thái độ, hành vi ứng xử của giáo viên. Bên cạnh đó, phẩm chất, đạo đức, nhân văn của người thầy giáo thể hiện qua lòng thương yêu con trẻ, thương yêu học trò. Năng lực nhà giáo chính là năng lực sư phạm bao gồm: năng lực chuyên môn; năng lực dạy học; năng lực tổ chức; năng lực thực hiện; năng lực giao tiếp; năng lực kiểm tra, đánh giá; năng lực giáo dục.
Ngoài các tiêu chí đánh giá chất lượng thông qua những tiêu chuẩn chung của nhà giáo, xuất phát từ đặc thù về hoạt động giáo dục đại học (GDĐH), chất lượng của đội ngũ GVĐH còn được xem xét thông qua ba khía cạnh cơ bản là chất lượng đào tạo nguồn nhân lực; năng lực và hiệu quả hoạt động khoa học; chất lượng các dịch vụ xã hội.
Chất lượng hoạt động đào tạo: Với chức năng dạy học, GVĐH có nhiệm vụ trang bị cho sinh viên những tri thức khoa học hiện đại, kỹ năng, kỹ xảo về một lĩnh vực khoa học nhất định; phát triển trí tuệ và năng lực hoạt động trí tuệ, tư duy sáng tạo, trang bị phương pháp luận, phương pháp nghiên cứu khoa học và phương pháp tự học, tiếp thu cái mới, hình thành thế giới quan khoa học, các chuẩn mực xã hội và các phẩm chất đạo đức nghề nghiệp.
Chất lượng và hiệu quả hoạt động khoa học và công nghệ: Đội ngũ GVĐH được biết đến như một lực lượng cán bộ học thuật có trình độ, chất lượng cao; bởi vậy, ngoài việc dạy học, GVĐH phải chủ động tham gia nghiên cứu khoa học (NCKH) để bổ sung, cập nhật kiến thức, nâng cao chất lượng giảng dạy, đào tạo; khuyến khích, hướng dẫn, rèn luyện cho sinh viên phương pháp học thông qua nghiên cứu, phát hiện và giải quyết vấn đề thực tiễn. Để làm được điều đó, người GVĐH cũng phải biết nghiên cứu, tìm tòi, giải thích và dự báo các vấn đề của tự nhiên và xã hội mà loài người và khoa học chưa có lời giải.
Chất lượng các dịch vụ xã hội: Đối với nhà trường và sinh viên, GVĐH cần thực hiện các dịch vụ như tham gia công tác quản lý, các công việc hành chính, tham gia các tổ chức xã hội, cố vấn cho sinh viên, liên hệ thực tập, tìm chỗ làm cho sinh viên... Trong lĩnh vực chuyên môn, GVĐH làm phản biện cho các tạp chí khoa học, tham dự và tổ chức các hội thảo khoa học. Đối với cộng đồng, GVĐH trong vai trò của một chuyên gia cũng thực hiện các dịch vụ như tư vấn, cung cấp thông tin, viết báo, áp dụng các kiến thức khoa học vào đời sống cộng đồng, truyền bá kiến thức khoa học và nâng cao dân trí …
Đối với bộ môn Tài chính kế toán – khoa Kinh tế - trường Đại học Sao Đỏ, thực hiện sứ mạng đến năm 2020 của nhà trườnglà “Đào tạo đa ngành đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao. Phát huy tốt nhất khả năng sáng tạo của người học, yêu gia đình, yêu tổ quốc, yêu đồng bào, sống tốt, làm việc hiệu quả”, cùng với chính sách chất lượng: “Thực hiện thành công sứ mạng của nhà trường trên nền tảng lấy người học làm trung tâm, lấy chất lượng đào tạo làm cốt lõi, lấy hiệu quả kinh tế xã hội làm mục tiêu, lấy xu thế thời đại để định hướng tiếp cận; Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ giảng viên, tăng cường đầu tư trang thiết bị tiên tiến hiện đại, mở ngành đào tạo Thạc sĩ, tiến tới đào tạo Tiến sĩ để phát triển nhà trường theo định hướng đại học ứng dụng…Bộ môn đã có những biện pháp cụ thể cùng với sự nỗ lực của bản thân các giảng viên để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ giảng viên đáp ứng yêu cầu đào tạo. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, chất lượng đội ngũ giảng viên bộ môn Tài chính kế toán vẫn còn tồn tại một số vấn đề cần giải quyết. Để làm rõ các vấn đề này, trước hết cần phải đánh giá thực trạng chất lượng giảng viên bộ môn Tài chính kế toán.
1. Thực trạng chất lượng giảng viên bộ môn Tài chính kế toán
* Trình độ chuyên môn nghiệp vụ
Trình độ giảng viên bộ môn Tài chính kế toán qua các năm liên tục được nâng cao đáp ứng yêu cầu đào tạo. Đến nay, 100% giảng viên là Thạc sĩ trong đó có 38% giảng viên đang nghiên cứu sinh ở nước ngoài.
Về chất lượng giảng dạy: Các giảng viên bộ môn đều có kinh nghiệm giảng dạy trên 5 năm. Ngoài kiến thức chuyên sâu về mặt lý thuyết, hầu hết giảng viên đều có kinh nghiệm thực tế nghề nghiệp. Các giảng viên tích cực vận dụng các phương pháp dạy học tích cực trong bài giảng, gây hứng thú cho sinh viên. Giảng viên chủ nhiệm và giảng viên bộ môn luôn quan tâm, sát sao tới từng sinh viên, động viên và đôn đốc kịp thời các trường hợp cá biệt. Do vậy, chất lượng giảng dạy của bộ môn được đảm bảo, sinh viên tốt nghiệp ra trường có khả năng làm việc đúng ngành nghề và đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp.
* Hoạt động nghiên cứu và hướng dẫn khoa học
Các công trình nghiên cứu khoa học của giảng viên BM Tài chính kế toán
Để phát triển nền kinh tế tri thức và tích cực hội nhập quốc tế, hoạt động nghiên cứu khoa học luôn được Bộ môn TCKT quan tâm, chú trọng. Cùng với hoạt động giảng dạy, hoạt động nghiên cứu khoa học được coi là một trong hai nhiệm vụ quan trọng nhất của cán bộ giảng viên. Trong những năm qua các đề tài, công trình nghiên cứu khoa học của cán bộ giảng viên ngày càng được quan tâm, số lượng bài báo, đề tài không ngừng tăng qua các năm. Ngoài ra, đội ngũ cán bộ giảng viên bộ môn đã tích cực hướng dẫn, giúp đỡ sinh viên tham gia vào các đề tài nghiên cứu. Hoạt động này không chỉ giúp cho người học có khả năng tiếp cận được phương pháp nghiên cứu hiện đại, khoa học mà cũng là cơ hội cho cán bộ giảng viên củng cố, nâng cao khả năng nghiên cứu khoa học của mình.
* Đạo đức, lối sống của cán bộ giảng viên
Để xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ giảng viên “toàn diện”, Bộ môn TCKT luôn luôn coi trọng việc xây dựng và giữ gìn đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ giảng viên trước sự tác động của nền kinh tế thị trường và những biểu hiện lệch lạc trong đời sống xã hội.
Trong những năm qua, giảng viên bộ môn đã tích cực thực hiện và tham gia các hội thi, phát động nhiều phong trào nhằm đề cao việc xây dựng phẩm chất đạo đức lối sống mẫu mực cho đội ngũ cán bộ, giảng viên do nhà trường và khoa tổ chức. Đặc biệt, thông qua việc triển khai Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Thông qua nhiều phong trào, hội thi, cuộc vận động, đội ngũ cán bộ giảng viên Bộ môn TCKT luôn đã thực hiện tốt những chuẩn mực của đạo đức nghề nghiệp: Tâm huyết với nghề nghiệp, có ý thức giữ gìn danh dự, lương tâm nhà giáo; có tinh thần đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ đồng nghiệp trong cuộc sống và trong công tác; có lòng nhân ái, bao dung, độ lượng, đối xử hoà nhã với người học, đồng nghiệp; sẵn sàng giúp đỡ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người học, đồng nghiệp và cộng đồng; tận tụy với công việc; thực hiện đúng điều lệ, quy chế, nội quy của đơn vị, nhà trường, của ngành; công bằng trong giảng dạy và giáo dục, đánh giá đúng thực chất năng lực của người học; thực hành tiết kiệm, chống bệnh thành tích, chống tham nhũng, lãng phí; tích cực học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp giáo dục.
* Trình độ tin học, ngoại ngữ của cán bộ giảng viên
Thế kỷ XXI được coi là thế kỷ của những công dân toàn cầu, do đó để đào tạo được những công dân toàn cầu người thầy hiểu rõ và bước đầu có những thực hành về yêu cầu của công dân toàn cầu. Một trong yêu cầu cơ bản là có trình độ tin học, ngoại ngữ để hội nhập. Nhận thức được tầm quan trọng đó,trường đã tạo điều kiện về mọi mặt để đội ngũ cán bộ giảng viêntham gia vào các khóa đào tạo ngoại ngữ. Trình độ ngoại ngữ, tin học của cán bộ giảng viên được nâng cao nhằm phục vụ cho các hoạt động hội thảo, trao đổi học thuật và hoạt động nghiên cứu tài liệu nước ngoài phục vụ cho giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Hàng năm các giảng viên bộ môn đã tích cực tham gia các lớp học tiếng Anh do nhà trường đã tổ chức. Một số giảng viên dành thời gian tự học tiếng Anh để nâng cao khả năng ngoại ngữ phục vụ cho công tác giảng dạy. Trong đánh giá bài giảng, nhà trường cũng đã đưa tiêu chí sử dụng ngoại ngữ để đánh giá chất lượng giảng dạy của giảng viên, do đó góp phần khuyến khích giảng viên cố gắng hơn trong học tập nâng cao trình độ ngoại ngữ.
* Chất lượng các dịch vụ xã hội:
Giảng viên bộ môn TCKT đã tham gia công tác quản lý, các công việc hành chính như thựchiện và vận hành QMS ISO 9001:2008 về quản lý chất lượng, tham gia các tổ chức xã hội, cố vấn cho sinh viên, liên hệ thực tập, tìm chỗ làm cho sinh viên... Trong lĩnh vực chuyên môn, các giảng viên tham dự và tổ chức các hội thảo khoa học. Đối với cộng đồng, giảng viên bộ môn thực hiện các dịch vụ như tư vấn tuyển sinh, cung cấp thông tin, viết báo, áp dụng các kiến thức khoa học vào đời sống cộng đồng, truyền bá kiến thức khoa học và nâng cao dân trí …
2. Định hướng bộ môn Tài chính kế toán đến năm 2015
Với mục tiêu hoàn thành mục tiêu chiến lược của Nhà trường đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025, bộ môn Tài chính kế toán có những định hướng đến năm 2025 như sau:
- Định kỳ rà soát, đánh giá, hiệu chỉnh nội dung chương trình đào tạo đảm bảo tính khoa học và thực tế của doanh nghiệp.
- Tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học theo hướng lấy người học làm trung tâm, học đi đôi với hành, tăng cường hoạt động trải nghiệm, thực hành nghề nghiệp cho sinh viên.
- Tích cực vận dụng ngoại ngữ, tin học trong giảng dạy các học phần trong chương trình đào tạo nhằm rèn luyện khả năng ngoại ngữ và tin học cho sinh viên.
- Tạo điều kiện cho giảng viên học tập, nghiên cứu sinh nâng cao trình độ chuyên môn.
Khuyến khích giảng viên, sinh viên tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học, tăng số lượng bài báo, đề tài NCKH hàng năm.
- Tăng cường liên kết với các doanh nghiệp, tạo điều kiện cho sinh viên có điều kiện tham gia học tập thực tế và tìm kiếm cơ hội việc làm.
- Quan tâm đến công tác bồi dưỡng, giáo dục nhân cách, đạo đức lối sống của sinh viên, tổ chức các hoạt động đa dạng để sinh viên trau dồi kỹ năng mềm.