Trong điều kiện toàn cầu hóa và sự bùng nổ tri thức hiện nay trên thế giới, hệ thống giáo dục của nước ta bị đặt vào tình trạng khủng hoảng sâu sắc. Để tồn tại và bắt kịp với đà phát triển đó, đổi mới giáo dục đào tạo, đặc biệt là giáo dục đại học, là yêu cầu bắt buộc phải làm. Trong chiến lược đổi mới giáo dục đào tạo nói chung, có rất nhiều điều cần làm và phải được tiến hành đồng bộ, song việc nâng cao chất lượng giảng viên là một chiến lược được quan tâm hàng đầu.
Từ thực trạng trên, đòi hỏi công cuộc đổi mới tại Trường Đại học Sao Đỏ nói chung và khoa Kinh tế nói riêng cần phải tập trung hàng đầu và nhiều hơn cho vấn đề nâng cao chất lượng giảng viên. Xuất phát từ mục tiêu đó, ngày 22/3/2018, Bộ môn Quản trị kinh doanh khoa Kinh tế đã thực hiện nội dung Seminar: “Chất lượng giảng viên bộ môn Quản trị kinh doanh: Thực trạng và một số vấn đề đặt ra”
1. Thực trạng chất lượng giảng viên bộ môn Quản trị kinh doanh
Bộ môn Quản trị kinh doanh quản lý 3 chuyên ngành đào tạo bao gồm: Quản trị kinh doanh tổng hợp, Quản trị kinh doanh khách sạn nhà hàng và Quản trị chế biến món ăn. Qua hơn 10 năm xây dựng và trưởng thành, 100% giảng viên bộ môn được đào tạo chuyên sâu trong các lĩnh vực khoa học kinh tế và quản trị kinh doanh từ các trường đại học có uy tín tại Việt Nam.
* Trình độ chuyên môn nghiệp vụ:
Giảng dạy là nhiệm vụ hàng đầu của các Bộ môn chuyên môn. Cùng với sự mở rộng các ngành nghề đào tạo, chương trình đào tạo của Bộ môn không ngừng được đổi mới, số lượng các học phần do Bộ môn đảm nhiệm ngày càng tăng. Hiện nay, Bộ môn đang quản lý 3 chuyên ngành với hơn 50 môn học được giảng dạy cho các ngành khác nhau trong toàn trường. Những năm qua, đội ngũ giảng viên của Bộ môn giảm về số lượng, với chất lượng 100% giảng viên Bộ môn có trình độ từ thạc sỹ trở lên, trong đó có 2 nghiên cứu sinh ngoài nước. Có thể thấy, trình độ giảng viên của bộ môn qua các năm liên tục được nâng cao đáp ứng yêu cầu đào tạo.
Các giảng viên bộ môn đều có kinh nghiệm giảng dạy trên 5 năm. Các giảng viên đều có kiến thức chuyên sâu về mặt lý thuyết, hầu hết đều có kinh nghiệm thực tế nghề nghiệp. Các giảng viên tích cực vận dụng các phương pháp dạy học tích cực trong bài giảng, gây hứng thú cho sinh viên. Giảng viên chủ nhiệm và giảng viên bộ môn luôn quan tâm, sát sao tới từng sinh viên, động viên và đôn đốc kịp thời các trường hợp cá biệt. Do vậy, chất lượng giảng dạy của bộ môn được đảm bảo, sinh viên tốt nghiệp ra trường có khả năng làm việc đúng ngành nghề và đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp.
Tuy nhiên:
* Công tác nghiên cứu khoa học:
Cùng với công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học (NCKH) là lĩnh vực được Bộ môn đặc biệt quan tâm. Đội ngũ cán bộ giảng viên luôn tích cực tham gia vào hoạt động nghiên cứu và hướng dẫn khoa học. Đề tài cấp trường do giảng viên Bộ môn chủ trì thực hiện được đánh giá cao, phục vụ trực tiếp công tác giảng dạy và nghiên cứu của Bộ môn. Tuy nhiên, đội ngũ giảng viên tham gia nghiên cứu khoa học chưa có đề tài cấp tỉnh, cấp bộ. Thành tích nghiên cứu khoa học của giảng viên còn ít (số lượng bài báo công bố trên tạp chí chuyên ngành, quốc tế chưa nhiều).
Trong công tác hướng dẫn sinh viên NCKH, đội ngũ cán bộ giảng viên bộ môn đã tích cực hướng dẫn sinh viên tham gia vào các đề tài nghiên cứu. Mỗi năm giảng viên Bộ môn hướng dẫn 1 nhóm sinh viên NCKH. Chất lượng các đề tài NCKH của sinh viên không ngừng được nâng lên, tạo ra nhiều cơ hội cho sinh viên học tập và nghiên cứu. Tuy nhiên số lượng hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học còn ít.
* Đạo đức, lối sống của cán bộ giảng viên:
Để xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ giảng viên “toàn diện”, Bộ môn QTKD luôn coi trọng việc xây dựng và giữ gìn đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ giảng viên trước sự tác động của nền kinh tế thị trường và những biểu hiện lệch lạc trong đời sống xã hội.
* Trình độ tin học, ngoại ngữ của cán bộ giảng viên:
Các giảng viên đều nhận thức rõ được tầm quan trọng của tiếng anh và tin học. Trình độ ngoại ngữ, tin học của cán bộ giảng viên hầu hết đạt trình độ B. Hàng năm các giảng viên bộ môn đã tích cực tham gia các lớp học tiếng Anh do nhà trường đã tổ chức. Một số giảng viên dành thời gian tự học tiếng Anh để nâng cao khả năng ngoại ngữ phục vụ cho công tác giảng dạy. Trong quá trình giảng dạy trên lớp, giảng viên cũng đãbước đầu sử dụng ngoại ngữ để giảng dạy.
* Chất lượng các dịch vụ xã hội:
Giảng viên bộ môn QTKD đã tham gia công tác quản lý, các công việc hành chính như thựchiện và vận hành QMS ISO 9001:2008 về quản lý chất lượng, tham gia các tổ chức xã hội, cố vấn cho sinh viên, liên hệ thực tập, tư vấn việc làm cho sinh viên... Trong lĩnh vực chuyên môn, các giảng viên tham dự và tổ chức các hội thảo khoa học. Đối với cộng đồng, giảng viên bộ môn thực hiện các dịch vụ như tư vấn tuyển sinh, cung cấp thông tin, viết báo, áp dụng các kiến thức khoa học vào đời sống cộng đồng, truyền bá kiến thức khoa học và nâng cao dân trí …
2. Một số vấn đề đặt ra
Với mục tiêu hoàn thành mục tiêu chiến lược của Nhà trường đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025, bộ môn Quản trị kinh doanh có những định hướng đến năm 2025 như sau:
Trong tương lai, Bộ môn Quản trị kinh doanh phấn đấu không ngừng tăng cường chất lượng đội ngũ, cải tiến nội dung và chương trình giảng dạy để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đào tạo của Nhà trường và xã hội.Giúp nhà trường có được đội ngũ giảng viên đủ về số lượng, mạnh về chất lượng. Để làm được điều đó thì việc phát triển giảng viên không phải là việc làm một lần là xong, trong điều kiện bùng nổ tri thức hiện nay, công việc này cần được coi là công việc thường xuyên, liên tục của toàn trường, từng khoa, bộ môn và mỗi giảng viên.
Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ giảng viên là nhiệm vụ quan trọng, lâu dài trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nhà trường. Điều đó không chỉ quyết định bằng các chủ trương chính sách mà cần có sự tích cực hưởng ứng và tự giác thực hiện của toàn thể cán bộ giảng viên. Có như vậy mới xây dựng được đội ngũ vững mạnh toàn diện, đáp ứng yêu nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo theo định hướng ứng dụng, góp phần quan trọng khẳng định uy tín và vị thế của nhà trường trong xã hội.
Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Ngọc Mai
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn