Định hướng nâng cao chất lượng lao động Việt Nam đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Thứ tư - 21/04/2021 15:24
Cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 sẽ tạo ra những thay đổi lớn về cung - cầu lao động. Các nhà kinh tế và khoa học quốc tế cảnh báo, trong cuộc cách mạng này, thị trường lao động sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng giữa cung và cầu lao động cũng như cơ cấu lao động. Trong một số lĩnh vực, với sự xuất hiện của Robot, số lượng nhân viên cần thiết sẽ chỉ còn 1/10 so với hiện nay. Như vậy, 9/10 lao động còn lại sẽ phải chuyển nghề hoặc thất nghiệp.
Bởi vậy, sự phát triển của cuộc cách mạng này đang đòi hỏi cấp bách những nguồn nhân lực mới, ở tầm vĩ mô cấp quốc gia cũng như trong mỗi tổ chức, doanh nghiệp. Sự thay đổi lao động sẽ xảy ra toàn diện trong xã hội, trên nền kinh tế vĩ mô cũng như ở mỗi tổ chức xã hội, mỗi doanh nghiệp hoạt động, đặc biệt ở những lĩnh vực có liên quan đến công nghệ thông tin hay chịu ảnh hưởng nhiều từ nền tảng công nghệ mới này.
Yêu cầu đối với người lao động đáp ứng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0:
- Người lao động phải là những chuyên gia, vững về kiến thức chuyên môn, có năng lực tư duy và sáng tạo, đổi mới, có kĩ năng phân tích và tổng hợp thông tin, có khả năng làm việc độc lập, làm việc nhóm và ra quyết định dựa trên cơ sở phân tích các chứng cứ và dữ liệu.
- Người lao động cần thay đổi bản thân, thay đổi tư duy đáp ứng nhu cầu mới và cần cập nhật kiến thức mới với hàm lượng trí tuệ, hàm lượng công nghệ nhằm đáp ứng với thời đại mới.
- Cần kết hợp học tập công nghệ 4.0 với chia sẻ kinh nghiệm giữa đồng nghiệp qua giao lưu, kiểm tra chéo, tham quan doanh nghiệp trong và ngoài nước.
- Cần chủ động nâng cao tính chuyên nghiệp, khả năng làm chủ các hệ thống công nghệ hiện đại.Tăng khả năng ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng công nghệ cao trong công việc.
Định hướng nâng cao chất lượng lao động đáp ứng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0:

- Cần hoàn thiện các cơ chế chính sách về phát triển đội ngũ nhà giáo và đổi mới cơ cấu hệ thống giáo dục - đào tạo trên cơ sở khung trình độ quốc gia, tiêu chuẩn kỹ năng nghề nghiệp, tiêu chuẩn kỹ năng mềm phù hợp với bối cảnh đất nước và xu thế các nước trong khu vực và trên thế giới. Xây dựng nội dung, chương trình và phương pháp giáo dục đào tạo theo định hướng phù hợp chuẩn quốc tế và đặc thù Việt Nam; chú trọng các môn học liên quan đến ứng dụng thực tế cũng như rèn luyện trình độ ngoại ngữ và các kỹ năng cần thiết cho người học. Xây dựng các tiêu chí chất lượng và hệ thống tiêu chuẩn quốc gia về năng lực nghề nghiệp hội nhập quốc tế cũng như rà soát, bổ sung quy hoạch mạng lưới các trường cao đẳng, đại học đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhân lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong bối cảnh toàn cầu hoá. Đồng thời, tăng cường các hoạt động hợp tác song phương và đa phương trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo như: Nghiên cứu khoa học, trao đổi học thuật; Đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý; Quản trị nhà trường; Tạo điều kiện thuận lợi về môi trường pháp lý và xã hội để các nhà đầu tư nước ngoài mở các cơ sở giáo dục chất lượng cao tại Việt Nam.

- Nâng cao chất lượng lao động bắt đầu ngay từ khâu đào tạo nghề, điều chỉnh đào tạo nhân lực theo xu hướng nghề nghiệp mới. CMCN 4.0 đang tạo ra những thay đổi rất lớn trong các lĩnh vực ngành nghề, đòi hỏi lao động kỹ thuật chất lượng cao phù hợp với sự thay đổi của công nghệ. Vì vậy, các ngành học liên quan đến sử dụng khoa học công nghệ nên được chú trọng nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu thị trường việc làm không chỉ trong nước mà còn ngoài nước. Cần quan tâm hơn nữa đến việc phát triển ngành tự động hóa, đồng thời đầu tư cho các nhóm nghiên cứu sâu về các lĩnh vực kỹ thuật số, công nghệ thông tin, năng lượng và vật liệu mới, công nghệ sinh học,...Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu ứng dụng, nghiên cứu công nghệ, nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và gắn nghiên cứu với các hoạt động chuyển giao tại cơ sở. Chú trọng các nghiên cứu mô phỏng, nghiên cứu tương tác giữa người và máy.

- Nhà trường cần phối hợp với doanh nghiệp xây dựng và xác định nội dung, mục tiêu đào tạo, các chuẩn kỹ năng cần đạt, tiến độ luân chuyển qua các vị trí đào tạo,… và tổ chức học tập, rèn luyện kỹ năng cho người học tại vị trí làm việc cho đến khi kết thúc khoá học. Đào tạo gắn kết với doanh nghiệp linh hoạt như vậy sẽ mang lại hiệu quả cho nhiều phía: Sinh viên được rèn luyện, ứng dụng ngay việc học với phát triển kỹ năng tại vị trí việc làm. Doanh nghiệp có cơ hội thử thách tuyển dụng, đào tạo huấn luyện tạo ra nguồn nhân lực chất lượng bền vững cho chính doanh nghiệp của mình. Nhà trường tăng hiệu quả trong đào tạo, giáo viên được tiếp cận, cập nhật với công nghệ mới,… Bên cạnh đó, xây dựng mối liên kết giữa nhà trường và các doanh nghiệp, một mặt để tạo cầu nối cho sinh viên có được môi trường thực hành thực tế, đảm bảo kỹ năng do nhà trường đào tạo phù hợp với kỹ năng mà doanh nghiệp cần; mặt khác, để kết nối trực tiếp người lao động và người sử dụng lao động giúp giảm chi phí tìm việc và chi phí tuyển dụng.

- Bản thân người lao động cần phải xác định rằng cuộc CMCN 4.0 là xu thế tất yếu, nó đang diễn ra và không gì có thể ngăn cản được. Người lao động không có quyền lựa chọn mà bắt buộc phải thích nghi bằng cách chủ động học tập, rèn luyện, đi trước đón đầu các kỹ năng cần thiết cho một nền kinh tế thông minh và công nghiệp hóa nếu không sẽ bị đào thải khỏi thị trường lao động. Mỗi cá nhân người lao động phải nỗ lực học tập và trau dồi kiến thức chuyên môn, rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp, trang bị kỹ năng mềm như: khả năng tư duy, xử lý các tình huống thực tế, kỹ năng giao tiếp, nghiên cứu tài liệu nước ngoài, sử dụng công nghệ thông tin, sự sáng tạo, thích nghi, nắm bắt được xu thế phát triển của xã hội,… coi trọng đến các vấn đề ngoại ngữ, tin học, bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, năng lực lãnh đạo, quản lý. Ngoài ra, người lao động cần có năng lực tư duy và sáng tạo, đổi mới, có kĩ năng phân tích và tổng hợp thông tin, có khả năng làm việc độc lập, làm việc nhóm, chủ động nâng cao tính chuyên nghiệp, khả năng làm chủ các hệ thống công nghệ hiện đại, áp dụng công nghệ cao trong công việc,… để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nền kinh tế.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây