Giải pháp nâng cao hiệu quả vận dụng chuẩn mực kế toán quốc tế ghi nhận doanh thu trong công tác kế toán tại các doanh nghiệp Việt Nam

Thứ hai - 11/01/2021 10:17

1. Đặt vấn đề

Trong xu hướng toàn cầu hóa nền kinh tế, hầu hết các nước đều đã áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS). Trong khi vào năm 2005 thì làn sóng áp dụng IFRS đầu tiên ở châu Châu, Úc, New Zealand, Hồng Kông và sau đó lan rộng đến các nước trên toàn thế giới. IFRS không phải hoàn toàn thích hợp cho tất cả các nước nhưng vẫn đang được áp dụng ở nhiều nước vì IFRS được coi là một chuẩn mực kế toán chất lượng cao, so với hầu hết các tiêu chuẩn kế toán địa phương, có thể giúp thúc đẩy tăng khả năng so sánh của báo cáo tài chính. Toàn cầu hóa, thu hút đầu tư và viện trợ nước ngoài, các yếu tố thể chế được xem như là các yếu tố thúc đẩy cho việc áp dụng IFRS. Theo số liệu từ trang web ifrs.org, tính đến ngày 25/9/2014, các chuẩn mực kế toán quốc tế được thừa nhận ở 138 quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều chuẩn mực kế toán quốc tế mới được xúc tiến xây dựng, trong đó có những dự án hòa hợp giữa các hệ thống kế toán lớn như của Mỹ và hệ thống chuẩn mực kế toán quốc tế để tiến tới cùng áp dụng một hệ thống chuẩn mực chung. Trong các dự án hòa hợp trên có thể kể đến một dự án thành công giữa cơ quan ban hành chuẩn mực của Mỹ và IASB là IFRS 15: Doanh thu từ hợp đồng với khách hàng. Mặc dù IFRS 15 hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích cho báo cáo tài chính khi áp dụng, nhưng không thể phủ nhận rằng vẫn tồn tại nhiều thách thức và trở ngại cần được khắc phục trong quá trình áp dụng. Việt Nam vẫn đang trong quá trình xem xét cách thức áp dụng IFRS15 cho phù hợp với bối cảnh nền kinh tế thị trường đang trong giai đoạn chuyển đổi và cũng đang xây dựng lộ trình áp dụng.

2. Đánh giá quá trình vận dụng chuẩn mực kế toán quốc tế về ghi nhận doanh thu

IFRS 15 là không phải hoàn toàn thích hợp cho tất cả các nước nhưng vẫn đang được áp dụng ở nhiều nước vì IFRS 15 được coi là một chuẩn mực kế toán chất lượng cao, so với hầu hết các tiêu chuẩn kế toán địa phương, có thể giúp thúc đẩy tăng khả năng so sánh của  báo cáo tài chính. Toàn cầu hóa, thu hút đầu tư và viện trợ nước ngoài, và các yếu tố thể chế được xem như là các yếu tố thúc đẩy cho việc áp dụng IFRS 15. Mặc dù IFRS 15 hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích cho báo cáo tài chính khi áp dụng, nhưng không thể phủ nhận rằng vẫn tồn tại nhiều thách thức và trở ngại cần được khắc phục trong quá trình áp dụng. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này. Một trong những cách có thể tiết kiệm chi phí, tối đa hóa lợi ích là học hỏi kinh nghiệm áp dụng IFRS 15 từ các nước trên thế giới trong quá trình xây dựng lộ trình áp dụng. Những bài học kinh nghiệm từ các quốc gia cho rằng để áp dụng IFRS hiệu quả, thì phải tạo điều kiện cho việc phát triển khung thể chế, phát triển giáo dục và đào tạo cho các đối tượng có liên quan nhằm tạo tiền đề cho quá trình chuyển đổi và đối mặt với các thách thức khi triển khai thực hiện IFRS 15.

3. Giải pháp nâng cao hiệu quả vận dụng chuẩn mực kế toán quốc tế về ghi nhận doanh thu

Quá trình áp dụng Việt Nam nên tham khảo các giải pháp sau:

Thứ nhất là  phát triển khuôn khổ thể chế pháp lý đối với việc áp dụng IFRS15. Khung thể chế nói chung, đặc biệt là khung thể chế kế toán cần phải phát triển mạnh nhằm tạo tiền đề cho việc thực hiện IFRS15- Doanh thu từ hợp đồng với khách hàng. Việt Nam đã nhận thức được vấn đề trên, đã có những bước nhảy vọt trong việc cải cách hành chính, đặc biệt là những điều chỉnh trong Luật kế toán số 88/2015/QH13 ngày 20.11.2015 hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2017, Thông tư 200/2014 hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp, Thông tư 133/2016/TT-BTC hướng dẫn Chế độ kế toán doanh nghiệp nhỏ và vừa và Thông tư 2012/2014 hướng dẫn báo cáo tài chính hợp nhất. Những thay đổi trong Luật và các văn bản hướng dẫn đã giúp cách nhìn nhận về bản chất của doanh thu đã  tiện cận với chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế. Sự thay đổi này tạo tiền đề cho lộ trình áp dụng IFRS 15 tại Việt Nam giai đoạn 2018-2020.

Thứ hai về lộ trình áp dụng IFRS 15- Doanh thu từ hợp đồng với khách hàng, Việt Nam đã có những nỗ lực chuyển đổi và phát triển hệ thống kế toán theo hướng hòa hợp IAS/IFRS. Tuy nhiên, Việt Nam cần có lộ trình áp dụng IFRS 15 là dựa trên cơ sở cho phép áp dụng  IFRS  hơn là bắt buộc. Theo kinh nghiệm từ các nước thuộc liên minh châu Âu, Úc,… trong giai đoạn đầu nên khoanh vùng các đối tượng ưu tiên thực hiện, theo đó chỉ bắt buộc thực hiện với những công ty có vốn đầu tư nước ngoài, công ty đại chúng có niêm yết, ngân hàng và tổ chức tín dụng.

Thứ ba về phát triển nguồn nhân lực. Đặc biệt là phát triển giáo dục, đào tạo trong việc áp dụng IFRS 15. Điều này đòi hỏi cần phối hợp chặt chẽ với việc đào tạo nhân viên kế toán có chất lượng, thông thạo các chuẩn mực đáp ứng cho nhu cầu của các doanh nghiệp, công ty kiểm toán và cơ quan quản lý. Các tiêu chuẩn và thông lệ kế toán ngày càng trở nên phức tạp, khả năng áp dụng và giải thích các tiêu chuẩn và thông lệ sẽ phụ thuộc vào trình độ học vấn của những người thực hiện công tác kế toán nói riêng, và những người có liên quan nói chung. Tăng cường phát triển các chương trình giáo dục và đào tạo liên quan đến hệ thống chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế nói chung và các vấn đề phát sinh về doanh thu từ hợp đồng với khách hàng trong quá trình áp dụng. Giới thiệu các chương trình nâng cao nhận thức của chính phủ để cải thiện mức độ phù hợp với kế toán là một yêu cầu bức thiết nhằm hoàn thiện chương trình nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc áp dụng và tuân thủ yêu cầu kế toán.

Khi có sự thay đổi IFRS 15 do sửa đổi các tiêu chuẩn hiện hành hoặc các tiêu chuẩn mới được ban hành bởi IASB, các cơ quan quản lý cần phải có một kế hoạch tại chỗ để theo kịp với những thay đổi. Vì thế chương trình giáo dục cho nhân viên phụ trách soát xét báo cáo IFRS 15 dựa trên các mục đích quy định là điều cần thiết. Việc thực hiện IFRS 15 cần mở rộng, có sự hỗ trợ liên tục từ kế toán chuyên nghiệp của các cơ quan như Vụ Kế toán của Việt Nam.

Thêm vào đó, phải lồng ghép IFRS nói riêng và IFRS 15 vào giáo dục đại học kế toán, các chương trình đào tạo kế toán tại Việt Nam nhằm đạo tạo lực lượng lao động có chuyên môn sâu, nghiệp vụ cao trong lĩnh vực kế toán; những người có thể tự tin, vững vàng thực hiện công tác kế toán áp dụng các tiêu chuẩn kế toán quốc tế..

3. Kết luận

Tóm lại, hiện nay Việt Nam cũng đã trở thành thành viên chính thức của nhiều tổ chức quốc tế như WTO, IMF, ASEAN tham gia FTA, APEC, CEPT, ACE do đó việc hội nhập với IFRS là xu hướng tất yếu khách quan. Tuy nhiên, áp dụng đầy đủ IFRS 15 không phải là vấn đề dễ dàng. Không đơn giản là sử dụng nguyên bản theo IFRS 15, vấn đề là chúng có áp dụng được hay không trong điều kiện thực tế. Tùy  theo điều kiện của từng quốc gia mà việc hòa hợp với IFRS 15 đòi hỏi một lộ trình nhất định. Do vậy, với điều kiện của Việt Nam khó có thể áp dụng ngay toàn bộ IFRS 15 cho phần hành kế toán doanh thu. Tuy vậy, cần có một lộ trình phù hợp nhưng mục tiêu hội nhập phải được ưu tiên. Để triển khai áp dụng IFRS 15 thành công tại Việt Nam, có thể cân nhắc một số biện pháp sau đây:

- Đẩy mạnh việc đào tạo về IFRS 15 để tăng cường nền tảng về nguồn nhân lực.

- Đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá để tạo sự hiểu biết rộng rãi hơn về IFRS 15 và các lợi ích của việc áp dụng IFRS 15.

- Điều chỉnh cơ chế ban hành các quy định pháp luật về tài chính và kế toán để tránh mâu thuẫn, trùng lắp.

- Đẩy mạnh xây dựng các quy định pháp luật về thuế độc lập với các quy định kế toán.

- Cơ quan quản lý Nhà nước lập dự án nghiên cứu và triển khai áp dụng IFRS 15 với sự đầu tư nguồn lực hợp lý.

Với sự tham gia tích cực của các cơ quan hữu quan, các nhà tài trợ, các DN, các trường đại học và những người làm nghề kế toán, kiểm toán, có cơ sở để tin rằng Việt Nam sẽ triển khai áp dụng thành công IFRS 15.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây