Chuẩn mực kế toán quốc tế về ghi nhận doanh thu và tính cấp thiết của việc vận dụng chuẩn mực kế toán quốc tế trong kế toán doanh nghiệp Việt Nam

Thứ tư - 30/12/2020 15:29
1. Đặt vấn đề
Chuẩn mực kế toán chính là những qui định, những nguyên tắc cơ bản, những hướng dẫn cần được tôn trọng khi thực hiện các công việc kế toán và khi trình bày các thông tin trong các báo cáo tài chính sao cho đảm bảo tính minh bạch của các báo cáo tài chính. Đã làm kế toán thì nhất định phải nắm rõ tất cả các chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS). Trong hội nhập, để cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển bền vững, hỗ trợ thị trường tài chính, bảo vệ nhà đầu tư và thu hút đầu tư nước ngoài, đòi hỏi đặt ra là cần phải nâng cao tính minh bạch của thông tin tài chính. Đặc biệt, để tiếp cận các dòng vốn trên thị trường quốc tế, niêm yết tại thị trường nước ngoài, yêu cầu lập báo cáo tài chính theo chuẩn mực kế toán quốc tế (IFRS) là nhu cầu bức thiết và là xu hướng tất yếu của các tập đoàn, các công ty đại chúng
2. Nội dung chuẩn mực kế toán quốc tế về ghi nhận doanh thu
4/1981: Uỷ ban chuẩn mực kế toán quốc tế (IASC)công bố dự thảo E20
(Exposure Draft 20) lấy ý kiến ban hành chuẩn mực về doanh thu.
12/1982: IAS 18 được phê chuẩn và ban hành.
1992: IASC đã đưa ra dự thảo E 41 nhằm lấy ý kiến cho việc sửa đổi IAS 18.Từ đó đến nay chỉ có vài điều chỉnh nhỏ không ảnh hưởng lớn đến ghi nhận doanh thu của doanh nghiệp.
 Đến tháng 01/2018, Chuẩn mực quốc tế này sẽ được thay thế bởi IFRS 15-Doanh thu từ hợp đồng với khách hàng.
IFRS 15 ra đời thay thế các chuẩn mực và quy định sau:
- IAS 11; IAS 18; IFRIC 13; IFRIC 15; IFRIC 18 của IASB
- SIC 31 của FASB
Nội dung của chuẩn mực:
Các thuật ngữ
- Doanh thu là thu nhập phát sinh từ hoạt động thông thường của doanh nghiệp.
- Thu nhập là sự gia tăng lợi ích kinh tế trong kỳ kế toán dưới dạng tăng tài sản hoặc giảm nợ phải trả, thu nhập là khoản làm tăng nguồn vốn nhưng không phải do chủ sở hữu góp vốn thêm.
- Hoạt động thông thường của doanh nghiệp là hoạt động chính, hoạt động trung tâm đang diễn ra tại doanh nghiệp.
- Khách hàng
+ Là đơn vị có hợp đồng mua hàng hóa, dịch vụ với doanh nghiệp. Hàng hóa dịch vụ này là đầu ra của hoạt động thông thường tại doanh nghiệp.
+ Các đơn vị góp vốn với doanh nghiệp cũng có thể là khách hàng nếu các đơn vị này mua hàng hóa dịch vụ của doanh nghiệp. Tuy nhiên nếu một đối tượng cùng chia sẻ rủi ro và lợi ích của việc kinh doanh sản phẩm, dịch vụ thì không được xem là khách hàng.
Phạm vi
Phạm vi của IFRS 15 là hợp đồng với khách hàng, ngoại trừ:
- IAS 17: Hoạt động thuê
- IFRS 4: Hợp đồng bảo hiểm
- FRS 9: Công cụ tài chính
- IAS 27, IAS 28, IFRS 3, IFRS 10, IFRS 11, IAS 41
- Lãi suất và cổ tức
- Hoạt động quyên góp phi lợi nhuận
- Thỏa thuận chuyển giao không thanh toán giữa các công ty trong cùng chuỗi cung ứng để chuyển sản phẩm đến khách hàng
Một trong những bước tiến lớn nhất của IFRS 15 là xây dựng phương pháp tiếp cận 5 bước để xác định doanh thu
Bước 1: Xác định hợp đồng với khách hàng
Bước 2: Xác định nhiệm vụ thực hiện trong hợp đồng
Bước 3: Xác định giá trị giao dịch
Bước 4: Phân bổ giá trị giao dịch cho từng nhiệm vụ trong hợp đồng
Bước 5: Ghi nhận doanh thu khi từng nhiệm vụ được hoàn thành
Bước 1: Xác định hợp đồng với khách hàng
Hợp đồng là một thỏa thuận giữa hai hoặc nhiều bên tạo ra nhiệm vụ buộc phải thực hiện, nghĩa là có thể dựa vào hợp đồng để đi kiện hoặc bị kiện. Một hợp có thể được thể hiện bằng chữ viết, lời nói hoặc ngầm hiểu trong hoạt động kinh doanh thông thường của đơn vị.
Hợp đồng với khách hàng phải đáp ứng tất cả điều kiện sau:
- Các bên tham gia đã thông qua hợp đồng (bằng chữ viết, lời nói hoặc phù hợp với hoạt động kinh doanh thông thường tại đơn vị và các bên được trao quyền thực hiện nghĩa vụ tương ứng.
- Đơn vị có thể xác định quyền lợi của mỗi bên liên quan đến việc chuyển giao hàng hóa và dịch vụ.
- Đơn vị có thể xác định thời hạn thanh toán khi chuyển giao hàng hóa và dịch vụ.
- Hợp đồng có nội dung thương mại (về rủi ro, thời gian, số tiền của dòng tiền tăng lên trong tương lai như là kết quả của hợp đồng).
- Có khả năng đơn vị sẽ thu được lợi ích khi chuyển giao hàng hóa dịch vụ cho khách hàng.
Ví dụ: Trường hợp công ty A giao hàng cho khách hàng mà chưa ký hợp đồng vì khách cần hàng gấp. Trường hợp này có tồn tại hợp đồng với khách hàng hay không? ---> Điều này phụ thuộc vào việc Công ty A có quyền yêu cầu khách hàng thanh toán hay không? hợp đồng có thể kí kết thông qua lời nói.
Bước 2: Xác định nghĩa vụ thực hiện
Nghĩa vụ thực hiện liên quan cam kết cung cấp hàng hóa dịch vụ trong hợp đồng. Việc hoàn thành nghĩa vụ này sẽ xác định thời điểm và giá trị doanh thu được ghi nhận.
Cam kết trong hợp đồng có thể được thấy rõ hoặc ám chỉ nếu cam kết tạo ra sự mong đợi đơn vị sẽ cung cấp hàng hóa dịch vụ
Cam kết có thể là:
- Việc cung cấp thành phẩm hoặc bán lại hàng hóa;
- Việc sắp xếp một bên khác cung cấp sản phẩm hoặc dịch vụ;
- Việc sẵn sàng cung cấp sản phẩm dịch vụ trong tương lai;
- Xây dựng, thiết kế, sản xuất, tạo ra một tài sản theo yêu cầu của khách hàng;
- Việc cho phép sử dụng hoặc tiếp cận tài sản vô hình như tài sản trí tuệ.
Doanh nghiệp xác định cam kết chuyển giao hàng hóa dịch vụ riêng biệt, cần lưu ý những điểm sau:
- Từng hàng hóa dịch vụ hoặc nhóm hàng hóa dịch vụ mà doanh nghiệp cam kết cung cấp là một nghĩa vụ thực hiện;
- Mong đợi cuối cùng của khách hàng là một nghĩa vụ thực hiện;
- Nhà quản lý cần xác định sự tách biệt của hàng hóa dịch vụ được cung cấp vì dựa vào cam kết trên hợp đồng;
- Hàng hóa dịch vụ được xem là tách biệt nếu:
+ Khách hàng có thể hưởng lợi ích từ hàng hóa dịch vụ do sở hữu chúng hoặc kết hợp với các yếu tố khác.
+ Cam kết của doanh nghiệp chuyển giao hàng hóa dịch vụ cho khách hàng có thể tách biệt với các cam kết khác trong hợp đồng với khách hàng.
Ví dụ: Công ty xây dựng kí hợp đồng với khách hàng về việc thiết kế và xây dựng nhà. Công ty xây dựng chịu trách nhiệm quản lý chung dự án và xác định cần mua các loại hàng hóa dịch vụ gì và bán các hàng hóa dịch vụ này cho khách hàng. Có bao nhiêu nghĩa vụ thực hiện trong hợp đồng? ---> Có một nghĩa vụ thực hiện vì khách hàng mong đợi nhận được sản phẩm cuối cùng.
Bước 3: Xác định giá trị giao dịch
Giá trị giao dịch (một con số chính xác hoặc một khoảng giá trị) là số tiền doanh nghiệp mong đợi nhận được khi chuyển giao hàng hóa dịch vụ không tính số tiền thu hộ cho bên thứ 3 (ví dụ: thuế giá trị gia tăng đầu ra).
Giá trị giao dịch sẽ được doanh nghiệp phân bổ cho từng nghĩa vụ thực hiện trong hợp đồng và theo đó doanh thu được ghi nhận.
Giá hàng hóa dịch vụ trên hợp đồng có thể không phải là giá trị giao dịch, doanh nghiệp cần xem xét tất cả thông tin khi xác định giá trị giao dịch (ví dụ khoản giảm giá, ưu đãi cho khách hàng).
Nhà quản lý giả định hợp đồng được thực hiện đầy đủ, không bị hủy, ký lại hay điều chỉnh khi xác định giá trị giao dịch.
Trong trường hợp không xác định chính xác, doanh nghiệp sẽ ước tính giá trị sử dụng theo một trong hai phương pháp sau:
- Giá trị mong đợi: giá trị có thể thu được dựa trên việc xem xét nhiều hợp đồng có đặc điểm tương tự.
- Giá trị có khả năng đạt được cao nhất: giá trị có khả năng đạt được cao nhất trong khoảng giá trị được xem xét.
Ví dụ: Công ty xây dựng ký hợp đồng xây tài sản giá trị 100.000 USD có điều khoản thưởng 50.000USD dựa trên thời gian hoàn thành, khoản tiền thưởng này sẽ giảm 10% mỗi tuần sau ngày hoàn thành thỏa thuận trên hợp đồng.
Hợp đồng này tương tự như những hợp đồng công ty đã thực hiện trước đó và ban quản lý tin rằng kinh nghiệm từ những hợp đồng này có thể được áp dụng để dự đoán cho hợp đồng mới.
Công ty xây dựng ước tính khả năng 60% hợp đồng thực hiện đúng hạn, 30% trễ 1 tuần và 10% trễ 2 tuần.
Như vậy, giá trị giao dịch: 60% x (100.000 + 50.000) + 30% x (100.000 + 45.000) + 10% x (100.000 + 40.000) = 147.500 USD.
Khi xác định giá trị giao dịch, công ty cần điều chỉnh số tiền nếu như có ảnh hưởng của thời gian đến dòng tiền. Chi phí hay thu nhập từ lãi suất được ghi nhận riêng, tách biệt với doanh thu nếu đó không phải là hoạt động kinh doanh bình thường của công ty.
Bước 4: Phân bổ giá trị giao dịch cho nhiệm vụ thực hiện của hợp đồng
Doanh nghiệp cần xác định giá bán của từng loại hàng hóa dịch vụ tại thời điểm bắt đầu hợp đồng và phân bổ giá trị giao dịch cho từng nhiệm vụ thực hiện. Bằng chứng tốt nhất của giá bán hàng hóa dịch vụ riêng lẻ là giá bán chúng riêng biệt trong trường hợp tương tự cho khách hàng tương tự.
Ước tính giá bán hàng hóa dịch vụ riêng biệt trường hợp chúng không được bán riêng. IFRS 15 không đưa ra phương pháp cụ thể nhưng doanh nghiệp có thể áp dụng phương pháp phù hợp dựa vào yêu cầu trình bày trung thực:
- Phương pháp điều chỉnh giá thị trường: doanh nghiệp xem xét thị trường để ước tính giá hàng hóa dịch vụ, ví dụ giá bán của đối thủ cạnh tranh.
- Phương pháp ước tính chi phí: Tất cả chi phí (trực tiếp và gián tiếp) và chi phí nội bộ (nghiên cứu và phát triển) được xét đến. Doanh nghiệp cũng xem xét các yếu tố và điều kiện đặc thù của thị trường cụ thể để xác định phạm vi phù hợp.
- Phương pháp tính phần còn lại: Tổng giá trị giao dịch trừ đi phần hàng hóa dịch cụ có thể xác định giá trị riêng biệt. Phương pháp này chỉ áp dụng khi:
+ Doanh nghiệp bán hàng hóa dịch vụ tương tự cho khách hàng khác nhau (trong khoảng thời gian gần) với số lượng lớn.
+ Doanh nghiệp chưa thiết lập giá hàng hóa dịch vụ, và hàng hóa dịch vụ chưa được bán riêng bao giờ.
Ví dụ: Người bán ký hợp đồng với khách hàng bán sản phẩm A, B, C tổng giá trị 100.000 USD. Người bán đã bán sản phẩm A và B riêng biệt với giá lần lượt là 25.000USD và 45.000USD, sản phẩm C là sản phẩm mới chưa xác định giá, cũng chưa được bán trên thị trường, người bán xác định giá trị của C thế nào?
---> Dựa vào phương pháp tính phần còn lại: 100.000 – 25.000 – 45.000 = 30.000 USD
Bước 5: Ghi nhận doanh thu
Doanh nghiệp ghi nhận doanh thu khi đáp ứng nhiệm vụ thực hiện bằng cách chuyển giao hàng hóa dịch vụ cho khách hàng, nghĩa là khách hàng giữ quyền kiểm soát, khả năng sử dụng trực tiếp và nắm giữ thực chất toàn bộ lợi ích còn lại. Quyền kiểm soát trong một khoảng thời gian hay tại một thời điểm quyết định khi nào doanh thu được ghi nhận.
Doanh thu được ghi nhận qua một thời kỳ nếu đáp ứng các điều kiện sau:
- Khách hàng nhận và hưởng lợi ích cùng lúc khi doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ;
- Hoạt động của doanh nghiệp tạo ra 1 tài sản mà khách hàng kiểm soát tài sản cả khi đang sản xuất (xây dựng) dở dang;
- Hoạt động của doanh nghiệp tạo ra 1 tài sản không thể sử dụng ở đơn vị khác và doanh nghiệp có quyền buộc khách hàng phải thanh toán khi hoàn thành.
Ví dụ: Công ty Contractor thỏa thuận xây nhà máy lọc dầu cho Refiner trên đất của Refiner. Thỏa thuận có những điểm sau:
- Nhà máy lọc dầu xây theo yêu cầu riêng của Refiner và công ty này có thể thay đổi thiết kế trong quá trình xây dựng;
- Refiner thanh toán cho Contractor trong quá trình thực hiện hợp đồng;
- Refiner có thể dừng hợp đồng bất kỳ lúc nào và công trình xây dựng dở dang là tài sản của Refiner;
- Hàng hóa dịch vụ của hợp đồng này không tách biệt nên được xác định 1 nghĩa vụ thực hiện duy nhất.
---> Contractor ghi nhận doanh thu trong thời kỳ xây dựng vì khách hàng hưởng lợi ích trong quá trình thực hiện hợp đồng, tài sản dở dang thuộc sở hữu của Refiner. Refiner có thể hủy hợp đồng hoặc thay đổi thiết kế.
Trình bày thông tin trên báo cáo tài chính
Mục đích của việc trình bày thông tin là cung cấp thông tin cho người sử dụng báo cáo tài chính hiểu tính chất, số tiền, thời gian, và sự không chắc chắn của doanh thu và dòng tiền tăng từ hợp đồng với khách hàng. Để đạt những mục tiêu đó, doanh nghiệp cần trình bày những thông tin định tính và định lượng sau:
- Những hợp đồng với khách hàng;
- Những ước tính quan trọng, khả năng thay đổi ước tính đó đối với từng hợp đồng;
- Bất kỳ tài sản nào được ghi nhận từ chi phí để nhận được hợp đồng với khách hàng.
4. Kết luận
Trước xu thế toàn cầu hoá và hội nhập khu vực, việc duy trì VAS/VFRS cho các BCTC của DN được xem là một trong những rào cản để thu hút đầu tư từ nước ngoài, thu hút vốn ngoại có giá thấp trên các thị trường vốn quốc tế. BCTC của nhiều DN Việt Nam hiện đang bị đánh giá chưa minh bạch, chưa phản ánh đúng tình hình tài chính và kinh doanh của tổ chức...
Để hỗ trợ DN nâng tầm cạnh tranh quốc tế cũng để Việt Nam có thể nhanh chóng hội nhập, nhu cầu phải áp dụng IAS/IFRS Việt Nam hiện đang cấp bách hơn bao giờ hết. Để làm được điều này nhất thiết cần sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan chức năng như: Bộ Tài chính, Cơ quan Thuế, DN, các cơ sở đào tạo trong nước…
chức năng như: Bộ Tài chính, Cơ quan Thuế, DN, các cơ sở đào tạo trong nước…
Tài liệu tham khảo
1.http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/chuan-muc-bao-cao-tai-chinh-quoc-te-kinh-nghiem-tu-mot-so-quoc-gia-tren-the-gioi-330347.htm
2. Chuẩn mực kế toán quốc tế IFRS 15
3. Chuẩn mực kế toán Việt Nam số 14

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây