Giải pháp bảo vệ người lao động trong cách mạng công nghiệp 4.0

Thứ ba - 25/12/2018 16:01

           1. Cuộc cách mạng 4.0 là gì?

          Lịch sử thế giới ghi nhận, nhân loại đã trải qua 3 cuộc cách mạng công nghiệp và hiện đang bước vào giai đoạn cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Nếu như cách mạng công nghiệp lần đầu tiên sử dụng năng lượng hơi nước để cơ giới hóa sản xuất thì cách mạng công nghiệp lần thứ hai lại sử dụng năng lượng điện để tạo ra sản xuất hàng loạt, cách mạng công nghiệp lần thứ ba sử dụng điện tử và công nghệ thông tin để tự động hóa sản xuất thì cách mạng công nghiệp lần thứ tư (cách mạng 4.0) là sự kết hợp các thành tựu khoa học của 3 lĩnh vực chính gồm: Kĩ thuật số, bao gồm dữ liệu lớn (Big Data), Internet kết nối vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI); Công nghệ sinh học, bao gồm các ứng dụng trong nông nghiệp, thủy sản, y dược, chế biến thực phẩm, bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo, hóa học và vật liệu; và lĩnh vực vật lý như Robot thế hệ mới, xe tự lái, các vật liệu mới (graphene, skyrmions...), công nghệ nano...
 

image002

 

                                Hình 1: Lịch sử các cuộc cách mạng công nghiệp

            Ở Việt Nam, tiêu biểu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là ứng dụng công nghệ gọi xe taxi (Uber và Grab). Công nghệ này giúp cho việc vận chuyển trở nên minh bạch về giá cả, biết trước quảng đường phải di chuyển, chi phí rẻ hơn và hạn chế sự lừa gạt tối đa. Những công việc được lặp đi lặp lại nhiều lần đã được thay thế dần dần bằng robot, người máy, có thể kể tới như: Các máy bán hàng tự động, hệ thống rửa xe; Các trạm thu phí, giám sát cầu đường; Lĩnh vực du lịch, đặt phòng khách sạn tự động;...

           2. Tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 đến người lao động

          Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích như tăng năng suất lao động; Giảm thiểu việc người lao động xuất hiện trong các môi trường là việc độc hại, nguy hiểm; Cải thiện chất lượng cuộc sống... thì cách mạng 4.0 cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với người lao động (bao gồm cả người lao động đang làm việc và những người chuẩn bị tham gia vào thị trường lao động) như: Bị mất việc làm do bị thay thế bằng máy móc; Không được bảo vệ quyền lợi do có sự thay đổi về bản chất của quan hệ lao động do ứng dụng công nghệ mới; Và bị phân biệt đối xử bất bình đẳng trong xã hội giữa lao động có kĩ năng cao và lao động có kĩ năng thấp, giữa ông chủ sở hữu máy móc và người lao động; Chưa được trang bị đủ chuyên môn, nghiệp vụ, kĩ thuật để thích ứng với những yêu cầu mới của máy móc, thiết bị hiện đại dẫn đến việc tự đào thải khỏi các doanh nghiệp.

          Cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt ra cho thị trường lao động Việt Nam nhiều thách thức như nguồn lao động dồi dào, giá rẻ sẽ không còn là yếu tố tạo nên lợi thế cạnh tranh và thu hút đầu tư nước ngoài. Hàng chục triệu lao động Việt Nam chưa qua đào tạo sẽ đứng trước nguy cơ không có cơ hội tham gia làm những công việc có mức thu nhập cao, bị thay thế bởi lao động robot, trang thiết bị công nghệ thông minh… Theo tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), hơn 2/3 trong số 9,2 triệu lao động ngành dệt may và da giày tại Đông Nam Á đang bị đe dọa bởi làn sóng tự động khi máy móc dần thay thế con người. Trong đó, ILO dự báo sẽ có 74% số lao động ngành chế biến, chế tạo của Việt Nam có mức độ rủi ro cao; 86% lao động ngành dệt may và da giày ở Việt Nam sẽ bị mất việc trong vòng 15 năm tới.

          Những thách thức đó đòi hỏi Nhà nướcphải có những biện pháp để bảo vệ người lao động trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trước hết chính là sự thay đổi về chính sách pháp luật để bảo vệ người lao động.

           3. Giải pháp bảo vệ người lao động trong cách mạng công nghiệp 4.0

           Thứ nhất, đối với những người lao động đang làm việc.

          Cách mạng công nghiệp 4.0 nổ ra, nhiều doanh nghiệp sẽ đưa máy móc tự động, robot điều khiển từ xa vào dây chuyền sản xuất của mình dẫn đến việc cắt giảm nhân công, nhiều người lao động sẽ rơi vào cảnh mất việc làm, thất nghiệp. Luật (Bộ Luật Lao động 2013) đã có quy định về nghĩa vụ của người sử dụng lao động trong trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ mà ảnh hưởng đến việc làm của nhiều người lao động, thì người sử dụng lao động có trách nhiệm xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động; Trường hợp có chỗ làm việc mới thì ưu tiên đào tạo lại người lao động để tiếp tục sử dụng. Trong trường hợp người sử dụng lao động không thể giải quyết được việc làm mới mà phải cho người lao động thôi việc thì phải trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động theo quy định. Theo quy định tại Bộ Luật Lao động 2013 thì người sử dụng lao động trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ 12 tháng trở lên mà bị mất việc làm, mỗi năm làm việc trả 01 tháng tiền lương nhưng ít nhất phải bằng 02 tháng tiền lương. Tiền lương để tính trợ cấp mất việc làm là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động mất việc làm.

              Thứ hai, xây dựng hệ thống pháp luật thực sự đảm bảo được quyền lợi cho người lao động.

             Với sự xuất hiện của công nghệ 4.0 cần tách riêng điều khoản về trường hợp thay đổi cơ cấu riêng và do thay đổi công nghệ riêng trong Bộ Luật Lao động. Cần bổ sung về nghĩa vụ của người sử dụng lao động về việc ưu tiên sử dụng người lao động của mình, tạo điều kiện đào tạo người lao động cho phù hợp với chuyên môn khi ứng dụng công nghệ mới. Đồng thời, cần thay đổi mức trợ cấp mất việc làm theo hướng tăng từ mỗi năm làm việc trả 01 tháng tiền lương lên 02 - 03 tháng tiền lương trong quá trình họ đi tìm việc làm mới, ổn định cuộc sống, đồng thời hỗ trợ đào tạo ngành nghề mới cho người lao động. Việc làm này sẽ giúp cho người lao động tránh được phần nào những xáo trộn ảnh hưởng đến cuộc sống khi doanh nghiệp thay đổi cơ cấu, công nghệ. Để có thể hỗ trợ tối đa cho người lao động, thì ngoài các doanh nghiệp sử dụng người lao động phải đóng quỹ bảo hiểm thất nghiệp thì nên quy định các doanh nghiệp sử dụng công nghệ 4.0 cũng phải tham gia đóng vào quỹ với một mức cố định hàng năm tương ứng với mức độ, phạm vi sử dụng công nghệ 4.0 để quỹ bảo hiểm thất nghiệp có nguồn lực tài chính hỗ trợ người lao động.

           Thứ ba, đối với những sinh viên, học viên của các cơ sở đào tạo, những người chuẩn bị tham gia vào thị trường lao động.

           Pháp luật cần quy định trách nhiệm các trường học hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên, học viên ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường hướng tới các ngành nghề không áp dụng hoặc ít áp dụng công nghệ 4.0. Về phía các cơ sở dạy học, đào tạo nghề về các ngành nghề áp dụng công nghệ 4.0, như: Các nghề điện công nghiệp, cơ điện tử và cơ khí, năng lượng và vật liệu mới, công nghệ sinh học… yêu cầu bắt buộc phải đáp ứng về chất lượng, nội dung đào tạo lẫn thiết bị, máy móc công nghệ; Các giáo viên cũng phải được đào tạo lại, thường xuyên được tập huấn, bổ sung kiến thức để phù hợp với công nghệ 4.0.

            Có thể thấy, Cách mạng công nghiệp 4.0 đang mở ra cho Việt Nam nhiều cơ hội, cũng như đặt ra những thách thức lớn cần giải quyết, do đó việc bảo vệ quyền lợi của người lao động, vấn đề việc làm trở thành một vấn đề cấp thiết đặt ra đối với Nhà nước, giới chủ và toàn xã hội. Để có thể giải quyết được vấn đề này trước hết cần có sự thay đổi trong hệ thống pháp luật trong tất cả các lĩnh vực, không riêng gì pháp luật lao động, an sinh xã hội./.

Tác giả bài viết: Mạc Liên

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây