Trước bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, qua đợt bùng phát của đại dịch Covid-19 trên toàn thế giới, cho thấy việc triển khai chuyển đổi số sẽ giúp doanh nghiệp có sức chống chịu tốt hơn và đứng vững trên thị trường. Đặc biệt là khối kinh tế tư nhân, khối doanh nghiệp nhỏ và vừa, vốn chiếm tỷ lệ rất lớn tại Việt Nam. Hoạt động chuyển đổi số trên thực tế đã diễn ra như một nhu cầu tự nhiên của rất nhiều doanh nghiệp.
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Cùng với sự phát triển của kỷ nguyên 4.0, xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) ngày càng được hưởng ứng bởi có thể dễ nhận thấy CNTT giúp phát triển sản phẩm nhờ các công nghệ mang tính tự động hóa giúp cải tiến các dịch vụ và sản phẩm, nhờ CNTT có thể phát triển được các thị trường và hình thức bán hàng hiệu quả với chi phí thấp,… Cụ thể, phải kể đến xu hướng chuyển đổi số đang ngày càng phát triển trong 2 - 3 năm trở lại đây, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy mạnh mẽ xu hướng này. Theo khảo sát của HSBC Navigator được công bố đầu tháng 12/2020, 68% doanh nghiệp Việt Nam cho biết đã thực hiện các thay đổi nhằm đối phó với dịch bệnh. Các doanh nghiệp nói rằng sẽ tiếp tục đầu tư vào công nghệ để cải thiện tốc độ tiếp cận thị trường, tiếp cận khách hàng mới và tăng cường tự động hóa. Ngoài ra, nghiên cứu về mức độ sẵn sàng số hóa của doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2020 của Cisco cũng cho biết, có đến 72% DNVVN tại Việt Nam đang tìm cách chuyển đổi số, tăng đáng kể so với mức 32% năm 2019. Hầu hết các doanh nghiệp Việt đều đã nhận thức được tầm quan trọng của việc chuyển đổi số, tuy nhiên việc này sẽ là thách thức rất lớn bởi nhiều doanh nghiệp chưa sẵn sàng để chuyển đổi số do thiếu cơ sở hạ tầng công nghệ, nhân lực, chi phí ứng dụng công nghệ số cao…
Chuyển đổi số - Digital Transformation (Theo Rohit Prabhakar, 1950) là việc chuyển đổi các hoạt động, quy trình, sản phẩm và mô hình kinh doanh để tận dụng đầy đủ các cơ hội của công nghệ số. Mục tiêu chính là nâng cao hiệu quả, quản lý rủi ro hoặc khám phá các cơ hội kiếm tiền mới. Chuyển đổi kỹ thuật số đang thực hiện mọi thứ theo một cách mới. Mặc dù đã xuất hiện từ rất lâu trên thế giới, nhưng đến khi Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 bùng nổ, chuyển đổi số mới xuất hiện và trở nên phổ biến trong thời gian gần đây. Có rất nhiều định nghĩa và cách hiểu khác nhau về chuyển đổi số. Theo Gartner, chuyển đổi số là việc sử dụng các công nghệ số để thay đổi mô hình kinh doanh, tạo ra những cơ hội, doanh thu và giá trị mới. Microsoft cho rằng, chuyển đổi số là việc tư duy lại cách thức các tổ chức tập hợp mọi người, dữ liệu và quy trình để tạo những giá trị mới. Còn theo quan điểm của FPT, chuyển đổi số là quá trình thay đổi từ mô hình truyền thống sang doanh nghiệp số bằng cách áp dụng công nghệ mới, như: dữ liệu lớn (Big Data), internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud)... làm thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa công ty.
Như vậy có thể hiểu “Chuyển đổi số là quá trình sử dụng các công nghệ kỹ thuật số để tạo mới hoặc sửa đổi các quy trình kinh doanh, văn hóa và trải nghiệm khách hàng hiện có nhằm đáp ứng các yêu cầu thay đổi của thị trường và kinh doanh”. Sự tái hiện này của kinh doanh trong thời đại kỹ thuật số là chuyển đổi kỹ thuật số.
Chuyển đổi số là dạng phát triển hơn của số hóa. Chuyển đổi số thực hiện có phần phức tạp hơn so với số hóa. Hầu hết các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số đều trải qua 2 giai đoạn là:
Giai đoạn 1: Số hóa: Ở giai đoạn này, mọi tài liệu của doanh nghiệp tồn tại ở hình thái vật lý đều được mã hóa thành thông tin điện tử và lưu trữ trên môi trường online. Nhờ số hóa, doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian nhập liệu, tìm kiếm; chi phí in ấn; không gian lưu trữ và hạn chế tối đa tình trạng thất lạc, đánh mất dữ liệu. Giai đoạn số hóa sẽ tạo tiền đề để doanh nghiệp đi vào giai đoạn cao hơn tức là chuyển đổi số.
Giai đoạn 2: Chuyển đổi số, doanh nghiệp đã hoàn thiện số hóa dữ liệu sẽ bắt đầu tính tới chuyện thay đổi toàn bộ quy trình làm việc từ chỗ mạnh ai người nấy làm sang chỗ thống nhất quy trình từ trên xuống dưới, các quy trình liên kết chặt chẽ với nhau. Và tất nhiên, phải áp dụng các công nghệ để quy trình được thực hiện dễ dàng.
Bám sát vào 2 giai đoạn trên, quy trình chuyển đổi số trong doanh nghiệp cơ bản gồm 5 bước:
Bước 1 - Lập kế hoạch: mục tiêu của chuyển đổi số là gì, các công việc cần làm, thời gian thực hiện cho mỗi công việc, thời gian hoàn thành dự kiến,…
Bước 2 - Lập chiến lược: chiến lược chuyển đổi số cho doanh nghiệp là sự kết hợp giữa các chủ trương, chính sách của Nhà nước với đặc thù riêng biệt của mỗi doanh nghiệp.
Bước 3 - Số hóa tài liệu, quy trình: chuyển toàn bộ tài liệu của doanh nghiệp từ hình thái vật lý sang hình thái điện tử, lưu trữ trên môi trường online.
Bước 4 - Chuẩn bị nguồn nhân lực: thành lập tổ nhân sự chuyên trách đảm nhiệm công việc chuyển đổi số và đào tạo hoặc tuyển mới nhân sự có kỹ năng phù hợp.
Bước 5 - Đầu tư vào công nghệ: lựa chọn công nghệ phù hợp và áp dụng vào công việc.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn