Đại dịch COVID-19 đặt ra những thách thức chưa từng có tiền lệ và khó khăn to lớn đối với toàn bộ nền kinh tế, đã và đang tác động mạnh mẽ, sâu rộng đến toàn bộ các ngành, khu vực, đối tượng khác nhau. Trong thời gian qua Chính phủ đã có những bước đi kiên quyết và đúng đắn, kiềm chế sự lây lan bùng phát của đại dịch COVID-19. Việc hoàn thành “mục tiêu kép” của năm 2020 là vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa giảm thiểu được những tác động tiêu cực của đại dịch, giúp duy trì tăng trưởng kinh tế. Dù ở mức tăng trưởng thấp nhất trong hơn 20 năm qua (tăng 2,91%), nhưng Việt Nam vẫn thuộc nhóm nước có mức tăng trưởng cao nhất toàn cầu, trong bối cảnh tăng trưởng chung của kinh tế thế giới suy giảm 4%. Tuy nhiên, để có thể chiến thắng dịch bệnh trên cả hai mặt trận y tế và kinh tế, bên cạnh việc hạn chế dịch bệnh, Chính phủ đã ban hành những chính sách ứng phó với Covid-19 một cách hợp lý nhằm: i) tăng cường sức đề kháng (khả năng chịu đựng) của nền kinh tế; ii) chuẩn bị đủ năng lực ứng phó khi dịch bệnh kéo dài; iii) từ đó tăng cường tiềm lực để phục hồi kinh tế nhanh chóng ngay khi dịch bệnh được khống chế, không để nền kinh tế rơi vào suy thoái.
Kết quả đạt được năm 2020
Khoảng 98%, tương đương khoảng 740 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động và hầu hết các hộ kinh doanh cá thể ngừng kinh doanh đều thuộc diện được gia hạn thuế và tiền thuê đất với tổng mức dự kiến khoảng 180 nghìn tỷ đồng.
Theo thống kê của Bộ Tài chính, đến cuối tháng 11/2020, tổng số tiền thuế và thu ngân sách đã gia hạn, miễn, giảm theo các chính sách đã ban hành đến hết nay là khoảng 99,3 nghìn tỷ đồng, cả năm 2020 ước khoảng 110 nghìn tỷ đồng (trong đó số tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất được gia hạn khoảng 80 nghìn tỷ đồng; số được miễn, giảm khoảng 30 nghìn tỷ đồng).
Số liệu thống kê của Tập đoàn Điện lực cho thấy hơn 9.300 tỷ đồng đã được giảm trực tiếp cho khách hàng trong các kỳ hóa đơn từ tháng 4-6/2020. Theo đánh giá của Tập đoàn Điện lực, toàn bộ khách hàng sử dụng điện sinh hoạt, tương ứng 26,6 triệu hộ gia đình đều được giảm 10% giá điện của 4 bậc thang đầu, trong đó chủ yếu là các hộ gia đình tổng sử dụng điện sinh hoạt dưới 300 kWh/tháng là 22,8 triệu hộ gia đình (chiếm tỷ lệ 85,7%). Ngoài ra còn có hơn 2 triệu khách hàng sản xuất, kinh doanh cũng được giảm 10% giá bán lẻ điện. Các khách hàng là cơ sở lưu trú du lịch còn được chuyển đổi từ giá kinh doanh sang giá sản xuất.
Theo Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV 2021, gói an sinh xã hội đã giải ngân hơn 12,8 nghìn tỷ đồng (khoảng 20,6 tổng giá trị) cho gần 13 triệu người và 30.570 hộ kinh doanh.
Theo Báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội cho biết, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, NHCSXH đã chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan triển khai kịp thời cho vay đối với người sử dụng lao động để trả lương cho người lao động khi ngừng việc và sau khi phục hồi sản xuất. Từ khi triển khai thực hiện đến nay, 63 chi nhánh tỉnh, thành phố đã thực hiện giải ngân cho 1.483 người sử dụng lao động với số tiền 3.753 tỷ đồng để trả lương cho 964.562 lượt người lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn cả nước theo Nghị quyết số 68/NQ-CP.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn