Cơ hội và thách thức cho đào tạo kế toán trong bối cảnh chuyển đổi số

Thứ bảy - 27/05/2023 00:04

1. Đặt vấn đề

Chuyển đổi số đang diễn ra rất mạnh mẽ và có ảnh hưởng trực tiếp đến hầu hết các lĩnh vực, các ngành nghề trong đó có ngành Kế toán và công tác đào tạo kế toán. Lao động kế toán đứng trước áp lực cạnh tranh rất lớn cùng với yêu cầu phải nâng cao trình độ, tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ. Mới đây, Chính phủ đã ban hành “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” cũng là chính thức khởi động quá trình chuyển đổi số để hướng đến nền quản trị thông minh, nền kinh tế số, xã hội số. Bài viết này đề cập tới xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực kế toán và đào tạo kế toán cũng như cơ hội, thách thức đặt ra trong bối cảnh chuyển đổi số.

(Ảnh: Internet)

2. Các xu thế công nghệ trong công tác đào tạo hiện nay

2.1. Nền tảng số cho giáo dục

Giáo dục số (Digital education), bao gồm một số nền tảng chính:

- E-learning (Electronic learning): Dạy học điện tử với khả năng tổ chức các không gian giáo dục, học tập mở, khả năng tương tác mạnh mẽ giữa các chủ thể tham gia và thông tin kiến thức (bao gồm các phương thức dạy học trực tuyến - Online learning và dạy học hỗn hợp hợp - Blended learning; dạy học đảo ngược - Flipped learning).

- M-learning (Mobile learning): Dạy học linh hoạt với khả năng đáp ứng tối đa các nhu cầu học tập, phát triển cá nhân.

- U-learning (Ubiquitous learning): Dạy học linh hoạt tức thời (just in time) với khả năng đáp ứng, chia sẻ nhanh chóng tại bất kì thời điểm, không gian, địa điểm nào với bất kì nhu cầu học tập nào của người học.

- Hệ thống khóa học trực tuyến mở rộng (Massive Online Open Courses - MOOCs), hệ thống khóa học đặc thù riêng cho cá nhân (Small Private Online Courses - SPOCs): là một nền tảng các khóa học trực tuyến miễn phí đáp ứng tối đa nhu cầu học tập theo năng lực, sở thích và điều kiện hoàn cảnh cá nhân; tăng cơ hội tiếp cận và sự tham gia của người học theo phương thức giáo dục mở và trực tuyến.

2.2. Người học số (Digital learner)

Cùng với các cơ hội tiếp cận công nghệ mới trong giáo dục, người học ngày càng trở thành “trung tâm của việc học của chính họ”, tự do hơn trong định hướng và lựa chọn nội dung theo nhu cầu và quá trình học tập, do đó, càng mang dấu ấn “cá nhân hóa” một cách đậm nét hơn. Mặt khác, công nghệ cũng hỗ trợ và cho phép bất kì người học nào cũng có thể tìm kiếm, đóng góp, chia sẻ, xử lí dữ liệu, biến họ trở thành “người đồng sáng tạo ra tri thức mới” để đóng góp vào “trí thông minh của số đông”.

Theo xu hướng này, quá trình dạy học ngày càng hướng đến người học mạnh mẽ, được chuyển hóa định hướng theo các nhánh:

- Dạy học chính thức theo chương trình được xác lập (bao gồm cả dạy học trực tiếp và trực tuyến);

- Dạy học theo định hướng cá nhân (các nội dung và hình thức đáp ứng nhu cầu riêng của cá nhân, định hướng bởi năng lực, tốc độ, sở thích của cá nhân…);

- Dạy học theo định hướng nhóm bên trong một thiết chế tổ chức cụ thể (ví dụ, một lớp học, trong nhà trường,…) và nhóm mạng lưới (đáp ứng các nhu cầu của nhóm mạng lưới bên ngoài tổ chức);

- Dạy học ngẫu nhiên (học cái gì, học ở ai, vào bất cứ thời điểm nào theo nhu cầu cá nhân, “ngẫu nhiên, tình cờ”).

Quá trình số hóa và bình đẳng trong tiếp cận giáo dục số thúc đẩy mạnh mẽ việc sản sinh nội dung tri thức, biến các nội dung dạy học theo những định dạng thông thường trước đây thành các gói siêu dữ liệu (Meta-data), “nội dung di động” (Mobile/potable content) bằng các phương thức khác nhau (trên nền tảng trực tuyến) đáp ứng nhu cầu của xã hội thông tin.

3. Cơ hội và thách thức đối với đào tạo kế toán trong bối cảnh chuyển đổi số

3.1. Cơ hội đối với đào tạo kế toán

Cuộc CMCN 4.0 với mạng internet giúp hoạt động công việc kế toán cũng như công tác đào tạo kế toán không bị giới hạn về khoảng cách địa lý. Công nghệ số sẽ mang lại điều kiện làm việc thuận lợi hơn, nâng cao năng suất làm việc khi sử dụng các trang thiết bị, các chương trình. Giảng viên có thể tận dụng những điều kiện đó, cập nhật, tiếp thu những tiến bộ khoa học công nghệ để áp dụng vào bài giảng, hướng dẫn sinh viên thu thập các thông tin, chiết xuất dữ liệu, tự động hóa nhập chứng từ, hạch toán kế toán, cách thức kết nối với cơ quan thuế, các ngân hàng, các đơn vị đối tác, đối tượng để thực hiện các giao dịch, kiểm tra, đối chiếu hoàn toàn trên phần mềm;

Đặc biệt, đây cũng là cơ hội để giảng viên thay đổi phương pháp dạy học truyền thống sang ứng dụng công nghệ hiện đại, chuyển đổi số giảng dạy qua giáo trình kế toán máy, bài tập, khoá học thực hành và phần mềm kế toán Online và cung cấp chương trình đào tạo hiện đại, ứng dụng các công nghệ tiên tiến 4.0 của thế giới.

Giảng viên được tiếp cận các mô hình dạy - học tiên tiến trên nền tảng số theo hướng dạy học kết hợp (lớp học thông minh, nhóm học tương tác, tự học với trợ lý ảo) phù hợp với điều kiện, đặc thù, nhu cầu thực tế của giáo dục đại học ngành kế toán.

Chuyển đổi số sẽ tạo ra kho học liệu mở khổng lồ cho người học gồm bài giảng điện tử, bài giảng dạy trên truyền hình, học liệu số đa phương tiện, giáo trình điện tử, phần mềm mô phỏng và các học liệu khác; có thể phát triển hệ thống ngân hàng câu hỏi trực tuyến cho tất cả các học phần kế toán. Điều đó có nghĩa là sinh viên có thể truy cập vào các tài nguyên học tập một cách dễ dàng và ít tốn kém hơn. Thay vì phải tốn chi phí để mua sách hay đến thư viện để mượn. Hiện nay, người học có thể khai thác học liệu nhanh chóng bằng các thiết bị trực tuyến mà không bị giới hạn.

3.2. Thách thức đặt ra đối với đào tạo kế toán

Sự phát triển công nghệ trong cuộc CMCN 4.0 cũng đặt ra nhiều thách thức như:

Thứ nhất, năng lực và nguồn lực của các cơ sở giáo dục còn hạn chế, việc tiếp cận công nghệ mới khó khăn.

Nguồn nhân lực về công nghệ số, đặc biệt là công nghệ thông tin và truyền thông vẫn là vấn đề được nhiều cơ sở đào tạo chú trọng nhưng vẫn là thách thức đối với các cơ sở này.

Thứ hai, vướng mắc trong áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế. Việc tiếp cận với chuẩn mực kế toán quốc tế đối với giảng viên còn nhiều hạn chế. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, tự do thương mại và cạnh tranh bình đẳng, thông tin tài chính đòi hỏi phải minh bạch, tin cậy và được trình bày theo chuẩn mực quốc tế.

Thứ ba, kiến thức về chuyển đổi số trong lĩnh vực kế toán của giảng viên giảng dạy kế toán còn hạn chế. Các vấn đề về công nghệ mới, chuyển đổi số còn tương đối mới mẻ đối với giảng viên. 

Thứ tư, thách thức về khuôn khổ pháp lý cho các vấn đề công nghệ mới: Cuộc CMCN 4.0 cũng đặt ra yêu cầu hoàn thiện hành lang pháp lý phục vụ các hoạt động kinh tế - xã hội trong đó có công tác đào tạo. Việc xuất hiện nhiều vấn đề mới, phức tạp, đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước cần nghiên cứu, đánh giá, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách quản lý để đáp ứng yêu cầu thực tế và sự phát triển nhanh của công nghệ.

4. Một số khuyến nghị và đề xuất

Để tận dụng tốt những cơ hội và khắc phục những hạn chế, thách thức của ngành nghề kế toán trước bối cảnh chuyển đổi số, cần triển khai các giải pháp sau:

- Về phía các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kế toán

Phát triển đội ngũ nhân viên lành nghề, am hiểu sâu về chuyên môn và có khả năng hội nhập; Tăng cường công tác đào tạo phát triển các kỹ năng mềm hiệu quả, hoạt động nhóm tích cực và sử dụng thành thạo công nghệ số theo nhu cầu thị trường, đặc biệt hướng dẫn sinh viên ngành kế toán trong quá trình thực tập tại doanh nghiệp tiếp cận và làm việc trực tiếp với công nghệ số để sau khi tốt nghiệp, sinh viên kế toán sẽ có thể làm thành thạo công tác kế toán số.

- Về phía các cơ sở đào tạo

Xuất phát từ quan điểm là cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cao cho xã hội, các cơ sở đào tạo cần chú trọng xây dựng chương trình đào tạo chuyên ngành kế toán phù hợp với xu thế phát triển thế giới. Ngoài giảng dạy kiến thức chuyên môn, cần tập trung đào tạo các kỹ năng cần thiết như: Kỹ năng giao tiếp hiệu quả, làm việc ở nhiều nhóm khác nhau; kỹ năng tư duy phản biện và giải quyết vấn đề trên cơ sở tôn trọng đạo đức nghề nghiệp; Thiết lập mối quan hệ giữa các cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Trong thời đại CMCN 4.0, việc thiết lập các mối quan hệ với các doanh nghiệp ngày càng mở rộng không chỉ với các đơn vị trong nước mà cả ngoài nước, bởi điều đó giúp cho hoạt động đào tạo và nghiên cứu được gắn kết, giải quyết những vấn đề của thực tiễn, đáp ứng tốt yêu cầu của doanh nghiệp.

- Công nghệ số tác động đến quy trình, phương pháp, chức năng của hoạt động kế toán để phù hợp báo cáo tài chính Quốc tế IFRS. Điều đó hình thành nên xu hướng và tương lai của kế toán trong bối cảnh chuyển đổi số. Ngoài đáp ứng yêu cầu hội nhập, chuẩn mực kế toán Quốc tế, việc sử dụng thành tựu khoa học công nghệ, cần đẩy nhanh việc hình thành môn học Kế toán số (Digital Accounting), tự động hoá quy trình, đổi mới phương pháp và tạo nhận thức mới về chức năng kế toán.

- Lựa chọn và đưa phần mềm giảng dạy kế toán online như MISA AMIS vào giảng dạy phòng ngừa tình hình dịch Covid 19 có thể bùng phát mạnh trở lại, các dịch bệnh hoặc trường hợp phát sinh. Phần mềm AMIS Kế toán của MISA có thể tự động tổng hợp, sao lưu hàng ngày bẳng công nghệ lưu trữ đám mây - Icloud, khiến cho dữ liệu được thông suốt, an toàn tránh tình trạng mất dữ liệu như trước đây. Đặc biệt, hệ thống kế toán đáp ứng đầy đủ các nghiệp vụ kế toán và liên kết với các hệ thống bên ngoài doanh nghiệp như: Thuế, bảo hiểm xã hội, ký số, hóa đơn điện tử của bất kỳ đối tác nào… Nếu được tiếp cận với phần mềm như vậy, sinh viên sẽ không còn bỡ ngỡ khi tiếp nhận công việc sau khi ra trường và có thể thích nghi ngay với công việc.

- Mặt khác, nhà trường có thể liên hệ với đơn vị cung cấp phần mềm kế toán để được hỗ trợ về việc chuyển đổi số trong công tác giảng dạy kế toán. Cụ thể, các đơn vị này hỗ trợ chuyển đổi số giảng dạy qua giáo trình kế toán máy, bài tập, khoá học thực hành và phần mềm kế toán Online và cung cấp chương trình đào tạo hiện đại, ứng dụng các công nghệ tiên tiến 4.0 của thế giới. Đây chính là chìa khoá nâng cao chất lượng đào tạo kế toán trong bối cảnh chuyển đổi số. Đây cũng là yếu tố thu hút trong công tác tuyển sinh của Nhà trường. Với việc lĩnh hội phần mềm kế toán như vậy, sinh viên sẽ có cơ hội được tiếp cận với giải pháp chuyển đổi số không chỉ với lĩnh vực kế toán mà còn đa dạng trong các khâu quản trị doanh nghiệp, là lợi thế trong công việc thực tế sau này.

- Về phía cơ quan chức năng

Cần xây dựng hạ tầng kỹ thuật CNTT và hạ tầng dữ liệu số đáp ứng tiêu chuẩn đối với Trung tâm dữ liệu theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông, để phục vụ hoạt động nội bộ đơn vị và truy cập Internet, kết nối với các ứng dụng công nghệ. Xây dựng các phần mềm hỗ trợ công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành của đơn vị và các phần mềm hỗ trợ hệ thống kế toán; xây dựng kế hoạch cụ thể ứng dụng công nghệ vào các hoạt động đảm bảo tính hệ thống, đồng bộ, sát hợp, thiết thực, theo hướng hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, từng bước đổi mới phương pháp kế toán hướng tới kế toán số, đáp ứng yêu cầu quá trình chuyển đổi số và dựa trên nền tảng công nghệ số của cuộc CMCN 4.0. Bộ Tài chính cần tập trung, rà soát, hoàn thiện các văn bản pháp lý trong lĩnh vực kế toán, ban hành Chuẩn mực kế toán (IFRS, IAS), chuẩn mực kiểm toán (ISA) theo hướng cập nhật và tiệm cận chuẩn mực quốc tế; xây dựng quy trình, hướng dẫn kế toán CNTT và dữ liệu lớn. Qua đó, thông qua cập nhật, các cơ sở đào tạo kế toán sẽ đi đúng hướng khi đào tạo nhân lực kế toán trong bối cảnh chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu của cuộc CMCN 4.0.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Thủ tướng Chính phủ, “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” ban hành kèm theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020;

[2]. Phạm Thị Thu Oanh (2018), Kế toán Việt Nam trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Tạp chí Tài chính. https://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu--trao-doi/trao-doi-binh-luan/ke-toan-kiem-toan-viet-nam-trong-cuoc-cach-mang-cong-nghiep-40-141199.html;

[3]. Đoàn Xuân Tiên (2021), Xu hướng phát triển công nghệ số trong cuộc cách mạng 4.0- Những tác động, thách thức và cơ hội đối với lĩnh vực kế toán;

[4]. The Association of Chartered Certified Accountants. (2017). Professional accountant - the future (Generation next): Managing talent in small and medium sized practices. London: Association of Chartered Certified Accountant.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây