Tóm tắt
Dịch COVID-19 đã mang đến nhiều biến động đối với nền kinh tế và sự tăng trưởng bứt phá của thương mại điện tử (TMĐT) đã góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong những thị trường tiềm năng nhất khu vực ASEAN. Tuy nhiên, song hành với những cơ hội phát triển thì TMĐT ở Việt Nam cũng gặp không ít những thách thức trong việc xây dựng thị trường TMĐT lành mạnh, bền vững. Kết quả nghiên cứu cho thấy phát triển TMĐT tại Việt Nam còn gặp khó khăn và thách thức về vốn đầu tư, an ninh mạng, cơ sở hạ tầng công nghệ. Do đó trong giai đoạn tới cần quan tâm tới giải pháp về chính sách pháp luật, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đầu tư phát triển về kết cấu hạ tầng TMĐT.
Từ khóa: thương mại điện tử; trực tuyến; kinh tế số.
1. GIỚI THIỆU
Theo Báo cáo Chỉ số thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam 2020, tốc độ tăng trưởng trung bình của TMĐT giai đoạn 2016 – 2019 khoảng 30%. Do đó, quy mô TMĐT bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng tăng từ 4 tỷ USD năm 2015 lên khoảng 11,5 tỷ USD năm 2019. Năm 2020 TMĐT nước ta tăng trưởng khoảng 15%, đạt quy mô khoảng 13,2 tỷ USD và sẽ tiếp tục tăng trưởng vững chắc trong năm 2021 cũng như cả giai đoạn tiếp theo tới năm 2025 [1]. Đại dịch Covid-19 đã tác động to lớn và toàn diện tới kinh tế - xã hội của đất nước trong đó có TMĐT. Vượt qua khó khăn nghiêm trọng bởi đại dịch này TMĐT vẫn đứng vững, thậm chí có sự bứt phá trong một số lĩnh vực.
Hiện nay, tốc độ tăng trưởng TMĐT của Việt Nam giai đoạn 2015 – 2025 được dự báo ở mức 43% [6], đưa Việt Nam trở thành nước có nền TMĐT tăng trưởng nhanh nhất khu vực. TMĐT đang ngày càng thể hiện vai trò quan trọng trong việc tạo ra nhiều giá trị sản xuất và tiêu dùng mới, là động lực phát triển và lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số của Việt Nam. Tuy nhiên báo cáo Chỉ số TMĐT Việt Nam 2021 cũng đã nhấn mạnh tới các trở ngại cho sự tăng trưởng nhanh và bền vững của TMĐT về hệ thống thanh toán điện trử và nguồn nhân lực TMĐT.
Ước tính năm 2020 TMĐT nước ta tăng trưởng khoảng 16% và đạt quy mô 13,2 tỷ USD. Trong đó lĩnh vực bán lẻ hàng hóa trực tuyến tăng 46%, gọi xe và đồ ăn công nghệ tăng 34%, tiếp thị, giải trí và trò chơi trực tuyến tăng 18%, riêng lĩnh vực du lịch trực tuyến giảm 28%. Dự đoán tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2020-2025 là 29% và tới năm 2025 quy mô TMĐT nước ta đạt 52 tỷ USD [1].
Có thể thấy, đại dịch COVID-19 đã mang đến nhiều biến động đối với nền kinh tế và sự tăng trưởng bứt phá của TMĐT đã góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong những thị trường tiềm năng nhất khu vực ASEAN. Tuy nhiên, song hành với những cơ hội phát triển thì TMĐT ở Việt Nam cũng gặp không ít những thách thức trong việc xây dựng thị trường TMĐT lành mạnh, bền vững. Thị trường TMĐT đang ngày càng rộng mở với nhiều mô hình, chủ thể tham gia, các chuỗi cung ứng cũng đang dần thay đổi theo hướng hiện đại hơn khi có sự hỗ trợ từ số hóa và công nghệ thông tin.
2.THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN TMĐT VIỆT NAM
Việt Nam được coi là quốc gia có nền tảng vững chắc để phát triển TMĐT. Thống kê cho thấy, Việt Nam nằm trong số 78% các quốc gia trên thế giới có giao dịch điện tử và nằm trong số 38% quốc gia có chính sách bảo vệ người tiêu dùng; 45% quốc gia có chính sách bảo vệ dữ liệu cá nhân và trong số 75% quốc gia có Luật An ninh mạng… Việt Nam cũng có hơn 64 triệu người sử dụng internet, 57% dân số có tài khoản mạng xã hội, 67% người dùng internet đã từng mua hàng trực tuyến ít nhất 1 lần [6].
Tốc độ tăng trưởng TMĐT của Việt Nam giai đoạn 2015 – 2025 được dự báo ở mức 43%, đưa Việt Nam trở thành nước có nền TMĐT tăng trưởng nhanh nhất khu vực. TMĐT đang ngày càng thể hiện vai trò quan trọng trong việc tạo ra nhiều giá trị sản xuất và tiêu dùng mới, là động lực phát triển và lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số của Việt Nam.
Đơn vị tính: triệu lượt
Hình 1. Lượng truy cập các trang TMĐT giai đoạn 2019-2020
(Nguồn: Tổng hợp của tác giả )
Có thể thấy, Shopee có lượng truy cập website đã tăng vọt trong giai đoạn dịch bệnh, trong khi 3 cái tên còn lại trong lĩnh vực TMĐT Tiki, Lazada, Sendo đứng yên, hoặc giảm mạnh. Quý IV/2020, Shopee đạt 68,6 triệu lượt truy cập, tăng gần 80% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, Tiki và Lazada chỉ đạt hơn 20 triệu lượt và chưa có sự tăng trưởng. Ngược lại, Sendo sụt giảm gần 60%, chỉ đạt 11,2 triệu lượt. Như vậy, một mình Shopee đã có lượt truy cập cao hơn cả 3 đối thủ gộp lại.
Hình 2. Doanh thu TMĐT B2C Việt Nam giai đoạn 2015-2020
(Nguồn: Sách trắng TMĐT Việt Nam 2021)
Mặc dù TMĐT giai đoạn 2015 – 2020 tại các quốc gia phát triển đang có dấu hiệu chững lại thì tại Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng lĩnh vực này lại phát triển có tính 676 nhảy vọt, thể hiện ở tốc độ tăng trưởng và quy mô thị trường. Tuy nhiên mức tăng trưởng TMĐT của Việt Nam không đồng đều. Trong giai đoạn 2015 –2020 thì tăng trưởng TMĐT của Việt Nam có tăng, nhưng mức tăng không đồng đều. Khởi điểm năm 2015 tăng trưởng TMĐT Việt Nam đạt 37% nhưng sang năm 2016 và 2017 giảm lần lượt còn 23% và 24%. Tuy nhiên đến 2018, tăng trưởng TMĐT Việt Nam lại có sự bứt phá lên con số 30%, sau đó đến năm 2019 lại giảm còn 25% và năm 2020 giảm còn 18%. Chính tốc độ tăng trưởng TMĐT năm 2018 đạt 30% đã là nguyên nhân lớn để góp phần giúp tăng trưởng thương mại Việt Nam nói riêng và tăng trưởng kinh tế GDP của Việt Nam năm 2018 nói chung lên con số 7,08%, cao nhất từ năm 2008 đến nay.
Hiện nay, phát triển TMĐT gặp một số khó khăn, thách thức sau:
Thứ nhất, các doanh nghiệp trong nước còn gặp khó khăn về vốn đầu tư. Bên cạnh vốn đầu tư, các doanh nghiệp nội vẫn yếu thế hơn các nhà cung cấp trực tuyến toàn cầu xét trên nhiều khía cạnh. Làn sóng đầu tư của các đối thủ ngoại vào Việt Nam với nhiều tên tuổi lớn. Nhiều chuyên gia dự đoán, trong tương lai không xa, TMĐT Việt Nam sẽ bị thống lĩnh bởi 2 hoặc 3 công ty chiếm đến 80% thị phần và những công ty nhỏ hơn chỉ còn cách đi vào thị trường ngách. Các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa đầu tư thích đáng cho việc nghiên cứu thị hiếu khách hàng [3].
Thứ hai, thách thức về an toàn, an ninh mạng, cho doanh nghiệp và cả người tiêu dùng. An ninh mạng và bảo mật cá nhân trong các giao dịch TMĐT ở Việt Nam là vấn đề nan giải lớn cho các nhà quản lý doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước. Thời gian qua, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản pháp luật buộc các doanh nghiệp cung cấp hàng hóa, dịch vụ trong TMĐT không được thực hiện một số hành vi có thể xâm hại tới quyền và lợi ích của người tiêu dùng. Tuy nhiên, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chưa có tính khả thi cao nên người tiêu dùng vẫn chịu nhiều thiệt thòi và chưa yên tâm khi mua sắm online.
Thứ ba, cơ sở hạ tầng công nghệ chưa tốt không chỉ khiến cho TMĐT của Việt Nam khó cạnh tranh với các quốc gia phát triển khác có thể đối mặt với các sự cố không mong muốn hoặc thách thức về an ninh mạng. TMĐT ngày nay liên quan đến tất cả mọi thứ từ đặt hàng nội dung “kỹ thuật số” cho đến tiêu dùng trực tuyến tức thời, để đặt hàng và dịch vụ thông thường, các dịch vụ “meta” đều tạo điều kiện thuận lợi cho các dạng khác của TMĐT. Ở cấp độ tổ chức, các tập đoàn lớn và các tổ chức tài chính sử dụng Internet để trao đổi dữ liệu tài chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho kinh doanh trong nước và quốc tế. Tính toàn vẹn dữ liệu và tính an ninh là các vấn đề rất nóng gây bức xúc trong TMĐT [5].
Thứ tư, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa đầu tư đúng mức cho hoạt động nghiên cứu tìm hiểu thị hiếu khách hàng nước ngoài để bán hàng trực tiếp, không phải qua các nhà phân phối trung gian. Các doanh nghiệp TMĐT ở Việt Nam còn chậm đầu tư và ít đầu tư vào hoạt động nghiên cứu và chăm sóc khách hàng. Xét về mức độ uy tín, các nhà bán hàng trực tuyến trong nước còn yếu so với nhiều nhà bán hàng trực tuyến toàn cầu. Chất lượng, mẫu mã sản phẩm quốc nội vẫn thấp hơn so với sản phẩm tương tự của nhiều nước khác.
3. TÁC ĐỘNG CỦA DỊCH COVID-19 TỚI TMĐT VIỆT NAM
Thời gian qua, diễn biến phức tạp và kéo dài của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến quá trình sản xuất - kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp TMĐT.
Covid-19 có nhiều tác động tới doanh nghiệp TMĐT, đặc biệt là các doanh ngiệp trong năm lĩnh vực (1) Cung cấp giải pháp kinh doanh trực tuyến, (2) Sàn TMĐT, (3) Chuyển phát và logistics, (4) Thanh toán trực tuyến, (5) Tiếp thị số. Các doanh nghiệp đã năng động, thích nghi và quan tâm hơn tới kinh doanh trực tuyến. Mặt khác, cộng đồng người tiêu dùng mua sắm trực tuyến tăng nhanh. Kết hợp cả hai yếu tố này dẫn tới nhiều lĩnh vực kinh doanh trực tuyến duy trì được sự ổn định và tăng trưởng tốt, bao gồm bán lẻ hàng hoá trực tuyến, gọi xe và đồ ăn, giải trí trực tuyến, tiếp thị trực tuyến, thanh toán trực tuyến, đào tạo trực tuyến. Quan trọng hơn, với sự thay đổi nhanh hướng về chuyển đổi số của doanh nghiệp và mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng có thể nhận định TMĐT Việt Nam tiếp tục tiến bước vững chắc và duy trì được sự phát triển nhanh và bền vững cho cả giai đoạn 2016 – 2025 như dự đoán của Báo cáo Chỉ số TMĐT các năm trước.
Theo Báo cáo TMĐT Đông Nam Á 2020 của Google, Temasek và Bain&Company, TMĐT Việt Nam năm 2020 tăng 18% và đạt quy mô trên 11 tỷ USD. Trong đó, lĩnh vực bán lẻ hàng hoá trực tuyến tăng 46%, gọi xe và đồ ăn công nghệ tăng 34%, tiếp thị, giải trí và trò chơi trực tuyến tăng 18%, riêng lĩnh vực du lịch trực tuyến giảm 28%. Báo cáo này cũng dự đoán tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2020 – 2025 là 29% và tới năm 2025 quy mô TMĐT nước ta đạt 52 tỷ USD. Liên quan tới bán lẻ hàng hoá trực tuyến, theo khảo sát của VECOM sản lượng bưu gửi qua dịch vụ chuyển phát năm 2020 tăng 47%. Những doanh nghiệp chuyển phát hàng đầu có mức tăng trưởng bưu gửi từ 30% tới 60%. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng doanh thu từ dịch vụ chuyển phát thấp hơn so với tốc độ tăng sản lượng. Năm 2020 dịch vụ tiếp thị số tăng trưởng chững lại một chút nhưng vẫn ở mức cao. Doanh số của lĩnh vực này năm 2010 khoảng 26 triệu USD, năm 2015 tăng lên khoảng 329 triệu USD [1].
Theo “Sách trắng TMĐT Việt Nam 2021”, tác động của dịch bệnh Covid-19 với doanh nghiệp được phân tích qua tác động lên doanh thu, tác động lên số đơn đặt hàng và hiệu quả kinh doanh trực tuyến của doanh nghiệp. Kết quả phân tích có 10% doanh nghiệp có doanh thu tăng, 12% doanh nghiệp có số đơn đặt hàng tăng và 81% doanh nghiệp đánh giá kinh doanh trực tuyến đạt hiệu quả và hiệu quả cao (Hình 3).
Hình 3. Đánh giá hiệu quả kinh doanh doanh trực tuyến của doanh nghiệp trong bối cảnh Covid-19
(Nguồn: Sách trắng TMĐT Việt Nam 2021)
Có thể coi năm 2020, đại dịch COVID-19 đã mang đến nhiều biến động đối với nền kinh tế và sự tăng trưởng bứt phá của TMĐT đã góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong những thị trường tiềm năng nhất khu vực ASEAN.
4. GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN TMĐT VIỆT NAM
Thứ nhất, hoàn thiện chính sách, pháp luật về TMĐT, xây dựng hệ sinh thái cho TMĐT và kinh tế số. Trong thời gian tới Nhà nước cần ban hành và thực thi các đạo luật, các văn kiện dưới luật để điều chỉnh các hoạt động thương mại thích ứng với pháp lý và tập quán quốc tế về giao dịch TMĐT. Nhà nước cần sớm rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới chính sách, khuôn khổ pháp lý và cơ chế chính sách cho phát triển thanh toán điện tử nhằm tăng cường lòng tin của người sử dụng và giới doanh nghiệp vào hệ thống thanh toán điện tử.
Thứ hai, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực TMĐT.
Chìa khoá để đạt được mục tiêu phát triển thương mại nằm ở nguồn nhân lực tại các địa phương. Đầu tư nhiều hơn vào nguồn nhân lực TMĐT được coi là yếu tố then chốt quyết định sự tăng trưởng nhanh và bền vững của TMĐT Việt Nam, đồng thời thu hẹp khoảng cách số giữa hai thành phố lớn nhất nước với các địa phương còn lại.
Thứ ba, Nhà nước cần đầu tư phát triển về kết cấu hạ tầng.
Nhà nước cần đầu tư trực tiếp và có chính sách tiếp tục khuyến khích; thu hút đầu tư của xã hội; đầu tư tư nhân nhằm phát triển hạ tầng kỹ thuật cho thanh toán điện tử. Đẩy mạnh hơn nữa trong việc cung cấp các dịch vụ công, như: Hải quan điện tử; kê khai thuế và nộp thuế; làm các thủ tục xuất, nhập khẩu điện tử. Ngoài ra, cần hỗ trợ doanh nghiệp phân phối hàng hóa trong và ngoài nước một cách hiệu quả với chi phí thấp nhất.
Thứ tư, xây dựng hệ thống thanh toán TMĐT quốc gia, tăng cường sử dụng phương thức thanh toán trực tuyến thay cho tiền mặt. Cụ thể, xây dựng hệ thống thanh toán TMĐT quốc gia; xây dựng giải pháp thẻ thanh toán TMĐT tích hợp; xây dựng hệ thống quản lý trực tuyến hoạt động vận chuyển cho TMĐT; xây dựng hạ tầng chứng thực chữ ký số cho TMĐT. Bên cạnh đó, xây dựng các tiêu chuẩn trao đổi thông điệp dữ liệu trong TMĐT; xây dựng hệ thống đảm bảo lòng tin cho hoạt động mua sắm trực tuyến và cơ chế giải quyết tranh chấp trực tuyến.
5. KẾT LUẬN
TMĐT là lĩnh vực hoạt động kinh tế không còn mới với nhiều quốc gia. Việc áp dụng TMĐT trong hoạt động kinh doanh là một tất yếu của thời đại và Việt Nam không nằm ngoài xu hướng phát triển đó. TMĐT không chỉ tác động đến khía cạnh thương mại mà còn tác động lên toàn bộ các hoạt động kinh tế, chính trị. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, thị trường TMĐT đang trở nên sôi động hơn và việc ứng dụng công nghệ số, xây dựng kênh phân phối mới đang trở thành một phương án hữu hiệu cho các doanh nghiệp Việt Nam vượt qua khó khăn, mang đến cơ hội mới từ phía cầu thị trường trên cơ sở làm thay đổi thói quen mua hàng của người tiêu dùng, chuyển từ thói quen mua hàng truyền thống sang mua hàng qua TMĐT. Tuy nhiên do quá trình phát triển TMĐT ở Việt Nam còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần phải tháo gỡ. Để thương mại điện tử phát triển cần phải có sự hỗ trợ, định hướng, giám sát từ phía Nhà nước, Chính phủ trong việc xây dựng hành lang pháp lý cho các hoạt động TMĐT, đẩy mạnh hạ tầng thanh toán, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng nhân lực để xây dựng thị trường TMĐT lành mạnh, bền vững.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. Báo cáo chỉ số thương mại điện tử Việt Nam 2021, Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM).
[2]. Sách trắng thương mại điện tử Việt Nam 2021, Cục thương mai điện tử và kinh tế số.
[3]. Dương Ngọc Hồng (2020), Thương mại điện tử trong phát triển kinh tế Việt Nam, Tạp chí Tài chính online, tháng 7/2020.
[4]. Nguyễn Đắc Hưng (2021), Phát triển thanh toán điện tử gắn với thương mại điện tử của Trung Quốc và hàm ý đối với Việt Nam, Hội thảo Khoa học quốc tế “Kinh tế và thương mại quốc tế tác động tới doanh nghiệp Việt Nam, Đại học Kinh tế quốc dân, tr394-402.
[5]. Nguyễn Đình Luận (2015), Tổng quan về thương mại điện tử ở Việt Nam, Tạp chí Tài chính tháng 7/2015, tr8-11.
[6]. Nguyễn Thị Thủy (2021), Thực trạng và giải pháp phát triển thương mại điện tử ở Việt Nam hiện nay, Hội thảo Khoa học quốc tế “Kinh tế và thương mại quốc tế tác động tới doanh nghiệp Việt Nam, Đại học Kinh tế quốc dân, tr673-383.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn