Tóm tắt
Các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn từ tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Để nâng cao năng lực cạnh tranh, nhanh chóng hồi phục sau đại dịch, chuyển đổi số là một trong những nội dung cốt yếu mà các doanh nghiệp này cần phải thực hiện. Kết quả nghiên cứu cho thấy các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang gặp khó khăn nhất trong việc chuyển đổi số, quá trình chuyển đổi số được thực hiện chưa đồng bộ, chỉ mới dừng lại ở một số hoạt động nhỏ lẻ. Do đó trong giai đoạn tới cần xây dựng chiến lược và lộ trình chuyển đổi cụ thể, hỗ trợ tài chính và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn và nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hiện nay.
Từ khóa: Chuyển đổi số; kinh tế số; doanh nghiệp nhỏ và vừa; thương mại điện tử.
-
GIỚI THIỆU
Ở Việt Nam, chuyển đổi số (CĐS) đã diễn ra ở hầu hết các loại hình doanh nghiệp (DN) và với nhiều mức độ khác nhau. Quá trình CĐS đã bắt đầu diễn ra, song rõ nét hơn cả là trong những ngành như tài chính, giao thông, du lịch,... Chính phủ và chính quyền các cấp đang nỗ lực xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số. Hơn 30 thành phố dự định xây dựng Smart City với các nền tảng công nghệ mới... Tuy nhiên, có một sự khác biệt rõ ràng giữa thực tế CĐS cũng như sự kỳ vọng về hiệu quả của CĐS giữa các DN với quy mô khác nhau. Trong đó, các DN quy mô lớn chuyển đổi nhanh cũng như tin tưởng hơn đối với CĐS. Tại những DN này, đối tượng khách hàng thường đa dạng, nên CĐS được thể hiện thông qua nhiều yếu tố. Nhiều DN đã xây dựng hệ thống quản lý khách hàng thống nhất qua các ứng dụng mobile. Qua đó, giúp khách hàng tích hợp và quản lý thông tin khi sử dụng nhiều dịch vụ khác nhau như thanh toán các hóa đơn gia đình, tiền điện, mua sắm hay các dịch vụ nghỉ dưỡng,...
Các DN Việt Nam nói chung, nhất là DNNVV vẫn chưa nhận thức đúng vai trò của CĐS trong cuộc CMCN 4.0, cụ thể, theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện DNNVV của Việt Nam chiếm khoảng 97% tổng số DN đang hoạt động. Trong khi đó, trình độ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của cộng đồng DN nói chung còn thấp, có tới 80-90% máy móc sử dụng trong các DN Việt Nam là nhập khẩu, gần 80% là những công nghệ cũ từ thập niên 1980 - 1990. Vì vậy, đổi mới là vấn đề sống còn đối với các DN này. Theo kế hoạch, năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục lựa chọn các nền tảng số xuất sắc để hỗ trợ các DNNVV, với mục tiêu sẽ có 30 ngàn DN được hỗ trợ CĐS [1].
Hiện nay, các DNNVV tuy chiếm số lượng lớn nhưng là nhóm gặp khó khăn nhất trong việc CĐS. Mặc dù đã nhận thức được về sự cần thiết của CĐS, song do khả năng sản xuất còn hạn chế, mức độ tự động hóa còn chưa cao, nên các DNNVV khó áp dụng CĐS.
-
MỘT SỐ NỘI DUNG VỀ CĐS CỦA DNNVV
-
Lý thuyết về CĐS của DNNVV
Có hai lý thuyết phù hợp với hoạt động CĐS của các DNNVV là lý thuyết về năng lực quản lý động và lý thuyết về năng lực tổ chức.
Lý thuyết về năng lực quản lý động đề cập đến khả năng các nhà quản lý xây dựng, tích hợp và tái cấu trúc các nguồn lực của tổ chức (Adner & Helfat, 2003). Lý thuyết này cho rằng chính nhà quản lý các DNNVV là người thúc đẩy tổ chức của họ CĐS và là chìa khóa dẫn đến thành công [2].
Lý thuyết về năng lực tổ chức đề cập đến năng lực mà DN thực hiện một hoạt động cụ thể nhằm đạt được mục tiêu trong những hoàn cảnh khác nhau (Helfat & Winter, 2011). Khi tham gia vào các thị trường năng động, các DNNVV cần thay đổi nhanh chóng, nghiên cứu và phát triển nhằm đạt được lợi thế cạnh tranh [2].
-
-
Các hoạt động CĐS của DNNVV
Các hoạt động CĐS của DNNVV bao gồm việc số hóa dữ liệu, áp dụng công nghệ số để tự động hóa, tối ưu quy trình nghiệp vụ, quy trình quản lý, sản xuất kinh doanh hoặc chuyển đổi toàn bộ mô hình kinh doanh, tạo thêm giá trị mới cho DN. Bởi vậy, DN cần nhận thức rõ CĐS là sự thay đổi về quy mô, điều chỉnh cấu trúc, quy trình hoặc văn hóa kinh doanh nhằm mang lại tác động tích cực và sự phát triển lâu dài, bền vững.
-
-
Cấp độ CĐS của DNNVV
Trong Chương trình hỗ trợ DN về CĐS giai đoạn 2021-2025 và Dự án thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của DNNVV (LinkSME), các chuyên gia của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cho rằng, có ba cấp độ CĐS trong DNNVV [3], bao gồm (1) Định hướng chiến lược Là giai đoạn DN cần xác định và tích hợp chiến lược CĐS vào chiến lược phát triển chung, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế và khả năng chuyển đổi của tổ chức. (2) Chuyển đổi mô hình kinh doanh là việc chuyển đổi từ các kênh bán hàng truyền thống sang bán hàng đa kênh, áp dụng công nghệ số vào hoạt động chăm sóc khách hàng để tạo ra giá trị mới thông qua sử dụng các kênh bán hàng hiện đại và các sàn thương mại điện tử. Các ứng dụng trên điện thoại di động phục vụ mục đích giao hàng và vận chuyển sản phẩm có thể đáp ứng đúng nhu cầu mà các đơn vị kinh doanh đang tìm kiếm. Bên cạnh đó, DN có thể dễ dàng tiếp cận tới khách hàng tại các khu vực địa lý khác nhau thông qua các nền tảng quảng cáo trực tuyến. Thực hiện áp dụng công nghệ số đối với kênh tiếp thị, bán hàng và phân phối là yếu tố then chốt để DN nâng cao năng lực cạnh tranh của mình. Và (3) CĐS năng lực quản trị là việc DN tập trung phát triển và duy trì năng lực quản trị nội bộ để giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Mô hình quản trị bao gồm con người và tổ chức, hệ thống công nghệ thông tin và quản trị dữ liệu, các nghiệp vụ quản lý, quản trị rủi ro và an ninh mạng cần được tổ chức một cách linh hoạt, phù hợp với yêu cầu quản trị của từng thời kỳ. DN có thể ứng dụng các giải pháp như hoạch định nguồn lực ERP, phần mềm chăm sóc khách hàng CRM, các hệ thống chấm công, tính lương, hệ thống bán lẻ POS, hệ thống quản lý kênh phân phối,... để số hóa quy trình quản lý. Ngoài ra, DN có thể phân tích dữ liệu nhằm đạt được hiệu quả tối ưu.
-
-
Các giai đoạn CĐS của DNNVV
CĐS của DNNVV thường bao gồm 3 giai đoạn:
(1) Giai đoạn “Doing Digital”: CĐS tại các DN được triển khai riêng lẻ, chưa có tính kết nối. Giai đoạn “doing digital” thuộc cấp độ 1 (Định hướng chiến lược). Giai đoạn này, DN cần tận dụng các giải pháp công nghệ, nâng cao trải nghiệm khách hàng nhằm đạt được mục tiêu. DN thường sử dụng những nguồn lực sẵn có hoặc những nguồn lực dễ tiếp cận với chi phí hợp lý và phù hợp với khả năng của DN để triển khai.
(2) Giai đoạn “Becoming Digital”: Là giai đoạn thuộc cấp độ 2 (CĐS mô hình kinh doanh). Trong đó, DN chú trọng áp dụng công nghệ số ở phạm vi rộng, có sự kết nối giữa các chức năng. Giai đoạn này thường chú trọng đến việc CĐS mô hình kinh doanh để thay đổi mô hình quản trị nhằm mang lại hiệu quả tối ưu cho việc điều hành DN và duy trì tăng trưởng. Sự phát triển liên tục trong giai đoạn này tạo điều kiện cho DN chuyển đổi tổ chức ở giai đoạn tiếp theo.
(3) Giai đoạn “Being Digital”: Là giai đoạn thuộc cấp độ 3 (CĐS năng lực quản trị). Đây là giai đoạn CĐS hoàn toàn, tập trung vào việc kết nối, tích hợp đồng bộ các hệ thống kinh doanh và quản trị của DN. Thông tin sẽ được chia sẻ xuyên suốt các phòng ban và theo thời gian thực. Các giải pháp kết nối toàn bộ DN cần được triển khai ở giai đoạn này, trên cơ sở xem xét cấu trúc DN và các hệ thống hiện có cũng như năng lực của nhà quản trị.