PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM OCOP TỪ THẾ MẠNH ĐỊA PHƯƠNG

Thứ tư - 05/06/2024 14:07

Chương trình OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Hải Dương là vùng đất trù phú, có địa hình đa dạng, đất đai màu mỡ với nhiều làng nghề truyền thống, cây trồng có giá trị cao và người dân có trình độ thâm canh tốt đã tạo ra nhiều nông sản, sản phẩm làng nghề chất lượng, mẫu mã ấn tượng. Hàng năm số lượng sản phẩm OCOP của tỉnh ngày một tăng. Tuy nhiên, để sản phẩm OCOP thực sự mang lại giá trị cao, cải thiện thu nhập cho người nông dân thì cần những giải pháp phát triển sản phẩm OCOP từ thế mạnh của phương.
 

Hình 1. Phát triển sản phẩm OCOP tỉnh Hải Dương

(Nguồn: https://ocopvietnam.langngheviet.com.vn/chuong-trinh-ocop-tinh-hai-duong-tao-dot-pha-cho-linh-vuc-nong-nghiep-27292.html)

Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (One commune one product - gọi tắt là chương trình OCOP) giai đoạn 2018 – 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 07/5/2018. Trên cơ sở đó tỉnh Hải Dương triển khai sâu, rộng chương trình này trên địa bàn toàn tỉnh với mục tiêu phát triển kinh tế khu vực nông thôn, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, thực hiện hiệu quả, mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Trước tình hình sản xuất nông nghiệp hiện nay còn chưa gắn với nhu cầu thị trường, công tác xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm chưa tốt; sản xuất chưa có sự kết nối chặt chẽ, dẫn đến khó tiêu thụ các sản phẩm. Trong khi, tỉnh có một số sản phẩm thế mạnh đã có như: các loại rau cà rốt, su hào, bắp cải, hành, tỏi, bột sắn dây; các loại cây ăn quả vải thiều, na, ổi, chuối; gà đồi, cá lồng; các sản phẩm truyền thống như bánh đậu xanh, bánh gai, bánh gấc; sản phẩm của 66 làng nghề truyền thống; sản phẩm du lịch như: khu du lịch sinh thái sông Hương, Đảo Cò, khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc; khu An Phụ - Kính Chủ…

Thực hiện Quyết định số 461/QĐ-TTg, ngày 27/4/2018 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Hải Dương về phê duyệt đề án phát triển 15.000 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã (HTX) nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020. Mục tiêu toàn tỉnh có 348 Hợp tác xã hoạt động hiệu quả, trong đó giải thể các hợp tác xã nông nghiệp hoạt động yêu kém, có ít nhất 37 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; 348 HTX nông nghiệp tham gia liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm.
 

Hình 2. Nông sản Hải Dương an toàn, chất lượng

(Nguồn: https://mekongasean.vn/chuong-trinh-ocop-gop-phan-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-tinh-hai-duong-post26164.html)

Thực hiện Quyết định số 919/QĐ-TTg ngày 01/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021-2025, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 1366/KH-UBND ngày 28/4/2023 về thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Hải Dương giai đoạn 2023-2025. Trong đó, tập trung thực hiện một số công việc. Cụ thể:

   - Hướng dẫn, đôn đốc các địa phương triển khai thực hiện Kế hoạch của Uỷ ban nhân dân tỉnh và đăng ký sản phẩm tham gia chương trình OCOP năm 2023. Hướng dẫn, tư vấn các nội dung hồ sơ theo quy định để tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cho các chủ thể sản xuất.

   - Thông báo đối với 62 sản phẩm OCOP năm 2020 sẽ hết hiệu lực giấy chứng nhận OCOP vào ngày 30/12/2023 để các chủ thể biết và chủ động số lượng sản phẩm gắn sao OCOP lưu thông trên thị trường và tham gia đánh giá lại.

   Trong năm 2023, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Hải Dương đã thống nhất kết quả đánh giá, phân hạng cho 35 sản phẩm, trong đó có 34 sản phẩm đạt tiềm năng OCOP 4 sao ở TP Hải Dương, Chí Linh, thị xã Kinh Môn và các huyện Gia Lộc, Nam Sách, Tứ Kỳ, Ninh Giang.

   Đến nay, Hải Dương có 351 sản phẩm OCOP, bao gồm 118 sản phẩm OCOP 4 sao, 231 sản phẩm OCOP 3 sao. Có 2 sản phẩm tiềm năng 5 sao là bánh đậu xanh rồng vàng Hoàng Gia và vải tươi Queen Thanh Ha Lychee đang đề nghị Trung ương công nhận. Các sản phẩm được công nhận OCOP thuộc nhóm thực phẩm, đồ uống, thủ công mỹ nghệ, thảo dược, văn hoá, du lịch.

   Từ năm 2023, việc phân loại xếp hạng sản phẩm OCOP được phân cấp thực hiện. Cấp huyện sẽ đánh giá, lựa chọn sản phẩm OCOP 3 sao, cấp tỉnh chịu trách nhiệm đánh giá sản phẩm OCOP 4 sao.

   Các sản phẩm OCOP 4 sao của Hải Dương đều có tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm: các sản phẩm OCOP này sẽ được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao, được sử dụng biểu trưng và tem OCOP trên bao bì, nhãn mác và các tài liệu giới thiệu, quảng bá sản phẩm theo quy định. Kết quả phân hạng có giá trị 36 tháng kể từ ngày được công nhận.

   Như vậy, chương trình OCOP sẽ tạo động lực giúp các địa phương phát triển, củng cố sản phẩm lợi thế theo chiều sâu. Thông qua đó tạo dấu ấn riêng biệt cho từng vùng, từng khu vực. Tuy nhiên, sản phẩm OCOP Hải Dương chủ yếu vẫn là các sản phẩm nông sản, sản phẩm chế biến. Trong khi đó, tỉnh có nhiều tiềm năng về du lịch cộng đồng, sản phẩm tiểu thủ công nghiệp, thủ công mỹ nghệ,… Vì vậy, để thúc đẩy phát triển hơn nữa sản phẩm OCOP cả về bề rộng và chiều sâu các địa phương trong tỉnh cần đẩy mạnh tuyên truyền đến các chủ thể của các sản phẩm này tham gia chương trình OCOP trong thời gian tới để sản phẩm OCOP của tỉnh Hải Dương được đưa nhiều hơn vào hệ thống siêu thị, nhà phân phối các tỉnh, thành phố cùng nhiều điểm du lịch và được người tiêu dùng tin tưởng tìm mua.

Bài viết phát triển sản phẩm OCOP từ thế mạnh địa phương mang tính ứng dụng cao từ các học phần marketing và quản trị marketing. Từ đó, giúp các em sinh viên ngành Kế toán và Quản trị kinh doanh học tập tốt hơn các học phần này.

Tác giả bài viết: Ths. Ngô Thị Luyện - Giảng viên khoa Kinh tế

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây