Giải pháp thúc đẩy hoạt động thương mại và dịch vụ tỉnh Hải Dương trong bối cảnh chuyển đổi số

Thứ hai - 06/05/2024 10:02

Giải pháp thúc đẩy hoạt động thương mại và dịch vụ tỉnh Hải Dương trong bối cảnh chuyển đổi số

Solutions to promote trade and service activities in Hai Duong province in the context of digital transformation

Ngô Thị Luyện

Email: ngothiluyendhsd@gmail.com

Trường Đại học Sao Đỏ

Tóm tắt

Hoạt động thương mại và dịch vụ có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế đất nước. Thương mại và dịch vụ là cầu nối giữa nhà sản xuất với người tiêu dùng, là những ngành kinh tế độc lập mang lại công ăn việc làm cho nhiều lao động. Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, hoạt động này càng phát triển trên nền tảng công nghệ số (thương mại điện tử). Hải Dương là một tỉnh nằm trong top 20 về phát triển công nghệ số. Bên cạnh đó Hải Dương có một vị trí địa lý thuận lợi nằm trong vùng tam giác vàng về phát triển kinh tế (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh). Song hoạt động thương mại và dịch vụ của tỉnh chưa phát triển xứng tầm với tiềm năng thế mạnh đó. Trên cơ sở thu thập, tổng hợp, phân tích số liệu về thực trạng hoạt động thương mại và dịch vụ tỉnh Hải Dương hiện nay, tác giả đề xuất các giải pháp thúc đẩy hoạt động thương mại và dịch vụ của tỉnh trong bối cảnh chuyển đổi số.

Từ khóa: Thương mại; dịch vụ; chuyển đổi số; công nghệ số.

Abstract

Trade and service activities play an important role in the country's economic development. Trade and service is a bridge between manufacturers and consumers, and it is an independent economic sector that brings jobs to many workers. In the context of Industrial revolution 4.0, this activity is increasingly developed on a digital technology platform (e-commerce). Hai Duong is a province among the top 20 in digital technology development. Besides, Hai Duong has a favorable geographical location in the golden triangle of economic development (Hanoi - Hai Phong - Quang Ninh). However, the province's trade and service activities have not developed to match that potential strength. Based on collecting, synthesizing and analyzing data on the current status of trade and service activities in Hai Duong province, the author suggests solutions to promote the province's trade and service activities in the context of digital transformation.

Keywords: Commerce; service; digital transformation; digital technology.

 

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Thương mại và dịch vụ góp phần thúc đẩy sản xuất, lưu thông, phân phối hàng hóa, thúc đẩy thương mại hàng hóa phát triển trong phạm vi quốc gia cũng như quốc tế. Thương mại và dịch vụ là cầu nối giữa các yếu tố “đầu vào” và “đầu ra” trong quá trình sản xuất hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm. Do đó, thương mại và dịch vụ góp phần không nhỏ vào thúc đẩy kinh tế phát triển.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, Hải Dương có mức tăng trưởng kinh tế đạt 7,23%, đứng thứ 15 cả nước và thứ 7 vùng đồng bằng Sông Hồng về tốc độ tăng trưởng. Trong đó, thương mại và dịch vụ tăng 6,09%, đóng góp không nhỏ vào sự tăng trưởng kinh tế tỉnh Hải Dương nói riêng và cả nước nói chung.

Có được thành quả đó về thương mại và dịch vụ là do tỉnh Hải Dương đang triển khai mạnh mẽ chuyển đổi số trên phạm vi toàn tỉnh và ứng dụng công nghệ số vào hoạt động này. Bên cạnh đó, Hải Dương còn có những lợi thế về phát triển thương mại và dịch vụ. Cụ thể, tỉnh có vị trí địa lý kinh tế thuận lợi cùng hệ thống giao thông đường bộ, đường thuỷ và đường sắt khá hoàn chỉnh. Nhờ đó, Hải Dương có nhiều lợi thế trong giao thương, trao đổi thương mại với các tỉnh, thành thuộc tam giác kinh tế trọng điểm phía Bắc (thủ đô Hà Nội, thành phố Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh) cũng như các tỉnh lân cận và cả nước.

Tuy nhiên, hoạt động thương mại và dịch vụ của tỉnh Hải Dương vẫn còn những tồn tại, chưa phát triển xứng tầm với những điều kiện thuận lợi vốn có trong bối cảnh chuyển đổi số như hiện nay. Vì vậy, rất cần những giải pháp bứt phá thúc đẩy hoạt động thương mại và dịch vụ phát triển hơn nữa.

2.  THỰC THẠNG HOẠT ĐỘNG THƯƠNG MẠI VÀ DỊCH VỤ TỈNH HẢI DƯƠNG TRONG BỐI CẢNH CHUYỂN ĐỔI SỐ

2.1. Tổng quan về thương mại, dịch vụ và chuyển đổi số

Thương mại và dịch vụ

Theo Luật Thương mại năm 2005, hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác.

Dịch vụ là những hoạt động lao động của con người, không tồn tại dưới hình thái vật thể, không dẫn đến việc chuyển quyền sở hữu, nhằm thỏa mãn kịp thời các nhu cầu sản xuất và đời sống sinh hoạt của con người.

Một số chỉ tiêu tổng hợp kết quả hoạt động thương mại và dịch vụ là: Doanh thu bán lẻ hàng hoá, doanh thu dịch vụ tiêu dùng, doanh thu dịch vụ vận tải, hoạt động xuất, nhập khẩu…

Chuyển đổi số

Chuyển đổi số (tiếng Anh là Digital transformation) là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số như: Big Data (Dữ liệu lớn), IoT (Internet vạn vật), AI (Trí tuệ nhân tạo), Cloud (Điện toán đám mây)…

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu và là yêu cầu khách quan của sự phát triển. Hiện nay, chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trong tất cả các lĩnh vực, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ.

2.2. Thực trạng chuyển đổi số tại tỉnh Hải Dương

Theo Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 26/3/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hải Dương về chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, Hải Dương phấn đấu đến năm 2025 đưa tỉnh thuộc nhóm 20 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số; đến năm 2030 thuộc nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số.

Một số kết quả trong hoạt động chuyển đổi số tỉnh Hải Dương được đánh giá trên 3 trụ cột là: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

- Về chính quyền số: Các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị của tỉnh đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Hiện nay, 100% các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và cấp xã đã xây dựng mạng nội bộ (LAN) kết nối các phòng ban, đơn vị; tỷ lệ máy tính/cán bộ, công chức đạt 100%. Hệ thống quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp được triển khai đồng bộ và liên thông 4 cấp gắn với việc sử dụng hộp thư điện tử công vụ và chữ ký số. Đến nay, Sở Thông tin và Truyền thông đã thực hiện cấp trên 8.000 tài khoản thư điện tử công vụ cho các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh. 100% cán bộ, công chức cấp tỉnh, cấp huyện và 90% cán bộ, công chức cấp xã thường xuyên sử dụng thư điện tử công vụ trong công việc. Tính đến 24/6/2022, Sở này đã phối hợp với Ban Cơ yếu Chính phủ cấp được 5.189 chứng thư số cho tổ chức, cá nhân thuộc các cơ quan hành chính nhà nước và 29 PKI cho lãnh đạo các sở, ngành, UBND cấp huyện. 100% các sở, ban, ngành cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã được cấp chứng thư số và sử dụng chứng thư số…

Hệ thống một cửa điện tử, Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh đã được triển khai đồng bộ và kết nối với Cổng dịch vụ công Quốc gia, Cổng hỗ trợ thanh toán trực tuyến Quốc gia. Hiện nay, đã tích hợp được 564 dịch vụ công mức độ 3 và 4 trên Cổng dịch vụ công Quốc gia; trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh đang cung cấp 1.195 dịch vụ công mức độ 3 và 619 dịch vụ công mức độ 4,… góp phần hiện đại hóa công tác quản lý, đảm bảo chính xác, kịp thời trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp.

- Về phát triển xã hội số: Mạng lưới bưu chính viễn thông của tỉnh khá hoàn thiện và đồng bộ, đảm đảo phủ sóng 100% tất cả các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh giúp cải thiện cuộc sống và sinh hoạt của người dân. Trên địa bàn tỉnh có 374 điểm phục vụ bưu chính. Bán kính phục vụ bình quân 1,2 km, dân số phục vụ bình quân là 3.492 người/điểm phục vụ; có 03 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông cố định, 05 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông di động với công nghệ đang sử dụng GSM, cung cấp nhiều dịch vụ giá trị gia tăng 3G, 4G với trên 3.000 trạm thu phát sóng di động (BTS) và số đại lý internet công cộng trên địa bàn tỉnh là 300 đại lý. Tổng số thuê bao di động là 2.124.659 thuê bao. Tổng số thuê bao internet băng thông rộng là 1.157.945 thuê bao, trong đó số thuê bao internet băng thông rộng cố định đạt 363.129 thuê bao, số thuê bao internet băng rộng di động ước đạt 1.157.053 thuê bao. Số hộ gia đình có đường Internet cáp quang băng rộng là 349.540, đạt tỷ lệ 61,17%. Hạ tầng mạng viễn thông 3G, 4G được phát triển mở rộng phủ khắp 100% dân số; tỷ lệ phủ sóng thông tin di động 3G, 4G đã đạt 100% xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh. Số thuê bao điện thoại di động sử dụng Smartphone là 1.509.523, tỷ lệ dân số trưởng thành sử dụng smartphone đạt 72,36%.

- Về phát triển kinh tế số: Cơ bản các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã sử dụng Internet phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, ứng dụng rộng rãi các hình thức thanh toán điện tử,... Hiện có 300 doanh nghiệp hoạt động thường xuyên trong lĩnh vực điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin đã góp phần giúp tỉnh đạt tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2022 đạt 9%, đều cao hơn kế hoạch đề ra.

Nhờ chuyển đổi số, các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh, trong đó có vải thiều đã có mặt trên các sàn thương mại điện tử nổi tiếng như: Lazada, Tiki, Shopee, Sendo, Alibaba, Voso, Viettelpost và được tiêu thụ rất tốt; tất cả sản phẩm vải quả bán ra thị trường cả trong và ngoài nước đều được dán tem QR code truy xuất nguồn gốc. Theo tổng hợp từ Hệ thống chỉ số thực hiện 1034, đến nay, tỉnh Hải Dương có 136.012 hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, xếp thứ 23/63 tỉnh, thành phố; 141.850 hộ sản xuất nông nghiệp được đào tạo kỹ năng số, 760 sản phẩm của tỉnh được đưa lên sàn; số giao dịch trên sàn thương mại điện tử là 2.721.

Bên cạnh đó, tỉnh Hải Dương đã ký kết thỏa thuận hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ lớn như Tập đoàn Viettel, Tập đoàn FPT, Liên minh SAIGONTEL-NGS; Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT), Tổng Công ty viễn thông MobiFone... ; ra mắt Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh (IOC) tỉnh; thành lập Tổ chỉ đạo triển khai công nghệ số cộng đồng; khai trương website về chuyển đổi số tại địa chỉ chuyendoiso.haiduong.gov.vn…,

Kết quả, trong hoạt động chuyển đổi số của năm 2020, Hải Dương đứng thứ 14/63 địa phương trên cả nước về chỉ số chuyển đổi cấp tỉnh, xếp hạng 22/63 về chính quyền số, 9/63 về kinh tế số và 13/63 về xã hội số. Đây là thành tựu bước đầu trong công tác chuyển đổi số của tỉnh tạo tiền đề cho phát triển thương mại, dịch vụ nói riêng và phát triển kinh tế nói chung trong toàn tỉnh.

2.3. Thực trạng hoạt động thương mại và dịch vụ tỉnh Hải Dương

Hoạt động thương mại và dịch vụ tỉnh Hải Dương trong giai đoạn từ năm 2019 đến năm 2022 có xu hướng tăng trưởng (Bảng 1).

 

Bảng 1. Kết quả hoạt động thương mại và dịch vụ tỉnh Hải Dương giai đoạn 2019-2022

(Đơn vị: Tỷ đồng)

Năm

 Chỉ tiêu

2019

2020

2021

2022

Doanh thu bán lẻ hàng hóa

   48.179

  52.959

   55.777

   63.362

Doanh thu dịch vụ tiêu dùng

   12.484

 12.067

  12.728

   14.692

Doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ kho bãi

10.921

9.809

9.601

11.803

Xuất khẩu hàng hóa

     7.493

      7.758

      9.979

    10.460

Nhập khẩu hàng hóa

      6.790

      6.000

      7.679

      8.419

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu

   14.283

   13.758

   17.658

   18.879

(Nguồn: Tổng hợp từ Niên giám thống kê tỉnh Hải Dương năm 2022)

Bảng 2. So sánh mức tăng trưởng từ hoạt động thương mại và dịch vụ tỉnh Hải Dương giai đoạn 2019-2022

(Đơn vị: Tỷ đồng)

Năm

Chỉ tiêu

2020/2019

2021/2020

2022/2021

 +/-

%

 +/-

%

 +/-

%

 Doanh thu bán lẻ hàng hóa

    4.780

 9,92

2.818

5,32

7.585

13,60

 Doanh thu dịch vụ tiêu dùng

 (417)

 (3,34)

661

  5,48

1.964

      15,43

 Doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ kho bãi

  (1.112)

 (10,18)

 (208)

 (2,12)

     2.202

      22,94

 Xuất khẩu hàng hóa

          265

    3,54

   2.221

 28,63

        481

        4,82

 Nhập khẩu hàng hóa

       (790)

(11,63)

    1.679

 27,98

       740

        9,64

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu

 (525)

 (3,68)

   3.900

 28,35

    1.221

6,91

(Nguồn: Tổng hợp từ Niên giám thống kê tỉnh Hải Dương năm 2022)

 

2.3.1. Bán lẻ hàng hoá

Doanh thu bán lẻ hàng hóa của tỉnh Hải Dương tính theo giá hiện hành trong những năm gần đây liên tục tăng. Cụ thể, năm 2020 tăng 4.780 tỷ đồng tương ứng tăng 9,92% so với năm 2019. Năm 2021 tăng 2.818 tỷ đồng tương ứng tăng 5,32% so với năm 2020. Năm 2022 tăng 7.585 tỷ đồng tương ứng tăng 13.6% so với năm 2021. Doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng ở rất nhiều nhóm mặt hàng như: Lương thực thực phẩm, ô tô và nhiên liệu. Đặc biệt trong năm 2022 tăng nhiều nhất thuộc về nhóm mặt hàng xăng dầu (tăng 24,34%), gỗ và vật liệu xây dựng (tăng 15,69%).

Theo Báo cáo gần đây nhất từ Cục Thống kê tỉnh Hải Dương, tính chung 10 tháng đầu năm 2023, doanh thu bán lẻ hàng hoá ước đạt 64.503 tỷ đồng, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm trước. Phân theo mặt hàng:

- Nhóm lương thực, thực phẩm là nhóm chiếm phần lớn nhất với 33,6% trong tổng số và đạt 21.659 tỷ đồng, tăng 20,7%;

- Nhóm đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình cũng chiếm phần tương đối với 14,3% trong tổng số, đạt 9.213 tỷ đồng, tăng 19,6%;

- Nhóm gỗ và vật liệu xây dựng đạt 8.359 tỷ đồng, tăng 7,4%.

 

 

Bảng 3. Doanh thu bán lẻ hàng hóa tính theo giá hiện hành phân theo nhóm hàng trong giai đoạn 2019 - 2022

Năm

Nhóm hàng

2019

2020

2021

2022

Tỷ đồng

%

Tỷ đồng

%

Tỷ đồng

%

Tỷ đồng

%

Lương thực thực phẩm

16.202

33,63

21.043

39,73

23.290

41,76

26.366

41,61

Hàng may mặc

2.445

5,07

2.195

4,14

2.350

4,21

2.634

4,16

Đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình

6.593

13,68

4.695

8,87

5.417

9,71

6.303

9,95

Vật phẩm, văn hóa, giáo dục

719

1,49

617

1,17

693

1,24

750

1,18

Gỗ và vật liệu xây dựng

8.210

17,04

9.456

17,86

7.895

14,15

9.134

14,42

Ô tô các loại

2.818

5,85

4.872

9,20

5.120

9,18

5.760

9,09

Phương tiện đi lại

2.822

5,86

2.542

4,80

2.953

5,29

3.147

4,97

Xăng dầu các loại

3.015

6,26

2.503

4,73

2.490

4,46

3.096

4,89

Nhiên liệu khác (trừ xăng dầu)

528

1,10

1.384

2,61

1.620

2,90

1.809

2,86

Sửa chữa ô tô, xe máy và xe có động cơ

1.467

3,04

1.394

2,63

1.470

2,64

1.607

2,54

Hàng hóa khác

3.360

6,97

2.258

4,26

2.479

4,44

2.756

4,35

Tổng

48.179

100

52.959

100

55.777

100

63.362

100

(Nguồn: Tổng hợp từ Niên giám thống kê tỉnh Hải Dương năm 2022)

 

2.3.2. Dịch vụ tiêu dùng

Dịch vụ tiêu dùng năm 2020 giảm 417 tỷ đồng tương ứng giảm 3,34% so với năm 2019 là do Đại dịch Covid-19 diễn ra trên toàn tỉnh. Tuy nhiên, đến năm 2021 và năm 2022 thì doanh thu dịch vụ tiêu dùng đã tăng trở lại do dịch Covid-19 được kiểm soát.

Đặc biệt trong 10 tháng đầu năm 2023, doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội ước đạt 13.007 tỷ đồng, tăng 9,0% so với cùng kỳ năm trước. Phân theo ngành kinh tế:

- Dịch vụ lưu trú đạt 291 tỷ đồng, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước;

- Dịch vụ ăn uống đạt 4.255 tỷ đồng, tăng 15,1%;

- Dịch vụ lữ hành và hoạt động hỗ trợ đạt 72 tỷ đồng, tăng 52,4%.

- Các dịch vụ khác đạt 8.389 tỷ đồng, tăng 5,7%.

2.3.3. Vận tải, kho bãi

Dịch vụ vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ kho bãi liên tục giảm trong năm 2020, 2021 nguyên nhân chủ yếu do hậu quả từ đại dịch Covid-19 diễn ra trên toàn tỉnh. Năm 2023 doanh thu từ hoạt động này đã tăng trở lại (tăng 2.202 tỷ đồng tức tăng 22,94% so với năm 2021).

Tính chung trong 10 tháng đầu năm 2023, doanh thu vận tải, kho bãi và hỗ trợ vận tải ước đạt 10.122 tỷ đồng, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu vận tải hành khách tăng 36,9%; doanh thu vận tải hàng hoá tăng 10,4%; doanh thu kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải tăng 14,5%; doanh thu dịch vụ bưu chính và chuyển phát tăng 14,0%.

2.3.4. Xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của tỉnh trong 2 năm 2021 và 2022 liên tục tăng. Năm 2021 tăng 28,35%, năm 2022 tăng 6,91%.

Theo Sở Công Thương, 9 tháng năm 2023, giá trị hàng hoá xuất khẩu của Hải Dương ước đạt 7 tỷ 288 triệu USD, bằng 62% kế hoạch năm, giảm 8,9% so với cùng kỳ năm 2022. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là dệt may, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện điện tử, dây điện và cáp điện, giày dép... Thị trường xuất khẩu chủ yếu là Hàn Quốc, các nước ASEAN, Trung Quốc,...

Giá trị hàng hoá nhập khẩu ước đạt hơn 5 tỷ 804 triệu USD, bằng 58,9% kế hoạch năm, giảm 9,8% so với cùng kỳ năm trước.

Nguyên nhân giá trị xuất khẩu hàng hoá giảm do kinh tế thế giới chưa phục hồi, nguy cơ suy thoái kinh tế vẫn hiện hữu, bất ổn xã hội do lạm phát và lãi suất tăng ở nhiều quốc gia, khiến nhu cầu nhập khẩu của các đối tác suy giảm, làm ảnh hưởng đến xuất khẩu từ Việt Nam.

3. ĐÁNH GIÁ HOẠT ĐỘNG THƯƠNG MẠI VÀ DỊCH VỤ TỈNH HẢI DƯƠNG TRONG BỐI CẢNH CHUYỂN ĐỔI SỐ

3.1. Những thành tựu của hoạt động thương mại và dịch vụ tỉnh Hải Dương trong bối cảnh chuyển đổi số.

Hoạt động thương mại và dịch vụ của tỉnh Hải Dương trong bối cảnh chuyển đổi số vừa qua đã đạt được những thành tựu nhất định:

Thứ nhất: Công tác quản lý, hỗ trợ hoạt động thương mại điện tử của tỉnh được coi trọng. Sở Công Thương Hải Dương đã chủ động xây dựng kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp địa phương triển khai các hoạt động phân phối và tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm qua thương mại điện tử trong năm 2023.

Thứ hai: Hoạt động xúc tiến thương mại được đẩy mạnh. Cụ thể, Trung tâm Xúc tiến thương mại (Trung tâm) tham mưu Sở Công Thương tổ chức thành công “Hội nghị Xúc tiến tiêu thụ vải thiều Thanh Hà và sản phẩm tiêu biểu tỉnh Hải Dương năm 2022”; đồng thời trực tiếp hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại Tuần lễ Xúc tiến thương mại và Du lịch diễn ra từ ngày 28/5 đến ngày 01/6/2022 tại Quảng trường Tây Bắc, thành phố Sơn La do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và tỉnh Sơn La tổ chức Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022. Các hoạt động trên đã giúp các đơn vị quảng bá thương hiệu sản phẩm với các đối tác trong và ngoài nước, góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại và dịch vụ trên của tỉnh được mở rộng cả về bề rộng và chiều sâu.

Thứ ba: Ứng dụng các phương tiện điện tử hỗ trợ cho hoạt động mua bán hàng hóa ngày càng nhiều. Cụ thể, theo Báo Điện tử tỉnh Hải Dương “Từ đầu năm đến ngày 10/10/2023, Chi cục Thuế TP. Hải Dương đã quản lý, thu thuế thêm 13 hộ kinh doanh thương mại điện tử, đạt doanh thu gần 46,9 tỷ đồng”.

Thứ 4: Vấn đề an ninh mạng ngày càng được đảm bảo tạo lòng tin cho người tiêu dùng online và góp phần thúc đẩy thương mại và dịch vụ phát triển trên nền tảng công nghệ số. Sở Thông tin và Truyền thông Hải Dương phối hợp với Công ty An ninh mạng Viettel (Viettel Cyber Security) tổ chức diễn tập thực chiến bảo đảm an toàn thông tin mạng năm 2023.

3.2. Những hạn chế của hoạt động thương mại và dịch vụ tỉnh Hải Dương trong bối cảnh chuyển đổi số

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong bối cảnh chuyển đổi số vừa qua, hoạt động thương mại và dịch vụ của tỉnh vẫn còn tồn tại những hạn chế nhất định, như sau:

Thứ nhất: Số lượng các sản phẩm được đưa lên sàn giao dịch điện tử còn khiêm tốn. Tính từ ngày 28/10/2021 đến ngày 06/03/2023 toàn tỉnh mới bày bán được 1.077 sản phẩm trên các sàn TMĐT với 35.578 lượt giao dịch. Số lượng sản phẩm của các hộ dân trong tỉnh tiêu thụ trên các sàn TMĐT còn khiêm tốn. Nguyên nhân do người dân mới tiếp cận sàn TMĐT nên còn nhiều bỡ ngỡ; việc chăm sóc gian hàng chưa được chú trọng; giá bán chưa phù hợp với biến động thị trường...

Thứ hai: Sở Công Thương chưa triển khai được nhiều lớp học bồi dưỡng, hướng dẫn các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Thứ ba: Về phía quản lý chưa tuyên truyền sâu rộng cho doanh nghiệp, người tiêu dùng, người dân về các luật liên quan đến hoạt động TMĐT như Luật Giao dịch điện tử (Luất số 20/2023/QH15, có hiệu lực từ ngày 01/07/2024), Luật An toàn thông tin mạng (Luật số 86/2015/QH13, có hiệu lực từ ngày 01/07/2016).

Thứ tư: Vẫn tồn tại các đối tượng (là các tổ chức, cá nhân) kinh doanh lừa đảo trên không gian mạng làm giảm lòng tin của người tiêu dùng online.

Thứ năm: Cơ quan quản lý chưa rà soát, quản lý chặt chẽ thông tin của các đối tượng kinh doanh trên không gian mạng internet, nên vẫn còn tình trạng lừa gạt người tiêu dùng.

4. GIẢI PHÁP THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI VÀ DỊCH VỤ TRONG BỐI CẢNH CHUYỂN ĐỔI SỐ TỈNH HẢI DƯƠNG

Từ những phân tích trên, tác giả xin đề xuất một số giải pháp chủ yếu nhằm thúc đẩy phát triển thương mại và dịch vụ trong thời gian tới gắn với bối cảnh chuyển đổi số tỉnh Hải Dương, như sau:

- Thứ nhất: Tỉnh cần hỗ trợ các đơn vị, cá nhân, hộ gia đình trong việc đưa các sản phẩm lên sàn giao dịch điện tử. Hướng dẫn mở gian hàng, quản lý gian hàng và quản lý giá hợp lý, đẩy mạnh công tác bán hàng trên các sàn giao dịch.

- Thứ hai: Sở Công Thương, trực tiếp là Trung tâm Xúc tiến thương mại cần triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp triển khai, ứng dụng công nghệ số vào hoạt động kinh doanh của mình. Trước hết, cần xây dựng và phát hành các ấn phẩm, các cuốn sổ tay, các bộ tài liệu hướng dẫn các doanh nghiệp tham gia hoạt động này. Đặc biệt là tổ chức và hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các sự kiện lớn về thương mại điện tử, như: Black Friday hay sự kiện “Ngày mua sắm trực tuyến - Online Friday” do Bộ Công Thương tổ chức hàng năm. Ngoài ra, mở các lớp bồi dưỡng về kỹ năng bán hàng và tiếp thị trên môi trường trực tuyến; Xây dựng trải nghiệm mua sắm online; Xuất khẩu trực truyến…

Thứ ba: Về công tác quản lý, cần phổ biến sâu rộng các kiến thức pháp luật trong TMĐT, như: Luật  giao dịch điện tử, Luật An toàn thông tin mạng.

- Thứ tư: Tuyên truyền và tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm của các sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội trong việc sàng lọc, phòng ngừa, ngăn chặn đối với các tài khoản không cung cấp đầy đủ thông tin, các tài khoản có dấu hiệu vi phạm kinh doanh hàng hóa.

- Thứ năm: Cơ quan quản lý Nhà nước cần có cơ chế xử phạt mạnh hơn đối với những hành vi lừa đảo trong kinh doanh trên không gian mạng nhằm răn đe và ngăn chặn, góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại điện tử phát triển.

5. KẾT LUẬN

Hải Dương là tỉnh có nhiều tiềm năng và thế mạnh về phát triển thương mại và dịch vụ, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số như ngày nay. Lãnh đạo các ban ngành của Tỉnh đã nhận thức được vai trò của chuyển đổi số trong phát triển kinh tế xã hội và đẩy mạnh công tác chuyển đổi số hướng tới mục tiêu đến năm 2030 là một trong 15 tỉnh/thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số. Tuy nhiên, trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ, công tác chuyển đổi số vẫn còn nhiều hạn chế: Số lượng các sản phẩm được đưa lên sàn giao dịch còn hạn chế; các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng các nghiệp vụ đối với các doanh nghiệp, cá nhân về ứng dụng chuyển đổi số trong thương mại và dịch vụ còn ít, chưa triển khai sâu rộng; công tác quản lý, tuyên truyền hỗ trợ các đơn vị, tổ chức, người tiêu dùng tham gia thương mại điện tử chưa thật tốt, chưa kiểm soát chặt chẽ thông tin người cung cấp hàng hóa, dịch vụ trên không gian mạng… Để giải quyết được những hạn chế đó cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp và người dân trong việc ứng dụng công nghệ số vào hoạt động mua bán hàng hóa và dịch vụ. Góp phần thúc thẩy hoạt động thương mại và dịch vụ phát triển theo xu hướng của thời đại Cách mạng Công nghiệp 4.0.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. UBND tỉnh Hải Dương, Báo cáo kinh tế tỉnh Hải Dương các năm 2019 – 2022.

[2]. GS.TS Đặng Đình Đào, PGS.TS Trần Văn Bão, TS Đặng Thị Thúy Hồng, TS Vũ Thị Nữ (2023), Giáo trình Kinh tế Thương mại - Dịch vụ, Nhà xuất bản Tài Chính.

[3]. Cục Thống kê Hải Dương (2022), Niên giám thống kê tỉnh Hải Dương năm 2022.

[4]. Quốc hội (2005), Luật Thương mại số: 36/2005/QH11 ban hành ngày 14/6/2005.

[5]. https://baohaiduong.vn/tp-hai-duong-truy-thu-tren-1-06-ty-dong-tien-thue-phat-sinh-tu-kinh-doanh-thuong-mai-dien-tu-359708.html

[6]. https://sct.haiduong.gov.vn/Tin-moi/xuc-tien-tieu-thu-vai-thieu-va-san-pham-tieu-bieu-tinh-hai-duong- qua -thuong-mai-dien-tu-RV7Oc5kCJ2.htm.

[7]. https://baohaiduong.vn/hai-duong-dien-tap-thuc-chien-an-ninh-mang-130632.html

 

AUTHOR IFNORMATION

Ngo Thi Luyen

*Correspending Author: ngothiluyendhsd@gmail.com

Sao Do Univercity

 

 


 

Tác giả bài viết: Ths.Ngô Thị Luyện - Giảng viên khoa Kinh tế

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây