Chuyển đổi số - Xu hướng phát triển tất yếu của doanh nghiệp Việt Nam

Thứ tư - 18/09/2024 09:09

Cùng với sự phát triển của kỷ nguyên 4.0, xu hướng chuyển đổi số đang ngày càng phát triển, hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam đều đã nhận thức được tầm quan trọng của việc chuyển đổi số, tuy nhiên việc này sẽ là thách thức rất lớn bởi nhiều doanh nghiệp chưa sẵn sàng để chuyển đổi số do thiếu cơ sở hạ tầng công nghệ, nhân lực, chi phí ứng dụng công nghệ số cao,…

Chuyển đổi số trong doanh nghiệp có thể hiểu là quá trình thay đổi mô hình cũ, mô hình truyền thống sang dạng doanh nghiệp số, dựa trên những ứng dụng công nghệ mới, như: Big data, IoT, điện toán đám mây,... Chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích đối với doanh nghiệp: giúp doanh nghiệp khai thác được tối đa năng lực làm việc của nhân viên trong công ty, giúp người quản lý dễ dàng đánh giá chất lượng công việc của từng nhân viên qua số liệu báo cáo kịp thời. Sự liên kết thông tin giữa các bộ phận trong doanh nghiệp được kết nối trên nền tảng một hệ thống công nghệ đồng nhất, giúp cho các vấn đề phát sinh trong doanh nghiệp được giải quyết ngay khi xảy ra và sự vận hành không bị tắc nghẽn, gây tác động xấu đến hoạt động của doanh nghiệp, như: phục vụ khách hàng bị chậm trễ, lượng hàng bán được giảm sút,… Từ đó, giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp khác.

Việc chuyển đổi số tác động đến tất cả các ngành công nghiệp, các doanh nghiệp và trong cuộc đua hướng tới số hóa, chỉ những doanh nghiệp có thể thích nghi và chủ động, tích cực nhất mới có thể tồn tại và phát triển. Chính vì vậy, chuyển đổi số đang trở thành xu hướng phát triển tất yếu của các doanh nghiệp Việt Nam.

Chuyển đổi số tại các doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay

Hiện nay ở Việt Nam, chuyển đổi số đã diễn ra hầu hết các loại hình doanh nghiệp và ở nhiều mức độ khác nhau. Các doanh nghiệp quy mô lớn chuyển đổi nhanh cũng như tin tưởng hơn đối với chuyển đổi số. Tuy nhiên, nhìn chung, có thể thấy rằng, các doanh nghiệp đang cố gắng cải thiện, đặc biệt trước tình trạng cạnh tranh và sự bùng nổ của nền kinh tế số, cùng với thương mại điện tử ngày càng nhanh mạnh, các doanh nghiệp đã phần nào nhận thức được vấn đề đẩy nhanh chuyển đổi số và ứng dụng những thành tựu công nghệ vào hoạt động kinh doanh nhằm tăng cường hiệu quả kinh tế, cũng như tối ưu hóa trong các dây chuyền sản xuất, cung ứng sản phẩm. Các doanh nghiệp đang dần ứng dụng nhiều hơn các công nghệ số trong hoạt động của mình, nhất là trong quản trị nội bộ, logistics, sản xuất, thanh toán điện tử, marketing trực tuyến... Trong một thời gian ngắn, tỷ lệ các doanh nghiệp ứng dụng các công nghệ số tăng nhanh so với trước đây, cụ thể như trong việc quản lý nhân sự từ xa, hội nghị trực tuyến, học trực tuyến, phê duyệt nội bộ…

Có thể dễ dàng nhận thấy một tỷ trọng không nhỏ các doanh nghiệp đã ứng dụng các phần mềm, giải pháp số vào hoạt động quản lý bán hàng, bán hàng trực tuyến, đa kênh, tiếp thị, quản lý quan hệ khách hàng, quản trị kênh phân phối (ví dụ: Yody, Shoptretho, v.v.), nhiều cửa hàng đang sử dụng phần mềm Kiot Việt cho hoạt động quản lý bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ và bán hàng đa kênh hay trực tiếp kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử như Sendo, Tiki, Lazada, Shopee, v.v. Một tỷ trọng lớn các doanh nghiệp đã sử dụng tiếp thị số (digital marketing) như là một phương pháp tiếp thị quan trọng trong hoạt động tiếp thị, bán hàng; các nền tảng tiếp thị số chủ yếu có thể nói đến như Facebook, Google, Youtube, Tiktok, Instagram, 24h, v.v. Hầu hết các doanh nghiệp đều đã trang bị và sử dụng chữ ký số; các phần mềm khai báo thuế trực tuyến, khai báo bảo hiểm xã hội trực tuyến…

Những khó khăn cần tháo gỡ trong quá trình chuyển đổi số

Thứ nhất, khó khăn về nguồn lực ứng dụng công nghệ và nhận thức của doanh nghiệp: Mặc dù một phần lớn doanh nghiệp đang bắt đầu và đang trong quá trình chuyển đổi số, tuy nhiên, nguồn lực và sự nhận thức đúng vai trò chuyển đổi số của các doanh nghiệp còn hạn chế; việc ứng dụng chuyển đổi số vẫn chưa đạt được hiệu quả tối ưu và còn nhiều thiếu sót, chưa thực sự được đảm bảo theo đúng quy trình. Chuyển đổi số cần có nguồn nhân lực chất lượng cao để có thể làm chủ công nghệ mới, phục vụ cho việc triển khai chuyển đổi số và đó cũng là điều mà các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn. Mỗi năm, Việt Nam cần khoảng 90.000 nhân lực để phát triển nền kinh tế số, xã hội số, trong khi các chương trình đào tạo ngành công nghệ thông tin trong nước vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu.

Thứ hai, khó khăn về nguồn lực tài chính: Hầu hết các doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp có quy mô nhỏ chưa có chiến lược ứng dụng công nghệ số và chủ động hơn trước phản ứng thị trường hay có chiến lược số hóa để đổi mới. Các doanh nghiệp này hiểu về công nghệ số đã là khó và hạn chế. Đầu tư cho chuyển đổi số là đầu tư để thay đổi, từ nhận thức, chiến lược, nhân lực, kết cấu hạ tầng tới giải pháp công nghệ, vì vậy, đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn. Việc phải đầu tư lớn về tài chính và nhân lực, trong khi chưa hoàn toàn chắc chắn về hiệu quả, cũng như đối mặt với nguy cơ thất bại, đã tạo rào cản lớn với các doanh nghiệp Việt Nam. Doanh nghiệp vừa và nhỏ thiếu khả năng tiếp cận tài chính, đặc biệt là với nguồn vốn dài hạn, thiếu tầm nhìn, tư duy chiến lược về chuyển đổi số, sự thiếu hụt các công nghệ thiết yếu và thiếu hiểu biết sâu sắc về khách hàng cũng như dữ liệu hoạt động.

Thứ ba, khó khăn trong việc tiếp cận các giải pháp về rủi ro và an ninh mạng: Quá trình chuyển đổi số ở các doanh nghiệp Việt Nam cũng kéo theo các vấn đề nóng về an toàn, an ninh thông tin bởi doanh nghiệp là một trong những đối tượng thường bị hacker nhắm đến. Do năng lực công nghệ và đảm bảo an toàn thông tin chưa được đầu tư mạnh. Vô hình chung, nỗi lo về đảm bảo an ninh mạng, an toàn thông tin đã khiến các doanh nghiệp này chùn bước, đánh mất những thời cơ và lợi ích của quá trình chuyển đổi số.

Ngoài ra, trong việc chuyển đổi số còn có nhiều rào cản khác như quy định, quy tắc công ty không phù hợp số hóa; thiếu cam kết, hiểu biết của người lao động và của lãnh đạo doanh nghiệp,…

Trên đây là một số quan điểm của tác giả về chuyển đổi số trong các doanh nghiệp Việt Nam. Có thể khẳng định, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của các doanh nghiệp Việt Nam để có thể tồn tại và phát triển. Bài viết có tính ứng dụng làm tài liệu tham khảo trong quá trình giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học, giúp sinh viên ngành Kế toán, Quản trị kinh doanh nhận thức rõ hơn về chuyển đổi số. Qua đó, sinh viên cần chủ động làm chủ công nghệ, trau dồi các kiến thức và kỹ năng trong quá trình học tập để có thể đáp ứng yêu cầu về lao động của nền kinh tế số và quá trình chuyển đổi số tại doanh nghiệp.

Tác giả: Th.S Vũ Thị Lý

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây