Công tác quản lý thuế đối với các doanh nghiệp xây dựng trên địa bàn tỉnh Hải Dương

Thứ năm - 12/09/2024 20:00

Công tác quản lý thuế có ý nghĩa vô cùng quan trọng nhằm hạn chế thất thoát nguồn thu NSNN cũng như đạt được các mục tiêu về kinh tế xã hội trên cơ sở bảo đảm môi trường kinh doanh bình đẳng và công bằng giữa các chủ thể trước pháp luật. Thực tế hiện nay cho thấy, mặc dù công tác quản lý thuế ngày càng được hoàn thiện và chặt chẽ hơn, nhưng các hành vi gian lận thuế trong các DN ngày càng diễn biến phức tạp và tinh vi với quy mô lớn và phạm vi rộng. Đặc biệt, đối với DNXD với đặc thù có thời gian thực hiện công trình kéo dài, có thể liên quan đến nhiều địa phương khác nhau, yếu tố chi phí đa dạng, việc thanh toán tiền theo tiến độ thực hiện...rất phức tạp. Xuất phát từ yêu cầu thực tế đó, cần thiết phải tiếp tục hoàn thiện công tác quản lý thuế nói chung và quản lý thuế đối với các DNXD nói riêng.

- Công tác hỗ trợ tư vấn, giải quyết khiếu nại

Trong giai đoạn từ năm 2021 – 2023, Cục thuế tỉnh Hải Dương đã không ngừng cải thiện công tác hỗ trợ, tư vấn, giải đáp thắc mắc cho các DN thông qua đối thoại trực tiếp, qua điện thoại và các phương tiện điện tử khác. Năm 2021, Cục Thuế đã hỗ trợ, tư vấn cho 4.092 lượt DN, năm 2022 giảm xuống còn 2.846 lượt và năm 2023 là 3.017 lượt. Số lượt DN được tư vẫn hỗ trợ có sự biến động theo xu hướng giảm dần, nguyên nhân do các thể chế chính sách đã dần được hoàn thiện và những vấn đề về mặt thủ tục không còn nhiều vướng mắc đối với các DN.

Đồ thị 1. Kết quả công tác hỗ trợ, tư vấn, giải quyết khiếu nại của Cục thuế tỉnh Hải Dương (đơn vị tính: số lượt)

(Nguồn: Cục thuế tỉnh Hải Dương)

Số lượt giải quyết khiếu nại tăng từ 11 vụ trong năm 2022 lên 20 vụ trong năm 2023. Đối với các DNXD các khiếu nại chủ yếu tập trung vào việc xử lý chi phí nhân công. Nhiều DN không hài lòng khi bị loại trừ chi phí nhân công thuê ngoài do cơ quan thuế xác định DN làm hồ sơ khống nhân công, trùng thời điểm sử dụng nhân công với đơn vị khác. Bên cạnh đó, do sự siết chặt công tác quản lý thuế đối với nhóm DN có rủi ro cao về thuế như khai thác khoáng sản, trong khi các chi phí nguyên liệu đầu vào của DNXD là cát, đá, đất… không hợp lý và hợp quy.  

Có thể nói, các trường hợp giải quyết khiếu nại từ năm 2021 – 2023 có mức tăng khá lớn đặt ra vấn đề cần giải quyết đối với Cục Thuế trong việc xử lý các vụ việc vi phạm về thuế còn chưa thỏa đáng đối với các DN được kiểm tra, thanh tra.

- Quản lý kê khai và nộp thuế

Nhìn chung, trong giai đoạn 2021 – 2023, phòng Kê khai - Kế toán thuế của Cục thuế tỉnh Hải Dương đã chỉ đạo hoạt động của bộ phận Kê khai - Kế toán thuế tại các Chi cục trực thuộc và thực hiện rà soát các thông tin về nghĩa vụ nộp tờ khai của các DN, trong đó có DNXD, đảm bảo bổ sung, cập nhật thông tin tương đối đầy đủ và kịp thời.

Tỷ lệ thực hiện nghĩa vụ khai thuế của các DNXD do Cục Thuế tỉnh Hải Dương quản lý trong giai đoạn 2021 – 2023 đều đạt mức xấp xỉ 100%. Trong đó, tỷ lệ hồ sơ khai thuế của các DNXD đúng hạn về cơ bản ổn định ở mức cao (trên 99%) liên tục trong 3 năm qua. Kết quả này cho thấy sự nỗ lực của các Chi cục thuế trực thuộc và sự chỉ đạo sát sao, có kiểm soát chặt chẽ của Cục Thuế tỉnh Hải Dương đối với công tác kê khai thuế của các DN nói chung và các DNXD nói riêng.

- Tổ chức thanh tra, kiểm tra

Tại Cục thuế tỉnh Hải Dương, quy trình kiểm tra thuế được thực hiện theo hướng dẫn tại Quyết định Số: 970/QĐ-TCT, ngày 14 tháng 7 năm 2023. Thông qua việc chỉ đạo, giám sát chặt chẽ của Cục thuế tỉnh Hải Dương từ khâu lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra và thực hiện của các tổ kiểm tra, từ đó phát hiện được các hồ sơ khai thuế cần phải điều chỉnh, tính toán điều chỉnh tăng số thuế mà các DN phải nộp, giảm khấu trừ thuế và giảm lỗ. Số hồ sơ khai thuế của các DNXD thực hiện kiểm tra tại trụ sở của cơ quan thuế có xu hướng tăng. Nguyên nhân là do DNXD nằm trong nhóm các DN có nhiều rủi ro cần thường xuyên giám sát và kiểm tra.

Mặc dù Cục thuế tỉnh Hải Dương đã tuyên truyền, hướng dẫn người nộp thuế, đồng thời kiểm tra, giám sát hoạt động kê khai của người nộp thuế, nhưng nhiều DNXD vẫn chưa tự giác tính đúng, tính đủ số thuế phải nộp, thường xuyên thực hiện các hành vi gian lận để báo lỗ. Chính vì vậy, cơ quan thuế thường xuyên điều chỉnh tăng số thuế phải nộp.

- Thực trạng kiểm soát nợ thuế và cưỡng chế nợ thuế

Kiểm soát nợ thuế và cưỡng chế thuế của các DNXD tại Cục thuế tỉnh Hải Dương, nhằm đảm bảo thu hồi các khoản nợ về thuế để thực hiện nguyên tắc thu đúng, thu đủ, đảm bảo thời hạn và tính tuân thủ pháp luật. Kiểm soát nợ và cưỡng chế thuế được thực hiện từ Tổng cục thuế đến Cục thuế cấp tỉnh và đến các Chi cục thuế trực thuộc. Các trường hợp bán hàng bất hợp pháp, lập hóa đơn điện tử phục vụ mục đích bán khống hàng hóa… ngày càng tăng. Đặc biệt đối với các DNXD, để giải quyết vấn đề chi phí nhân công thuê ngoài, chi phí nguyên liệu như cát, đá, đất…nhiều DN bán khống hóa đơn dẫn đến bị xử phạt bằng hình thức buộc phải ngừng sử dụng hóa đơn.

- Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế đối với các doanh nghiệp xây dựng trên địa bàn tỉnh Hải Dương

Thứ nhất, hoàn thiện công tác quản lý ở khâu kê khai và nộp thuế

- Hoàn thiện tổ chức hoạt động quản lý khâu kê khai và nộp thuế:

Tập trung kiểm tra và cập nhật thông tin của các DNXD trên ứng dụng, đảm bảo kịp thời đôn đốc các DN này bổ sung các thay đổi và gửi đến cơ quan thuế để cập nhật phục vụ công tác quản lý thuế. Quản lý, triển khai và vận hành hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) nhằm đảm bảo sự ổn định, an toàn và hiệu quả; đồng thời thực hiện bảo hành, bảo trì và thanh lý thiết bị CNTT một cách đầy đủ, chặt chẽ và đúng đối tượng theo quy định của ngành Thuế. Đẩy mạnh việc khai thác dữ liệu về hóa đơn điện tử và phát huy hiệu quả của cơ sở dữ liệu (CSDL) về hóa đơn điện tử trong công tác quản lý thuế phải nộp, đồng thời tăng cường quản lý rủi ro liên quan đến hóa đơn.

Quản lý chặt chẽ, chính xác số lượng DN có hoạt động xây dựng cơ bản, hoạt động kinh doanh bất động sản trên địa bàn tỉnh, qua đó đảm bảo việc thu, nộp ngân sách của hoạt động này đầy đủ, đúng quy định pháp luật.

- Đổi mới công tác tuyên truyền hỗ trợ các DNXD trong kê khai và nộp thuế:

Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Chi cục thuế Hải Dương liên tục cập nhật và phổ biến rộng rãi các chính sách thuế mới cũng như các văn bản hướng dẫn đến người nộp thuế nhằm giúp họ hiểu rõ các chính sách, quy trình và thủ tục[2]. Phối hợp chặt chẽ với Đài phát thanh và Truyền hình, Báo Hải Dương điện tử để thực hiện chuyên mục “Chính sách thuế với cuộc sống”. Đồng thời, tổ chức thực hiện tốt Quy chế phối hợp với VCCI - Chi nhánh Hải Dương và Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh để tuyên truyền chính sách thuế. Tổ chức các đợt tuyên truyền theo chủ đề, đa dạng hóa hình thức truyền thông và hỗ trợ người nộp thuế.

Thứ hai, Hoàn thiện quản lý ở khâu thanh tra, kiểm tra thuế

Đảm bảo rằng quy trình kiểm tra được thực hiện một cách toàn diện và chính xác. Cần nhanh chóng phát hiện và xử lý các khó khăn, vướng mắc trong quá trình kiểm tra, khắc phục kịp thời các hạn chế và tồn tại. Đặc biệt, lãnh đạo các bộ phận kiểm tra ở cấp Cục và Chi cục phải chú trọng chỉ đạo các đoàn kiểm tra tại trụ sở các DNXD, đảm bảo rằng có sự liên kết chặt chẽ giữa hồ sơ phân tích rủi ro trong việc chọn đối tượng kiểm tra với tình hình khai và nộp thuế thực tế của DNXD qua hồ sơ khai thuế, sổ sách và chứng từ kế toán. Điều này giúp xác định đúng trọng tâm nội dung kiểm tra, thu thập bằng chứng chính xác để xử lý vi phạm theo quy định và hạn chế tối đa việc bỏ sót các hành vi vi phạm.

Cục thuế tỉnh Hải Dương cần xây dựng và cung cấp dữ liệu về tỷ lệ lợi nhuận bình quân ngành trong lĩnh vực xây dựng. Dữ liệu này sẽ là cơ sở để xây dựng một cơ sở dữ liệu chuẩn cho ngành xây dựng, dựa trên các số liệu từ báo cáo hoạt động kinh doanh (quý, năm) và báo cáo tài chính (quý, năm) mà các DNXD nộp cho Cục thuế tỉnh Hải Dương. Những dữ liệu này được tự động lưu trữ vào hệ thống ứng dụng quản lý thuế tập trung (TMS) của cơ quan thuế (CQT). Dựa trên cơ sở dữ liệu chuẩn này, cán bộ kiểm tra có thể xác định các chỉ tiêu vượt quá mức bình thường hoặc có biến động chấp nhận được, giúp phát hiện các dấu hiệu bất thường như việc kê khai thiếu doanh thu hoặc lợi nhuận. Nâng cao năng lực cho công tác thanh tra và kiểm tra bằng cách đẩy mạnh việc đào tạo, tập huấn, trao đổi nghiệp vụ, nhằm giúp công chức thanh tra nắm bắt được các phương thức và hành vi gian lận mới, đáp ứng tốt các yêu cầu nhiệm vụ.

Thứ ba, hoàn thiện công tác xử lý nợ thuế và cưỡng chế nợ thuế

Tiếp tục thúc đẩy việc đôn đốc và cưỡng chế nợ thuế để thu hồi các khoản nợ thuế có khả năng thu từ các DNXD, đặc biệt là những DNXD có nợ thuế trên 90 ngày, DNXD đã cam kết nộp tiền nợ thuế vào ngân sách nhà nước (NSNN), và DNXD đã hết thời gian gia hạn, nhưng vẫn chưa thực hiện. Đối với những trường hợp này, cần nhanh chóng áp dụng các biện pháp cưỡng chế nợ thuế theo quy định của Luật Quản lý Thuế. Tiếp tục công khai thông tin về người nợ thuế trên trang web của Cục Thuế Hải Dương, đồng thời công bố thông tin về các đơn vị nợ thuế lớn trên các kênh truyền thông như Báo Hải Dương và Đài phát thanh và Truyền hình tỉnh, nhằm nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật về thuế.

Phối hợp với các sở, ban, ngành, các Chủ đầu tư, các Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng, các DN, đơn vị hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh Hải Dương tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động của các DN có trụ sở chính không nằm tại địa bàn tỉnh có phát sinh hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, quản lý chặt chẽ, chính xác số lượng DN có hoạt động xây dựng cơ bản, hoạt động kinh doanh bất động sản trên địa bàn tỉnh, qua đó đảm bảo việc thu, nộp ngân sách của hoạt động này đầy đủ, đúng quy định pháp luật. Có biện pháp ngăn chặn, xử lý các đơn vị không tuân thủ pháp luật về Thuế và các pháp luật có liên quan trong quá trình thực hiện hoạt động trên địa bàn.

Thứ tư, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ quản lý thuế 

Hoạt động xây dựng có  những đặc trưng trong việc tổ chức hoạt động sản xuất cũng như tập hợp chi phí và tính giá thành sản phẩm. Do đó, người làm công tác thanh tra kiểm tra và quản lý thuế cần có kiến thức chuyên môn về lĩnh vực xây dựng để đảm bảo công bằng, khách quan cho các DN. Trong thời gian tới, Cục Thuế tỉnh Hải Dương cần đặc biệt chú trọng đến công tác nhân sự, tập trung vào việc bồi dưỡng năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ về các lĩnh vực được phân công quản lý theo nhóm ngành nói chung và ngành xây dựng nói riêng.

5. KẾT LUẬN

Bài viết đã nghiên cứu thực trạng công tác quản lý thuế, từ đó xác định các mặt đạt được và hạn chế trong công tác quản lý thuế đối với các DNXD trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Tác giả cũng đã đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế trên cơ sở Luật Quản lý thuế hiện hành và những tồn tại trong công tác quản lý thuế tỉnh Hải Dương. Các vấn đề được đề cập trong bài báo này tạo tiền đề cho việc mở rộng nghiên cứu công tác quản lý thuế đối với các DNXD nói riêng và các đối tượng chịu thuế, nộp thuế tại tỉnh Hải Dương. Bên cạnh đó, bài viết có tính ứng dụng làm tài liệu tham khảo trong quá trình giảng dạy và học tập các học phần Thuế, Kế toán thuế và nghiên cứu khoa học, giúp sinh viên ngành Kế toán, Quản trị kinh doanh học tập và nghiên cứu khoa học tốt hơn.

Nguồn tin: Ths. Đinh Thị Kim Thiết

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây