Hiện nay, trong các trường đại học, sinh viên có thể tiếp cận với kiến thức lý luận và kiến thức thực tiễn thông qua nhiều cách thức phong phú, đa dạng. Trong số đó, thực hiện nghiên cứu khoa học được đánh giá là phương pháp hiệu quả để sinh viên mở rộng vốn kiến thức cũng như vốn kỹ năng mềm của bản thân; là cơ hội để sinh viên áp dụng những kiến thức lý thuyết đã học vào việc giải quyết những vấn đề thực tiễn.
Hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên được thực hiện nhằm ba mục đích đó là: Góp phần nâng cao chất lượng đào tạo; Tiếp cận và vận dụng các phương pháp nghiên cứu khoa học; Giải quyết một số vấn đề khoa học và thực tiễn. Hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên được thể hiện qua những đề tài nghiên cứu khoa học ở cấp khoa, trường…
Khi tiến hành thực hiện nghiên cứu khoa học, sinh viên sẽ có điều kiện để tiếp cận với các đề tài ở quy mô nhỏ, cùng với sự hướng dẫn của giảng viên, sinh viên sẽ bắt đầu định hình được cách thức, quy trình để thực hiện một công trình nghiên cứu khoa học chất lượng, hiệu quả. Không chỉ vậy, hoạt động nghiên cứu khoa học còn góp phần phát huy tính năng động, sáng tạo; khả năng tư duy độc lập, tự học hỏi của sinh viên. Đối với mỗi sinh viên, những kỹ năng này không chỉ quan trọng trong quãng thời gian học tập tại giảng đường mà còn theo sát họ trong suốt quãng thời gian làm việc say này. Do đó, việc trau dồi và phát huy những kỹ năng nghiên cứu là yêu cầu được đặt ra hết sức cấp thiết với sinh viên. Tuy nhiên hiện nay, đa số sinh viên lại chưa nhận thức được tầm quan trọng của nghiên cứu khoa học, do đó, chưa thực sự có sự hứng thú, say mê, đầu tư đúng mức vào hoạt động này.
Để thu hút sinh viên tham gia tích cực, say mê, thực hiện nghiên cứu khoa học một cách có hiệu quả cần chú trọng thực hiện một số những giải pháp sau đây:
Thứ nhất, cần tạo dựng môi trường nghiên cứu khoa học chuyên nghiệp, có tính cạnh tranh dành cho sinh viên, dưới sự hướng dẫn, tạo điều kiện tối đa của giảng viên và nhà trường;
Thứ hai, cần khuyến khích, tạo động lực cho sinh viên tham gia tích cực những hoạt động nghiên cứu khoa học thông qua việc biểu dương thành tích tại các cuộc thi, các cuộc hội thảo nghiên cứu khoa học ở các cấp.
Thứ ba, cần định hướng cho sinh viên lựa chọn những đề tài phù hợp với thực tiễn, trình độ kiến thức và phù hợp với ngành nghề được đào tạo.
Thứ tư, tăng cường các điều kiện phục vụ hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên bằng cách đầu tư hệ thống thông tin thư viện, phương tiện kỹ thuật hiện đại để hỗ trợ cho sinh viên trong việc tìm kiếm, thu thập tài liệu, thông tin.
Thứ năm, tạo điều kiện để những thành tựu, kết quả nghiên cứu khoa học có chất lượng của sinh viên được áp dụng vào thực tiễn; tạo động lực cho sinh viên tích cực thực hiện những nghiên cứu khoa học vừa mang tính lý luận vừa mang tính ứng dụng thực tiễn.
Thứ sáu, bản thân sinh viên cần phải nhận thức được vai trò thiết thực của hoạt động nghiên cứu khoa học, từ đó, có ý thức tự giác, nghiêm túc và kiên trì theo đuổi thực hiện thành công những đề tài nghiên cứu mà mình đã lựa chọn.
Nghiên cứu khoa học không những củng cố, nâng cao vốn hiểu biết về kiến thức lý luận, kiến thức xã hội mà còn góp phần rèn luyện những kỹ năng mềm quan trọng dành cho sinh viên như kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng tư duy độc lập hay kỹ năng thuyết trình… Do vậy, nhà trường và bản thân mỗi sinh viên luôn phải đề cao tầm quan trọng của hoạt động nghiên cứu khoa học, tích cực thực hiện các biện pháp để không ngừng nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học trong sinh viên.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn