Các bước triển khai một đề tài nghiên cứu khoa học

Thứ ba - 10/05/2022 09:10

         Hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH) là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong các trường Đại học. Trong suốt quá trình đào tạo của mình, khoa Kinh tế - Trường Đại học Sao Đỏ luôn đề cao vai trò, tầm quan trọng của hoạt động NCKH và đặt ra nhiệm vụ cho các hoạt động NCKH của giảng viên và sinh viên trong khoa, các hoạt động NCKH luôn được đẩy mạnh về số lượng và chất lượng đã làm nâng cao hiệu quả, chất lượng của công tác dạy học. Trong định hướng chung của Nhà trường, khoa Kinh tế - Đại học Sao Đỏ cũng xem hoạt động NCKH luôn là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu cho sự phát triển của khoa, các đề tài của giảng viên và sinh viên của khoa Kinh tế luôn được đánh giá cao về tính mới, tính thực tiễn, tính sáng tạo.

        Nghiên cứu khoa học là hoạt động đi tìm cái mới. Cái mới ở đây không chỉ thể hiện trên kết quả nghiên cứu mà còn ở phương pháp khoa học và khả năng ứng dụng phương pháp mới để giải quyết một vấn đề. Vậy, một câu hỏi đặt ra là: Thế nào là một công trình nghiên cứu và đã là một công trình thì cần tuân thủ những nguyên tắc nào? Cần chuẩn bị, triển khai theo tuần tự căn bản nào để có được kết quả tốt? Sau đây chúng tôi giới thiệu bài viết “Các bước triển khai một đề tài NCKH”, nhằm nâng cao hơn nữa số lượng và chất lượng của hoạt động NCKH, đảm bảo sự đồng đều trong các đề tài NCKH, đồng thời thúc đẩy hơn nữa hoạt động NCKH của giảng viên và sinh viên.

I- GIAI ĐOẠN CHUẨN BỊ

        Để tiến hành nghiên cứu khoa học phải chuẩn bị đầy đủ các mặt cho nghiên cứu. Bước chuẩn bị có một vị trí đặc biệt, nó góp phần quyết định chất lượng của công trình nghiên cứu. Chuẩn bị nghiên cứu bắt đầu từ xác định đề tài và kết thúc ở việc chuẩn bị lập kế hoạch tiến hành nghiên cứu.

1. Xác định đề tài nghiên cứu

*  Tầm quan trọng của việc xác định đề tài nghiên cứu

         Xác định đề tài là tìm vấn đề làm đối tượng nghiên cứu. Vấn đề của khoa học và thực tiễn là vô cùng phong phú, xác định cho mình một vấn đề nghiên cứu không phải là việc làm đơn giản. Xác định đề tài là một khâu then chốt, có ý nghĩa quan trọng đối với người nghiên cứu, vì phát hiện được vấn đề để nghiên cứu nhiều khi còn khó hơn cả giải quyết vấn đề đó và lựa chọn đề tài đôi khi quyết định cả phương hướng chuyên môn trong sự nghiệp của người nghiên cứu.

* Các yêu cầu đối với đề tài nghiên cứu

         - Đề tài nghiên cứu phải có ý nghĩa khoa học

         - Đề tài phải có tính thực tiễn, thể hiện

         - Đề tài phải có tính cấp thiết đối với thời điểm tiến hành nghiên cứu

* Các điều kiện lựa chọn đề tài nghiên cứu

     -  Điều kiện chủ quan

         Đề tài phải phù hợp với xu hướng, khả năng, kinh nghiệm của người nghiên cứu.

  • Điều kiện khách quan của việc nghiên cứu

         Phải có đủ điều kiện khách quan đảm bảo cho việc hoàn thành đề tài như: cơ sở thông tin, tư liệu, phương tiện, thiết bị thí nghiệm ( nếu cần phải tiến hành thí nghiệm), kinh phí cần thiết, quỹ thời gian và thiên hướng khoa học của người hướng dẫn hoặc của người lãnh đạo khoa học, các cộng tác viên có kinh nghiệm...

* Một số vấn đề cụ thể trong việc xác định đề tài nghiên cứu

       -  Kết hợp chặt chẽ giữa việc nghiên cứu lý luận và việc nghiên cứu giáo dục nghề nghiệp nói riêng

       -  Xác định tính chất của đề tài nghiên cứu

       -  Xác định lịch sử vấn đề nghiên cứu

       -  Xác định phạm vi nghiên cứu của đề tài

       - Phát biểu đề tài nghiên cứu

2. Xây dựng đề cương nghiên cứu                   

*  Tầm quan trọng của việc xây dựng đề cương nghiên cứu khoa học

        Khi tiến hành nghiên cứu một đề tài khoa học thì một thao tác rất quan trọng là phải xây dựng một đề cương nghiên cứu. Đề cương nghiên cứu là văn bản dự kiến các bước đi và nội dung của công trình và các bước tiến hành để trình cơ quan và tổ chức tài trợ phê duyệt, nó là cơ sở để làm việc với các đồng nghiệp. Xây dựng đề cương nghiên cứu là một bước rất quan trọng, nó giúp cho người nghiên cứu giành được thế chủ động trong quá trình nghiên cứu. Có đề cương mới sắp xếp được kế hoạch chi tiết cho hoạt động nghiên cứu.

*  Nội dung của đề cương nghiên cứu khoa học

         Nội dung của đề cương nghiên cứu thường bao gồm các nội dung sau đây:

       - Lý do chọn đề tài, mục đích nghiên cứu  và lịch sử vấn đề nghiên cứu

       - Khách thể và đối tượng nghiên cứu

       - Giả thuyết khoa học

       - Các nhiệm vụ và phạm vi nghiên cứu

       - Các nguồn tài liệu và các phương pháp nghiên cứu

       - Dự kiến dàn ý công trình nghiên cứu

       - Kế hoạch nghiên cứu

II. GIAI ĐOẠN TRIỂN KHAI NGHIÊN CỨU

1. Thu thập tài liệu thực tế

* Tầm quan trọng

      Thu thập các tài liệu lý thuyết và thực tế có tầm quan trọng to lớn, nó giúp cho người nghiên cứu chứng minh cho giả thuyết khoa học đã đưa ra.

* Các nguồn tài liệu thực tế

        Người nghiên cứu cần thu thập các thông tin qua nguồn tài liệu thực tế sau:

      - Chủ trương và chính sách có liên quan đến nội dung nghiên cứu.

      - Cơ sở lý thuyết có liên quan đến nội dung và đối tượng nghiên cứu.

     - Thành tựu lý thuyết đã đạt được và kết quả nghiên cứu trước đã được công bố có liên quan đến chủ đề nghiên cứu.

      - Các số liệu thống kê.

      - Kết quả quan sát hoặc thực nghiệm do bản thân người nghiên cứu thu thập.

* Các hình thức thu thập tài liệu

       Để thu thập thông tin, người nghiên cứu thường sử dụng các hình thức: thu thập tài liệu từ các nguồn (tạp chí, báo cáo khoa học, tác phẩm khoa học, tài liệu lưu trữ, số liệu thống kê, thông tin đại chúng), phỏng vấn, tiến hành quan sát, tiến hành thực nghiệm...

* Những yêu cầu đối với tài liệu

       Tài liệu thu thập phải phù hợp với yêu cầu của đề tài, làm cơ sở lý thyết cho đề tài. Tài liệu phải xác định tính chân thực, phục vụ cho chứng minh vấn đề nghiên cứu.

2. Xử lý tài liệu thực tế

        Trong nghiên cứu khoa học, người nghiên cứu sử dụng nhiều phương pháp khác nhau để thu thập dữ kiện liên quan đến đề tài nghiên cứu. Các dữ kiện thu thập chưa thể sử dụng ngay được mà phải qua quá trình sàng lọc, phân tích, xử lý. Các dữ kiện này gọi chung là tài liệu thu thập.

* Sàng lọc tài liệu

       Chỉ nên bắt tay vào sàng lọc tài liệu khi có khối lượng tài liệu nhất định. Sàng lọc tài liệu gồm các công việc như: Phân loại tài liệu; Chọn lọc tài liệu, tư liệu, số liệu; Sắp xếp tài liệu, tư liệu, số liệu:

* Xử lý tài liệu

        Đây là giai đoạn cơ bản, quyết định chất lượng của đề tài, vì các tư liệu, số liệu được sử lý đúng đắn, chính xác có ý nghĩa trong việc xác nhận (chứng minh) hay bác bỏ giả thuyết đã nêu ra.

       Mục đích của việc phân tích và xử lý thông tin, tư liệu là tập hợp, chọn lọc và hệ thống hoá các phần khác nhau của thông tin, của tư liệu đã có để từ đó tìm ra những khía cạnh mới, kết luận mới về đối tượng. Quá trình phân tích, xử lý thông tin, tư liệu là quá trình sử dụng kiến thức tổng hợp của người nghiên cứu, là quá trình sử dụng tư duy biện chứng và lôgic cùng với các phương pháp nghiên cứu khoa học để xem xét đối tượng. Quá trình này do trình độ của người nghiên cứu quy định. Nội dung và phương pháp xử lý thông tin bao gồm: xử lý thông tin định lượng và xử lý các thông tin định tính

  • Xử lý các thông tin định lượng

      Các dữ kiện thu thập được qua các phương pháp thực nghiệm, phương pháp điều tra phỏng vấn, phương pháp quan sát, sau khi đã sàng lọc thường được xử lý ở dạng định lượng theo phương pháp thống kê…  các phương pháp phân tích loại trừ, phân tích tương quan và phân tích biến thiên là những phương pháp phân tích định lượng được sử dụng rộng rãi nhất. Xử lý các con số rời rạc, bảng số liệu, biểu đồ, đồ thị. Xử lý thông tin định lượng để phát hiện động thái và quy luật biến động của tham số.

  •  Xử lý các thông tin định tính

        Mục đích của xử lý các thông tin định tính là nhằm xác lập các phẩm chất, thuộc tính khác nhau của những hiện tượng được nghiên cứu. Khi phân tích định tính có thể sử dụng các chỉ số đã biết và xác định xem chúng có hay không cơ sở các nghiệm thể, hoặc là bằng cách phân tích các tài liệu thực tế mà rút ra các chỉ số đó, rồi sau đấy dựa vào chúng mà tiến hành xử lý toàn bộ tài liệu thực tế nói chung.

III. GIAI ĐOẠN KIỂM TRA KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

       Kiểm tra kết quả nghiên cứu  bằng cách tổ chức lặp lại thực nghiệm giáo dục hay dùng các phương pháp khác với phương pháp đã sử dụng ban đầu. Các phương pháp kiểm tra lẫn nhau giúp ta khẳng định tính chân thực của các kết luận. Thực nghiệm là chứng minh một giả thuyết, chứng minh một luận điểm khoa học cho nên tổ chức thực nghiệm phải tiến hành một cách thận trọng, nghiêm túc và nhiều khi thực nghiệm được tiến hành nhiều lần, ở nhiều địa bàn khác nhau để kết quả nghiên cứu đạt đến mức khách quan nhất.

      - Kiểm tra sơ bộ

      - Kiểm tra chính thức

IV. GIAI ĐOẠN VIẾT KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

1. Hoàn thiện dàn ý công trình nghiên cứu

       Viết báo cáo tổng kết đề tài nghiên cứu là trình bày các kết quả nghiên cứu bằng một văn bản hay một luận án, luận văn để công bố kết quả nghiên cứu và báo cáo với cơ quan quản lý đề tài nghiên cứu hoặc cơ quan tài trợ, đây là cơ sở để hội đồng nghiệm thu đánh giá sự cố gắng của các tác giả, đồng thời cũng là bút tích của tác giả để lại cho các đồng nghiệp đi sau.

       Viết báo cáo tổng kết đề tài phải tiến hành nhiều lần:

    - Viết bản nháp theo đề cương chi tiết trên cơ sở tổng hợp các tài liệu, tư liệu, số liệu thu được và đã được sử lý.

     - Sửa chữa bản thảo theo sự góp ý của người hướng dẫn và các chuyên gia.

     - Viết sạch bản báo cáo tổng kết đề tài rồi đưa ra thảo luận ở bộ môn.

     - Sửa chữa theo sự góp ý của bộ môn.

     - Viết sạch để bảo vệ ở hội đồng bảo vệ cấp cơ sở.

     - Sửa chữa lần cuối cùng sau khi tiếp thu ý kiến của hội đồng bảo vệ cấp cơ sở. Viết hoàn chỉnh văn bản báo cáo tổng kết đề tài, luận án, luận văn, đồng thời viết tóm tắt các văn bản đó.

2. Một số điều cần chú ý khi viết công trình nghiên cứu

     - Trình bày theo mọi yêu cầu kỹ thuật, nội dung khoa học với độ chính xác cao, vừa có tư tưởng học thuật, đem lại những điều mới mẻ cho khoa học, có tính thực tiễn, có khả năng ứng dụng vào cuộc sống. Đề tài khoa học phải thực hiện tốt các nhiệm vụ nghiên cứu, đưa ra được các luận chứng, các kiến giải khoa học, chứng minh được giả thuyết đã nêu ban đầu. Đề tài phải được thực hiện bằng các phương pháp phong phú khác nhau, chính xác đem lại những tài liệu đáng tin cậy.

V. GIAI ĐOẠN BÁO CÁO TỔNG KẾT KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

1. Việc chuẩn bị bảo vệ công trình nghiên cứu (luận văn, luận án) bao gồm

      - Phải hoàn thiện toàn bộ công trình nghiên cứu thể hiện bằng văn bản đúng với các yêu cầu về nội dung và hình thức trình bày báo cáo tổng kết đề tài, luận văn, luận án của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

      - Viết bản đề cương báo cáo tổng kết đề tài, luận văn, luận án theo tinh thần và dạng của bảng tóm tắt kết quả nghiên cứu đề tài, luận văn, luận án nhưng cô đọng và rút ngắn hơn.

       - Chuẩn bị các tài liệu minh hoạ cho báo cáo.

       - Chuẩn bị các câu trả lời căn cứ theo tinh thần các nhận xét của phản biện và của những người trong và ngoài hội đồng (hội đồng nghiệm thu hay hội đồng chấm luận văn, luận án) .

2. Báo cáo kết quả nghiên cứu

        Kết thúc, công trình khoa học được đem ra hội đồng khoa học nghiệm thu hoặc đem ra bảo vệ tại hội đồng chấm luận án nhà nước. Đề tài được nghiệm thu, hay bảo vệ thành công, cần được đưa vào ứng dụng trong thực tiễn giáo dục.

       Trình bày báo cáo trước hội đồng phải ngắn gọn, đơn giản rõ ràng, dễ hiểu và đầy đủ lượng thông tin cần thiết, quan trọng, chủ yếu về: tính cấp thiết của đề tài, mục đích, nhiệm vụ, đối tượng phạm vi, phương pháp nghiên cứu, những kết quả đạt được, những đóng góp mới, những kết luận, khuyến nghị và tiếp tục nghiên cứu đề tài...

Tổng số điểm của bài viết là: 9 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 4.5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây