Dịch vụ ngân hàng điện tử của ngân hàng thương mại và những lưu ý khi sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử  

Thứ ba - 16/08/2016 14:36

        Ngân hàng điện tử cũng có thể được hiểu là các nghiệp vụ, các sản phẩm dịch vụ ngân hàng truyền thống trước đây được phân phối trên các kênh mới như Internet, điện thoại, mạng không dây… Hiện nay, ngân hàng điện tử tồn tại dưới hai hình thức: hình thức ngân hàng trực tuyến, chỉ tồn tại dựa trên môi trường mạng Internet, cung cấp dịch vụ 100% thông qua môi trường mạng; và mô hình kết hợp giữa hệ thống ngân hàng thương mại truyền thống và điện tử hoá các dịch vụ truyền thống, tức là phân phối những sản phẩm dịch vụ cũ trên những kênh phân phối mới. Ngân hàng điện tử tại Việt Nam chủ yếu phát triển theo mô hình này.

I. Một số dịch vụ ngân hàng điện tử tại Việt Nam 

1. Dịch vụ ngân hàng tại nhà (home-banking):    

1

        Home-banking là kênh phân phối dịch vụ của ngân hàng điện tử, cho phép khách hàng thực hiện hầu hết các giao dịch chuyển khoản với ngân hàng (nơi khách hàng mở tài khoản) tại nhà, tại văn phòng công ty mà không cần đến ngân hàng. Đây là sản phẩm có tính bảo mật cao nhờ hoạt động trên mạng thông tin liên lạc cục bộ giữa ngân hàng và khách hàng (mạng Intranet). Nhờ dịch vụ này, khách hàng tiết kiệm tối đa chi phí đi lại, chi phí thời gian mà vẫn được đảm bảo thỏa mãn nhu cầu như kênh phân phối truyền thống. Ngoài ra dịch vụ này còn cung cấp các thông tin về tỷ giá, lãi suất tiền gửi, phí dịch vụ, các chương trình khuyến mại…

     Ứng dụng và phát triển Home-banking là một bước tiến mau mắn của các ngân hàng thương mại Việt trước sức ép rất lớn của tiến trình hội nhập toàn cầu về dịch vụ ngân hàng. Đứng về phía khách hàng, Home-banking đã mang lại những lợi ích thiết thực: nhanh chóng- an toàn- thuận tiện. Và khẩu hiệu “Dịch vụ ngân hàng 24 giờ mỗi ngày, bảy ngày mỗi tuần” chính là ưu thế lớn nhất mà mô hình ngân hàng “hành chính” truyền thống không thể nào sánh được. Hiện nay, dịch vụ Home-banking tại Việt Nam đã được nhiều ngân hàng tại Việt Nam ứng dụng và triển khai rộng rãi như: Ngân hàng Á Châu (www.acb.com.vn); Ngân hàng công thương Việt Nam (www.icb.com.vn); Ngân hàng ngoại thương Việt Nam(www.vcb.com.vn); Ngân hàng kỹ thương (www.techcombank.com.vn); Ngân hàng xuất nhập khẩu Việt Nam (www.eximbank.com.vn)…

2. Dịch vụ ngân hàng tự động qua điện thoại (Phone-banking) 

2

        Phone-banking là hệ thống tự động trả lời hoạt động 24/24, khách hàng nhấn vào các phím trên bàn phím điện thoại theo mã do ngân hàng quy định trước, để yêu cầu hệ thống trả lời thông tin cần thiết. Cũng như PC-banking, dịch vụ ngân hàng được cung cấp qua một hệ thống máy chủ và phần mềm quản lý đặt tại ngân hàng, liên kết với khách hàng thông qua tổng đài của dịch vụ. Thông qua các phím chức năng được định nghĩa trước, khách hàng sẽ được phục vụ một cách tự động hoặc thông qua nhân viên tổng đài. Khi đăng ký sử dụng dịch vụ Phone-banking, khách hàng sẽ được cung cấp một mã khách hàng, hoặc mã tài khoản và tuỳ theo dịch vụ đăng ký, khách hàng có thể sử dụng nhiều dịch vụ khác nhau như:

- Tra cứu thông tin: Số dư tài khoản (tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm, giấy tờ có giá, tiền vay); Chi tiết các giao dịch gần nhất; tổng số dư tiền gửi tiết kiệm, tổng số dư tiền vay.

- Tra cứu hạn mức thẻ tín dụng, dư nợ thẻ tín dụng và thời hạn thanh toán;

- Yêu cầu ngừng sử dụng các dịch vụ ngân hàng;

- Thay đổi mật khẩu sử dụng dịch vụ Phone-banking.

3. Dịch vụ ngân hàng qua điện thoại di động (Mobile-banking): 

 Cùng với sự phát triển của mạng thông tin di động, dịch vụ ngân hàng tại Việt  Nam cũng đã nhanh chóng ứng dụng những công nghệ mới này. Mobile - banking là một kênh phân phối sản phẩm dịch vụ ngân hàng qua hệ thống mạng điện thoại di động. Về nguyên tắc, đây chính là quy trình thông tin được mã hoá, bảo mật và trao đổi giữa trung tâm xử lý của ngân hàng và thiết bị di động của khách hàng (Điện thoại di động, Pocket PC, Palm…).
 Sử dụng dịch vụ này, khách hàng có thể  thực hiện nhiều loại giao dịch với thao tác hết sức đơn giản, tiện lợi chỉ trên chiếc điện thoại di động như:

- Chuyển khoản trong và ngoài hệ thống ngân hàng;

- Truy vấn thông tin và lịch sử giao dịch gần nhất của tài khoản thanh toán, tài khoản tiết kiệm, tài khoản tiền vay, truy vấn thông tin thẻ tín dụng;

- Tra cứu thông tin về tỷ giá, lãi suất tiền gửi, vị trí ATM, vị trí điểm giao dịch;

- Nạp tiền điện thoại;

3

hay nộp thuế điện tử….

4

4. Internet banking:  

5

Internet banking cũng là một trong những kênh phân phối các sản phẩm dịch vụ của ngân hàng, mang ngân hàng đến nhà, văn phòng, trường học, đến bất kỳ nơi đâu và bất cứ lúc nào. Với máy tính kết nối internet, khách hàng sẽ được cung cấp và được hướng dẫn các sản phẩm, các dịch vụ của ngân hàng. Hiện nay dịch vụ này rất phát triển, qua internet banking khách hàng có thể:

- Chuyển tiền trong và ngoài hệ thống ngân hàng;

- Gửi tiền tiết kiệm trực tuyến: chuyển tiền từ tài khoản thanh toán sang tài khoản tiền gửi có kỳ hạn để hưởng lãi suất cao hơn, tất toán tài khoản tiền gửi có kỳ hạn mở tại quầy hoặc mở qua internet banking ;

- Thanh toán hóa đơn cho các dịch vụ trả sau như điện, nước, viễn thông, hàng không, du lịch…

- Thanh toán các khoản lãi vay, gốc vay, phí bảo hiểm, nộp tiền đầu tư chứng khoán,…

- Nạp tiền điện tử: chuyển tiền vào các ví điện tử để mua bán trực tuyến trên internet;

- Nộp thuế nội địa: nộp thuế, phí, lệ phí và các khoản thu ngân sách Nhà nước;

- Thanh toán học phí;

- Tra cứu thông tin: số dư tài khoản, chi tiết giao dịch, thông tin các loại thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ;

- In sao kê tài khoản;

- Đăng ký thay đổi yêu cầu sử dụng các dịch vụ ngân hàng điện tử và nhiều tiện ích gia tăng khác của ngân hàng.

5. Kiosk ngân hàng: 
 Là sự phát triển của dịch vụ ngân hàng hướng tới việc phục vụ khách hàng với chất lượng cao nhất và thuận tiện nhất. Trên đường phố sẽ đặt các trạm làm việc với đường kết nối Internet tốc độ cao. Khi khách hàng cần thực hiện giao dịch hoặc yêu cầu dịch vụ, họ chỉ cần truy cập, cung cấp số chứng nhận cá nhân và mật khẩu để sử dụng dịch vụ của hệ thống ngân hàng phục vụ mình. Đây cũng là một hướng phát triển đáng lưu tâm cho các nhà lãnh đạo các ngân hàng thương mại Việt Nam.

6

 Tuy nhiên, thời gian qua cũng đã xuất hiện một số hình thức tấn công trực tuyến do tội phạm công nghệ cao sử dụng để lừa đảo, gây thiệt hại cho khách hàng như: lừa đảo tài chính quốc tế, trộm danh tính… Do vậy, để sử dụng các dịch vụ điện tử của ngân hàng hiệu quả và an toàn thì khách hàng cũng cần nắm rõ một sốlưu ý khi giao dịch trên các kênh ngân hàng điện tử.

II. Một số lưu ý về bảo mật thông tin khi sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử.

1. Khách hàng tuyệt đối KHÔNG NÊN:

- Mở tài khoản và đăng ký dịch vụ ngân hàng điện tử cho người khác sử dụng; tiết lộ mã PIN, mật khẩu, tên truy cập (username) của bất kỳ dịch vụ ngân hàng điện tử cho bất cứ ai qua bất kỳ kênh nào như điện thoại, email, đường link….;

- Click vào các đường link lạ và khai báo thông tin cá nhân cho bất kỳ địa chỉ email đã gửi đến hoặc điện thoại gọi tới. Các ngân hàng không bao giờ chủ động yêu cầu quý khách hàng khai báo cùng một lúc cả tên đăng nhập và mật khẩu truy cập của dịch vụ Ngân hàng điện tử qua điện thoại hoặc email;

- Chuyển tiền, nạp tiền vào số điện thoại chỉ định để làm thủ tục nhận thưởng. Các ngân hàng không bao giờ yêu cầu khách hàng chuyển tiền, nạp tiền vào số điện thoại để nhận thưởng bất kỳ chương trình khuyến mại nào của ngân hàng.

2. Khách hàng NÊN:

- Sử dụng mật khẩu đủ tin cậy là mật khẩu đủ độ dài (từ 7 ký tự trở lên), có sự kết hợp giữa chữ hoa với chữ thường, chữ số… (ngoại trừ mật khẩu truy cập các dịch vụ Mobile Banking là bao gồm 6 ký tự số);

- Đổi mật khẩu, mã PIN truy cập các dịch vụ Ngân hàng điện tử lần đầu trong vòng 24h kể từ khi nhận được;

- Thay đổi mật khẩu thường xuyên (tối thiểu định kỳ 03 tháng/lần) để đảm bảo an toàn cho tài khoản;

- Tránh sử dụng mật khẩu có chứa thông tin mang tính cá nhân mà người khác dễ dàng suy đoán như: ngày tháng năm sinh, số điện thoại, biển số xe, tên bản than, tên của người thân như vợ, chồng/con, dãy số liên tục đơn giản như: 123456…;

- Tránh viết mật khẩu ra giấy hoặc ghi chép dưới hình thức khác;

- Thay đổi mật khẩu truy cập dịch vụ Internet Banking, Mobile Banking ngay lập tức sau khi phát hiện ra mình vừa click vào các đường link nghi ngờ giả mạo hoặc vô tình trả lời thông tin cho người lạ gọi tới.

 Với sự phát triển kinh tế thế giới và sự bùng nổ của công nghệ thông tin sẽ là nền tảng tốt để các ngân hàng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào phát triển nhiều tiện ích mới cho dịch vụ ngân hàng hiện đại nói chung và dịch vụ ngân hàng điện tử nói riêng, nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách hàng. Tuy nhiên, khách hàng khi lựa chọn sử dụng các dịch vụ tiện ích này của ngân hàng cũng nên cẩn trọng, cần nắm rõ điều khoản sử dụng và các biện pháp bảo mật thông tin để tránh gặp phải những rủi ro không đáng có.

Tác giả bài viết: Lương Thị Hoa + Vương Thị Thuý Huyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây