Sự phát triển của một nền kinh tế không còn chỉ dựa vào nguồn tài nguyên thiên nhiên và nguồn lao động, mà ở mức độ lớn được quyết định bởi trình độ công nghệ thông tin và tri thức sáng tạo. Cùng với xu thế đó, thương mại điện tử xuất hiện đã làm thay đổi bộ mặt kinh tế thế giới bởi những ảnh hưởng to lớn của mình.
Có thể nói rằng thế kỷ 21 đã và đang chứng kiến sự phát triển vượt bậc trong ngành công nghệ thông tin. Công nghệ thông tin đã và đang làm thay đổi thế giới (người ta nói nhiều đến thế giới “phẳng” hơn) cũng như tạo nên một cuộc cách mạng thực sự trong mọi lĩnh vực của khoa học và đời sống. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động sản xuất kinh doanh cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Khái niệm ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thương mại hay còn gọi là thương mại điện tử ra đời và đang trở thành xu thế mới thay thế dần phương thức kinh doanh cũ với rất nhiều ưu thế nổi bật như nhanh hơn, rẻ hơn, tiện dụng hơn, hiệu quả hơn và không bị giới hạn bởi không gian và thời gian.
Theo tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế của Liên Hợp quốc (OECD) đưa ra định nghĩa thương mại điện tử (TMĐT): “TMĐT được định nghĩa sơ bộ là các giao dịch thương mại dựa trên truyền dữ liệu qua các mạng truyền thông như Internet”.
Theo tổ chức Thương mại thế giới WTO định nghĩa: “TMĐT bao gồm việc sản xuất, quảng cáo, bán hàng và phân phối sản phẩm được mua bán và thanh toán trên mạng Internet, nhưng được giao nhận một cách hữu hình cả các sản phẩm được giao nhận cũng như những thông tin số hóa thông qua mạng Internet”.
Như vậy, khái niệm “thương mại điện tử” được hiểu theo nghĩa rộng và nghĩa hẹp. Nghĩa rộng và hẹp ở đây phụ thuộc vào cách tiếp cận rộng và hẹp của hai thuật ngữ "thương mại" và "điện tử".
Bảng 1.2: TMĐT theo nghĩa rộng và nghĩa hẹp
Từ các định nghĩa trên và sau khi xem xét khái niệm TMĐT theo nghĩa rộng và hẹp, có thể đưa ra một định nghĩa mang tính tổng quát về thương mại điện tử, được sử dụng chính thức trong giáo trình này, theo đó “Thương mại điện tử là việc tiến hành các giao dịch thương mại thông qua mạng Internet, các mạng truyền thông và các phương tiện điện tử khác”.(Nguồn: Giáo trình thương mại điện tử căn bản, trường Đại học Thương mại, NXB Thống kê, 2011)
Thương mại điện tử có một số đặc điểm sau:
Thứ nhất, TMĐT là một phương thức thương mại sử dụng các PTĐT để tiến hành các giao dịch thương mại. Việc sử dụng các PTĐT cho phép các bên thực hiện các hoạt động mua, bán, chuyển giao, trao đổi các “thông tin” về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, ... dễ dàng. Các thông tin được hiểu là bất cứ gì có thể truyền tải bằng kỹ thuật điện tử như thư điện tử, thông điệp điện tử, các tập tin văn bản, các cơ sở dữ liệu, các bảng tính (spreadsheet), các bản vẽ thiết kế bằng máy tính điện tử (computer-aid design: CAD), các hình đồ họa (graphical image), quảng cáo, chào hàng, hóa đơn, biểu giá, hợp đồng, hình ảnh động (flash), video, âm thanh,... Việc trao đổi “thông tin” qua mạng máy tính và Internet giúp các bên giao dịch cung cấp, truyền tải các nội dung giao dịch và không cần phải in ra giấy trong bất kỳ công đoạn nào của toàn bộ quá trình giao dịch.
Thứ hai, TMĐT có liên quan mật thiết đến thương mại truyền thống (TMTT) và phụ thuộc sự phát triển mạng máy tính và Internet. TMĐT có liên quan mật thiết với TMTT, các giao dịch TMĐT được thực hiện trên cơ sở các giao dịch TMTT, nhiều công việc và quá trình giao dịch TMĐT có liên quan đến TMTT. Tuy nhiên, khác với các giao dịch TMTT được tiến hành trên giấy, qua điện thoại, những người đưa tin, bằng xe tải, máy bay và các phương tiện khác, các giao dịch TMĐT chủ yếu được tiến hành trên các mạng máy tính điện tử. Vì thế, giao dịch TMĐT phụ thuộc sự phát triển mạng máy tính và Internet. Tuy nhiên, khi xây dựng các mô hình giao dịch trên mạng máy tính và Internet, một số yếu tố, chủ thể, quy trình kinh doanh trong TMTT có thể được điều chỉnh, những ưu điểm và lợi ích của công nghệ thông tin (CNTT) được ứng dụng trong TMĐT cho phép giao dịch TMĐT linh hoạt hơn (có thể thực hiện 24/7, phản hồi nhanh chóng,...) đồng thời loại bỏ những hạn chế của TMTT (cản trở vật lý, địa lý, thông tin).
Thứ ba, TMĐT được nghiên cứu gồm bốn nhóm hoạt động chủ yếu là mua, bán, chuyển giao và trao đổi các đối tượng sản phẩm, dịch vụ và thông tin. Ngoài ra, nó còn bao gồm các hoạt động hỗ trợ các hoạt động trên như: Marketing, quảng cáo, xúc tiến trên mạng, thanh toán điện tử, an toàn mạng giao dịch, đấu giá, dịch vụ hỗ trợ CNTT,... hỗ trợ việc chào bán, cung cấp các dịch vụ khách hàng hoặc tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình thông tin, liên lạc giữa các đối tác kinh doanh.
Thứ tư, “Thương mại điện tử” là thuật ngữ mang tính lịch sử. Không thể có định nghĩa duy nhất về TMĐT bởi các công nghệ mới thường xuyên ra đời và được khai thác trong kinh doanh. Và ngay đối với những công nghệ hiện tại, chúng ta cũng chưa chắc đã khai thác và ứng dụng hết những khả năng mà nó mang lại.
Lợi ích mà TMĐT mang lại cho doanh nghiệp có thể kể đến là:
- Tiếp cận toàn cầu: TMĐT mở rộng thị trường đến phạm vi quốc gia và quốc tế. Với một lượng đầu tư vốn không lớn, một công ty có thể dễ dàng và nhanh chóng xác định các nhà cung ứng tốt nhất, nhiều khách hàng hơn, các đối tác kinh doanh phù hợp nhất trên thế giới. Việc mở rộng cơ sở khách hàng và nhà cung ứng cho phép tổ chức mua được rẻ hơn và bán được nhiều hơn.
- Giảm chi phí:
+ Chi phí tạo lập, xử lý, phân phối, bảo quản và hiển thị thông tin: TMĐT tạo khả năng giảm chi phí tạo lập, xử lý, phân phối, bảo quản và hiển thị thông tin vốn dĩ trước đây dựa trên cơ sở giấy tờ. Các chi phí cao của việc in, gửi qua bưu chính được giảm thiểu hoặc loại bỏ. Chi phí truyền thông trên cơ sở Internet cũng rẻ hơn nhiều so với chi phí truyền thông qua các mạng giá trị gia tăng.
+ Chi phí xây dựng, duy trì và quản lý các cửa hàng vật lý: Tác động lớn nhất về chi phí khi áp dụng TMĐT là cho phép doanh nghiệp có thể thay thế hàng loạt các cửa hàng vật lý bằng những cửa hàng ảo - website TMĐT. Các cửa hàng ảo hoạt động liên tục 24 giờ/ngày, 7 ngày/tuần cho phép doanh nghiệp có thể phục vụ một lượng lớn khách hàng toàn cầu và không đòi hỏi chi phí quản lý ngoài giờ của nhân viên bán hàng, chi phí kiểm kê hàng hoá.
+ Chi phí xử lý và quản trị đơn hàng: Một tác động khác của TMĐT tới chi phí tiêu thụ là làm tăng tính hiệu quả trong cấu trúc các đơn đặt hàng. TMĐT cho phép khách hàng đặt hàng trực tiếp qua website, tỷ lệ các đơn đặt hàng lỗi của công ty đều giảm xuống đáng kể.
+ Tiết kiệm chi phí thông qua việc áp dụng các hình thức thanh toán trực tiếp qua web cũng là con số đáng kể đối với các doanh nghiệp kinh doanh điện tử. Mặc dù khoản phí dịch vụ ngân hàng cho việc thanh toán bằng séc giấy giữa các ngân hàng và người bán là khá nhỏ, trung bình khoảng 1,20 USD cho một giao dịch thanh toán, thanh toán bằng thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ trung bình chỉ khoảng 0,40 USD đến 0,60 USD, tuy nhiên chi phí cho quá trình thanh toán qua Internet có thể giảm xuống còn khoảng 0,01 USD hoặc thấp hơn.
- Hoàn thiện chuỗi cung ứng: Một số khâu kém hiệu quả của chuỗi cung ứng, như tồn kho quá mức, sự chậm trễ trong phân phối,... có thể được tối thiểu hoá với TMĐT.
- Đáp ứng nhu cầu cá biệt của khách hàng: TMĐT cho phép nắm bắt nhu cầu, sản xuất hàng hoá và dịch vụ theo đơn đặt hàng của khách hàng với chi phí không cao hoặc cao hơn không đáng kể so với sản xuất hàng loạt, qua đó tạo nên lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp theo đuổi chiến lược này.
- Xây dựng các mô hình kinh doanh mới: TMĐT tạo điều kiện ra đời các mô hình kinh doanh sáng tạo, tạo nên các lợi thế chiến lược hoặc lợi ích cho doanh nghiệp.
- Chuyên môn hóa người bán hàng: TMĐT cho phép chuyên môn hoá ở mức độ cao, mà điều đó về mặt kinh tế là bất khả thi trong thế giới vật lý.
- Rút ngắn thời gian triển khai ý tưởng: TMĐT làm giảm thời gian từ khi bắt đầu một ý tưởng đến khi thương mại hoá ý tưởng đó nhờ các quá trình truyền thông và hợp tác được cải thiện.
- Tăng hiệu quả mua hàng: TMĐT tạo khả năng mua sắm điện tử. Mua hàng điện tử đến lượt mình làm giảm các chi phí hành chính đến 80% hoặc hơn nữa, giảm giá mua từ 5 đến 10% và giảm chu trình thời gian mua hàng tới 50%.
- Cải thiện quan hệ khách hàng: TMĐT đem lại khả năng cho các công ty tương tác chặt chẽ hơn với các khách hàng, kể cả trong trường hợp phải thông qua các trung gian. Điều này cho phép cá nhân hoá truyền thông, sản phẩm và dịch vụ; cải thiện quản trị quan hệ khách hàng và tăng lòng trung thành của khách hàng.
- Cập nhật hoá tư liệu công ty: Bất kỳ tư liệu nào trên Website, như giá cả trong các catalogue đều có thể điều chỉnh trong giây lát. Thông tin về công ty luôn được duy trì một cách cập nhật.
- Các lợi ích khác: Các lợi ích khác bao gồm cải thiện hình ảnh của công ty, cải thiện dịch vụ khách hàng, dễ dàng tìm kiếm các đối tác kinh doanh mới, đơn giản hoá các quá trình, nâng cao năng suất lao động, giảm thiểu công việc giấy tờ, tăng cường tiếp cận thông tin, giảm thiểu các chi phí vận tải, tăng cường tính mềm dẻo trong tác nghiệp,...
Thương mại điện tử và lợi ích cho doanh nghiệp thương mại điện tử nên được xem là một công cụ hỗ trợ thương mại truyền thống trong bối cảnh Việt Nam hiện nay. Trước những lợi ích to lớn và độ phổ biến của TMĐT, hiện nay TMĐT đã trở thành công cụ quan trọng đối với mọi doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh của mình. Thương mại điện tử thực sự là một cơ hội cho các doanh nghiệp ở Việt Nam.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn