Cùng với thành tựu chung của cả nước, hoạt động FDI vào các khu công nghiệp (KCN) tại Hải Dương trong những năm gần đây bước đầu có những khởi sắc, đã xuất hiện các nhà đầu tư nước ngoài như Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Singapore,…đến tìm hiểu và đầu tư tại Hải Dương. FDI vào các KCN Hải Dương đã góp phần tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng trưởng công nghiệp và phát triển kinh tế xã hội tỉnh Hải Dương.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, việc tìm ra giải pháp để thu hút FDI vào các KCN Hải Dương ngày càng trở nên cần thiết. Hải Dương cần thấy rõ: Những khó khăn còn tồn tại trong công tác thu hút FDI vào các KCN là gì và qua đó làm thế nào để tăng cường thu hút FDI vào các KCN Hải Dương cho phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Đặc biệt là tìm ra được những giải pháp cụ thể gắn với tình hình của tỉnh nhằm phát huy tối đa lợi thế so sánh của tỉnh Hải Dương.
Trong giai đoạn 2007 - 2016, các khu công nghiệp tỉnh Hải Dương đã thu hút được khối lượng lớn vốn FDI. Đây được xem là một kênh quan trọng trong việc huy động vốn, làm tăng lượng vốn đầu tư xã hội tại địa bàn, góp phần tăng trưởng kinh tế địa phương. Giai đoạn 2007 – 2010 số lượng dự án là 155 với tổng số vốn đăng ký là 1.797 triệu USD, bình quân mỗi năm tỉnh Hải Dương thu hút 31 dự án đầu tư nước ngoài. Giai đoạn 2011 – 2016 số lượng dự án đầu tư là 6 dự án với 3.332 triệu USD tiền vốn đầu tư.
Bảng 1: Đầu tư FDI tại các khu công nghiệp tỉnh Hải Dương giai đoạn 2010 - 2016
Tính đến năm 2016 trên địa bàn tỉnh có 271 dự án FDI đến từ 23 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng số vốn đầu tư đăng ký hơn 6,22 tỷ USD. Tổng số vốn đầu tư thực hiện của các doanh nghiệp FDI đạt 2,7 tỷ USD, chiếm 43,4% tổng vốn đầu tư đăng ký. (Nguồn: Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hải Dương)
1.1. Phân loại theo đối tác đầu tư
Bảng 2: Một số nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại các khu công nghiệp tỉnh Hải Dương giai đoạn 2007 - 2016
Đài Loan là quốc gia có số dự án đầu tư vào địa bàn tỉnh nhiều nhất 44 dự án, đứng thứ hai là Nhật Bản với 34 dự án, đứng thứ ba là Hàn Quốc với 26 dự án. Tuy nhiên, quy mô vốn bình quân của 1 dự án tương đối nhỏ 11,04 triệu USD (Đài Loan), 19,44 triệu USD (Nhật Bản) và 4,26 triệu USD (Hàn Quốc) và tỷ lệ vốn thực hiện trên vốn đăng ký còn tương đối thấp. Bên cạnh đó, một số đối tác đầu tư nước ngoài như Samoa, Hoa Kỳ tuy có số dự án thấp hơn nhiều nhưng quy mô vốn bình quân của một dự án cao 28,44 triệu USD (Samoa), 28,64 triệu USD (Hoa Kỳ) và đạt tỷ lệ vốn thực hiện trên vốn đăng ký cao 49,28% (Samoa) và 59% (Hoa Kỳ).
(Nguồn:Tổng hợp báo cáo của Sở Kế hoạch và đầu tư Hải Dương)
Biểu đồ 1: Cơ cấu các hình thức đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các khu công nghiệp tại Hải Dương giai đoạn 2010 - 2016
(Nguồn: Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương)
Cho đến nay các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư trên địa bàn tỉnh chủ yếu vẫn thông qua 4 hình thức truyền thống: 100% vốn đầu tư nước ngoài, liên doanh, công ty cổ phần và hợp đồng hợp tác kinh doanh ( Biểu đồ 1).
Nếu như trước kia các nhà đầu tư quan tâm hàng đầu đến lĩnh vực công nghiệp thì hiện nay họ lại quan tâm nhiều hơn đến lĩnh vực dịch vụ. Lĩnh vực dịch vụ là một lĩnh vực khá mới mẻ tại thị trường Việt Nam đối với tất cả các nhà đầu tư nước ngoài. Việc Việt Nam gia nhập WTO, các nhà đầu tư có cơ hội lớn thâm nhập vào thị trường dịch vụ và gần đây đã có sự thay đổi theo hướng tăng mạnh vốn đầu tư vào ngành dịch vụ (khách sạn, du lịch, tài chính, ngân hàng, giao thông vận tải, bưu điện,…). Dưới đây là biểu đồ thể hiện cơ cấu đầu tư trực tiếp vào các khu công nghiệp tỉnh Hải Dương theo ngành nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ tính đến hết tháng 3/2016.
Biểu đồ 2: Cơ cấu đầu tư trực tiếp vào các khu công nghiệp tại Hải Dương theo ngành giai đoạn 2010 - 2016
(Nguồn: Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương)
2.1. Những tác động tích cực
Tính đến hết năm 2015, Hải Dương đã thu hút được 271 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký trên 6,22 tỷ USD, đứng thứ 10 trên cả nước và thứ 3 so với các tỉnh, thành phố trong khu vực Đồng bằng sông Hồng, thu hút được nhiều vốn FDI nhất. Trong đó, giai đoạn 2006 - 2010, số lượng dự án FDI thu hút được là 155, với tổng vốn đăng ký 1.797 triệu USD, bình quân thu hút 31 dự án/năm; giai đoạn 2013-2016, số lượng dự án FDI thu hút được là 68, với tổng vốn đăng ký 3.332 triệu USD, tăng 1,8 lần so với giai đoạn 2006-2010, bình quân thu hút 23 dự án/năm..
Đến nay, các KCN trên địa bàn tỉnh đã thu hút được hơn 6 vạn lao động trực tiếp vào làm việc, trong đó tuyển dụng mới 15.300 người. Số lượng các doanh nghiệp FDI đầu tư vào các khu công nghiệp qua các năm có sự gia tăng dẫn đến số lượng lao động làm việc trong các khu công nghiệp cũng gia tăng đáng kể.
Thu nhập của người lao động ở các KCN đạt mức khá với mức lương bình quân của công nhân khoảng 2.500.000 - 3.500.000 đồng/tháng. Tuy so với mặt bằng tiền công chung trong xã hội còn thấp, nhưng với mức thu nhập như vậy, người lao động đã có điều kiện tốt hơn cho việc cải thiện nhu cầu tiêu dùng và sinh hoạt của gia đình.
Lao động trong các KCN đã được đào tạo, nâng cao tay nghề, được rèn luyện trong môi trường công nghiệp và được tiếp cận với công nghệ hiện đại.
Các KCN đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tiến bộ: tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ tăng nhanh từ 37,2% - 28,0% lên 43,2% - 29,6%, tỷ trọng nông nghiệp, lâm nghiệp giảm từ 34,8% xuống còn 27,2%. Cơ cấu lao động trong khu vực nông, lâm, thuỷ sản- Công nghiệp xây dựng- Dịch vụ chuyển từ 82,4%- 10%- 7,6% năm 2000 thành 70%- 16,4%- 13,6% năm 2016. (Nguồn: Tổng hợp báo cáo của Sở Kế hoạch và đầu tư Hải Dương).
Các KCN trên góp phần to lớn vào việc thực hiện các mục tiêu khác như: nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, nâng cao trình độ khoa học công nghệ, nâng cao trình độ quản lý của Nhà nước về kinh tế, đặc biệt góp phần quan trọng vào việc xoá đói, giảm nghèo…
Sau 7 năm Việt Nam gia nhập WTO, giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của các khu công nghiệp tỉnh Hải Dương tăng từ 224,6 triệu USD năm 2006 lên 2 tỷ 242 triệu USD năm 2015. Trong giai đoạn 2007-2015, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 3 tỷ 36,9 triệu USD tăng bình quân 57,5%/năm (mục tiêu 25%/năm). (Nguồn: Tổng hợp báo cáo của Sở Kế hoạch và đầu tư Hải Dương).
Với lợi thế về máy móc thiết bị, kỹ thuật tiên tiến, thị trường cùng với các cơ chế, chính sách ngày càng thông thoáng, khu vực kinh tế có vốn FDI đã và đang phát triển khá nhanh, ổn định và luôn có xu hướng tăng nhanh hơn các khu vực khác.
Bên cạnh khai thác thị trường trong nước, FDI còn góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu, đặc biệt là những ngành như da giầy, dệt may, sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử...Giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI tăng cao theo từng năm và chiếm tỷ trọng lớn trong tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.
Nếu năm 2005, kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp này mới chỉ chiếm 45%, năm 2010 tăng lên 75% thì năm 2015 đã chiếm tới hơn 96% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Tỷ lệ đóng góp của khu vực kinh tế có vốn FDI trong GDP của tỉnh tăng dần qua các năm: Năm 2005 là 13,8%, năm 2010 là 16,4%, năm 2016 là 17,8%.
Mặc dù tỉnh đã có nhiều chính sách ưu đãi đúng đắn, nhưng do nóng vội trong việc lấp đầy diện tích các KCN nên đã dẫn đến tình trạng chạy đua xây dựng KCN theo phong trào, các địa phương không khai thác hết được những lợi thế của mình dẫn đến lãng phí nguồn lực. Hơn nữa, do nôn nóng trong việc xây dựng nhanh các KCN nên chưa chú trọng trong chọn lọc các dự án đầu tư, chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp trong nước. Về lâu dài, điều này sẽ ảnh hưởng đến chính sách phát huy nội lực và sự phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh.
Mặt khác, do chủ quan trong chọn lọc các dự án đầu tư nên chất lượng các dự án đầu tư thấp, chưa thu hút được các dự án có công nghệ hiện đại. Vì thế, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường là rất cao. Các KCN theo đuổi mục tiêu lợi nhuận nên điều đáng quan tâm của họ không phải là môi trường mà là càng cho thuê đất nhanh càng tốt, bất chấp công nghệ tiến bộ hay lạc hậu. Bên cạnh đó, tỷ lệ vốn đầu tư vào KCN so với tổng vốn đầu tư còn thấp, dự án đầu tư ngoài KCN chiếm tỷ trọng cao. Tỷ lệ giữa vốn đầu tư và vốn đăng ký thấp, có những dự án đăng ký nhiều năm nhưng không được triển khai xây dựng.
Thiếu đồng bộ, không khoa học trong quy hoạch xây dựng KCN. Tình trạng thiếu nhà ở, trường học, chợ, trung tâm giải trí, cơ sở y tế... cho người lao động còn phổ biến tại các KCN. Riêng về nhà ở cho công nhân trong các KCN, theo dự báo đến năm 2020, gần 378.000 công nhân ở KCN trên địa bàn tỉnh Hải Dương có nhu cầu nhà ở với tổng diện tích hơn 4,5 triệu m2. Mặc dù lao động nhập cư đến làm việc tại 10 KCN và 33 cụm CN trên địa bàn tỉnh Hải Dương đang tăng nhanh về số lượng nhưng tiến độ xây dựng nhà ở cho công nhân ở các KCN này vẫn rất chậm và chưa được quan tâm đúng mức..
Hải Dương là tỉnh có tốc độ phát triển kinh tế cao, có nhiều KCN và cụm công nghiệp tập trung. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm môi trường sinh thái là vấn đề hết sức nan giải. Hiện nay các KCN trên địa bàn tỉnh hầu như đều không có hệ thống nước thải theo đúng quy định mặc dù UBND tỉnh đã có Quyết định số 1002/QĐ – UBND năm 2012 nêu rõ: Phải hoàn thành toàn bộ các hệ thống xử lý môi trường trong năm 2008. Hiệu quả xử lý phải được cơ quan chuyên môn đánh giá và cơ quan quản lý xác nhận đảm bảo tiêu chuẩn cho phép.
Ô nhiễm môi trường xảy ra tại các KCN ngày càng có xu hướng gia tăng bởi vì doanh nghiệp không mặn mà với việc đảm bảo môi trường mà chỉ quan tâm đến lợi nhuận. Thậm chí, doanh nghiệp còn có thái độ bất hợp tác với chính quyền trong việc thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về môi trường tại KCN.
Các KCN trên địa bàn tỉnh chưa phải hoạt động theo nguyên tắc tiết kiệm đất nông nghiệp, đặc biệt là đất nông nghiệp đã được thuỷ lợi hoá. Việc lựa chọn địa điểm xây dựng KCN chưa được tiến hành một cách khoa học, chưa tính toán toàn diện các điều kiện về địa chất, thuỷ văn, điều kiện về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội nên đã sử dụng nhiều diện tích đất trồng lúa, đất có ưu thế với sản xuất nông nghiệp. Nhiều KCN, cụm CN bám các mặt đường quốc lộ, vi phạm các chỉ giới an toàn giao thông.
- Tập trung hơn nữa trong việc giải ngân nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, đặc biệt là những dựa án đã được cấp phép từ năm 2000 đến nay, cần thực hiện tốt hơn nữa cơ chế phối hợp đồng bộ giữa trung ương và địa phương trong việc thực hiện nội dung quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài từ việc thẩm tra cấp Giấy chứng nhận đầu tư đến việc tháo gỡ các khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
- Thực hiện tốt chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia và chương trình xúc tiến đầu tư trên địa bàn tỉnh Hải Dương nhằm thu hút nhiều hơn nữa các dự án sử dụng công nghệ cao, công nghệ thông tin, cơ khí chế tạo; sản xuất vật liệu mới và năng lượng mới; công nghiệp phụ trợ; công nghệ sinh học đặc biệt trong khâu sản xuất giống mới, chất lượng cao (cây, con giống), nuôi trồng, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp; các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng (điện, nước, đường giao thông, cảng biển ...) góp phần đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nói chung và địa bàn tỉnh Hải Dương nói riêng.
- Tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính, trách nhiệm công vụ của cán bộ công chức trong việc giải quyết các thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng, xuất nhập khẩu, lao động, môi trường…, nhằm loại bỏ phiền hà tạo điều kiện thời gian nhanh nhất cho các nhà đầu tư khi thực hiện dự án.
- Đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội.
-Tạo môi trường thuận lợi cho các loại hình dịch vụ như tài chính, thị trường vốn, kinh doanh tài sản và dịch vụ tư vấn, kiểm toán, xúc tiến thương mại.
4. Kết luận
Thực tiễn trong gần 10 năm qua FDI đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện những mục tiêu kinh tế, xã hội theo xu hướng đổi mới, mở cửa và hội nhập của tỉnh Hải Dương. Việc thu hút vốn FDI vào các khu công nghiệp tỉnh Hải Dương đã đạt được những kết quả đáng kể góp phần vào sự phát triển của các khu công nghiệp từ đó thúc đẩy tốc độ tăng trưởng của kinh tế Hải Dương, góp phần khắc phục tình trạng thất nghiệp, tăng quy mô xuất khẩu và cải thiện đời sống của người lao động.
Tuy nhiên bên cạnh những thành tựu đã đạt được về việc thu hút FDI vào các khu công nghiệp thì vẫn tồn tại những hạn chế cần phải được khắc phục để tăng nhanh hơn nữa tốc độ phát triển của kinh tế tỉnh Hải Dương xứng đáng với tiềm năng của tỉnh. Việc đề ra các giải pháp nhằm tăng cường thu hút vốn đầu tư vào các khu công nghiệp tỉnh Hải Dương sao cho thiết thực có hiệu quả là cả một vấn đề hết sức khó khăn. Do đó ngoài việc thực thi các giải pháp trên địa bàn tỉnh cũng cần có sựu hỗ trợ từ phía Chính phủ, các Bộ ngành, có liên quan chủ yếu là về mặt cơ chế chính sách để từ đó tỉnh có sự vận dụng một cách linh hoạt phù hợp với đặc điểm riêng, tình hình của tỉnh.
Tác giả bài viết: Mạc Liên
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn