Hành vi và xu hướng tiêu dùng ở Việt Nam hiện nay

Thứ năm - 11/01/2018 08:19

           Trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, người tiêu dùng Việt Nam có nhiều sự lựa chọn hơn trong việc tiêu dùng hàng hóa dịch vụ do sự đa dạng phong phú của các hàng hóa, dịch vụ trên thị trường quốc tế từ đó làm gia tăng lợi ích của họ. Tuy nhiên, dưới sự tác động của hai nhân tố chủ yếu là: An toàn thực phẩm, thương mại điện tử thì sự lựa chọn của người tiêu dùng sẽ dần biến đổi theo xu hướng mới. Bài viết sau phân tích và chỉ ra hai xu hướng tiêu dùng tại Việt Nam hiện nay là xu hướng sử dụng sản phẩm sạch, an toàn và xu hướng mua sắm online.

            1. Xu hướng sử dụng sản phẩm sạch, an toàn

            Trong những năm vừa qua, mức độ ô nhiễm môi trường ở Việt Nam ngày càng gia tăng. Theo kết quả nghiên cứu của Đại học Yale (EPI) của Mỹ nhằm đánh giá và xếp hạng các quốc gia về các vấn đề môi trường thuộc hàng ưu tiên trong hai lĩnh vực là bảo vệ sức khỏe con người và bảo vệ hệ sinh thái được công bố đầu năm 2016 thì Việt Nam nằm trong top 11 quốc gia ô nhiễm không khí nhất thế giới.  Điều này khiến người tiêu dùng bất an về vấn đề an toàn thực phẩm. Khoảng 80% người tiêu dùng Việt Nam coi vấn đề an toàn thực phẩm là quan trọng nhất, trên cả công việc, chi phí sinh hoạt, và thiên tai. Chính vì vậy mà người tiêu dùng loại trừ những thương hiệu bị sự cố về an toàn thực phẩm khiến cho doanh thu của những thương hiệu này giảm mạnh 30-60%.

1

Hình 1: Ô nhiễm môi trường

            Trong những năm gần đây, Việt Nam đã xảy ra nhiều vụ liên quan đến thực phẩm bẩn như: thịt hôi thối, nội tạng thối được chế biến đưa ra thị trường bán, người dân dùng dầu nhớt tưới rau muống tại Sài Gòn hay mỡ bẩn, giấm gạo làm từ acid… khiến người tiêu dùng quan tâm hơn đến nguồn gốc các loại thực phẩm. Chính vì thế nhu cầu tiêu dùng sạch sẽ là một trong những xu hướng hiện nay.

2

Hình 2: Thực phẩm bẩn

            Để tiêu dùng an toàn,người tiêu dùng cần tìm đến cho mình những sản phẩm sạch, để giảm thiểu tối đa những sản phẩm không an toàn. Do đó, họ phải tìm đến các thương hiệu, các điểm bán lẻ đáng tin cậy, những sản phẩm đã được kiểm định và chứng nhận.

            Thực phẩm Organic được người tiêu dùng lựa chọn ngày càng nhiều hơn. Thực phẩm hữu cơ (Organic food) là nông sản được nuôi trồng và sản xuất sử dụng phương thức canh tác hữu cơ không sử dụng phân bón hóa học, chất bảo vệ thực vật độc hại, chất kích thích tăng trưởng.

3

            Hình 3: Một số sản phẩm Organic

            Tại Việt Nam, sản phẩm organic đang được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng như một giải pháp cho tiêu chí khỏe, đẹp, cải thiện vóc dáng và thần thái… Chính vì vậy, nhu cầu về nguồn thực phẩm an toàn, giàu dưỡng chất tự nhiên đang gia tăng một cách nhanh chóng. Điều này giúp các doanh nghiệp mở rộng đầu tư các trang trại Organic. Thị trường tiêu dùng trong nước xem đây là tín hiệu mừng với người tiêu dùng thông qua sự đầu tư mạnh mẽ của các doanh nghiệp trong thời gian vừa qua. Bởi đây là xu hướng tiêu dùng không chỉ ở Việt Nam, mà còn là xu hướng chung của nhiều nước trên thế giới.

            Mặc dù, giá bán của các sản phẩm mang mác organic chỉ được những người có thu nhập cao sử dụng do có giá cao nhưng với xu hướng tiêu dùng ngày càng cao của người tiêu dùng thì chắc chắn trong thời gian tới thị trường của các sản phẩm organic sẽ được mở rộng.

            2. Xu hướng mua sắm online

            Thời gian qua, thương mại điện tử ở nước ta đã có những bước phát triển đáng kể, bởi những lợi ích to lớn mà chúng mang lại cho doanh nghiệp và người tiêu dùng bởi tính ưu việt của nó như ít tốn thời gian, công sức, tiền bạc cho những giao dịch kinh tế, trong khi cách làm truyền thống khi giới thiệu sản phẩm là phải chuyển hàng hóa sang tận nơi, những hàng mẫu này có thể mất hàng tháng mới có thể đến được các thị trường này, dẫn đến chi phí cao và sản phẩm có thể giảm chất lượng. Do đó, việc áp dụng thương mại điện tử trong hoạt động kinh doanh là một xu thế tất yếu của thời đại, và Việt Nam trong quá trình hội nhập cũng không nằm ngoài xu hướng phát triển chung đó.

            Thương mại điện tử có sức lan tỏa rất rộng, người tiêu dùng trong và ngoài nước có thể dễ dàng tiếp cận, tìm hiểu các sản phẩm của các doanh nghiệp mọi lúc mọi nơi mà không cần phải giao tiếp với nhân viên công ty vì tất cả các thông tin liên quan trực tiếp tới sản phẩm đều được cập nhật thường xuyên qua mạng.

            Năm 2016, là một năm đánh dấu bước đột phá mạnh mẽ của các thương hiệu nổi trên thị trường với việc xây dựng hàng loạt các trang thương mại điện tử như: lotte.vn (Lotte Việt Nam), adayroi.com (Vinmart), aeoneshop.com (Aeon Việt Nam),… người tiêu dùng qua đó cũng dần thích nghi với hình thức mua bán tại nhà.

         Cùng với đó là sự hỗ trợ của các mạng xã hội như: Facebook, Zalo, Twitter, Youtube… ngày càng nhiều mà các trang bán hàng qua mạng được người tiêu dùng nhận dạng và ghi nhớ thông qua các trang quảng cáo được “đẩy” liên tục lên mạng xã hội này.

            Ở Việt Nam hơn 60% dân số Việt Nam dưới 35 tuổi, và đây là thế hệ trẻ quen với việc sử dụng công nghệ và mạng Internet để thu thập thông tin về hàng hóa phục vụ cho quyết định mua sắm. Ngoài ra, xu hướng phụ nữ đi làm đang ngày càng tăng khiến cho nhu cầu mua hàng tiêu dùng qua kênh thương mại điện tử cũng gia tăng.

          Về thị hiếu thương hiệu, người tiêu dùng Việt Nam được đánh giá là vẫn trọng thương hiệu Việt hơn thương hiệu quốc tế đối với các mặt hàng thực phẩm, nước giải khát, bia rượu, quần áo và sản phẩm vệ sinh nhà cửa vì hợp túi tiền.

            Đối với những mặt hàng giá trị cao như xe máy, ô tô, mỹ phẩm, điện gia dụng và hàng điện tử tiêu dùng thì các thương hiệu nước ngoài lại được người tiêu dùng tín nhiệm hơn.

4

            Tuy nhiên, bên cạnh những thương hiệu kinh doanh điện tử nổi tiếng, thì người tiêu dùng đôi khi cũng gặp phải rủi ro khi mua hàng qua mạng như: không kiểm soát được chất lượng sản phẩm, mất cả tiền cả hàng, miễn đổi trả khi sản phẩm không vừa ý và dịch vụ chăm sóc của một số trang web chưa có thương hiệu. Do đó, mỗi người tiêu dùng phải là những người tiêu dùng thông thái để tránh tình trạng đáng tiếc xảy ra.

            Mua sắm trực tuyến tại Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh và đang định hình để thay thế việc mua sắm tại cửa hàng trong tương lai gần. Những nỗ lực giúp cho việc mua sắm trực tuyến trở nên dễ dàng hơn và giải quyết những lo ngại của khách hàng trong thời gian qua như cải thiện độ an toàn của giao dịch, chính sách đổi/trả hàng, đưa ra mức phí gửi hàng thấp hay miễn phí… những lý do này góp phần thúc đẩy sự bùng nổ tiếp tục việc mua sắm trực tuyến tại Việt Nam.

            Và với nhu cầu mua sắm điện tử đang được người tiêu dùng trẻ đón nhận, đồng thời người tiêu dùng Việt Nam cũng dần ưa chuộng các hình thức giao dịch qua ứng dụng di động cũng như sự tiên lợi về thời gian thì người tiêu dùng “hiện đại” sẽ là nơi người tiêu dùng đặt trọn niềm tin.

Tác giả bài viết: Ngô Thị Luyện

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây