Phát triển nông thôn mới gắn với giải quyết việc làm cho lao động tại khu nông thôn hiện nay (phần 2)

Thứ sáu - 11/01/2019 09:40

           2.2. Thực trạng lao động - việc làm và thất nghiệp tại khu vực nông thôn

           2.2.1. Thực trạng lao động nông thôn tại nước ta hiện nay

          * Số lượng lao động tại khu vực nông thôn ở nước ta hiện nay

          Bảng 1. Quy mô và tỷ lệ tham gia LLLĐ của dân số từ 15 tuổi trở lên

image004
 

(Nguồn: Tổng cục thống kê)

            Quý 4/2017, dân số từ 15 tuổi trở lên là 72,20 triệu người, tăng 0,86% so với quý 4/2016, nữ tăng 0,4%; khu vực thành thị tăng 0,44%. Quy mô lực lượng lao động (LLLĐ) từ 15 tuổi trở lên là 55,16 triệu người, tăng 1,11% so với quý 4/2016; nữ tăng 0,15%; khu vực thành thị tăng 1,11%. Mặc dù tiến trình đô thị hóa ở Việt Nam đã và đang diễn ra nhưng đến nay lao động nông thôn vẫn được xem là đông đảo, hiện chiếm khoảng 67,8% lực lượng lao động. Đây là một lợi thế để xây dựng nông thôn mới, tuy nhiên lực lượng lao động dồi dào cũng dễ nảy sinh tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm nếu như không có chính sách giải quyết việc làm phù hợp cho lao động tại khu vực nông thôn.

            * Trình độ lao động tại khu vực nông thôn

          Thực tế cho thấy rằng tuy LĐNT luôn chiếm tỷ trọng cao trong tổng số LLLĐ của cả nước nhưng trình độ lao động còn khá thấp. Số lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật (CMKT) tính đến quý IV năm 2017 là 31.8 triệu người chiếm 86,3% tổng LLLĐ tại khu vực nông thôn, lao động được dạy nghề từ 3 tháng trở lên có 1,53 triệu người chiếm 4,2%, lao động có trình độ trung cấp chuyên nghiệp là 1,1 triệu người chiếm 3% tổng lao động tại khu vực nông thôn, lao động có trình độ cao đẳng là 811 nghìn người chiếm 2,2%, lao động có trình độ đại học trở lên là 1,6 triệu người chiếm 4,4% LLLĐ.

Bảng 2. LĐ có việc làm từ 15 tuổi trở lên theo giới tính và trình độ CMKT

(quý IV năm 2017)

                                                     Đơn vị tính: Nghìn người

image002

Nguồn: (Tổng cục thống kê)

          LĐNT nước ta vốn quen với nền sản xuất nông nghiệp trình độ thấp, mang nặng tính nhỏ lẻ, phân tán, năng lực ứng dụng khoa học - công nghệ và các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào thực tiễn còn hạn chế, vẫn còn tâm lý thụ động, tư duy cạnh tranh kém, tính tự do và manh mún cao. Với trình độ như vậy, LĐNT khó có thể áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp hiện đại. Chất lượng LĐNT thấp đã làm cho thu nhập của người lao động không thể tăng nhanh, dẫn đến khoảng cách giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn ngày càng rộng, làm giảm tiến trình xây dựng nông thôn mới.

          2.2.2. Thực trạng việc làm tại khu vực nông thôn hiện nay

         2.2.2.1. Lao động có việc làm

         Tính đến hết quý IV năm 2017, khu vực nông thôn có 36.833,3 nghìn người từ 15 tuổi trở lên có việc làm, trong đó lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 19.386,8 nghìn người; Khu vực công nghiệp và xây dựng là 9.052,7 nghìn người và Khu vực dịch vụ là 8.393,7 nghìn người. Tỷ trọng lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản luôn chiếm hơn 50% trong tổng số lao động có việc làm tại khu vực nông thôn, tỷ trọng lao động trong khu vực dịch vụ và khu vực công nghiệp, xây dựng dao động từ 23% đến 24%.

image006

Hình 2. Lao động có việc làm từ 15 tuổi trở lên chia theo nhóm ngành kinh tế năm 2017

              Điều này là hoàn toàn phù hợp với đặc điểm sản xuất tại khu vực nông thôn vì phần lớn lao động tại đây quen canh tác trên ruộng đất và nuôi trồng thủy sản, lĩnh vực dịch vụ và công nghiệp xây dựng cho dù thiếu lao động nhưng do trình độ của lao động trong khu vực nông nghiệp, nông thôn vẫn còn rất thấp nên họ vẫn không có năng lực chuyển đổi sang khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ.

             Tuy nhiên, nhằm mục tiêu đến 2020 nước ta cơ bản trở thành quốc gia công nghiệp theo hướng hiện đại, phát triển công nghệ nông thôn nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tăng nhanh tỷ trọng giá trị sản phẩm và lao động các ngành công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ trọng sản phẩm và lao động nông nghiệp là phương hướng cần đạt tới.

              2.2.2.2. Lao động thiếu việc làm

image008

   Hình 3. Số lượng và tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi

             Số lượng lao động tại khu vực nông thôn thiếu việc làm qua các năm có xu hướng giảm, năm 2014 có 1024 nghìn người thiếu việc làm, và tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động là 2,96%. Sang năm 2015 cả số lượng lao động thiếu việc làm và tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động đều giảm hơn so với 2014, cụ thể số lượng lao động thiếu việc làm giảm 203 nghìn người. Năm 2016 lao động thiếu việc làm tiếp tục giảm và giảm 105 nghìn người so với năm 2015. Năm 2017 số lượng lao động thiếu việc làm giảm 130,3 nghìn người so với 2016, tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động giảm 0,56%. Để có cái nhìn tổng quan hơn về tình trạng lao động thiếu việc làm tại khu vực nông thôn ta đánh giá thực trạng thiếu việc làm theo vùng kinh tế xã hội.

image010

Hình 4. Lao động thiếu việc làm từ 15 tuổi trở lên theo vùng kinh tế xã hội năm 2017

              Tỷ lệ lao động thiếu việc làm từ 15 tuổi trở lên tại Đồng bằng sông Cửu Long đang chiếm tỷ lệ cao nhất cả nước về tỷ lệ lao động thiếu việc làm (khoảng 44,39%) và có xu hướng tăng trong năm 2017. Bắc Trung Bộ và Duyên Hải miền Trung là khu vực có tỷ lệ lao động thiếu việc làm cao thứ 2 (khoảng 20,43%) và có xu hướng tăng giảm không đều. Lao động nông thôn tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là hai nơi có tỷ lệ thiếu việc làm thấp nhất cả nước (1%). Như vậy phần lớn lao động thiếu việc làm đều tập trung tại các khu vực có điều kiện kinh tế xã hội còn kém như khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Trung du và miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và Duyên Hải miền Trung, tại các khu vực này việc làm của lao động chủ yếu là trồng trọt, chăn nuôi, lao động thủ công… tuy nhiên đây cũng là những nơi hứng chịu nhiều thiên tai như lũ lụt, cháy rừng, nước biển xâm lấn làm giảm diện tích đất canh tác nông nghiệp nên lao động rất dễ rơi vào tình trạng thiếu việc làm và thất nghiệp tạm thời.

           2.2.2.3. Lao động thất nghiệp

         Số lượng lao động thất nghiệp tại khu vực nông thôn có xu hướng tăng giảm không đều trong 4 năm qua. Năm 2014 là 487 nghìn người với tỷ lệ thất nghiệp là 1,49%, sang năm 2015 lượng lao động thất nghiệp tăng cả về số lượng và tỷ lệ so với năm 2014. Cụ thể, năm 2015 số lượng lao động thất nghiệp tại nông thôn là 608 nghìn người tăng 121 nghìn người, đồng thời tỷ lệ thất nghiệp cũng tăng 0,33% so với năm 2014. Năm 2016 lao động thất nghiệp tại khu vực nông thôn cũng có xu hướng tăng hơn so với năm 2015, tuy nhiên tốc độ tăng chậm hơn, 2016 có 616 nghìn người thất nghiệp, chiếm 1,84% tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động, chỉ tăng 0,02% so với năm 2015. Một tín hiệu đáng mừng là năm 2017, số lượng lao động thất nghiệp đã giảm 33,3 nghìn người so với năm 2016, đồng thời tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lam động cũng giảm 0,09%.

          Tỷ lệ thất nghiệp thanh niên được tính cho những người từ 15 đến 24 tuổi. Khác biệt về tỷ lệ thất nghiệp giữa hai nhóm “thanh niên” “lao động 25+” vẫn tồn tại đáng kể.

Bảng 3. Số lượng và tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi và lao động là thanh niên

image012

(Nguồn: Tổng cục thống kê)

             Thanh niên được xem là một trong những nhóm lao động dễ bị ảnh hưởng nhất bởi các biến động trên thị trường lao động. Vì vậy, thất nghiệp thanh niên luôn được xem là vấn đề quan tâm của xã hội. Trong quý 4 năm 2017, số thất nghiệp thanh niên từ 15-24 tuổi đã chiếm tới 49,1% tổng số lao động thất nghiệp cả nước. Đáng lưu ý, số lao động thanh niên thất nghiệp ở khu vực thành thị lại thấp hơn so với khu vực nông thôn (chiếm khoảng 42,5% 57,5% trong tổng số lao động thất nghiệp thanh niên cả nước).

Tác giả bài viết: Mạc Liên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây