Kế toán hiện nay không phải là một nghề xa lạ với bất kỳ ai trong chúng ta. Ngành Kế toán là 1 trong những ngành nghề phổ biến trên thị trường lao động. Mỗi tháng nước ta có rất nhiều doanh nghiệp mới được thành lập và bất kỳ doanh nghiệp nào cũng đều phải có bộ phận Kế toán để quản lý hoạt động tài chính. Chúng ta cùng nhau tìm hiểu về ngành nghề này nhé!
Ngành kế toán là gì?
Kế toán là công việc ghi chép, thu nhận, xử lý và cung cấp các thông tin về tình hình hoạt động kinh tế tài chính của một tổ chức, doanh nghiệp, cơ quan,… Nói chuyên sâu hơn, kế toán là ngành thực hiện quá trình thu nhận, xử lý và cung cấp thông tin về toàn bộ tài sản, nguồn hình thành tài sản và sự vận động tài sản trong doanh nghiệp, tổ chức, từ đó cung cấp thông tin tài chính hữu ích cho việc đưa ra những quyết định về kinh tế – xã hội và đánh giá hiệu quả các hoạt động trong doanh nghiệp.
Đối tượng chính của Kế toán chính là sự hình thành, biến động của tài sản mà kế toán cần phản ánh, được thể hiện ở hai mặt đó là tài sản và nguồn vốn trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp. Kế toán thường được chia thành hai lĩnh vực: kế toán công và kế toán doanh nghiệp. Chọn học ngành Kế toán, các bạn sẽ được đào tạo từ những kiến thức cơ sở ngành như nguyên lý kế toán, kế toán quản trị, kế toán chi phí, kiểm toán,… đến các kiến thức chuyên sâu của ngành như Kế toán doanh nghiệp, Thuế và kế toán thuế, Phân tích báo cáo tài chính,…
Ngành Kế toán học những gì?
Sinh viên Kế toán sẽ được cung cấp kiến thức về khung pháp lý của kế toán kiểm toán, hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam và chuẩn mực kế toán quốc tế; các quy định về đạo đức nghề nghiệp của kế toán kiểm toán; kiến thức về thu thập, xử lý, kiểm tra và cung cấp thông tin về tình hình tài chính, hiệu quả hoạt động kinh doanh thông qua các nghiệp vụ của kế toán: tính phí, làm dự toán, phân bổ ngân sách, quản lý doanh thu theo sát các kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp.
Ngoài các kiến thức nên tảng, tổng quan sinh viên học ngành kế toán còn được trang bị kỹ năng khác như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng lập kế hoạch, tổ chức sự kiện và tìm kiếm việc làm, kỹ năng thích ứng, phản biện và tư duy sáng tạo,…
Các môn học phục vụ đắc lực cho nghề nghiệp: Lý thuyết tài chính, Nguyên lý kế toán, Tin học cơ bản, Phân tích báo cáo tài chính, Thuế và kế toán thuế,…
Tại Trường Đại học Sao Đỏ, sinh viên sẽ được giảng dạy 146 tín chỉ; trong đó, số tín chỉ đại cương là 52 tín chỉ và khối kiến thức giáo dục chuyên nghiệp là 94 tín chỉ. Ngoài ra, sinh viên tốt nghiệp có năng lực ngoại ngữ tiếng Anh hoặc tiếng Trung Quốc hoặc tiếng Nhật đạt bậc 3/6 khung năng lực ngoại ngữ của Việt Nam hoặc tương đương.
Học ngành Kế toán ra trường làm nghề gì?
Kế toán được xem công cụ quản lý tài chính hữu hiệu ở cấp vi mô lẫn vĩ mô, nó hiện diện ở khắp các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh đến bảo hiểm, ngân hàng, từ cơ quan quản lý tài chính Nhà nước, các doanh nghiệp nghiệp đến các tổ chức phi chính phủ. Do đó nhu cầu nhân lực ở ngành này luôn ở mức cao và ổn định trong xã hội.
Sinh viên kế toán thường có nhiều lựa chọn nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp. Để phát triển sự nghiệp bền vững và phù hợp với khả năng của bản thân, việc định hướng nghề nghiệp rõ ràng ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường là rất quan trọng. Dưới đây là một số gợi ý định hướng nghề nghiệp cho sinh viên kế toán:
- Kiểm toán viên: kiểm tra và xác minh tính chính xác của báo cáo tài chính.
- Kế toán quản trị: chuẩn bị báo cáo quản trị nội bộ và hỗ trợ các quyết định kinh doanh của công ty. Kế toán quản trị làm việc chặt chẽ với các phòng ban khác để đảm bảo hiệu quả hoạt động kinh doanh.
- Chuyên viên phân tích tài chính: Sinh viên kế toán có thể phát triển sự nghiệp trong lĩnh vực phân tích tài chính, nơi họ sẽ phân tích dữ liệu tài chính để hỗ trợ quyết định đầu tư. Công việc này đòi hỏi khả năng phân tích và tư duy logic mạnh mẽ.
- Kế toán thuế: chuẩn bị và nộp các báo cáo thuế cho doanh nghiệp hoặc cá nhân. Kế toán thuế cần nắm vững luật thuế và các quy định liên quan.
- Tư vấn tài chính: với kỹ năng giao tiếp tốt và hiểu biết sâu rộng về tài chính, sinh viên kế toán có thể làm việc trong lĩnh vực tư vấn, hỗ trợ khách hàng đưa ra các quyết định tài chính quan trọng.
- Tiếp tục học tập và phát triển bản thân: theo đuổi các chứng chỉ chuyên môn như ACCA, CPA, CMA hoặc CIA có thể giúp sinh viên mở rộng cơ hội nghề nghiệp và nâng cao năng lực chuyên môn.
Học ngành Kế toán ra trường làm việc ở đâu?
Với các công việc như trên, sinh viên ngành Kế toán có thể khẳng định năng lực của mình tại:
- Các doanh nghiệp, các đơn vị hoạt động vì mục đích lợi nhuận như: công ty, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, ngân hàng thương mại, công ty bảo hiểm.
- Các đơn vị công - các đơn vị hoạt động không vì lợi nhuận như: các cơ quan hành chính sự nghiệp, trường học, bệnh viện.
- Các cơ quan quản lý Nhà nước: bộ phận thuế, thống kê, kế hoạch đầu tư.
- Các trường đại học, cao đẳng, trung tâm đào tạo kế toán.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn