Chuyển đổi số trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán tại Việt Nam

Thứ tư - 03/07/2024 19:42

          Kế toán, kiểm toán có chức năng tạo lập hệ thống thông tin về kinh tế - tài chính - ngân sách đáp ứng yêu cầu cho công tác điều hành và quyết định kinh tế của Nhà nước cũng như của mỗi đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp (DN). Do vậy, cần thiết lập hệ thống chính sách đồng bộ nhằm thúc đẩy hoạt động kế toán, kiểm toán phát triển toàn diện, minh bạch, hiệu lực, hiệu quả theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện của đất nước, phù hợp với quá trình chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu tăng cường hội nhập quốc tế.

          Tại Việt Nam, chiến lược kế toán - kiểm toán đến năm 2030 được ban hành kèm theo Quyết định số 633/QĐ-TTg ngày 23/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh về mục tiêu thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán.

            Theo Cục Quản lý, giám sát kế toán (Bộ Tài chính), qua đánh giá về việc tiếp cận CMCN (cách mạng công nghệ) 4.0 đối với ngành nghề kế toán, kiểm toán và quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực này nói chung, có thể thấy Việt Nam đang ở chặng đường đầu tiên. Những khảo sát về sự quan tâm và hiểu biết của người làm trong lĩnh vực kế toán về tác động của công nghệ số đối với nghề nghiệp của mình cho thấy, Việt Nam đang có nhiều chuyển biến, thay đổi mạnh mẽ trong tư duy.

            Theo kết quả khảo sát của Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) về ảnh hưởng của CMCN 4.0 đến lĩnh vực kế toán - kiểm toán tại Việt Nam, về mức độ quan tâm có hơn 1/2 Kiểm toán viên (KTV) quan tâm cao và chỉ hơn 10% KTV quan tâm đặc biệt; 1/3 KTV cho rằng CMCN 4.0 là vấn đề bình thường như mọi việc khác. Về mức độ tác động, theo khảo sát có 67% các DN kiểm toán, KTV cho rằng CMCN 4.0 đang và sẽ tác động lớn đến ngành nghề kế toán, kiểm toán; 5% nhận thức được CMCN 4.0 sẽ tác động làm biến đổi sâu sắc đến toàn ngành nghề trong tương lai không xa; Có đến 25% các DN kiểm toán, KTV cho rằng CMCN 4.0 chỉ tác động bình thường như yếu tố khác hiện đang tác động đến công việc của họ (như cạnh tranh giá phí, các kỹ thuật kế toán - kiểm toán truyền thống, tuân thủ chuẩn mực, chính sách chế độ…); Có đến 3% cho rằng CMCN 4.0 rất ít tác động đến công việc mà họ đang thực hiện cung cấp cho khách hàng.

            Về ứng dụng thực tế, để tiếp cận với chuyển đổi số nói chung, nhiều DN kế toán đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào hoạt động nghề nghiệp. Hiện nay, nhiều ứng dụng công nghệ số đã được nhiều DN áp dụng vào trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán, như: phần mềm hóa đơn điện tử, phần mềm kế toán điện tử, phần mềm bán hàng điện tử, phần mềm văn phòng điện tử,... Bên cạnh đó, các DN đã dành nguồn lực để đầu tư về mặt công nghệ và về mặt đào tạo nguồn nhân lực nhằm phục vụ tốt nhất cho hoạt động của doanh nghiệp.

            Đối với hoạt động quản lý nhà nước, chuyển đổi số trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán  được Bộ Tài chính quan tâm đẩy mạnh thông qua việc tạo ra khuôn khổ pháp lý khuyến khích DN ứng dụng công nghệ số. Trong đó, Chiến lược phát triển lĩnh vực kế toán - kiểm toán đến năm 2030 tiếp tục khẳng định định hướng, mục tiêu về chuyển đổi số: “Đẩy mạnh ứng dụng CNTT phù hợp với quá trình chuyển đổi số trong việc xây dựng khung khổ pháp lý và tổ chức triển khai thực hiện tại các đơn vị; xây dựng cơ sở dữ liệu liên quan đến kế toán phục vụ hoạt động của các đơn vị và hoạt động quản lý, giám sát kế toán".

            Đánh giá chung cho thấy, quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, cụ thể:

            - Cơ sở hạ tầng CNTT chưa tương xứng: Việc đầu tư cơ sở hạ tầng CNTT trong lĩnh vực kế toán - kiểm toán của Việt Nam chưa theo kịp được với xu hướng mới và chưa được chú trọng đầu tư tương xứng.

            - Sự thiếu hụt nhân sự tài chính, kế toán chất lượng cao: Trong lĩnh vực kế toán, nhân lực đóng vai trò quan trọng nhất bởi các kiến thức chuyên sâu và gắn với lợi ích của nhiều bên liên quan. Thực tế đã chứng minh, nguồn nhân lực trong ngành Kế toán ở Việt Nam không chỉ thiếu về số lượng mà chất lượng cũng chưa cao. Thống kê của Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam, có tới 2/3 sinh viên tốt nghiệp ngành Kế toán, chưa đáp ứng nhu cầu của các nhà tuyển dụng xét trên nhiều khía cạnh. Trong khi đó, kỷ nguyên số hóa ngày nay với những công nghệ mới lại đòi hỏi trình độ của nhân sự tài chính, kế toán rất cao.

            - Lo ngại bài toán bảo mật dữ liệu: Sự ra đời của các công nghệ trong cuộc CMCN 4.0 đã thay đổi hoàn toàn phương thức, quy trình kế toán truyền thống: toàn bộ dữ liệu được số hóa thành các thông tin điện tử, công nghệ blockchain trở thành “sổ cái” khổng lồ... Tuy nhiên, các nguy cơ bị mất cắp các dữ liệu thông tin kế toán, kiểm toán là rất hiện hữu trong môi trường mạng.

            - Sự không phù hợp giữa tư duy lối mòn cũ và văn hóa DN với sự đổi mới công nghệ số: Chiến lược tư duy truyền thống không còn phù hợp đối với kế toán hiện đại. Văn hóa là một yếu tố đóng góp lớn vào sự thành công trong công cuộc chuyển đổi số. Văn hóa mới trong tổ chức phải được thiết lập, đảm bảo rằng các nhân viên tin vào tiềm năng chuyển đổi số và đồng lòng thay đổi hướng đến mục đích chung của DN.

            Để tận dụng được những lợi thế của chuyển đổi số trong lĩnh vực kế toán, trong thời gian tới, cần tập trung triển khai một số nội dung sau:

            - Ứng dụng hiệu quả thành tựu phát triển của CNTT, đáp ứng yêu cầu của quá trình số hóa và chuyển đổi số trong hoạt động kế toán tại các cơ quan nhà nước, DN, đơn vị kế toán.

            - Xây dựng hệ thống dữ liệu phục vụ công tác quản lý, giám sát thị trường dịch vụ kế toán; đảm bảo việc công bố thông tin minh bạch, kịp thời cho thị trường về đội ngũ các DN kế toán cũng như các kế toán viên, kiểm toán viên hành nghề.

            - Phát triển các phần mềm trực tuyến kế toán, nhằm đáp ứng đầy đủ nghiệp vụ tài chính - kế toán cho mọi DN hướng tới giải quyết bài toán xử lý dữ liệu tài chính - kế toán cho DN mọi lúc, mọi nơi và tiết kiệm thời gian tối đa cho người dùng.

            - Chú trọng an toàn, bảo mật thông tin gắn với an ninh mạng trước sự đe dọa tấn công của tội phạm mạng. Do vậy, cần chú trọng xây dựng hệ thống an ninh mạng, đảm bảo bảo mật cao thông tin dữ liệu kế toán, kiểm toán.

            - Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng những thay đổi trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán. Theo đó, bên cạnh những kiến thức chuyên môn sâu về nghiệp vụ kế toán, kiểm toán, các kế toán, kiểm toán viên trong tương lai cũng cần các kỹ năng và kiến thức về luật pháp, công nghệ thông tin, truyền thông và quản lý.

            - Rà soát và điều chỉnh từng bước các chương trình đào tạo hiện có theo hướng cập nhật nội dung về khoa học kế toán đã được quốc tế thừa nhận kết hợp ứng dụng chuyển đổi số vào các chương trình đào tạo này; nghiên cứu xây dựng các môn học, học phần, chương trình đào tạo mới ứng dụng chuyển đổi số ở mức độ cao.

            - Tổ chức các chương trình thực tế giúp sinh viên có cơ hội tiếp cận sớm với thực hành kế toán, kiểm toán tại DN; tổ chức các tọa đàm, chia sẻ kinh nghiệm giữa giảng viên và các chuyên gia tại nhiều DN.

            Kế toán, kiểm toán là một trong những lĩnh vực chịu sự tác động lớn từ cuộc CMCN 4.0 nói chung và xu hướng chuyển đổi số nói riêng. Chuyển đổi số trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán là xu thế tất yếu mà các cơ quan quản lý, các DN cần nhận thức đầy đủ. Điều đáng mừng là trong các chiến lược, kế hoạch về chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính nói chung và kế toán nói riêng của Việt Nam, chủ trương chuyển đổi được đề cập xuyên suốt, thống nhất, góp phần tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của các bên liên quan nhằm bắt kịp và đáp ứng được yêu cầu do bối cảnh mới đặt ra.

            Bài viết thực trạng và giải pháp chuyển đổi số trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán mang tính ứng dụng từ các học phần Kế toán tin, Kế toán thuế, Thương mại điện tử. Từ đó, giúp các em sinh viên ngành Kế toán, Quản trị kinh doanh học tập tốt hơn các học phần này.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây