1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Với mục tiêu tạo chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn và nâng cao đời sống nhân dân trên cơ sở đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn, nhất là ở các vùng còn nhiều khó khăn,.. Ngày 5/8/2008, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá X, kỳ họp lần thứ bảy đã có nghị quyết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn nhằm thúc đẩy quá trình xây dựng và phát triển nông thôn lên tầm cao mới. Một trong những định hướng lớn của nghị quyết để sớm đạt được mục tiêu đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại là phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Triển khai tinh thần của nghị quyết, ngày 04/6/2010, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 800/QĐ-TTg, phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020. Sau gần 10 năm thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ, đến nay kết quả thực hiện Chương trình khá toàn diện: Cả nước có 3.289 xã (đạt 36,84%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (mục tiêu là 31%); có 50 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Cả nước còn 121 xã dưới 5 tiêu chí, giảm 136 xã (vượt mục tiêu năm 2017 giảm số xã dưới 5 tiêu chí xuống dưới 150 xã). Bình quân tiêu chí/xã đạt 14,25 tiêu chí, vượt mục tiêu đạt 14 tiêu chí.
Hình 1: Một số hình ảnh kết quả bước đầu thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới
Tuy nhiên vấn đề đặt ra hiện nay là một bộ phận không nhỏ lao động nhất là lao động thanh niên ở khu vực nông thôn đang thiếu việc làm hoặc thất nghiệp vì vậy vấn đề giải quyết việc làm cho người lao động tại khu vực nông thôn phải được đặt lên hàng đầu. Với mục đích đánh giá thực trạng về số lượng, chất lượng lao động, tình hình việc làm và vấn đề phát triển nông thôn mới tại nước ta hiện nay, bài báo sử dụng các số liệu thứ cấp để phân tích số tuyệt đối, số tương đối, số bình quân, so sánh để xác định các nhân tố ảnh hưởng đến thu nhập, việc làm của lao động và các vấn đề kinh tế xã hội khác có liên quan khác nhằm khuyến nghị các giải pháp để giải quyết việc làm cho lao động nông thôn trong thời gian tới.
2. LAO ĐỘNG - VIỆC LÀM VÀ VẤN ĐỀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN MỚI
2.1. Các vấn đề cơ bản về lao động - việc làm và phát triển nông thôn mới
2.1.1. Khái niệm lao động và lao động nông thôn
- Lao động là hoạt động có mục đích của con người nhằm biến đổi các vật chất tự nhiên thành của cải vật chất cần thiết cho đời sống của mình.
- Nguồn lao động là toàn bộ những người trong độ tuổi lao động có khả năng lao động (theo quy định của nhà nước: nam có tuổi từ 16-60; nữ tuổi từ 16-55).
- Nguồn lao động nông thôn (LĐNT) là một bộ phận dân số sinh sống và làm việc ở nông thôn trong độ tuổi lao động theo qui định của pháp luật (nam từ 16 đến 60 tuổi, nữ từ 16 đến 55 tuổi) có khả năng lao động.
- Lực lượng lao động ở nông thôn là bộ phận của nguồn lao động ở nông thôn bao gồm những người trong độ tuổi lao động có khả năng lao động, đang có việc làm và những người thất nghiệp nhưng có nhu cầu tìm việc làm.
2.1.2. Việc làm
2.1.2.1. Khái niệm việc làm
Đứng dưới mỗi góc độ khác nhau, có những cách hiểu khác nhau về việc làm.
Dưới góc độ kinh tế - xã hội: Việc làm là các hoạt động tạo ra, đem lại lợi ích, thu nhập cho người lao động được xã hội thừa nhận. Dưới góc độ pháp lý: Việc làm là mọi hoạt động lao động tạo ra nguồn thu nhập không bị pháp luật cấm.
Theo quan niệm của Theo tổ chức lao động thế giới (ILO): Người có việc làm là những người làm việc gì đó được trả tiền công, lợi nhuận hoặc được thanh toán bằng hiện vật hoặc những người tham gia vào hoạt động mang tính chất tự tạo việc làm vì lợi ích hay vì thu nhập gia đình không được nhận tiền công hoặc hiện vật.
Bộ luật Lao động Việt Nam năm 2012 đã quy định: “Mọi hoạt động lao động tạo ra nguồn thu nhập không bị pháp luật cấm đều được thừa nhận là việc làm” .
2.1.2.2. Thất nghiệp và thiếu việc làm
Thất nghiệp: Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) “Thất nghiệp là việc ngừng thu nhập do không có khả năng tìm được một việc làm thích hợp trong trường hợp người đó có khả năng làm việc và sẵn sàng làm việc”.
Thiếu việc làm: Theo ILO: Thiếu việc làm là những việc làm không tạo điều kiện cho người lao động tiến hành nó sử dụng hết quĩ thời gian lao động, mang lại thu nhập cho họ thấp dưới mức lương tối thiểu và người tiến hành việc làm không đầy đủ là người thiếu việc làm.
2.1.3. Vấn đề phát triển nông thôn mới
Xây dựng nông thôn mới lần đầu tiên được thực hiện thí điểm tại một số địa phương theo Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ gồm 19 tiêu chí. Đến năm 2010, xây dựng nông thôn mới đã trở thành chương trình mục tiêu quốc gia tại Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 với 11 nội dung với 19 tiêu chí. Theo đó, trong 19 tiêu chí của chương trình có tiêu chí số 12 “Lao động có việc làm” là tiêu chí nhằm giải quyết bài toán lao động và việc làm tại khu vực nông thôn hiện nay.
Mục tiêu tổng quát của chương trình: “Xây dựng nông thôn mới để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phù hợp; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn phát triển nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị; xã hội nông thôn dân chủ, bình đẳng, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; quốc phòng và an ninh, trật tự được giữ vững”.
Muốn thực hiện được mục tiêu của chương trình xây dựng nông thôn mới thì vấn đề việc làm và giải quyết việc làm phải được quan tâm và có những chính sách kịp thời.
2.1.4. Mối quan hệ giữa lao động - việc làm và vấn đề phát triển nông thôn mới
Vấn đề tạo việc làm cho lao động tại khu vực nông thôn và quá trình phát triển nông thôn mới có quan hệ gắn bó chặt chẽ với nhau. Giải quyết được bài toán việc làm sẽ là nhân tố quan trọng thúc đẩy quá trình phát triển nông thôn mới nhanh tới đích hơn, ngược lại có phát triển nông thôn mới thì người lao động tại khu vực nông thôn mới có nhiều cơ hội để tiếp cận khoa học công nghệ, tăng năng suất lao động, tìm kiếm cơ hội làm việc tại chính quê hương mình.
Trong quá trình xây dựng nông thôn mới đã đặt ra một cách tất yếu khách quan để người nông dân Việt Nam trở thành chủ thể quan trọng nhất - lực lượng đông đảo, nòng cốt nhất và có nhiều đóng góp. Nông dân chính là những người tích cực tham gia vào quá trình xây dựng nông thôn mới, chủ động sáng tạo trong xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội; trong quá trình tổ chức sản xuất công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, trong gìn giữ nếp sống văn hóa, thuần phong mỹ tục và là nhân tố góp phần quan trọng vào xây dựng hệ thống chính trị - xã hội vững mạnh, bảo đảm an ninh trật tự tại cơ sở. Thực tế cho thấy, trong số 19 tiêu chí trong chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam, thì tiêu chí “Phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân” là “cửa ải” khó nhất và để đáp ứng yêu cầu này, việc tạo việc làm cho lao động tại khu vực nông thôn phải được đặt lên hàng đầu.
Tác giả bài viết: Mạc Liên
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn