Thương mại toàn cầu và vai trò triển vọng của dịch vụ và dịch vụ phát triển kinh doanh

Thứ sáu - 06/04/2018 15:24

        Các đặc điểm quan trọng của thời đại công nghiệp hiện nay là các hệ thống kinh doanh đang được hình thành trong bối cảnh phân công lao động rất chi tiết và biến đổi nhanh chóng trên toàn cầu và trong khu vực mà thường được gọi là các chuỗi giá trị toàn cầu (CGTTC). Nhận định chung cho thấy sự tham gia của Việt Nam trong các chuỗi giá trị toàn cầu đã đem lại lợi ích to lớn. Nhưng làm thế nào để Việt Nam có thể tăng cường sự tham gia của mình trong CGTTC? Một trong những chủ đề xuyên suốt đó chính là việc phát triển của các dịch vụ để hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào CGTTC.

         Các nhân tố chính sách có ảnh hưởng đến việc tham gia vào quá trình CGTTC bao gồm: (i) chính sách thương mại - thuế nhập khẩu thấp và sự tham gia vào các thỏa thuận thương mại khu vực; (ii) chính sách thu hút vốn FDI; (iii) một số chính sách khác như thuận lợi hóa thương mại, bảo vệ sở hữu trí tuệ, khả năng phát triển và ứng dụng các công nghệ cao, cơ sở hạ tầng giao vận (cảng, nhà kho, công nghệ thông tin), chất lượng thể chế và môi trường chính sách tạo thuận lợi, các dịch vụ công, nguồn nhân lực được đào tạo tốt. Chính sách phát triển các dịch vụ hỗ trợ tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu thuộc nhóm thứ III này.

Dịch vụ do vậy có thể phân ra làm hai nhóm chính để phát triển với mục tiêu rõ ràng như sau:

         a. Nhóm thứ nhất: Phát triển ngành dịch vụ hiện đại để cải thiện sự kết nối

       Bên cạnh việc phát triển các Dịch vụ hỗ trợ kinh doanh cho các DNNVV, phát triển ngành dịch vụ hiện đại mạnh mẽ ở Việt Nam là rất quan trọng để cải thiện sự kết nối. Đây là một lĩnh vực mà Việt Nam bị tụt hậu so với các nước đối thủ cạnh tranh của mình, đưa nó vào thế bất lợi. Các dịch vụ hiện đại như tài chính, bảo hiểm, viễn thông, vận tải và hậu cần, là những đầu vào quan trọng cho sản xuất hàng xuất khẩu. Tuy nhiên trong khuôn khổ báo cáo này, các dịch vụ hiện đại này sẽ khó có thể được đề cập một cách đầy đủ, mà chủ yếu được nhắc đến với vai trò thúc đẩy kết nối thương mại.

       Báo cáo “Việt Nam 2035” đã chỉ ra sự cần thiết phải cải thiện kết nối thương mại để hỗ trợ các doanh nghiệp tăng cường khả năng dịch chuyển hàng hoá trong phạm vi Việt Nam và qua biên giới của mình một cách có hiệu quả và đáng tin cậy, để giữ cho chi phí lưu kho thấp và tuân thủ các yêu cầu nghiêm ngặt của các công ty dẫn đầu về thời gian giao hàng. Sự kết nối có ba thuộc tính quan trọng, mỗi thuộc tính trong số đó đều đòi hỏi sự quan tâm về chính sách và phát triển các dịch vụ tương ứng:

      + Kết nối về thể chế: Thuộc tính này là “phần mềm” của khả năng kết nối, bao gồm tạo thuận lợi thương mại, cải cách cơ cấu và quy định và tạo thuận lợi về giao thông vận tải và hậu cần. Việt Nam đạt kết quả tương đối tốt về Chỉ số hiệu suất về hậu cần của Ngân hàng Thế giới (LPI), xếp thứ 48 trong số 160 quốc gia về đánh giá tổng thể và đạt xếp hạng cao nhất trong số các quốc gia có thu nhập trung bình thấp mặc dù vẫn còn tụt hậu so với các nước thu nhập trung bình cao trong khu vực như Thái Lan, Trung Quốc và Malaysia.

Tuy nhiên vẫn cần phải xử lý với hàng trăm quy định phi hải quan phức tạp cấp phép cho các hoạt động thương mại qua biên giới do một số cơ quan quản lý nhà nước cấp phép và quản lý. Mặc dù có những tiến bộ gần đây trong cải cách hải quan và thực hiện hệ thống một cửa quốc gia và ASEAN, nhưng chi phí tuân thủ về thời gian và tiền bạc để giải phóng hàng tại và sau biên giới vẫn còn cao ở Việt Nam. Các nhà cung cấp dịch vụ hậu cần trong nước rất đông về số lượng, nhưng luôn không có khả năng xử lý các giao dịch đa phương thức phức tạp. Một khía cạnh khác của kết nối thể chế còn yếu kém là kiểm tra sức khỏe và các biện pháp kiểm dịch động thực vật (SPS). Đây là khía cạnh mà Việt Nam bị đánh giá là kém hơn các nước đồng cấp ASEAN.

        + Kết nối về vật lý: Thuộc tính này đề cập đến các khía cạnh “phần cứng”, như cảng, sân bay, đường bộ và đường sắt, cũng như cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, năng lượng. Những yếu kém kéo dài về cơ sở hạ tầng kết nối của Việt Nam là lý do tại sao các DN này phải đối mặt với chi phí hậu cần tương đối cao hiện nay - khoảng 21% GDP, so với khoảng 15% ở Thái Lan và 19% ở Trung Quốc và tại sao các chuỗi cung ứng tại Việt Nam bị coi là không đáng tin cậy và không thể dự đoán đối với các nhà đầu tư toàn cầu.
        + Kết nối con người: Thuộc tính thứ ba này đề cập đến sự dịch chuyển của con người qua biên giới (cung cấp dịch vụ, giáo dục và du lịch). Chẳng hạn, để kết nối con người trong điều kiện gần 50% lực lượng lao động Việt Nam vẫn làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, với năng suất và thu nhập thấp, thì người lao động phải học hỏi, cập nhật kỹ năng mới. Để giải quyết vấn đề này cần:

        - Cải tiến dịch vụ đào tạo nhằm giải quyết tốt mối quan hệ giữa số lượng và chất lượng, giữa dạy chữ với dạy người, dạy nghề;

       - Đẩy mạnh hệ thống thông tin của thị trường lao động nhằm liên kết giữa vùng miền, giữa người chủ sử dụng lao động và người lao động.

       b) Nhóm thứ hai: dịch vụ phát triển kinh doanh, bao gồm cả các hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ.

       Đây là nhóm DVPTKD rất cần thiết phát triển nhằm thúc đẩy sự phát triển của khu vực tư nhân có quy mô đủ lớn để tham gia CGTTC hiệu quả.

      Cần ưu tiên thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp nhỏ thành doanh nghiệp vừa và từ doanh nghiệp vừa thành doanh nghiệp lớn chứ không phải tập trung vào việc hình thành quá nhiều doanh nghiệp nhỏ để rồi các doanh nghiệp này phải đóng cửa từ năm này qua năm khác. Cần xác định rõ rằng: Chuyển sang các hoạt động có giá trị gia tăng và năng suất cao hơn đòi hỏi mức độ thâm dụng vốn nhiều hơn, kỹ năng và tay nghề cao hơn và quy mô lớn hơn so với những gì mà các doanh nghiệp siêu nhỏ và doanh nghiệphộ gia đình có thể tạo ra được, đặc biệt nếu xét về việc hình thành những thương hiệu quốc gia mạnh hoặc áp dụng những công nghệ mới, có hiệu quả về chi phí. Điều này có nghĩa là, cho dù có khuyến khích phát triển DNNVV hay hỗ trợ cả các DN lớn thì vấn đề then chốt là phải tăng năng suất của các DNNVV bằng cách gắn kết họ vào chuỗi giá trị của nền kinh tế trong nước và quốc tế.

       Dịch vụ phát triển kinh doanh cho các DNNVV do vậy phải được thiết kế cho từng giai đoạn phát triển, hay nói cách khác cho từng giai đoạn tham gia vào CGTTC, nhất là đối với các hoạt động có tính chất quốc tế hóa. Có thể chia làm ba giai đoạn như sau:

       + Giai đoạn hỗ trợ chuẩn bị quốc tế hóa: sẵn sàng để gia nhập thị trường nước ngoài trực tiếp hoặc trở thành một nhà cung cấp trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Các DVPTKD cần phát triển trong giai đoạn này để hỗ trợ doanh nghiệp đó là:

       - Dịch vụ cung cấp các thông tin về thị trường nước ngoài và các yêu cầu hành chính có liên quan để gia nhập thị trường.

       - Các dịch vụ tổ chức các cuộc triển lãm ở nước ngoài để giới thiệu sản phẩm cho DNNVV.

       - Dịch vụ đào tạo về “kinh doanh quốc tế”, bao gồm hỗ trợ cho chuyến thăm khảo sát và tập huấn tại các thị trường nước ngoài.

      - Các dịch vụ liên quan đến tài chính (ví dụ, tín dụng nói chung, tín dụng xuất khẩu, bảo hiểm, quản lý rủi ro và vốn liên doanh); và một loạt các chương trình khác liên quan đến dịch vụ tài chính và hỗ trợ liên quan.

       - Các dịch vụ làm quen thị trường thông qua đào tạo ở nước ngoài để nhân viên của DNNVV có thể có hiểu biết thực tế về thị trường nước ngoài; Chi phí có thể lớn nhưng nó cũng có thể có tác động rất lớn, đặc biệt là khi kết hợp với việc sử dụng nhân viên trở về phục vụ cho các chương trình đào tạo trong toàn công ty.

       - Phát triển kỹ năng cho các nhà cung ứng trong CGTTC; Các dịch vụ nhằm nâng cao các kỹ năng, kỹ thuật và quản lý của các doanh nghiệp phục vụ tham gia của họ trong CGTTC, bao gồm cả kỹ năng kinh doanh nói chung, lẫn kỹ năng kinh doanh có liên quan đến quốc tế (ví dụ, kế hoạch kinh doanh, quản lý tài chính, sử dụng thông tin thị trường).

     + Giai đoạn hỗ trợ tham gia tích cực và triển khai các hoạt động quốc tế: Các DVPTKD trọng tâm cần thiết ở giai đoạn này là:

        - Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các yêu cầu quy định và tiêu chuẩn. Những yêu cầu quản lý phức tạp và tốn kém của thị trường quốc tế liên quan đến đăng ký, nghĩa vụ pháp lý và thủ tục kinh doanh là những thách thức đáng kể cho DNNVV, nhất là đối với việc đáp ứng tiêu chuẩn khác nhau, thử nghiệm và quy trình đánh giá. Những rào cản này làm tăng chi phí, thời gian và không đảm bảo được chắc chắn khả năng gia nhập thị trường quốc tế; Vai trò của Chính phủ trong việc thiết kế phát triển các dịch vụ này là đặc biệt quan trọng.

       - Các dịch vụ hỗ trợ kết nối DNNVV để tạo lập các liên minh cho phép DNNVV tận dụng quan hệ đối tác để đạt được quy mô kinh tế và cạnh tranh hiệu quả hơn (ví dụ, chi phí thấp hơn) và có hiệu quả (ví dụ như, tiếp cận nhiều hơn với khách hàng quốc tế).

      + Giai đoạn tăng trưởng và mở rộng vị thế thị trường sản phẩm của DN: Ở giai đoạn này các dịch vụ hỗ trợ cần tập trung vào các năng lực bên trong lẫn bên ngoài, chẳng hạn như:

       - Tăng cường năng lực cho phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Dịch vụ này nhằm tăng khả năng của doanh nghiệp việc đáp ứng một loạt các tiêu chuẩn sản phẩm và quy trình nghiêm ngặt (ví dụ, chất lượng). Đồng thời, tăng cường năng lực để đáp ứng các tiêu chuẩn để phục vụ thị trường quốc tế, hoặc trực tiếp (xuất khẩu) hoặc cung cấp trong CGTTC. Dịch vụ này cho phép các công ty thâm nhập các thị trường mới; hoặc nâng cấp và nhờ đó mở rộng phạm vi các nhà cung cấp trong chuỗi giá trị cụ thể.

       - Tạo môi trường kinh doanh thông qua mạng lưới các cụm công nghiệp, xây dựng mối quan hệ hợp tác công tư, giữa các doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp lớn hơn (trong nước và nước ngoài) và các tổ chức hỗ trợ khác (ví dụ, các cơ quan chính phủ, viện nghiên cứu và giáo dục). Những dịch vụ này có thể giúp thương mại hóa các ý tưởng kinh doanh và ươm tạo cũng như thành lập doanh nghiệp mới; kích thích và cho phép đổi mới thị trường sản phẩm. Nó cũng làm cho doanh nghiệp nhỏ tham gia hấpdẫn hơn với tư cách là các nhà cung cấp tiềm năng dưới con mắt của các công ty lớn và DN quốc tế và người mua.

Tác giả bài viết: Trần Hằng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây