Ngày 20/11/1982, lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức trọng thể trên khắp cả nước, trở thành dấu mốc quan trọng mang tính lịch sử của ngành giáo dục Việt Nam. Cũng kể từ đó, ngày 20/11 trở thành ngày các thế hệ học trò tri ân công lao dạy dỗ của các thầy cô giáo, nhiều hoạt động kỷ niệm được tổ chức nhằm khẳng định và duy trì truyền thống tốt đẹp "tôn sư trọng đạo". Đây cũng là ngày ngành giáo dục cùng đánh giá hiệu quả hoạt động, lên phương án, kế hoạch mới nhằm nâng cao chất lượng dạy học. Ngày hiến chương các nhà giáo được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1982, tuy nhiên, thực chất, ngày này có nguồn gốc lịch sử từ vài chục năm trước đó và xuất phát từ ngày kỷ niệm của quốc tế.
Trong ngày 20/11/1958, lễ kỷ niệm không những được tổ chức tại Hà Nội, mà còn diễn ra từ Vĩnh Linh (giới tuyến quân sự tạm thời giữa ta và địch) đến các vùng biên giới hải đảo. Từ miền núi đến vùng đồng bằng ở miền Bắc đều có những hoạt động phong phú tại các trường học trên địa bàn huyện, quận, thị xã…
Nhiều thư của giáo giới, học sinh, sinh viên miền Bắc gửi lên Hồ Chủ tịch, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chính phủ với lời hứa quyết tâm học tập, rèn luyện, nâng cao giác ngộ cách mạng XHCN, ý thức đấu tranh thống nhất nước nhà, xây dựng nhà trường XHCN. Hàng nghìn lá thư của giáo giới, học sinh, sinh viên miền Nam, thông qua đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam, đã nói lên lòng sôi sục căm thù Mỹ - Diệm phá hoại hiệp định Giơ-ne-vơ, cố tình chia cắt lâu dài nước ta, ủng hộ phong trào đấu tranh của giáo giới, học sinh, sinh viên miền Nam Việt Nam; đòi thực hiện một nền giáo dục dân tộc, đòi tăng ngân sách cho giáo dục để mở trường lớp, bảo đảm việc học tập cho học sinh; đấu tranh chống mọi cuộc đàn áp, bắt bớ, tù đày, sát hại những nhà giáo, học sinh, sinh viên yêu nước tại miền Nam Việt Nam và kiên quyết đấu tranh nhằm đem lại hòa bình, độc lập, thống nhất nước nhà…
Hàng năm vào kỷ niệm ngày 20/11, cơ quan tiểu ban giáo dục thường xuất bản, phát hành một số tập san đặc biệt để cổ vũ tinh thần đấu tranh của giáo viên trong vùng tạm chiếm nói riêng, động viên tinh thần chịu đựng gian khổ hy sinh của giáo viên kháng chiến nói chung.
Khi Việt Nam thống nhất, với ý nghĩa tích cực của ngày 20/11, theo nguyện vọng của giáo giới cả nước, kiến nghị của Đại hội Công đoàn Giáo dục Việt Nam lần thứ VIII (tháng 4/1982) và Bộ Giáo dục, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Tổng Cục dạy nghề, Ủy ban Bảo vệ bà mẹ trẻ em…, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Quyết định số 167/HĐBT, ngày 26/9/1982 quyết định sẽ lấy ngày 20/11 hàng năm là Ngày Nhà giáo Việt Nam.
38 năm đã trôi qua kể từ ngày mang ý nghĩa lịch sử đó, hàng năm cứ đến ngày 20/11, nguồn gốc ra đời của ngày này lại được kể lại, để các thế hệ trẻ có điều kiện tìm hiểu và thêm tự hào về ngành giáo dục.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn