Tính phù hợp của chương trình đào tạo ở một số cơ sở đào tạo vẫn chưa đáp ứng được với thị trường lao động hiện nay. Kiến thức tích lũy trong nhà trường của sinh viên chưa phù hợp với công việc thực tế, chưa đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp. Một số môn học trong chương trình đào tạo đã không còn phù hợp với đòi hỏi thực tế của thị trường lao động, nội dung thiếu thực hành, thiếu trang bị kỹ năng làm việc.
Với sinh viên, trong quá trình học tập thường chưa tích cực học tập kiến thức và trau dồi kỹ năng làm việc theo từng học phần được học, không tích cực với các nội dung tự học, học trên lớp, tham khảo tài liệu, tự học, tự tìm hiểu từ thực tiễn hoạt động sản xuất kinh doanh thông qua mối quan hệ xã hội với những đàn anh/chị đã có việc làm nên nhiều sinh viên ra trường không xin được việc làm hoặc có việc làm nhưng không đảm nhiệm được vị trí công tác, phải đào tạo lại. Vì vậy, sự “năng động và chuyên sâu” là nhân tố nổi bật thể hiện sự đòi hỏi của thực tiễn đối với kỹ năng, khả năng đảm nhận công việc của sinh viên. Sinh viên sau tốt nghiệp có chuyên môn tốt sẽ dễ dàng thích ứng và giảm được áp lực công việc.
Trong môi trường làm việc mà xu thế cạnh tranh đang ngày càng phát triển, nếu không có định hướng nghề nghiệp rõ ràng, sinh viên khó có thể bảo đảm yếu tố gắn bó với công việc ở các cơ quan tuyển dụng. Các cơ quan tuyển dụng sẽ không tuyển nếu không nhìn thấy ở ứng viên niềm say mê và tâm huyết nghề nghiệp mà họ đã chọn. Vì vậy, định hướng nghề nghiệp của sinh viên có ảnh hưởng lớn đến việc tiếp thu kiến thức trong quá trình học cũng như cơ hội kiếm được việc làm của sinh viên ra trường.
Nhiều nhà quản lý nhân sự ở các công ty có chung nhận định, lao động trẻ thiếu định hướng nghề nghiệp rõ ràng. Đại đa số có tư tưởng xin việc vì quyền lợi bản thân chứ chưa nghĩ nhiều về công việc, chưa thật sự tâm huyết và sống chết vì nó. Nếu sinh viên mới ra trường có thể định hướng cho bản thân một hướng phát triển dài hạn trong tương lai, và từ định hướng đó, tìm kiếm công việc phù hợp trước mắt để có thể phát triển đúng định hướng của mình, nhà tuyển dụng sẽ đánh giá cao. Và nếu định hướng phát triển sự nghiệp của ứng viên phù hợp với môi trường làm việc của công ty, nhà tuyển dụng sẽ đánh giá rằng, ứng viên đó có thể gắn bó lâu dài với công ty của họ.
Nhiều sinh viên thi tuyển sinh vào đại học, cao đẳng không phải vì ham mê, yêu thích hay có năng khiếu mà chỉ để lấy một trường nào đó để đi học. Cũng có sinh viên có khả năng về chuyên ngành mình theo học nhưng trong quá trình học đã không chịu khó học hành, rèn luyện kỹ năng, không xác định rõ mục tiêu hay học hỏi kinh nghiệm trong quá trình học tập nên khi ra trường không tránh khỏi việc lúng túng khi tiếp cận với công việc. Trong khi xã hội ngày càng đòi hỏi người thực sự có khả năng làm việc hiệu quả, có chất lượng thì tất yếu những người không có khả năng sẽ bị xã hội tự đào thải.
Ngoài việc trang bị những kiến thức, kỹ năng chuyên môn thì việc trang bị kỹ năng mềm là một yếu tố rất quan trọng trong môi trường công việc. Có những công việc, kỹ năng mềm chiếm đến 80% yêu cầu công việc, và chuyên môn chỉ chiếm 20%. Càng lên vị trí càng cao, kỹ năng mềm càng quan trọng. Theo đánh giá của nhiều các nhà tuyển dụng thì đa số sinh viên mới tốt nghiệp thiếu những kỹ năng như: kỹ năng làm việc theo nhóm, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng xin việc, kỹ năng ngoại ngữ, vi tính, hợp tác và tự làm việc; tự chủ và thích ứng… khả năng tự tạo việc làm, sự năng động, thích ứng của sinh viên với yêu cầu của nhà tuyển dụng cũng còn hạn chế.
Tác giả bài viết: Admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn