Thực tế hiện nay cho thấy, nhiều sinh viên ra trường với tấm bằng loại khá, giỏi, có năng lực chuyên môn tốt nhưng vẫn chật vật không xin được việc làm. Nguyên nhân là do ngoài yếu tố hạn chế về kỹ năng mềm, các sinh viên chưa có kỹ năng phỏng vấn xin việc tốt, không phù hợp với yêu cầu của nhà tuyển dụng. Vậy làm thế nào để trả lời tốt các câu hỏi phỏng vấn khi xin việc nhằm tìm kiếm được việc làm đúng chuyên môn và mong muốn của bản thân, sau đây là một số kinh nghiệm cụ thể đối với sinh viên ngành Kế toán:
(Ảnh từ Internet)
* Công tác chuẩn bị trước khi phỏng vấn:
1. Chuẩn bị hồ sơ đầy đủ, cẩn thận và hãy trình bày một cách chi tiết, đầy đủ các thông tin và thành tích mình đã đạt được. Điều này giúp nhà tuyển dụng đánh giá về sự chu đáo, cẩn thận cũng như có cái nhìn ban đầu về kiến thức của bạn.
2. Chuẩn bị thật tốt các kiến thức chuyên môn ngành Kế toán, đặc biệt là cập nhật các văn bản pháp luật, các quy định mới ban hành của Nhà nước và Bộ tài chính về công tác kế toán, thuế. Ngoài ra, các kỹ năng sử dụng excel, phần mềm kế toán, khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ rất cần thiết cho công việc, đồng thời nó giúp cho bạn tăng khả năng cạnh tranh của bản thân với những người cùng phỏng vấn.
3. Tìm hiểu kỹ về doanh nghiệp mà các bạn dự định phỏng vấn xin việc. Đặc biệt, đối với sinh viên ngành kế toán cần tìm hiểu kỹ về loại hình sản xuất kinh doanh: thương mại, dịch vụ, sản xuất… để có câu trả lời phù hợp về tổ chức công tác kế toán trong doanh nghiệp.
* Quá trình phỏng vấn:
1. Đến đúng giờ: việc đến trễ khi phỏng vấn là điều tối kỵ, thể hiện tính không nghiêm túc trong công việc và làm bạn mất điểm trước nhà tuyển dụng.
2. Trang phục khi đi phỏng vấn: Cần chuẩn bị trang phục phù hợp với vị trí mà bạn phỏng vấn. Đối với người làm kế toán cần chọn trang phục công sở lịch sự, không nên chọn trang phục quá thời trang, lòe loẹt sẽ gây phản cảm với nhà tuyển dụng.
3. Khi phỏng vấn cần giữ thái độ nhã nhặn, tự tin, nhẫn nại và cố gắng hết sức với những câu hỏi được đặt ra, tránh trường hợp trả lời qua loa, hời hợt. Tuy nhiên, bạn cũng không nên trình bày lan man hay phô trương vì người làm kế toán cần đức tính khoa học và trung thực trong công việc.
4. Hầu hết các doanh nghiệp đều đòi hỏi kinh nghiệm làm kế toán thực tế của người xin việc, tuy nhiên với sinh viên mới ra trường khó đáp ứng được yêu cầu này. Thông thường, hầu hết các bạn đều học kế toán thực tế qua các lớp học Kế toán thực tế tại trường hoặc trung tâm đào tạo hoặc có thể đã làm công việc bán thời gian nhưng không đúng chuyên ngành. Vì vậy, thay vì trả lời “không có kinh nghiệm thực tế” các bạn hãy đưa ra các chứng chỉ đào tạo kế toán thực tế đã học hoặc kể về các công việc đã làm, mặc dù các công việc này không đóng góp kinh nghiệm nghề nghiệp nhưng người tuyển dụng vẫn có sự đánh giá về kỹ năng giải quyết công việc cũng như hiểu biết của bạn về lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh.
5. Đừng nói “Tôi không biết” hoặc “Tôi không làm được”: Khi gặp một câu hỏi về một vấn đề nào đó mà bạn chưa từng nghe qua, đừng vội trả lời rằng “Tôi không biết” hay “Tôi không làm được” vì nhà tuyển dụng sẽ đánh giá bạn là người kém năng lực. Thay vào đó, hãy nói khéo léo hơn: “Tôi chưa tìm hiểu” hoặc “Tôi sẽ tìm hiểu về vấn đề này” để chứng tỏ bạn là người cầu tiến và ham học hỏi. Đây là một trong những kỹ năng trả lời phỏng vấn xin việc quan trọng mà nhiều người chưa biết.
6. Không nói những điều tiêu cực về công ty cũ: Một trong những câu hỏi thường gặp của nhà tuyển dụng là “Tại sao bạn nghỉ việc ở chỗ làm cũ?”. Trong trường hợp đó, đừng bao giờ trả lời bằng cách “nói xấu” sếp cũ hoặc đồng nghiệp cũ. Nhà tuyển dụng chắc chắn sẽ kết luận rằng, hôm nay bạn có thể nói những điều tiêu cực về cơ quan cũ thì ngày mai nếu rời khỏi công ty của họ, bạn cũng sẽ có thể làm điều tương tự. Do đó, để trả lời tốt câu hỏi này, bạn hãy nói về sự không phù hợp của bạn với chỗ làm cũ và về sự mong mỏi được dấn thân vào một thử thách mới, một trải nghiệm mới.
7. Biết cách đặt câu hỏi để tránh thụ động: Suốt buổi phỏng vấn xin việc, bạn đừng trở nên thụ động vì chỉ toàn trả lời những câu hỏi được nhà tuyển dụng đặt ra. Một kỹ năng trả lời phỏng vấn xin việc rất quan trọng mà không phải người xin việc cũng biết đó là biết cách đặt câu hỏi ngược lại. Việc thỉnh thoảng đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng khiến buổi phỏng vấn trở nên nhẹ nhàng hơn, giống như một buổi nói chuyện thân mật chứ không phải là một bài kiểm tra căng thẳng và áp lực. Ngoài ra, nhà tuyển dụng cũng sẽ hài lòng khi biết mức độ quan tâm của bạn đối với công việc trong tương lai là rất cao. Chẳng hạn như: “loại hình công nghệ nào tôi có thể sử dụng để đáp ứng tốt nhất cho công việc này?”, hay “tôi đã từng sử dụng qua một phần mềm rất phù hợp với công việc ở đây, không biết công ty mình đã thử qua phương thức đó chưa?”……
8. Tuyệt đối không sử dụng điện thoại trong quá trình phỏng vấn vì nó sẽ khiến nhà tuyển dụng có cái nhìn không thiện cảm và đánh giá không tốt về thái độ làm việc, tính chuyên nghiệp trong công việc của bạn.
Với những kinh nghiệm trên về phỏng vấn xin việc đối với sinh viên ngành Kế toán hy vọng sẽ giúp cho các sinh viên mới ra trường có thể vận dụng để tìm kiếm cơ hội việc làm tốt nhất và phù hợp nhất cho bản thân. Điều quan trọng nhất trong số rất nhiều kỹ năng phỏng vấn xin việc đó là bạn phải là chính mình. Dù bạn có nắm rõ các cách thức “lấy lòng” nhà tuyển dụng đến đâu thì điều mà họ quan tâm và chú trọng nhất vốn không phải là hình thức thể hiện bên ngoài mà chính là năng lực và đạo đức của bạn. Chính vì thế để có được công việc như mong muốn, bạn hãy luôn luôn và luôn luôn là chính mình trong mắt nhà tuyển dụng.
Tài liệu tham khảo:
- https://www.careerlink.vn/cam-nang-viec-lam/phong-van-viec-lam/ky-nang-tra-loi-phong-van-xin-viec
- https://www.careerlink.vn/cam-nang-viec-lam/phong-van-viec-lam/ky-nang-tra-loi-phong-van-xin-viec