Hàng tồn kho là một bộ phận tài sản không thể thiếu trong bất kỳ chu trình sản xuất nào của doanh nghiệp, nó không những phản ánh năng lực sản xuất, cơ sở vật chất và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất mà còn phản ánh quy mô và trình độ quản lý vốn kinh doanh của doanh nghiệp. Hàng tồn kho được xem là tài sản lưu động quan trọng. Vì lý do đó, kế toán hàng tồn kho cũng chiếm vị trí không nhỏ trong các doanh nghiệp.
(Ảnh: Internet)
1. Công việc của kế toán hàng tồn kho
Tùy thuộc vào từng loại hình doanh nghiệp mà công việc của kế toán kho có sự khác nhau nhưng nhìn chung, công việc của kế toán hàng tồn kho bao gồm:
- Kiểm tra tính hợp lệ của hóa đơn, chứng từ trước khi thực hiện Nhập/Xuất kho.
- Hạch toán nhập xuất kho, vật tư, đảm bảo sự chính xác và phù hợp của các khoản mục chi phí.
- Phối hợp với kế toán công nợ đối chiếu số liệu phát sinh hàng ngày.
- Xác nhận kết quả kiểm, đếm, giao nhận hóa đơn, chứng từ và ghi chép sổ sách theo quy định.
- Thường xuyên kiểm tra việc ghi chép vào thẻ kho của thủ kho, hàng hóa vật tư trong kho được sắp xếp hợp lý chưa, kiểm tra thủ kho có tuân thủ các qui định của công ty.
- Đối chiếu số liệu nhập xuất của thủ kho và kế toán.
- Trực tiếp tham gia kiểm kê đếm số lượng hàng nhập xuất kho cùng thủ kho, bên giao, bên nhận.
- Lập báo cáo tồn kho, báo cáo nhập xuất tồn.
- Kiểm soát nhập xuất tồn kho.
- Tham gia công tác kiểm kê định kỳ (hoặc đột xuất).
- Chịu trách nhiệm biên bản kiểm kê, biên bản đề xuất xử lý nếu có chênh lệch giữa sổ sách và thực tế.
- Nộp chứng từ và báo cáo kế toán theo quy định
2. Một số lưu ý khi làm kế toán hàng tồn kho
Trong quá trình làm kế toán hàng tồn kho có một số lưu ý như sau:
- Ghi nhận hàng tồn kho khi có đầy đủ hóa đơn, chứng từ hợp lệ: Cần tránh trường hợp không ghi phiếu nhập kho, không có biên bản giao nhận hàng, không có biên bản đánh giá chất lượng hàng tồn kho. Mua hàng hóa với số lượng lớn nhưng không có hợp đồng, hóa đơn mua hàng không đúng quy định.
- Xác định và ghi nhận đúng giá gốc hàng tồn kho (Chú ý phân bổ phần chi phí liên quan đến mua hàng vào giá vốn hàng nhập kho)
- Thường xuyên đối chiếu giữa thủ kho và kế toán, việc này sẽ tránh được chênh lệch kiểm kê thực tế và sổ kế toán, thẻ kho, chênh lệch sổ chi tiết, sổ cái, bảng cân đối kế toán. Nếu có phát hiện thì sẽ xử lý kịp thời
- Khi lập phiếu nhập, xuất kho cần lưu ý: Đánh số thứ tự phiếu nhập, xuất kho; các chỉ tiêu phải nhất quán; lập phiếu nhập xuất kho cần kịp thời, cần có đầy đủ tên, chữ kí của những người có liên quan.
- Xuất vật tư cho sản xuất cần theo dõi cả về số lượng và giá trị.
- Tránh viết phiếu xuất kho trước khi viết phiếu nhập kho vì điều này có thể dẫn tới đơn giá, số lượng HTK âm do luân chuyển chứng từ chậm.
- Viết phiếu xuất kho riêng cho mỗi lần xuất và theo dõi chi tiết từng loại vật tư, nguyên vật liệu, hàng hóa,…
- Lập bảng tổng hợp nhập – xuất – tồn định kỳ hàng tháng, hàng quý, bảng tổng hợp số lượng từng loại nguyên vật liệu tồn kho để đối chiếu với số liệu trên sổ kế toán.
- Lập biên bản kiểm nghiệm vật tư nhập kho tránh trường hợp mua hàng sai quy cách, chất lượng, chủng loại… nhưng vẫn hạch toán nhập kho.
- Cần hạch toán phế liệu thu hồi. Nguyên vật liệu xuất thừa cần hạch toán nhập lại kho.
- Khi xuất giao hàng gửi bán ngoài việc viết phiếu xuất kho cần kí hợp đồng.
- Phương pháp tính giá xuất kho, xác định giá trị sản phẩm dở dang phải phù hợp và nhất quán trong năm tài chính.
- Cần phân bổ công cụ, dụng cụ theo tiêu thức phù hợp, nhất quán và lập bảng phân bổ công cụ dụng cụ xuất dùng trong kỳ.
- Tại thời điểm cuối năm tài chính cần kiểm kê hàng tồn kho và xử lý kịp thời vật tư, hàng hóa phát hiện thừa, thiếu khi kiểm kê.