Trước những thay đổi liên tục xu hướng các ngành nghề khác nhau thì Kế toán vẫn là ngành học mang tính ổn định cao, thu hút được nhiều bạn trẻ chọn học và gắn bó. Với phương châm đào tạo kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên ngành Kế toán phải gắn với nhu cầu thực tế của các doanh nghiệp và tổ chức kinh tế, bộ môn Tài chính kế toán xác định một số các kỹ năng cần thiết cho sinh viên ngành Kế toán.
- Kỹ năng về chuyên môn
Để làm tốt một việc gì đó thì có năng lực chuyên môn cao luôn là sự ưu tiên hàng đầu của các nhà tuyển dụng. Sinh viên phải có chuyên môn thì mới nắm bắt và hiểu được công việc. Một nhà tuyển dụng chắc hẳn sẽ không ai muốn tuyển một người chưa biết một chút gì để về đào tạo cơ bản từ điều dễ nhất. Theo quy định của luật Kế toán Việt Nam thì một cá nhân muốn hành nghề kế toán phải có bằng cấp, chứng chỉ hành nghề kế toán do nhà nước hay các cơ quan có thẩm quyền cấp. Để trở thành một nhân viên kế toán chuyên nghiệp, SV khi ra trường cần có nghiệp vụ, trình độ chuyên môn. Các kỹ năng cụ thể phản ánh năng lực chuyên môn của sinh viên ngành Kế toán bao gồm:
- Kỹ năng nhận diện và lập chứng từ kế toán đúng chính sách, chế độ kế toán.
- Kỹ năng phân loại, sắp xếp chứng từ.
- Kỹ năng hạch toán, ghi sổ.
- Kỹ năng tổng hợp, phân tích, lập báo cáo kế toán.
- Kỹ năng lập các báo cáo thuế hàng tháng và quyết toán thuế năm (Thuế giá trị gia tăng, Thuế thu nhập doanh nghiệp, Thuế thu nhập cá nhân, …)
- Kỹ năng sử dụng phần mềm kế toán thông dụng phổ biến trên thị trường hiện nay.
- Kỹ năng lập dự toán, tổ chức phân tích hoạt động kinh doanh, đánh giá và tham mưu cho nhà quản trị doanh nghiệp trong việc lựa chọn các quyết định kinh doanh.
- Kỹ năng tin học văn phòng
Ngày nay khi công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ và sự có mặt ở máy tính ở hầu hết tất cả mọi nơi thì kỹ năng tin học văn phòng là công cụ hỗ trợ đắc lực cho mọi người. Thành thạo các phần mềm vi tính, các chương trình tin học văn phòng cơ bản như Word, Excel hay Powerpoint sẽ là lợi thế trong công việc. Đặc biệt đối với công việc kế toán cần phải soạn thảo hợp đồng, biên bản hoặc ghi chép sổ sách kế toán, chứng từ thì kỹ năng này là rất cần thiết.
- Kỹ năng ngoại ngữ, tiếng anh chuyên ngành Kế toán.
Tiếng anh chuyên ngành kế toán cũng là một kỹ năng khá quan trọng trong công việc nếu muốn trở thành một nhân viên kế toán chuyên nghiệp. Nó có thể giúp người làm kế toán tự tin hơn khi làm việc với người nước ngoài, chủ động hơn khi đọc các báo cáo tài chính hay những tài liệu kế toán bằng tiếng anh. Có tiếng anh trong tay chắc hẳn công việc kế toán sẽ thành công và thuận lợi hơn.
- Kỹ năng phân tích, quan sát tổng hợp.
Phân tích, tổng hợp và quan sát là kỹ năng cần có mà một nhân viên kế toán cần có. Vì công việc kế toán tổng hợp phải làm khá nhiều việc như thu thập chứng từ, hoá đơn, sổ sách, ghi sổ, báo cáo, thu chi... Đây đều là công việc đòi hỏi người làm kế toán cần có khả năng quan sát, phân tích, nhận định những nghiệp vụ phát sinh. Và từ đó tổng hợp và đưa ra những bút toán, hạch toán chính xác nhất.
- Kỹ năng giao tiếp, ứng xử chuyên nghiệp, khéo léo
Giao tiếp luôn là kỹ năng cần thiết đối với mỗi con người. Người có khả năng giao tiếp là có thể kết nối lại với mọi người xung quanh. Đây sẽ là tiền đề tạo dựng mối quan hệ giữa đồng nghiệp với nhau. Kỹ năng giao tiếp chuyên nghiệp và khả năng ứng xử khéo léo luôn là hành trang cần thiết với mỗi chúng ta, đặc biệt nhân viên kế toán.
- Kỹ năng sắp xếp công việc, quản lý thời gian.
Kỹ năng sắp xếp và quản lý tốt quỹ thời gian của mình giúp ta hoàn thành tốt công việc cũng như theo kịp tiến độ làm việc. Sắp xếp công việc một cách hợp lý hơn sẽ giúp bạn có thể tận dụng để làm được nhiều việc hơn, nâng cao năng suất làm việc và hiệu quả hơn rất nhiều.
Thực trạng cho thấy, phần đông các doanh nghiệp hiện nay tuyển dụng kế toán đòi hỏi sinh viên phải có ít nhất 2 năm kinh nghiệm, tuy nhiên các doanh nghiệp đã đưa ra ý kiến chung rằng: “sinh viên ngành kế toán sau tốt nghiệp 5 năm đầu tiên là học việc”, nhiều kỹ năng chưa đáp ứng được yêu cầu công việc, tính thực hành – thực tế trong công việc của sinh viên còn yếu. Cụ thể:
Nhận thấy sự cần thiết phải có những hướng đi cụ thể để khắc phục những hạn chế về kỹ năng nghề nghiệp của sinh viên ngành kế toán hiện nay, bộ môn Tài chính kế toán đã đưa ra những định hướng cụ thể như sau:
Thứ nhất: Về phía người dạy
- Nâng cao kiến thức thực tế cho giảng viên bằng cách đi trải nghiệm, học tập ở các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị hành chính sự nghiệp.
- Thực hiện hình thức tổ chức dạy học phù hợp theo nguyên tắc tăng cường tính thực hành, hoạt động tương tác, hoạt động nhóm, giải quyết vấn đề, đánh giá chính xác, học tập thực địa....
- Xây dựng hệ thống bài tập thực hành cho các môn học như: Kế toán doanh nghiệp, Kế toán chi phí, Kế toán thuế... để nâng cao năng lực thực hiện cho sinh viên ngành Kế toán về nhận diện và lập chứng từ kế toán, ghi sổ kế toán, lập báo cáo tài chính...
- Đưa các ví dụ cụ thể đến từ nghiệp vụ kinh tế phát sinh trong đơn vị kế toán, thể hiện bằng chứng từ thực tế của doanh nghiệp vào giảng dạy môn học chuyên ngành.
- Chú trọng đến việc hướng dẫn các quy trình kế toán cơ bản của từng phần hành kế toán để giúp sinh viên hiểu rõ công việc, nhiệm vụ của từng vị trí trong phòng kế toán và trình tự cần phải thực hiện.
- Tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp để đánh giá kỹ năng của sinh viên thông qua việc tổ chức các cuộc thi, đưa sinh viên đi tham quan, trải nghiệm thực tế.
Thứ hai: Về phía người học:
- Sinh viên phải xác định đúng động cơ, thái độ trong học tập, học cho bản thân, học để nâng cao năng lực, học để lập thân lập nghiệp.
- Luôn luôn tích cực, chủ động, phối hợp với giảng viên trong các bài giảng lý thuyết và thực hành để bài học đạt hiệu quả cao nhất.
- Tích cực nghiên cứu tài liệu, các văn bản pháp luật, chế độ, thông tư về kế toán liên quan đến từng môn học.
Như vậy, để hình thành kỹ năng nghề nghiệp thì bản thân mỗi sinh viên phải tự ý thức, chủ động trong quá trình học tập. Giảng viên phải vận dụng các phương pháp giảng dạy cũng như chuẩn bị nội dung, phương tiện phù hợp với định hướng tăng cường thực hành thực nghiệm môn học dựa trên nhu cầu thực tế của các doanh nghiệp đặt ra, với phương châm: “Tôi nhìn tôi nhớ, tôi làm tôi hiểu”.
Những tin cũ hơn