ĐÀO TẠO NHÂN LỰC NGÀNH KẾ TOÁN TRONG BỐI CẢNHCUỘC CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0

Thứ hai - 18/03/2024 09:08

ĐÀO TẠO NHÂN LỰC NGÀNH KẾ TOÁN TRONG BỐI CẢNHCUỘC CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0

HUMAN RESOURCE TRAINING IN THE CONTEXT OF INDUSTRIAL REVOLUTION 4.0

            Đinh Thị Kim Thiết

Tóm tắt

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) – một bước tiến quan trọng trong công nghệ số của nhân loại đang tạo ra nhiều cơ hội cho nghề kế toán, bên cạnh đó cũng đặt ra những thách thức không nhỏ đối với công tác đào tạo kế toán. Việc đào tạo nhân lực ngành kế toán có tính khoa học, phù hợp với sự phát triển của công nghệ số là yêu cầu tất yếu không những đối với Việt Nam mà cả các nước trên thế giới. Trong phạm vi bài báo, tác giả đề cập đến những tác động của cuộc CMCN 4.0; yêu cầu đối với nhân lực ngành kế toán; đánh giá thực trạng đào tạo nhân lực ngành Kế toán tại Việt Nam hiện nay, từ đó có những định hướng trong đào tạo kế toán tại Việt Nam trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0.

Từ khóa: Cách mạng công nghiệp 4.0; nhân lực; ngành kế toán; định hướng.

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Các công nghệ mới như trí tuệ thông minh nhân tạo, in 3D và robot đang nổi lên với tiềm năng có tác động biến đổi đối với các ngành nghề, nền kinh tế và xã hội nói chung. Tốc độ và phạm vi của sự chuyển đổi công nghệ này là theo cấp số nhân với khả năng không giới hạn và cơ hội bất tận. Vấn đề là các tác động của nó đến ngành giáo dục nói chung và các trường đại học nói riêng là gì? Công tác đào tạo nhân lực ngành Kế toán cần định hướng như thế nào cho phù hợp?

Theo Luật số 88/2015/QH13 do Quốc hội ban hành:Kế toán là việc thu thập, xử lý, kiểm tra, phân tích và cung cấp thông tin kinh tế, tài chính dưới hình thức giá trị, hiện vật và thời gian lao động. Vì vậy, Kế toán có trách nhiệm trong tổ chức quản lý, điều chỉnh và báo cáo tài khoản của tổ chức. Kế toán là người thực hiện các chức năng tài chính liên quan đến việc thu thập, phân tích và trình bày hoạt động tài chính của một doanh nghiệp, tổ chức hoặc công ty.

Kế toán thường có nhiều vai trò quản trị trong hoạt động của công ty. Trong một doanh nghiệp vừa và nhỏ, vai trò của kế toán có thể bao gồm thu thập dữ liệu tài chính, nhập liệu và lập báo cáo tài chính, báo cáo quản trị. Các công ty có quy mô trung bình đến lớn, kế toán vừa làm cố vấn và thông dịch viên tài chính, những người có thể trình bày dữ liệu tài chính của công ty cho những đối tượng trong và ngoài doanh nghiệp. Kế toán cũng có thể đối phó với các bên thứ ba như nhà cung cấp, khách hàng và tổ chức tài chính.[1]

Khi công nghệ ngày càng trở nên tinh vi và hiện diện trong mọi khía cạnh của doanh nghiệp. Ngành kế toán sẽ phải đối mặt với những thay đổi đáng kể, và các tổ chức chuyên nghiệp phải đáp ứng với những thay đổi này.

Hiện nay, chúng ta đang trong bối cảnh của một cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, được gọi là Công nghiệp 4.0. Vậy làm thế nào kế toán có thể tồn tại trong thời đại công nghiệp 4.0? Đây chính là một thách thức rất lớn đối với công tác giáo dục, đào tạo người làm kế toán trong giai đoạn hiện nay, đòi hỏi phải có những định hướng đào tạo đúng đắn cho sinh viên ngành Kế toán.

2. CÁCH MẠNG 4.0 VÀ NHỮNG TÁC ĐỘNG CỦA NÓ ĐẾN HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC NGÀNH KẾ TOÁN.

2.1. Cách mạng 4.0 là gì?

Khái niệm Công nghiệp 4.0 lần đầu tiên được đưa ra tại Hội chợ công nghiệp Hannover (Cộng hoà Liên bang Đức) vào năm 2011. Công nghiệp 4.0 nhằm thông minh hoá quá trình sản xuất và quản lý trong ngành công nghiệp chế tạo. Sự ra đời của Công nghiệp 4.0 tại Đức đã thúc đẩy các nước tiên tiến khác như Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Ấn Độ thúc đẩy phát triển các chương trình tương tự nhằm duy trì lợi thế cạnh tranh của mình.
 

 

Hình 1: Lịch sử các cuộc cách mạng công nghiệp

Các khái niệm cơ bản của nền công nghiệp 4.0 là sự tăng cường kết nối của các mạng sử dụng Internet of Things và Internet of Services thông qua Cyber-Physical Systems. Internet of Things là mạng các thiết bị vật lý gắn với công nghệ vi mạch mạng, phần mềm, cảm biến và bộ điều khiển cho phép thu thập và trao đổi dữ liệu, trong khi Internet of Services là cung cấp các dịch vụ thông qua internet. Các hệ thống vật lý được theo dõi và kiểm soát có dây và không dây nhờ các thuật toán dựa trên máy tính thông qua trí thông minh nhân tạo (không phải con người) để kích hoạt các hành động tự động. Trong các nhà máy thông minh của tương lai, bộ cảm biến sẽ giám sát môi trường vật lý và các thuật toán máy tính được sử dụng để kiểm soát các tham số vận hành vật lý. Kết quả sẽ là một môi trường sản xuất có sự tự nhận thức, tự dự đoán, tự so sánh, tự cấu hình lại, và tự bảo trì [5].

Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư này là xu thế tất yếu để đáp ứng chính xác nhu cầu của từng khách hàng, làm tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả, tốc độ, giảm tiêu hao nguyên nhiên liệu, chi phí sản xuất và vận hành. Đồng thời với việc bảo vệ môi trường sống, giúp phát triển biền vững.

Bên cạnh đó, Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư cũng mang đến nhiều thách thức về đảm bảo việc làm, quản trị xã hội, an toàn và an ninh thông tin. Đối với các nước đang phát triển như Việt Nam, thách thức lại càng lớn hơn khi các điều kiện về hạ tầng công nghệ và nguồn nhân lực chưa sẵn sàng để thích ứng và tận dụng cơ hội mà Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư mang đến.

Mới đây Cisco dự báo lưu lượng dữ liệu toàn cầu năm 2021 sẽ tăng 7 lần so với năm 2016. Các ứng dụng thực tế ảo, thực tại ảo tăng cường có tiềm năng ứng dụng cao và sử dụng rất nhiều dữ liệu. Điều này cho thấy hạ tầng viễn thông băng rộng tiên tiến, đặc biệt là hạ tầng di động băng rộng rộng khắp là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển của Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư.

2.2. Tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đến nghề kế toán

PGS.TS Đặng Văn Thanh – Chủ tịch Hội Kế toán Việt Nam (VAA) nhận định: Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới với việc tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thì việc chủ động chuẩn bị những nền tảng cần thiết để tiếp cận thành tựu công nghệ mới từ cuộc CMCN 4.0 sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam nói chung và lĩnh vực tài chính, kế toán nói riêng tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu, vào thị trường dịch vụ tài chính; đóng góp tích cực cho tăng trưởng của đất nước.

Mặc dù không nằm trong 9 khu vực, lĩnh vực được đánh giá là chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất của CMCN 4.0 nhưng tài chính, dịch vụ tài chính, đặc biệt là kế toán– khu vực được coi là đứng đầu về ứng dụng công nghệ thông tin chắc chắn sẽ chịu ảnh hưởng và tác động rất lớn của CMCN 4.0.

Minh chứng cho điều này là một số hoạt động của kế toán đã bị lỗi thời trước công nghệ, như: kỹ thuật lấy mẫu, các nghiệp vụ thủ công nhàm chán như định khoản, ghi chép và lưu trữ dữ liệu. Tất cả những hoạt động này đã được thay thế bởi các phần mềm kế toán thông minh. Thậm chí hoạt động quản lý hàng tồn kho vốn dĩ được thực hiện bởi các kế toán kho, thủ kho cũng sẽ dần bị thay thế bởi các phần mềm điều khiển thiết bị di động và nhận được kết quả ngay lập tức thông qua Internet.

Hiện nay, một trong bốn công ty kiểm toán hàng đầu trên thế giới là Deloitte đã vàđang phát triển một công cụ có tên là Argus với các tính năng nổi bật như phân tích các tài liệu điện tử, có thể tự động nhận diện và trích xuất được các thông tin kế toán quan trọng từ dữ liệu kế toán. Và công cụ này được xây dựng trên nền tảng của trí tuệ nhân tạo.


Hình 2: Báo cáo tăng trưởng doanh thu của công ty Deloitte

Với thành tựu đó, công ty Deloitte đã đạt doanh thu khổng lồ qua các năm. Điều đó cho thấy tác động mạnh mẽ của công nghệ 4.0 đến lĩnh vực kế toán. Và đây chính là những thách thức mà ngành kế toán cần phải đối mặt trong thời gian tới. Làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0 đã tác động rất mạnh đến ngành Kế toán. Cụ thể ở các vấn đề sau:

- Xử lý dữ liệu: Đối với hoạt động Kế toán  của các doanh nghiệp Việt Nam, hiện nay, thời gian dành cho hoạt động xử lý chứng từ chiếm 66% tổng số thời gian hoạt động nghiệp vụ kế toán. Nguyên nhân chính của vấn đề này là tại Việt Nam trong hoạt động kế toán tại các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu vẫn sử dụng phần mềm Excel và một số phần mềm kế toán thông dụng khác [5]. Tuy nhiên, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra sẽ phát triển nhiều công cụ, phần mềm kế toán hiện đại hơn và quan trọng là có thể giảm thiểu được thời gian xử lý chứng từ cho bộ phận kế toán. Cụ thể, trong vấn đề ghi nhận dữ liệu, sau khi các nghiệp vụ kinh tế phát sinh, nhân viên kế toán không cần nhập dữ liệu qua bàn phím mà chỉ cần quét dữ liệu vào hệ thống (gọi là công nghệ “không dùng đến tay”), công nghệ này cho phép các kế toán viên có thể nhập liệu một cách tự động các số liệu lặp đi lặp lại mà không cần phải dùng đến tay. Điều đó giúp họ dư thời gian để làm công việc khác thay vì phải tốn sức nhập liệu nhiều giờ liền. Hoặc việc xử lý và lưu trữ dữ liệu sẽ được thực hiện nhanh gọn và chính xác hơn thông qua các chương trình thông minh đã được lập trình sẵn. Còn đối với việc kết xuất báo cáo, bằng các thiết bị di động thông minh, người dùng sẵn sàng đọc được các báo cáo kế toán đa dạng mà mình mong muốn, từ báo cáo tài chính, báo cáo thuế, sổ chi tiết,…

- Tự động hóa: Trong công bố về những ngành nghề có nguy cơ bị thay thế bởi rô bốt của Đại học danh tiếng hàng đầu nước Anh - Đại học Oxford  vào năm 2013 đã cho thấy, trong tương lai gần, 97,6% công việc của kế toán sẽ bị tin học hóa và 95,3% công việc của Kế toán sẽ được tự động hóa thay thế. Đồng thời, theo nghiên cứu của Công ty Kiểm toán Deloitte, từ 10 đến 20 năm nữa, 94% việc làm kế toán tại Hà Lan sẽ được tự động hóa hoàn toàn. Vì thế, công nghệ tự động hóa có thể thay thế nhiều bộ phận trong hoạt động tài chính - kế toán.
 

 

Hình 3. Cấu trúc hệ thống thông tin kế toán dựa trên công nghệ điện toán đám mây

- Điện toán đám mây: Trên nền tảng công nghệ điện toán đám mây,các phần mềm kế
toán trực tuyến đã và đang được hoàn thiện nhanh chóng. Khác với phần mềm kế toán truyền thống thông thường, phần mềm kế toán online sẽ giúp cho việc lưu trữ dữ liệu kế toán không còn bị giới hạn về không gian và thời gian cũng như có thể lưu trữ một lượng lớn dữ liệu kế toán qua nhiều năm một cách an toàn [6]. Bên cạnh đó, các phần mềm kế toán online còn có thể chạy trên các hệ điều hành khác nhau cho phép nhân viên kế toán có thể sử dụng trên các thiết bị điện tử khác nhau.Ngoài ra, mọi dữ liệu về tài chính kế toán đều được sao lưu thường xuyên và quản lý tập trung tại một địa chỉ trên hệ thống máy chủ điện toán đám mây.

- Trí tuệ nhân tạo: Với trí tuệ nhân tạo, công nghệ không chỉ dừng lại ở việc thu thập thông tin mà còn có thể tự động thực hiện các phân tích tài chính mà trước đây cần phải có sự can thiệp của kế toán viên.

- Công nghệ Blockchain: Blockchain được định nghĩa là một sổ cái mở và được phân quyền cho các kế toán viên. Nó có khả năng ghi chép và xác  định các nghiệp vụ kinh tế phát sinh tại doanh nghiệp. Blockchain tồn tại như một file lưu trữ rất nhiều nghiệp vụ kinh tế phát sinh được ghi chép lại gọi là khối (block). Mỗi khối chứa một mốc thời gian (timestamp) và một dãy số dẫn tới khối trước đó. Blockchain được thiết kế để vô hiệu hóaviệc sửa đổi dữ liệu và không thể thay đổi được dữ liệu. Giống như hầu hết các sáng kiến công nghệ, blockchain trong kế toán làm giảm phần lớn khả năng xảy ra sai sót khi đối chiếu các thông tin phức tạp và khác biệt từ nhiều nguồn khác nhau. Hơn nữa, hồ sơ kế toán sẽ không thể sửa chữa, thay đổi một khi đã được lưu vào blockchain, ngay cả khi chủ sở hữu hệ thống kế toán yêu cầu. Bởi trên nền tảng blockchain, mọi giao dịch hàng ngày được ghi chép lại và xác thực, do đó tính vẹn toàn của các hồ sơ tài chính được đảm bảo [4].

Những tác động của cuộc CMCN 4.0 đến ngành Kế toán trên đây đặt ra yêu cầu đối với nhân lực Kế toán về kỹ năng, thái độ, ý thức,… nhằm đáp ứng doanh nghiệp cũng như cạnh tranh về cơ hội việc làm trong tương lai.

3. YÊU CẦU ĐẶT RA ĐỐI VỚI NHÂN LỰC NGÀNH KẾ TOÁN

Xuất phát từ những tác động của cuộc CMCN 4.0 đến ngành Kế toán, ta có thể thấy rằng trong kỷ nguyênCMCN 4.0, khoa học công nghệ và rô bốt có thể thay thế một sốcông việc của nhân viên Kế toán nhưng khôngthể hoàn toàn thay thế con người trong hoạtđộng kế toán. Nói cách khác, công nghệ chỉ bổsung sức mạnh tay chân, nó thực hiện các thaotác nặng nề của tính toán, những thứ tẻ nhạtlặp đi lặp lại nhưng không thể thay thế đượcsức mạnh của não. Thế nhưng đây cũng lànhững rủi ro mà các nhà kế toán cần phải có biện pháp để quản lý và kiểm soát chúng. Sauđây là một số yêu cầu nhân lực ngành Kế toán của nước ta trong bối cảnhCông nghiệp 4.0:

- Nâng cao kiến thức và kỹ năng về công nghệ kỹ thuật số. Trong nghiên cứu về các kỹ năng cần thiết cho kế toán trong tương lai của Hiệp hội kế toán công chứng Anh (ACCA) vào năm 2016 cho thấy, kiến thức về công nghệ kỹ thuật số là kỹ năng quan trong mà các kế toán viên chuyên nghiệp còn thiếu, đặc biệt các chuyên viên kế toán tại Việt Nam. Bên cạnh đó, theo thống kê của Phòng Thương Mại và Công Nghiệp Việt Nam (VCCI) năm 2015, các Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam rất tích cực trong việc tiếp cận với công nghệ thông tin. Chẳng hạn, trung bình trong năm 2015 có 95% các doanh nghiệp Việt Nam sử dụng internet, 80% các doanh nghiệp sử dụng email. Vì thế, để có thể giữ vững được vị trí của mình trong tương lai, yêu cầu đặt ra cho các nhân viên Kế toán là phải tăng cường kiến thức và kỹ năng về công nghệ kỹ thuật số như là: điện toán đám mây, big data,...[4]

- Thường xuyên cập nhật quy định mới về Kế toán trong bối cảnh CMCN 4.0. Đội ngũ nhân lực kế toán cần phải trang bị thật kỹ các kiến thức về các quy định mới về kế toán trong bối cảnh CMCN 4.0. Bởi vì để theo kịp với sự phát triển của khoa học công nghệ, đòi hỏi các quy định, các chuẩn mực kế toán cũng cần phải có sự điều chỉnh cho phù hợp. Việc kế toán viên nắm chắc các vấn đề về toàn cầu hóa sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công việc kế toán của mình. Đồng thời, các kế toán viên trong tương lai cần dành nhiều thời gian để nhận diện, nắm bắt được tình trạng “sức khỏe” tài chính của doanh nghiệp mình để từ đó có được những tư vấn phù hợp cho nhà quản lý trong công tác xây dựng chiến lược. Đây là vấn đề mà không máy móc thiết bị, khoa học công nghệ nào có thể thay thế được.

- Trang bị các kỹ năng cần thiết về kế toán quản trị. Trong tương lai, khi các công việc tay chân của nhân viên kế toán được thay thế bởi tự động hóa thì vị trí kế toán quản trị là một xu hướng tất yếu dành cho các kế toán viên. Bởi khó có thể công nghệ nào thay thế được bộ não của con người trong việc nhận định, phán đoán và đưa ra các chiến lược cho doanh nghiệp. Do đó, ngoài kỹ năng chuyên môn về kế toán quản trị như: Phân tích báo cáo tài chính, kế toán và quản trị chi phí, lập kế hoạch - kiểm soát, lập và phân tích báo cáo quản trị, tài chính doanh nghiệp và quản trị nguồn ngân sách, quản lý rủi ro, kiểm soát nội bộ, thuế và hệ thống thông tin kếtoán,…kế toán viên còn cần trang bị cho mình các  kỹ năng như: kỹ năng con người, kỹ năng kinh doanh và kỹ năng lãnh đạo. Trong đó, kỹ năng con người chính là năng lực thuyết phục mọi người, tạo sự ảnh hưởng tích cực của mình đối với tổ chức và các thành viên trong tổ chức. Hơn nữa, việc nhân viên kế toán quản trị có thể lập kế hoạch chiến lược và kiểm soát việc thực hiện chiến lược, phân tích và đánh giá môi trường vĩ mô và các tác động của chúng lên tổ chức, quản trị hệ thống và hoạt động, quản lý các mối quan hệ và quản lý dự án và am hiểu về môi trường luật pháp và tác động lên doanh nghiệp là một lợi thế rất lớn cho các nhân viên kế toán quản trị. Và việc có thể dẫn dắt được mọi người đi theo quan điểm của mình sẽ giúp cho các nhân viên kế toán quản trị thuận lợi trong việc giải quyết được các công việc của mình.

- Trang bị các kỹ năng phối hợp với người khác - làm việc đội nhóm, quản trị trí tuệ cảm xúc, kỹ năng đánh giá và đưa ra quyết định cần rèn luyện. Ngoài ra, người làm kế toán cũng không thể bỏ qua kỹ năng tư duy dịch, đàm phán, linh hoạt trong tư duy đem đến sự hỗ trợ tốt nhất cho các đối tác, người cần sử dụng dịch vụ - đó là tiêu chuẩn cung cấp dịch vụ toàn cầu. Bên cạnh đó, việc trau dồi các kỹ năng giải quyết vấn đề phức tạp, kỹ năng tư duy phản biện, khả năng sáng tạo, kỹ năng quản trị con người và trí tuệ cảm xúc cũng là một yêu cầu cần thiết. Bởi vì máy móc không thể làm thay con người được, mà máy móc đều do con người thiết kế và chỉ đạo nó.

4. THỰC TRẠNG ĐÀO TẠO KẾ TOÁN TẠI VIỆT NAM

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và đào tạo, cho đến thời điểm tháng 10/2016, Việt Nam có khoảng 553 cơ sở đào tạo, trong đó có 203 trường đại học và học viện, 208 trường cao đẳng và 142 trường trung học chuyên nghiệp. Trong tổng số các cơ sở đào tạo này, có trên 50% đăng ký đào tạo ngành kế toán với nhiều chuyên ngành khác nhau như kế toán doanh nghiệp, kế toán kiểm toán,...  Theo một số khảo sát gần đây, đặc biệt trong thời gian 06 tháng đầu năm 2016, quá trình đào tạo này đã làm cho kế toán trở thành một trong những ngành có nguồn cung lao động dồi dào nhất trong số các ngành nghề phổ biến hiện nay.
 

 

 

Hình 4. Những nhóm ngành có nguồn cung nhân lực cao

Tuy nhiên, so với yêu cầu ngày càng của CMCN 4.0 và hội nhập quốc tế, nhân lực kế toán vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề đòi hỏi công tác đào tạo nhân lực kế toán cần có phương hướng điều chỉnh.

- Thứ nhất, về chương trình đào tạo:

Cho đến nay, mục tiêu chương trình đào tạo mới chỉ tập trung vào kỹ năng nghề nghiệp, ít hoặc không đề cập đến các yêu cầu về kỹ năng mềm, đạo đức nghề nghiệp và kỹ năng sử dụng công nghệ số, khả năng phân tích tài chính, quản trị tài chính. Về nội dung chương trình đào tạo, có nhiềumôn, như các môn Kế toán doanh nghiệp, kế toán công, kế toán xây dựng cơ bản,…còn trùng lặp về nội dung khoa học nên cả người giảng và người nghe đều không hứng thú. Ngoài ra, nội dung chương trình thiếu tính cập nhật, lý thuyết chưa gắn với thực tiễn, cơ cấu thời lượng chưa hợp lý, dẫn đến sinh viên học quá nhiều nhưng kiến thức thực sự phù hợp thu được chẳng bao.Khối lượng các học phần về tin học còn chiếm tỷ trọng thấp, chưa bổ sung các nội dung về các vấn đề mới như điện toán đám mây, “big data”, công nghệ kỹ thuật số, báo cáo tích hợp, kế toán khí thải carbon,… chủ yếu vẫn dừng ở cấp độ tin học văn phòng, kiến thức lập trình còn hạn chế. Một trong những nguyên nhân là do 25% chương trình học ở đại học là dành cho các môn bắt buộc và hầu hết các môn này đều không còn hấp dẫn với sinh viên. Một thực tế nữa là việc phân bố các nội dung học trong chương trình đào tạo kế toán chưa hợp lý. Thời lượng cần thiết để dành cho thảo luận, trao đổi và liên hệ thực tế của môn học còn quá ít. Chương trình học thiên về kế toán tài chính mà chưa chú trọng đến kế toán quản trị và phân tích tài chính. Bên cạnh đó chương trình đào tạo hiện nay vẫn chưa chú trọng đến vấn đề hội nhập, nên việc đào tạo ngoại ngữ và kỹ năng mềm cho người làm kế toán vẫn chưa được coi trọng thích đáng. Thỏa thuận trong khuôn khổ AEC về 8 lĩnh vựcngành nghề được tự do di chuyển có kèm theo yêu cầu lao động phải qua đào tạo và thông thạo ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh. Do đó, trình độ tiếng Anh của sinh viên đang trở thành thách thức với hoạt động đào tạo tại các trường ĐH. Các chuẩn mực kế toán quốc tế hầu như chỉ được đưa vào chương trình của một số trường đại học lớn nhưng cũng chỉ dừng lại ở mức tìm hiểu mà không có sự vận dụng cụ thể trong thực tế. Theo PGS. TS. Nguyễn Xuân Hưng, CPA Úc, Phó trưởng Khoa Kế toán trường Đại học Kinh Tế TP. HCM, mặc dù một số trường đại học đã đưa IAS/IFRS vào giảng dạy ở bậc cử nhân, nhưng do khung pháp lý kế toán Việt Nam vẫn chú trọng nhiều vào các quy định cụ thể,nên cơ chế chính sách còn chưa hoàn thiện, do vậy một số kỹ thuật đặc biệt của IFRS còn chưa có căn cứ pháp lý để thực hiện. Đồng thời, do trở ngại về ngôn ngữ, trong khi IAS/IFRS được biên soạn bằng tiếng Anh, nên khả năng đọc, hiểu bằng ngôn ngữ này của sinh viên và giảng viên Việt Nam còn hết sức hạn chế,…[2].


Hình 5. Số lượng chuẩn mực IAS/IFRS được giảng dạy

- Thứ hai, về giảng viên giảng dạy:

Giáo viên được coi là một trong những nguồn lực bắt buộc để đào tạo nhân lực phù hợp với yêu cầu thời đại, giáo viên có tầm ảnh hưởng quan trọng đến khả năng, mức độ tiếp thu kiến thức kế toán cũng như quyết định nghiên cứu sâu hơn của sinh viên. Trong quá trình quốc tế hóa đào tạo kế toán, quốc tế hóa trình độ giáo viên cần nhận được sự ủng hộ của chính sách quốc gia, đây là một trong những thách thức lớn trong việc phát triển đào tạo kế toán. Mặc dù chất lượng và số lượng của lực lượng đội ngũ giảng viên ngày một nâng cao nhưng phương pháp giảng dạy về cơ bản vẫn mang tính thuyết giảng làm người học tiếp thu một cách thụ động, nội dung giảng dạy mang nặng lý thuyết, tính ứng dụng thấp. Thời gian đứng lớp của giảng viên tại các trường còn quá lớn, làm hạn chế thời gian dành cho nghiên cứu khoa học và thâm nhập thực tế. Đặc biệt, trình độ ngoại ngữ của hầu hết các giảng viên còn hạn chế, chưa đủ khả năng để giảng dạy bằng tiếng Anh. Do đó, sinh viên không nâng cao được trình độ tiếng Anhchuyên ngành, khả năng nghiên cứu, thamkhảo tài liệu quốc tế cũng hạn chế.

Về phương pháp giảng dạy, hầu hết vẫn theo phương pháp truyền thống, hạn chế khả năng tư duy sáng tạo của sinh viên. Theo nghiên cứu của TS. Trần Văn Tùng – Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, hiện có 4 phương pháp dạy học tích cực đang được sử dụng để giảng dạy, trong đó có môn Kế toán tài chính: dạy kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, thảo luận theo nhóm giải quyết vấn đề, dạy học theo dự án và dạy học mô phỏng. Theo TS Trần Văn Tùng:

Bảng 1. Kết quả thống kê của giảng viên về phương pháp dạy học đối với môn Kế toán tài chính

TT

Các phương pháp dạy học tích cực

Mức độ thực hiện

Thường xuyên

Không thường xuyên

Không có

1

Dạy kết hợp giữa lý thuyết và thực hành

14/63
(22,22%)

43/63
(68,25%)

6/63
(9,53%)

2

Thảo luận theo nhóm giải quyết vấn đề

18/63
(28,57%)

42/63
(66,67%)

3/63
(4,76%)

3

Dạy học theo dự án

4/63
(6,35%)

12/63
(19,05%)

47/63
(74,60%)

4

Dạy học mô phỏng

7/63
(11,11%)

44/63
(69,84%)

12/63
(19,05%)

                        Nguồn: tapchitaichinh.vn

Từ bảng trên cho thấy, tỷ lệ không thường xuyên vận dụng các phương pháp dạy học tích cực trong giảng dạy của giảng viên vẫn chiếm phần lớn. Đặc biệt, tỷ lệ không giảng dạy theo phương pháp dạy học theo dự án còn cao, tới 74,6%. Như vậy, phương pháp dạy học môn Kế toán tài chính tại các trường cao đẳng, đại học hiện nay chủ yếu vẫn là phương pháp thuyết trình truyền thống, các nhóm phương pháp dạy học tích cực ít được sử dụng chỉ đạt mức độ trung bình. Bên cạnh đó, việc ứng dụng các phương tiện, thiết bị hiện đại như công nghệ điện toán đám mây, kê khai trực tuyến, phần mềm online trong giảng dạy còn hạn chế [4].

Thứ ba, về người học: Chất lượng đầu vào của nhiều cơ sở đào tạo đại học quá thấp, chủ yếu tập trung vào các trường xét tuyển, tính chủ động sáng tạo trong học tập và nghiên cứu của sinh viên nhìn chung chưa cao, thiếu tư duy khoa học, đại đa số học thụ động, học theo phong trào, học cho qua, “học theo hội chứng bằng cấp”, do vậy khi tốt nghiệp chưa đủ kiến thức để đáp ứng được yêu cầu bức xúc của thực tế và bị thực tiễn chối bỏ. Chỉ số chất lượng đào tạo so với các nước trong khu vực đứng hạng 10 trên 12 nước. Kết quả khảo sát của trường Đại học Công nghiệp Hà nội trên cơ sở lấy ý kiến của Kế toán tại các doanh nghiệp cho thấy, sinh viên ngành Kế toán khi ra trường còn thiếu rất nhiều kỹ năng. Cụ thể, các kỹ năng lập kế hoạch, khả năng giải quyết công việc, làm việc nhóm có tỷ lệ không hài lòng và ít hài lòng cao. Đặc biệt, kỹ năng làm việc nhóm có kết quả không hài lòng là 24,1% và ít hài lòng là 58,7%. Bên cạnh đó, kỹ năng ngoại ngữ và tin học còn hạn chế, nhất là kỹ năng ngoại ngữ. Đây là những “lỗ hổng” cần phải được lấp đầy trong thời gian tới trong điều kiện bùng nổ của CMCN 4.0.[5]

Bảng 2. Kết quả khảo sát về kỹ năng mềm của cử nhân kế toán (%) [5]

TT

Chỉ tiêu khảo sát

Hoàn
toàn
không
hài lòng

Ít hài
lòng

Tạm
được

Hài
lòng

Rất
hài
lòng

1

Kỹ năng giao tiếp và ứng xử

3,1

41,4

39,3

16,1

0

2

Kỹ năng lập kế hoạch công việc

23,2

53,5

23,3

0

0

3

Kỹ năng phát hiện, giải quyết vấn đề

11,3

72,3

16,4

0

0

4

Kỹ năng làm việc nhóm

24,1

58,7

17,2

0

0

Bảng 3. Kết quả khảo sát về kỹ năng ngoại ngữ và tin học của cử nhân kế toán (%) [5]

TT

Chỉ tiêu khảo sát

Hoàn
toàn
không
hài lòng

Ít hài
lòng

Tạm
được

Hài
lòng

Rất
hài
lòng

1

Kỹ năng ngoại ngữ

36,0

49,3

12,4

2,3

0

2

Kỹ năng sử dụng tin học văn phòng

1,2

32,1

43,5

18,8

5,4

3

Kỹ năng sử dụng phần mềm chuyên dùng

18,5

35,7

42,1

3,7

0

 

Thứ tư, công cụ hỗ trợ đào tạo: Các công cụ hỗ trợ là yếu tố không thể thiếu trong quá trình đào tạo nhằm nâng cao hiệu quả giảng dạy. Kế toán là một lĩnh vực khoa học xã hội có tính ứng dụng cao, trong bối cảnh CMCN 4.0 gắn liền với các công nghệ hiện đại như hiện nay thì yêu cầu cung cấp công cụ học tập và cập nhật thường xuyên, liên tục các công cụ đó là bắt buộc. Trong những năm gần đây, theo nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, nhà nước đã ban hành và thực hiện 26chuẩn mực kế toán và các văn bản hướng dẫn, sửa đổi cũng thường xuyên được bổ sung cho việc thực hiện công tác kế toán. Vì vậy, việc cập nhật và đầu tư nâng cấp các công cụ hỗ trợ đào tạo là tất yếu. Tại nhiều trường học hiện nay đã được trang bị hệ thống máy tính kết nối internet, cài đặt các phần mềm kế toán được cập nhật theo chế độ kế toán hiện hành [3]. Tuy vậy, bên cạnh đó, còn một số không ít các trường vẫn sử dụng những phương tiện đã quá yếu kém, lạc hậu vàthiếu đồng bộ, nhưng vẫn chậm được đầu tư nâng cấp. Các khóa học kế toán vẫn chọn những vật liệu không còn phù hợp, cập nhật chậm. Một trong những đòi hỏi bắt buộc của công tác đào tạo kế toán là phải có hệ thống máy tính hoặc chứng từ đầy đủ để sinh viên có cơ hội tiếp cận với thực tế, song nhiều đơn vị vẫn không có máy hoặc không đủ máy cho mỗi sinh viên. Thậm chí việc sử dụng các phần mềm online để nhập liệu cũng khó có được một đường truyền internet ổn định trong quá trình học. Một công cụ rất cần thiết nữa là các sổ sách, chứng từ cần thiết để sinh viên có cơ hội diện kiến hoặc luyện tậpnhiều khi còn hạn chế hoặc đã lạc hậu.

Mặc dù Bộ Tài chính đã ban hành các chuẩn mực kế toán nhưng hầu hết các giáo trình về kế toán đều được soạn theo các thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính nên hạn chế phần nào khả năng suy luận và phát triển kiến thức của sinh viên.

Để khắc phục những tồn tại trên cần thiết phải có những định hướng trong đào tạo sinh viên ngành Kế toán có chất lượng đáp ứng với sự phát triển kinh tế xã hội trong bối cảnh CMCN 4.0.

5. ĐỊNH HƯỚNG ĐÀO TẠO NHÂN LỰC NGÀNH KẾ TOÁN

Trước những thách thức đặt ra đối với nhân lực ngành Kế toán trong bối cảnh CMCN 4.0, đòi hỏi phảinâng cao chất lượng đào tạo tại các trường đại học theo tư duy CMCN 4.0 nhằm phát triển các kỹ năng mới phục vụ cho công việc trong môi trường CMCN 4.0 tại các doanh nghiệp, cơ quan.

- Về chương trình đào tạo

Để theo kịp sự phát triển của thời đại, các chương trình giáo dục nói chung và đào tạo nhân lực ngành Kế toán nói riêng phải thường xuyên cập nhật, đổi mới. Điều đó có nghĩa là phải đào tạo để có được nguồn nhân lực phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội trong tương lai. Do đó, cần phải rà soát, chỉnh sửa lại chương trình đào tạo của tất cả các ngành nói chung và ngành Kế toán nói riêng. Bổ sung các môn học mới theo khuyến cáo của IFAC, như: công nghệ kỹ thuật số (bao gồm điện toán đám mây và sử dụng dữ liệu lớn), toàn cầu hóa (dịch vụ thuê ngoài kế toán) và các qui định mới (qui định về thuế, hình thức báo cáo mới, qui định về báo cáo tích hợp,…). Các học phần chuyên ngành cần phải điều chỉnh theo hướng tích hợp với công nghệ thông tin. Chẳng hạn, môn Luật kế toán bổ sung nội dung về chứng từ điện tử, chữ ký số, môn Kế toán thuế bổ sung thực hành nội dung đăng ký, kê khai trên phần mềm hỗ trợ kê khai thuế, môn tin học chuyên ngành bổ sung công nghệ blockchain,…Bên cạnh đó, nội dung chương trình đào tạo cần điều chỉnh dần theo hướng giảng dạy IFRS kết hợp với các tình huống cụ thể theo yêu cầu của Việt Nam [2]. Việc làm này sẽ giúp người học vừa tiếp cận được IFRS vừa am hiểu các quy trình kế toán ở Việt Nam, từ đó tăng khả năng ứng dụng kiến thức vào thực tế của sinh viên, đáp ứng các yêu cầu của thị trường lao động, sinh viên ra trường làm việc được ngay mà không cần phải đào tạo lại. Tập trung vào đào tạo các kỹ năng cần thiết cho vị trí nhân viên kế toán quản trị. Chú trọng các môn công cụ như ngoại ngữ, tin học và kỹ năng mềm. Định kỳ khảo sát doanh nghiệp để nắm bắt nhu cầu làm cơ sở cho việc xây dựng chương trình sát với thực tiễn.

- Về nghiên cứu khoa học:trong bối cảnh CMCN 4.0,nghiên cứu khoa học là một trong những yêu cầu bắt buộc. Do đó, đã đến lúc các cơ sở giáo dục đại học phải đưa ra các hình thức nghiên cứu mới, trong đó phải tập trung quan tâm đến các vấn đề như tốc độ, kết quả, quá trình đánh giá. Ngoài ra, hệ thống dữ liệu quy mô lớn hơn và đa đạng nguồn hơn để phục vụ hoạt động nghiên cứu được tốt hơn [1]. Để làm được như vậy, đã đến lúc mỗi một cơ sở giáo dục đại học phải trang bị cho mình một trung tâm nghiên cứu để giúp cho sinh viên và cả giảng viên tiếp cận được với sự phát triển của khoa học công nghệ trong tương lai. Đối với ngành Kế toán, việc nghiên cứu không chỉ giới hạn trong lĩnh vực chuyên môn mà còn có thể các lĩnh vực kinh tế, xã hội khác. Từ đó mới hình thành được các kỹ năng con người, kỹ năng kinh doanh và kỹ năng lãnh đạo cho các nhà kế toán tương lai. Đối với công tác quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên và sinh viên,các trường đại học cần phải trang bị các hệ thống thông tin nghiên cứu khoa học cũng như các phần mềm quản lý dự án, quản lý cơ sở đào tạo, bộ phận hỗ trợ tài chính.

- Đầu tư cơ sở vật chất, công cụ học tập

Các trường đại học có thể đầu tư công nghệ giúp sinh viên có thể thực hành để có kinh nghiệm thực tế trong bối cảnh CMCN 4.0, có được các kiến thức về những tác động xã hội tiềm ẩn của hệ thống tự động hóa và hệ thống thông minh và cách thức giải quyết các vấn đề này. Dạy học 4.0 gồm nhiều hình thức học tập mới, thời gian và địa điểm học tập không bị ràng buộc, có sự thay đổi phù hợp với đối tượng học, cung cấp nhiều kỹ năng phù hợp hơn. Để làm được điều đó, bắt buộc phải chuyển đổi hình thức giảng dạy truyền thống sang các hình thức giảng dạy năng động, liên kết với thực tế theo mô hình giáo dục mới như phòng học ảo, thầy giáo ảo, thiết bị ảo, phòng thí nghiệm, thư viện ảo,… dưới sự hỗ trợ của các thiết bị thông minh. Đồng thời, phương pháp giáo dục cũng phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa trong việc tổ chức giảng dạy qua Internet. Qua đó, hình thức giáo dục sẽ linh hoạt về thời gian, không gian, phù hợp với điều kiện và nhu cầu cá nhân phát triển E-learning hay sử dụng ứng dụng công nghệ điện toán đám mây cho phép người dạy có thể cung cấp tài liệu học tập cho người học và thu thập lại các kết quả của quá trình dạy học từ phía người học một cách liên tục và linh hoạt. Đối với ngành Kế toán, cần tăng cường mô hình phòng thực hành kế toán ảo. Đây là mô hình đã và đang được các trường có chuyên ngành Kế toán áp dụng tại Việt Nam [2]. Tuy nhiên, hiện nay, cơ sở vật chất cho phòng thực hành chủ yếu vẫn là sổ sách kế toán thủ công. Do đó, cần trang bị lại cơ sở vật chất theo hướng công nghệ cho phòng thực hành kế toán ảo này. Bên cạnh đó, việc sử dụng các mạng xã hội đang được yêu thích hiện nay để cung cấp tài liệu, thực hiện hướng dẫn thực hành cho người học.

- Về hợp tác đào tạo

Các trường đại học có thể phối hợp với các công ty, cơ sở đào tạo để tổ chức những khóa học phù hợp với những nội dung như mã hóa, quản lý thông tin ở những nền tảng chia sẻ được như điện toán đám mây và đánh giá những nhu cầu về kế toán theo thời gian thực của các đối tượng khác nhau từ nhà quản trị doanh nghiệp, các cổ đông, người lao động, các cơ quan phi chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước và các bên có lợi ích liên quan khác[4]. Ngoài ra, các trường đại học nên thường xuyên thảo luận với Các công ty dịch vụ kế toán, các chuyên gia/giảng viên về các lĩnh vực mới để điều chỉnh chương trình đào tạo của mình cho phù hợp. Đồng thời, các trường đại học hoặc là phải đầu tư vào việc đào tạo các giảng viên hiện có hoặc tuyển dụng chuyên gia để phối hợp và giảng dạy các chương trình mới.

6. KẾT LUẬN

Đứng trước những thuận lợi và khó khăn đặt ra trong bối cảnh CMCN 4.0, nhân lực ngành Kế toán cần đảm bảo được yêu cầu cần thiết để có thể đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Để đạt được những yêu cầu đó, công tác đào tạo đóng vai trò chủ yếu. Những định hướng mà bài báo đã đưa ra dựa trên việc phân tích các yếu tố ảnh hưởng của CMCN 4.0; những yêu cầu đặt ra đối với người làm kế toán và thực trạng đào tạo kế toán hiện nay tại Việt Nam. Kết quả của bài báo nhằm nâng cao chất lượng đào tạo từ đó nâng cao chất lượng nhân lực ngành Kế toán trong bối cảnh CMCN 4.0.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]: Tấn Tài, 2017. Giáo dục đại học phải làm gì trước cuộc cách mạng 4.0.
http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Giao- duc-dai-hoc-phai-lam-gi-truoc-thach-thuc-cuacach-mang-cong-nghiep-40-post178343.gd

[2]:PGS.TS Hà Xuân Thạch,2017, Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến việc vận dụng IFRS tại Việt Nam

[3]: John Vũ, 2016. Đào tạo trực tuyến MOOCs là cuộc “cách mạng vĩ đại” trong hệ thống giáo dục, Techmaster Team. https://techmaster.vn/posts/33951/dao-tao-truc-tuyenmoocs-la-cuoc-cach-mang-vi-dai-trong-he-thong-giao-duc

[4]:Tapchitaichinh.vn

[5]: Đại học Quy Nhơn, 2017, Kỷ yếu hội thảo khoa học Kế toán kiểm toán.

[6]: Tetyana Slyozko - Nataliya Ahorodnya,2017 The Fourth Industrial Revolution: The Present and Future of Accounting and the Accounting Profession.

 

Tác giả bài viết: Ths.Đinh Thị Kim Thiết - Giảng viên khoa Kinh tế

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây