Định hướng kế toán môi trường tại Việt Nam trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0

Thứ ba - 06/03/2018 10:34

        Đặc biệt khi thực trạng ô nhiễm môi trường do các DN sản xuất gây ra đang ở mức báo động. Mặt khác, trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là khi cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang diễn ra và từng bước tác động đến các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, DN không chỉ quan tâm đến việc thu được lợi ích trước mắt mà cần phải quan tâm việc duy trì mối quan hệ thân thiện với cộng đồng xã hội trên nguyên tắc phát triển bền vững. Nghiên cứu này nhằm đánh giá khái quát tình hình thực hiện công tác KTMT tại Việt Nam, xác định các tác động của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đến KTMT từ đó có những định hướng nâng cao hiệu quả KTMT tại Việt Nam.

  1. TỔNG QUAN VỀ KẾ TOÁN MÔI TRƯỜNG TẠI VIỆT NAM

         Có rất nhiều quan điểm khác nhau về KTMT nhưng theo định nghĩa của Viện Kế toán quản trị môi trường: “KTMT là việc xác định, đo lường và phân bổ chi phí môi trường, kết hợp chi phí môi trường trong quyết định kinh tế, công bố thông tin cho các bên liên quan”. Theo tài liệu hướng dẫn thực hành KTMT  của Nhật Bản thì “KTMT có mục tiêu hướng tới sự phát triển bền vững, duy trì mối quan hệ tốt đẹp với cộng đồng và theo đuổi các hoạt động bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động bình thường, xác định lợi ích từ các hoạt động, cung cấp cách thức định lượng và hỗ trợ phương thức công bố thông tin”…

        Nhìn chung, KTMT được xem xét từ hai góc độ: công tác kế toán và công tác quản lý môi trường. Bên cạnh đó, KTMT có rất nhiều chức năng khác nhau như hỗ trợ việc ra quyết định nội bộ trong hoạt động kinh doanh của DN nhằm hướng tới cải thiện hiệu quả hoạt động tài chính và hiệu quả hoạt động về môi trường. Đồng thời, cung cấp thông tin về tất cả các loại chi phí liên quan đến môi trường (trực tiếp và gián tiếp, chi phí ẩn và chi phí hữu hình...). Ngoài ra, KTMT còn là cơ sở cho việc cung cấp thông tin ra bên ngoài phạm vi DN đến các bên liên quan như: Các ngân hàng, tổ chức tài chính, các cơ quan quản lý môi trường, cộng đồng dân cư… (như báo cáo tài chính, báo cáo môi trường của DN.

       Tại Việt Nam vấn đề ô nhiễm môi trường do các DN gây ra ngày càng trầm trọng. Trước thực trạng đó, Việt Nam đã có những chính sách tích cực để bảo vệ môi trường. Cụ thể, Việt Nam đã ban hành Luật Môi trường lần đầu vào năm 1993 và Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi vào năm 2005; Luật Thuế Bảo vệ môi trường (Luật số 57/2010/QH12); Luật Bảo vệ môi trường số 55/2014/QH13 có hiệu lực từ ngày 01/01/2015; Nghị định số 18/2015/NĐ-CP quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường , đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường…

       Mặc dù đã có những chính sách bảo vệ môi trường nhưng vẫn còn thiếu vắng những văn bản pháp quy về KTMT và nhiều DN vẫn còn khá xa lạ với khái niệm KTMT.  Thực tế hiện nay cho thấy, Việt Nam chưa ban hành các văn bản quy định, hướng dẫn về công tác KTMT cũng như hệ thống tài khoản, báo cáo kế toán về chi phí, thu nhập do công tác bảo vệ môi trường của DN đem lại. Các chi phí liên quan đến môi trường đang phản ánh chung trong các tài khoản chi phí quản lý và các nhà quản lý kinh tế không thể phát hiện, không thể thấy được quy mô và tính chất của chi phí môi trường nói chung và từng khoản chi phí môi trường nói riêng.

      Ngoài ra, hiện nay trên các tài khoản kế toán chưa ghi nhận các chi phí đáng kể liên quan đến môi trường như chi phí sửa chữa, đền bù, chi phí khắc phục sự cố và chi phí dọn dẹp, xử lý trong các vụ tai nạn, hủy hoại môi trường sinh thái, môi trường sống. Hiện có rất nhiều DN, tổ chức đang hướng tới một quy trình sản xuất kinh doanh hoặc cung ứng dịch vụ theo tiêu chuẩn “xanh, sạch”, thân thiện với môi trường và phù hợp với chiến lược phát triển bền vững cũng như hội nhập với kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, việc áp dụng KTMT ở Việt Nam gặp phải nhiều khó khăn vì xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó:

       Một là, Việt Nam chưa có hệ thống văn bản pháp quy hoàn thiện. Cụ thể, Việt Nam chưa quy định trong những chuẩn mực kế toán hiện hành về tài sản môi trường, nợ phải trả về chi phí môi trường vô hình, chi phí môi trường bên ngoài, thu nhập môi trường...; Chưa quy định trong chế độ kế toán hiện hành về chứng từ kế toán, tài khoản kế toán, báo cáo tài chính để phản ảnh những thông tin về môi trường; Chưa có những quy định hướng dẫn cụ thể vế cách hạch toán những thông tin về môi trường phát sinh trong DN...

      Hai là, nội dung của KTMT không được phổ biến, truyền thông đến các nhà quản trị, những người làm công tác kế toán trong DN, phần lớn các DN đều chưa biết KTMT. Nội dung của KTMT chưa được đưa vào trong chương trình đào tạo ngành kế toán của hầu hết các trường đại học tại Việt Nam. Điều này tạo nên “khoảng trống” về nguồn nhân lực thực hiện KTMT tại Việt Nam và là nguyên nhân quan trọng làm cho các DN tại Việt Nam chưa tổ chức công tác KTMT.

      Ba là, các nhà quản trị DN chỉ chú trọng đến lợi ích cục bộ và nghĩ rằng thực hiện công tác bảo vệ môi trường, thực hiện công tác KTMT làm tăng chi phí, ảnh hưởng đến lợi nhuận DN. Sự nhận thức chưa rõ về lợi ích, hiệu quả của việc áp dụng KTMT của nhà quản trị có thể coi nguyên nhân chính làm cho các DN tại Việt Nam chưa áp dụng KTMT.

     Bốn là, hiện nay còn nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện tốt, thậm chí là trốn tránh trách nhiệm bảo vệ môi trường do vậy không phản ánh đầy đủ hoặc chưa có các chi phí phát sinh liên quan đến hoạt động bảo vệ môi trường của doanh nghiệp.

      Năm là,  trình độ nhân lực kế toán tại các doanh nghiệp trong việc thu thập và xử lý số liệu liên quan đến bảo vệ môi trường còn hạn chế, đặc biệt là việc xác định và phân tích lợi ích do bảo vệ môi trường đem lại.

  1. TỔNG QUAN VỀ CUỘC CÁCH MẠNG CÔNG NGHỆ 4.0

      Khái niệm Công nghiệp 4.0 hay nhà máy thông minh lần đầu tiên được đưa ra tại Hội chợ công nghiệp Hannover tại Cộng hoà Liên bang Đức vào năm 2011. Công nghiệp 4.0 nhằm thông minh hoá quá trình sản xuất và quản lý trong ngành công nghiệp chế tạo. Sự ra đời của Công nghiệp 4.0 tại Đức đã thúc đẩy các nước tiên tiến khác như Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Ấn Độ thúc đẩy phát triển các chương trình tương tự nhằm duy trì lợi thế cạnh tranh của mình.

       Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư này là xu thế tất yếu để đáp ứng chính xác nhu cầu của từng khách hàng, làm tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả, tốc độ, giảm tiêu hao nguyên nhiên liệu, chi phí sản xuất và vận hành. Đồng thời với việc bảo vệ môi trường sống, giúp phát triển biền vững.

      Bên cạnh đó, Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư cũng mang đến nhiều thách thức về đảm bảo việc làm, quản trị xã hội, an toàn và an ninh thông tin. Đối với các nước đang phát triển như Việt Nam, thách thức lại càng lớn hơn khi các điều kiện về hạ tầng công nghệ và nguồn nhân lực chưa sẵn sàng để thích ứng và tận dụng cơ hội mà Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư mang đến.

     Ở Việt Nam, ngay từ cuối năm 2016, Bộ TT&TT đã sớm có nghiên cứu về xu thế của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư. Bộ sẽ cùng các bộ ban ngành tiếp tục hoàn thiện các chính sách để thúc đẩy hạ tầng băng rộng ở Việt Nam, tạo nền tảng vững chắc, sẵn sàng đón nhận các cơ hội mà cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư mang đến.

3. TÁC ĐỘNG CỦA CUỘC CÁCH MẠNG CÔNG NGHỆ 4.0 ĐẾN KẾ TOÁN MÔI TRƯỜNG

     Công nghiệp 4.0 có thể tạo điều kiện chính xác hơn, chất lượng cao, kế toán quản lý môi trường theo thời gian thực và báo cáo môi trường bên ngoài trong các lĩnh vực có liên quan, quy mô công ty, vai trò quản lý khác nhau và thiết lập hợp tác, cũng như cung cấp và chuỗi giá trị.

       Công nghiệp 4.0, công nghệ thông tin tiên tiến và mạng truyền thông xã hội sẽ cho phép các DN, cơ sở và máy móc trong suốt chuỗi giá trị chia sẻ dữ liệu trong thời gian thực và sử dụng các mạng thông minh để phát triển mức độ tự nhận thức mà trước đây không thể thực hiện được. Điều này sẽ cho phép các máy sản xuất sản phẩm tự đề xuất các sắp xếp công việc và điều chỉnh các tham số vận hành để tối đa hóa năng suất và chất lượng sản phẩm.

      Các vấn đề quản lý môi trường trong việc hướng dẫn các quyết định quản lý phần lớn liên quan đến việc thiếu dữ liệu và chất lượng dữ liệu kém, nhu cầu thay đổi thông tin thu thập được bởi các hệ thống kiểm soát quản lý hiện có và nhu cầu giới thiệu cơ sở hạ tầng cho việc thu thập và chia sẻ thông tin trong chuỗi cung ứng.

      Tóm lại, thảo luận về các vấn đề với KTMT  trong tương lai đòi hỏi công nghệ thông tin tốt hơn và thông tin phong phú hơn. Công nghiệp 4.0 có thể đem lại những lợi ích:

  • Chất lượng dữ liệu tốt hơn - cải tiến tính kịp thời, chính xác, độ tin cậy và tính so sánh dữ liệu báo cáo môi trường được báo cáo.
  • Sự tự quản lý ít hơn đối với những gì được đo lường và cách đo và báo cáo.
  • Độ tin cậy cao hơn của dữ liệu.
3. ĐỊNH HƯỚNG KẾ TOÁN MÔI TRƯỜNG TẠI VIỆT NAM TRONG CUỘC CÁCH MẠNG CÔNG NGHỆ 4.0

       Sự xuất hiện của ngành công nghiệp 4.0 và môi trường bền vững là hai vấn đề  trong đó kế toán có thể mở rộng phạm vi điều chỉnh của nó, đặc biệt là thông qua các lĩnh vực KTMT. Ngành công nghiệp 4.0 được ghi nhận trong bối cảnh tăng công suất xử lý máy tính, kết nối công việc có thể hoàn thành gần như bất kỳ nơi nào trên thế giới. Để nâng cao hiệu quả của KTMT trong cuộc cách mạng công nghiệp 4,0, tác giả đề xuất một số định hướng đối với Việt Nam như sau:

      Thứ nhất, việc tổ chức công tác KTMT tại Việt Nam chưa được các DN quan tâm do chưa có các văn bản cụ thể do Nhà nước quy định. Do vậy, Nhà nước cần sớm ban hành các quy định về tổ chức công tác KTMT, hệ thống tài khoản sử dụng cũng như việc hạch toán, báo cáo kế toán về thu nhập, chi phí từ việc bảo vệ môi trường của DN. Trong trường hợp cần thiết, có thể áp dụng các chế tài mang tính bắt buộc để việc thực hiện KTMT tại DN được đảm bảo, trên cơ sở đó Nhà nước có thể kiểm soát tốt hơn công tác bảo vệ môi trường của DN.   

       Thứ hai, tăng cường công tác hỗ trợ, tuyên truyền các DN về KTMT, làm rõ lợi ích đạt được từ việc quản lý chi phí bảo vệ môi trường cũng như đánh giá lợi ích do công tác bảo vệ môi trường đem lại.  

       Thứ ba, Nhà nước có thể hỗ trợ cài đặt các phần mềm thời gian thực (real-time software) cho các DN, trước hết có thể hỗ trợ cho các doanh nghiệp có tác động lớn đến môi trường. Phần mềm thời gian thực là các chương trình giám sát/phân tích/điều khiển các sự kiện trong thế giới thực ngay khi nó xảy ra. Các phần tử của phần mềm thời gian thực bao gồm: thành phần thu thập dữ liệu mà thu nhận và chuẩn hoá thông tin từ môi trường ngoài, rồi phân tích, thành phần phân tích chuyển đổi thông tin mỗi khi chương trình yêu cầu, thành phần điều khiển đầu ra tác động trở lại môi trường ngoài, thành phần giám sát điều phối mọi hoạt động của các thành phần khác để có thể kiểm soát được đáp ứng thời gian thực. Việc sử dụng các phần mềm thời gian thực giúp khắc phục hạn chế trong công tác thu thập thông tin về môi trường mà các doanh nghiệp còn vướng mắc.

      Thứ tư, đưa vào đào tạo tại các trường đại học nội dung KTMT từ đó cung cấp nguồn nhân lực kế toán đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về kế toán trong đó có KTMT cho các doanh nghiệp.

     Thứ năm, các doanh nghiệp chủ động hạch toán chi phí liên quan đến môi trường bằng việc mở các tài khoản chi tiết nội bộ như tài khoản 154 để tập hợp các chi phí bỏ ra liên quan đến hoạt động bảo vệ môi trường. Lập các báo cáo về chi phí và lợi ích thu được từ bảo vệ môi trường…

1

KẾT LUẬN

       Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra sâu rộng ở các lĩnh vực góp phần làm tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất cũng như hiệu quả thu thập dữ liệu, phân tích thông tin của hoạt động sản xuất kinh doanh. Đồng thời với ý nghĩa của việc bảo vệ môi trường sống  giúp phát triển biền vững,  nâng cao hiệu quả sản xuất. Công tác KTMT trong điều kiện công nghệ 4.0 là một yêu cầu tất yếu đối với các doanh nghiệp. Các định hướng tác giả đưa ra nhằm tạo cơ hội thúc đẩy và nâng cao hiệu quả công tác KTMT trong các DN Việt Nam trong điều kiện của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Tác giả bài viết: Đinh Thị Kim Thiết

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây