Trong hoạt động kinh doanh, có những người chủ doanh nghiệp muốn mở rộng quy mô, tăng doanh thu và tăng lợi nhuận không bằng con đường thông thường như xây dựng các phân xưởng mới, thành lập các doanh nghiệp mới mà thực hiện bằng con đường ngắn và nhanh nhất nhưng cũng đầy rủi ro đó là mua lại doanh nghiệp. Để tránh rủi ro các doanh nghiệp cần phải thực hiện mua lại doanh nghiệp theo một quy trình nghiêm ngặt. Sau đây là quy trình mua lại doanh nghiệp giúp người mua giảm bớt được rủi ro:
- Tìm kiếm cơ hội mua lại
Hiện nay ngày càng nhiều quảng cáo giao bán công ty trên internet và các mục giao vặt ở các báo kinh doanh. Khi khu vực kinh tế tư nhân phát triển nở rộ, thông tin trên thị trường tài chính luôn sẵn có thì việc tìm kiếm các cơ hội mua lại công ty sẽ ngành càng trở nên dễ dàng và phổ biến hơn.
- Điều tra
Quyết định mua lại công ty đòi hỏi có sự nghiên cứu và đánh giá cẩn thận. Người mua phải thu thập và phân tích kỹ các thông tin về công việc kinh doanh có thể bằng cách hỏi chuyện người bán hoặc lặng thầm quan sát công việc kinh doanh, cách thức kinh doanh hiện tại của doanh nghiệp, hỏi chuyện người có công việc làm ăn với công ty như các nhà cung cấp, nhân viên, khách hàng,… đặc biệt là qua nhân viên kế toán, luật sư của doanh nghiệp đó nếu có thể. Cần tìm hiểu kỹ lí do công ty bị bán. Lý do này thường không được chủ công ty nói thật nên bạn cần nghiên cứu rõ sự thật về công việc kinh doanh định mua đặc biệt các vấn đề liên quan đến tài chính. Đừng tin các sổ sách kế toán người chủ đưa ra vì thường là không phản ánh tình hình sự thật của công ty. Người bán có thể nói tới hàng ngàn lý do vô hại như người chủ già hoặc ốm, chuyển nhà, chuyển địa điểm kinh doanh tới vùng khác, kiếm được việc làm tốt hơn ở công ty khác. Tuy nhiên cần phải điều tra xem lý do thật sự là gì, liệu có phải kinh doanh lỗ, ngành bão hòa hoặc không có tiềm năng phát triển, mâu thuẫn nội bộ,…
- Đánh giá, xác định giá mua lại công ty
* Đánh giá định lượng
Thứ nhất, định giá theo giá trị tài sản:
Giá trị của công việc kinh doanh được xác định bằng tổng giá trị tài sản hiện tại của công ty.
Phương pháp điều chỉnh giá trị ghi sổ: Giá trị của công việc kinh doanh được xác định bằng giá trị của lại tài sản được ghi trên bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp có điều chỉnh theo sự khác biệt giữa giá trị quá khứ và giá trị hiện tại của tài sản. Ví dụ: Điều chỉnh giảm cho một số chứng khoán đã giảm giá hoặc điều chỉnh tăng cho miếng đất có giá trị quyền sử dụng đất tăng
Phương pháp tính theo giá thanh lý tài sản: Giá trị tài sản được tính bằng số tiền có được nếu bán thanh lý toàn bộ tài sản của hãng.
Thứ hai, định giá theo giá thị trường:
Giá trị của công việc kinh doanh được xác định bằng giá bán của một doanh nghiệp tương tự trên thị trường hoặc đánh giá giá trị doanh nghiệp dựa trên các thông tin từ thị trường tài chính.
Theo cách này, đầu tiên phải xác định tỷ số PE của các doanh nghiệp cùng ngành có tốc độ phát triển và độ rủi ro như của doanh nghiệp định mua.
PE= Giá trị thị trường / Lợi nhuận sau thuế
Sau đó dựa vào lợi nhuận sau thuế trung bình mà công ty đó kiếm được trong 4 hoặc 5 năm gần nhất và tính giá trị công ty định mua lại bằng cách
Giá trị công ty = Lợi nhuận sau thuế trung bình x PE
Thông tin về tỉ lệ PE của ngành hoặc của các công ty tương tự cùng dạng có thể tham khảo trên thị trường chứng khoán. Tỷ lệ PE biến đổi theo ngành có thể dao động từ 2-20. Hiện nay các công ty đang niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam có tỷ lệ PE trung bình là 5-18. Các công ty công nghệ thông tin có PE từ 20-30 vì lợi nhuận của công ty này tăng lên theo từng năm nên không phải chờ tới 20-30 năm mới thu hồi vốn.
Thứ ba, định giá giá trị theo lợi nhuận:
Giá trị của công việc kinh doanh được xác định bằng tổng lợi nhuận tiềm tàng của doanh nghiệp có thể tạo ra.
Thứ tư, định giá theo dòng tiền:
Giá trị của công việc kinh doanh được xác định bằng so sánh tỷ suất hoàn vốn đầu tư kỳ vọng với tỷ suất hoàn vốn đầu tư tối thiểu.
* Đánh giá định tính
Ngoài việc xác định giá trị doanh nghiệp định lượng kể trên, còn cần phải đánh giá doanh nghiệp trên các tiêu chí sau:
Tình trạng cạnh tranh: Người mua phải xem xét năng lực cạnh tranh của công ty định mua trong tương qua với các đối thủ cạnh tranh khác.
Thị trường: Đánh giá cung cầu thị trường và khả năng duy trì vị trí của công ty trong thị trường đó. Có thể phải tiến hành một số nghiên cứu thị trường, hoặc quan sát lấy số liệu cũng như nghiên cứu khả năng phát triển trong tương lai của thị trường.
Ràng buộc pháp lý: Nghiên cứu xem công ty hiện có bị kiện, có nợ thuế, nợ bảo hiểm hoặc đang bị vướng mắc vào những vụ kiện liên quan đến việc không thực hiện các nghĩa vụ pháp lý của công ty và chủ cũ không?
Các nhân viên: Các nhân viên hiện tại sẽ phản ứng như thế nào với người chủ mới. Mối quan hệ của nhân viên với nhau và với chủ cũ như thế nào, liệu chủ mới có đủ khéo léo, tế nhị, khôn ngoan để khiển các nhân viên thích hợp với cách làm việc mới không?
Tóm lại, mua lại doanh nghiệp là con đường ngắn nhất để khởi sự. Tuy nhiên, để giảm bớt rủi ro người khởi sự cần cẩn thận trong khâu điều tra, đánh giá cả mặt định tính và định lượng để định giá chính xác tài sản mua lại. Đặc biệt người mua phải tuân thủ việc thực hiện đầy đủ các bước trên để tiến hành mua lại doanh nghiệp.
Tác giả bài viết: Ngô Thị Luyện
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn