Một số vấn đề về chính sách giá tiêu thụ hàng hoá của doanh nghiệp công nghiệp

Thứ sáu - 21/09/2018 14:45

         Chính sách giá tiêu thụ hàng hoá là một bộ phận trong chính sách kinh doanh của doanh nghiệp công nghiệp. Chính sách ấy phải hướng tới góp phần tích cực vào việc thực hiện mục tiêu kinh doanh, tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, tạo khả năng cho doanh nghiệp ứng xử linh hoạt với các tình huống khác nhau trên thị trường.

         Một doanh nghiệp thường sản xuất kinh doanh nhiều loại hàng hoá, có nhiều loại khách hàng và hoạt động trên nhiều thị trường. Các tình huống phải ứng xử trong tiêu thụ hàng hoá hết sức đa dạng. Bởi vậy, doanh nghiệp công nghiệp thường theo đuổi nhiều loại chính sách giá tiêu thụ hàng hoá. Dưới đây là một số chính sách giá phổ biến.

           Chính sách theo giá thị trường

        Mức giá tiêu thụ hàng hoá của doanh nghiệp được quy định theo mức giá phổ biến của loại hàng hoá cùng loại trên thị trường. Với chính sách này, doanh nghiệp công nghiệp không sử dụng giá cả trong cạnh tranh. Để đạt yêu cầu thu hút khách hàng, doanh nghiệp phải thực hiện một loạt biện pháp hỗ trợ tiêu thụ hàng hoá, tổ chức mạng lưới tiêu thụ tạo thuận lợi nhất cho khách hàng, áp dụng các dịch vụ sau bán hàng… Ví dụ như sản phẩm gạch của Công ty TNHH MTV Yến Thanh với mức giá bán bằng mức giá trên thị trường là: 1.300đồng/viên gạch 2 lỗ và 1.400đồng/viên gạch đặc. Bên cạnh đó công ty áp dụng một số dịch vụ đi kèm như vận chuyển, bốc dỡ và vận chuyển lại nếu khách hàng sử dụng gạch thừa cần trả lại, thanh toán trả chậm…

           Chính sách giá thấp

          Mức giá tiêu thụ hàng hoá của doanh nghiệp công nghiệp được quy định thấp hơn mức giá phổ biến của hàng hoá cùng loại trên thị trường. Trong trường hợp này, mức lợi nhuận trong đơn vị hàng hoá thấp, doanh nghiệp công nghiệp đã sử dụng giá cả trong cạnh tranh nhằm thu hút khách hàng. Tuy vậy, doanh nghiệp vẫn có khả năng thu tổng lợi nhuận từ hàng hoá này cao nhờ:

           - Tăng lượng hàng hoá tiêu thụ do giá cả có sức hấp dẫn khách hàng;

          - Để đáp ứng yêu cầu tăng lượng hàng hoá tiêu thụ, doanh nghiệp phải tăng lượng sản xuất. Đến lượt mình, điều đó lại có tác động làm giảm chi phí cố định và hạ giá thành đơn vị hàng hoá. Ví dụ Xí nghiệp Hương Việt – Bicico đưa ra các dòng sản phẩm giá rẻ như bột giặt: Viso, Lix, Net…

             Chính sách giá cao

         Mức giá tiêu thụ hàng hoá của doanh nghiệp được định cao hơn mức giá phổ biến trên thị trường, lượng lợi nhuận từ đơn vị hàng hoá được quy định cao. Ví dụ như các sản phẩm của Sony đang sử dụng chính sách này trong một thời gian ngắn khi mới đưa ra trên thị trường.

           Những trường hợp sau đây cho phép doanh nghiệp có thể áp dụng chính sách giá cao:

           - Cung nhỏ hơn cầu hàng hoá;

          - Hàng hoá có chất lượng cao hơn hẳn những hàng hoá cùng loại trên thị trường;

           - Hàng hoá có kiểu cách độc đáo.

          Nói chung, chính sách này chỉ có thể thực hiện trong ngắn hạn. Bởi lẽ, lượng lợi nhuận cao sẽ tạo sức hấp dẫn mạnh các doanh nghiệp khác sản xuất kinh doanh hàng hoá cùng loại như doanh nghiệp, doanh nghiệp sẽ mất lợi thế so sánh trên thị trường.

          Chính sách giá phân biệt

        - Phân biệt theo khối lượng hàng hoá bán;

        - Phân biệt theo chất lượng;

        - Phân biệt theo thời vụ tiêu dùng;

        - Phân biệt theo khách hàng;

         - Phân biệt theo phương thức tiêu thụ.

         Chính sách giá phân biệt cho phép doanh nghiệp có thể ứng xử linh hoạt với những tình huống khác nhau trên thị trường, tăng khả năng cạnh tranh, thu hút khách hàng. Tuy nhiên, một loại hàng hoá nếu có quá nhiều mức giá lại gây nên khó khăn trong việc quản lý tài chính trong tiêu thụ.

          Chính sách phá giá

        Mức giá hàng hoá của doanh nghiệp thấp hơn hẳn mức giá của thị trường (và của các đối thủ cạnh tranh). Chính sách này được áp dụng trong 2 trường hợp sau đây:

       - Thúc đẩy tiêu thụ hàng hoá tồn kho ứ đọng lâu ngày, những hàng hoá đã nằm trong giai đoạn suy thoái của chu kỳ sống;

        - Loại bỏ đối thủ cạnh tranh.

         Nói chung, Nhà nước thường cấm sử dụng chính sách phá giá trong cạnh tranh trên thị trường.

         Tóm lại, tương ứng với từng nhóm hàng hóa, từng thời điểm, nhu cầu thị trường và nhiều yếu tố khác mà các doanh nghiệp công nghiệp lựa chọn cho mình một chính sách giá phù hợp nhằm tiêu thụ được hàng hóa, chiếm lĩnh thị trường, nâng cao vị thế và thu lợi nhuận.

 

Tác giả bài viết: Ngô Luyện

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây