Trong những năm gần đây, thương mại quốc tế không ngừng phát triển nhờ xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế giữa các quốc gia ngày càng sâu và rộng, mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu nói riêng và nền kinh tế nước nhà nói chung. Trong đó đặc biệt phải kể đến dịch vụ hậu cần (logistics) – một lĩnh vực then chốt, đóng một vai trò quan trọng trong thương mại quốc tế. Bài viết nghiên cứu tổng quan thị trường logictics tại Việt Nam, các yếu tố ảnh hưởng đến kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải và logistics, xu hướng phát triển, từ đó đưa ra các giải pháp phát triển ngành logistics tại Việt Nam.
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Logistics là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước cũng như từng địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Trong bối cảnh nền kinh tế hàng hóa ngày càng phát triển mạnh mẽ, Logistics ra đời như một giải pháp cho nhu cầu sản xuất và phân phối sản phẩm đến tay người tiêu dùng thuận tiện và nhanh chóng nhất. Do đó, mặc dù ra đời chưa lâu nhưng Logistics đã dần khẳng định được vai trò to lớn của mình đối với nền kinh tế của nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
2. CƠ SỞ LÝ LUẬN
2.1. Khái niệm Logistics
Logistics, hiểu một cách đơn giản nhất, là dịch vụ cung cấp, vận chuyển hàng hóa tối ưu nhất từ nơi sản xuất đến tay người tiêu dùng. Công việc của các công ty Logistics là lên kế hoạch cụ thể, kiểm soát sự di chuyển của hàng hóa hay thông tin về nguyên liệu từ điểm xuất phát đến điểm tiêu thụ theo yêu cầu khách hàng đặt ra.
“Dịch vụ logistics là hoạt động thương mại, theo đó thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công việc bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hóa theo thỏa thuận với khách hàng để hưởng thù lao.”
Logistics là tên gọi của dịch vụ logistics trong khoảng thời gian đầu cụm từ này mới xuát hiện tại Việt Nam. Hiện nay, ngay tại VN, hầu hết những nhà chuyên môn đều đồng ý rằng dùng từ “hậu cần” để giải thích logistics vẫn chưa thực sự nhận thức được đầy đủ ý nghĩa về từ logistics hiện đại và do vậy giải pháp là hãy cứ để nguyên từ logistics trong ngôn ngữ nước ta, cũng như marketing, container…
2.2. Các yếu tố ảnh hưởng đến kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải và logistics
2.2.1. Điều kiện địa lí
Việt nam nằm ở cực đông nam bán đảo Đông Dương diện tích phần đất liền khoảng 331.698 km². Vùng biển của Việt Nam chiếm diện tích khoảng 1.000.000 km².
Biên giới Việt Nam giáp với vịnh Thái Lan ở phía nam, vịnh bắc bộ và biển đông ở phía đông, Trung Quốc ở phía bắc, Lào và Campuchia phía tây. Việt Nam hình chữ S và khoảng cách từ bắc tới nam là khoảng 1.650 km, vị trí hẹp nhất theo chiều đông sang tây là 50 km. Với đường bờ biển dài 3.260 km không kể các đảo. Việt Nam tuyên bố 12 hải lý ranh giới lãnh hải, thêm 12 hải lý tiếp giáp nữa theo thông lệ và vùng an ninh, và 200 hải lý làm vùng đặc quyền kinh tế. Địa lý Việt Nam rất thuận lợi cho hoat động logistics, là nơi trung chuyển hàng hóa, giáp với Trung Quốc, Lào, Campuchia tạo điều kiện thuận lợi để trao đổi hàng hóa, đường bờ biển dài nhiều cảng, tạo điều kiện phát triển dịch vụ logistics.
2.2.2. Cơ sở hạ tầng
Cơ sở hạ tầng có ảnh hưởng rất lớn đến dịch vụ logistics, trong khi đó cơ sở hạ tầng ở Việt Nam còn rất yếu kém từ đó làm cho chi phí dịch vụ này tăng cao dẫn tới tăng giá thành sản phẩm của doanh nghiệp, khó cạnh tranh làm ảnh hưởng đến sự phát triển của dịch vụ logistics ở Việt Nam.
Hệ thống giao thông là cơ sở hạ tầng quan trọng trong việc phát triển dịch vụ logistics, nhưng cơ sở hạ tầng ở Việt Nam đều còn rất yếu kém dẫn tới dịch vụ logistics đều đắt đỏ vì hạ tầng yếu kém, ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra, các chi phí “không thể hạch toán vào đâu” đang gia tăng và ngày càng trở nên phổ biến.
Đường bộ: Mạng lưới đường bộ Việt Nam dài khoảng 210 000 km trong đó quốc lộ và tỉnh lộ là 56 000 km, mật độ đường bộ trên 100 km2 là 16,16km. cơ sở còn hạ tầng đường bộ đã phát triển nhưng nó chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường, còn ùn tắc cục bộ, nhiều tuyến đường còn ổ gà, chất lượng đường còn yếu kém gây ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động locgistics về chi chí, thời gian, lộ trình làm cho việc lưu chuyển hàng hóa gặp nhiều khó khăn.
2.2.3. Môi trường pháp lý
Ở nước ta, có khá nhiều các văn bản pháp luật, thông tư, nghị định cho việc thành lập doanh nghiệp, các cơ quan quản lý chuyên ngành, tổ chức , hiệp hội, và cả các quy định về thuế. Tuy nhiên, nhiều văn bản không chặt chẽ, rõ ràng, không theo kịp sự phát triện cùa ngành Logistics. Như ta đã biết, logistics liên quan đến nhiều bộ ngành nhu: Giao thông vận tải, Hải quan, kiểm định…mỗi bộ ban hàng những quy định khác nhau đôi khi chồng chéo nhau gây không ít khó khăn cho ngành logistic.
2.2.4. Tình hình phát triển vận tải đa phương thức tại Việt Nam
Vận tải đa phương thức (Multimodal transport) quốc tế hay còn gọi là vận tải liên hợp (Combined transport) là phương thức vận tải hàng hóa bằng ít nhất hai phương thức vận tải khác nhau trở lên, trên cơ sở một hợp đồng vận tải đa phương thức từ một điểm ở một nước tới một điểm chỉ định ở một nước khác để giao hàng.Các phương thức vận tải phổ biến hiện nay gồm vận tải hàng không, vận tải bộ, vận tải đường sắt, vận tải biển.
- Hiện nay các doanh nghiệp VTĐPT VN phát triển nhanh về số lượng nhưng quy mô cung cấp dich vụ logistics nhỏ, kinh doanh kiểu manh mún. Phát triển ồ ạt về số lượng nhưng quy mô phần lớn các công ty giao nhận VN nhỏ, vốn ít, trang bị lạc hậu và nhân lực thì đa phần chỉ có khoảng 10-20 người/ công ty.
- Hệ thống kết cấu hạ tầng đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, đường hàng hải và đường hang không nhìn chung chưa đáp ứng nhu cầu VTĐPT. Phương tiện vận tải đương bộ đã sử dụng nhiều năm, nhập khẩu từ nước ngoài đã được tân trang lại, kiểu loại thuộc nhiều nước sản xuất, các xe có đa phần là xe có trọng tải thấp.
- Một điều đáng buồn là các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics trong nước tuy quy mô nhỏ, manh mún nhưng lại chưa biết liên kết lại, mà kinh doanh theo kiểu chụp giật,cạnh tranh thiếu lành mạnh, thi nhau hạ giá dịch vụ để dành được các hợp đồng và chủ yếu là hạ giá thành thuê container.
2.2.5. Nguồn nhân lực phục vụ logistics
Do phát triển nóng nên nguồn nhân lực cung cấp cho thị trường logistic tại Việt Nam hiện nay trở nên thiếu hụt trầm trọng. Các chương trình đào tạo, nâng cao tay nghề trong ngành logistics hiện nay được thực hiện ở các cơ sở đào tạo chính thức, đào tạo theo chương trình Hiệp hội và đào tạo nội bộ. Nguồn nhân lực ngành Logistics - một yếu tố cốt lõi góp phần vào sự phát triển của ngành, đang phải đối mặt với nhiều vấn đề như thiếu về số lượng nhân sự, yếu về chất lượng chuyên môn, các cơ hội phát triển trong ngành một cách bình đẳng và bền vững. Chính vì vậy, việc đánh giá thực trạng nguồn nhân lực logistics một cách tổng thể, đầy đủ phản ánh chính xác tình hình thực tế thị trường lao động và việc đề ra các chiến lược phát triển bền vững nguồn nhân lực ngành logistics Việt Nam đang là yêu cầu cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.
2.2.6. Sự phát triển của công nghệ thông tin và thương mại điện tử tại Việt Nam
Trong những năm qua, công nghệ thông tin và thương mại điện tử tại Việt Nam đã không ngừng phát triển, điều này góp phần không nhỏ vào việc phát triển ngành logistics. Nhờ có công nghệ thông tin và thương mại điện tử mà logistics Việt Nam trở nên linh hoạt hơn, giao thương được với nhiều quốc gia trên thế giới cách nhanh chóng hơn, hiệu quả hơn và tiết kiệm được nhiều thời gian chi phí cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics.
3. TIỀM NĂNG, CƠ HỘI VÀ RÀO CẢN PHÁT TRIỂN NGÀNH VẬN TẢI VÀ LOGISTICS TẠI VIỆT NAM
3.1.Tiềm năng tăng trưởng của ngành vận tải và logistics
Ngành vận tải và logistics của Việt Nam có nhiều tiềm năng tăng trưởng, tham gia sâu hơn vào những trung tâm giao dịch vận tải thế giới đến từ việc Chính phủ có nhiều chính sách tạo điều kiện cho ngành phát triển, cùng với xu thế hội nhập kinh tế toàn cầu, nhiều Hiệp định thương mại được ký kết, sự phát triển mạnh mẽ của thị trường thương mại điện tử và ngành công nghiệp tự động hóa, cơ sở hạ tầng ngày càng được cải thiện.
Ngoài ra, ngành vận tải và logistics cũng có thêm nhiều cơ hội mở ra từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, khi nhiều công ty Trung Quốc chuyển nhà máy sang Việt Nam và Đông Nam Á. Theo đó, có tới gần 91% các doanh nghiệp trong khảo sát của Vietnam Report cho rằng mức tăng trưởng của ngành trong năm 2020 sẽ trên 10%, nhiều chuyên gia đưa ra nhận định mức tăng trưởng đạt 14% - 16%, theo chỉ số trung bình của những năm gần đây.
Hình 1. Ứng dụng công nghệ 4.0 trong ngành vận tải và logistics
(Nguồn:Báo cáo đánh giá xếp hạng doanh nghiệp, sản phẩm và dịch vụ tại Việt Nam)
Cơ sở hạ tầng là thách thức mà nhiều doanh nghiệp lựa chọn nhất với 81,82%. Hiện nay, cơ sở hạ tầng thương mại, hạ tầng giao thông vận tải cũng như hạ tầng về công nghệ thông tin còn yếu kém, chưa đồng bộ dẫn đến dịch vụ vận tải đa phương thức gặp rất nhiều khó khăn, và chi phí logistics của Việt Nam còn cao hơn nhiều so với các nước.Việc xây dựng các nguồn khu tập trung kho vận tại 3 miền đi kèm hệ thống kho bãi, cầu cảng, các đường giao thống chỉ mới bắt đầu tiến hành, còn chưa hoàn thiện, mới đáp ứng nhu cầu cho xuất nhập khẩu, hệ thống kho bãi chưa đáp ứng nhu cầu nội địa, đặc biệt nhu cầu E-Logistics.
3.2. Cơ hội thúc đẩy phát triển ngành logistics và thách thức
Hiện nay, Việt Nam được đánh giá có nhiều cơ hội để thúc đẩy phát triển ngành dịch vụ Logistics. Cụ thể, hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ, cảng hàng không, cảng biển, kho bãi, hạ tầng thương mại, trung tâm logistics không ngừng được mở rộng với quy mô lớn, rộng khắp. Cùng với đó, các dịch vụ đi kèm đã, đang đáp ứng kịp thời những yêu cầu hết sức đa dạng của thị trường.
Xu hướng mua sắm trực tuyến mở cơ hội cho các doanh nghiệp vận tải và logistics
Với tỷ lệ 70% dân số Việt Nam đang sử dụng Internet, truy cập bình quân mỗi người khoảng 28 giờ/tuần đã tạo điều kiện cho ngành thương mại điện tử phát triển mạnh. Năm 2018, theo báo cáo của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Việt Nam, thị trường thương mại điện tử đạt 8 tỷ USD, có mức tăng trưởng 30% so với 2017 và dự báo vẫn tiếp tục tăng trưởng cao trong nhiều năm tới, đạt 10 tỷ USD vào năm 2020. Thương mại điện tử phát triển kéo theo nhiều người tiêu dùng chuyển qua mua sắm trực tuyến và sự phát triển của mô hình kinh doanh mới cho các công ty dịch vụ chuyển phát với tần suất giao hàng nhỏ lẻ lớn và độ phủ của dịch vụ rộng khắp các tỉnh thành.
Đầu tư vào kho, trung tâm logistics và chuỗi cung ứng lạnh
Với sự gia tăng mạnh của số lượng các doanh nghiệp thương mại điện tử, cùng với nhu cầu thuê mặt bằng lưu giữ, phân loại hàng hóa, hoàn tất đơn hàng…, nhiều doanh nghiệp đã nắm bắt xu thế, xây dựng và đầu tư hệ thống kho, trung tâm logistics với chức năng cung ứng dịch vụ vận tải, hoàn tất đơn hàng, phân phối… một cách chuyên nghiệp theo hướng hiện đại với chất lượng cao. Tính đến đầu năm 2019, trên toàn quốc có 6 trung tâm logistics lớn được khởi công xây dựng và đưa vào vận hành.
Trong thời gian gần đây, chuỗi cung ứng lạnh có sự tăng trưởng cao do tăng số lượng kho lạnh, tăng trưởng trong ngành thực phẩm chế biến và ngành dược phẩm, công nghệ.
3.3. Một số thách thức, rào cản
Ngành logistics nói chung, các DN logistics nói riêng của Việt Nam hiện còn phải đối diện với không ít thách thức, rào cản, cụ thể:
Hình 2. Top 5 thách thức của ngành vận tải và Logistics
(Nguồn:Báo cáo đánh giá xếp hạng doanh nghiệp, sản phẩm và dịch vụ tại Việt Nam)
Hai là, cơ sở hạ tầng giao thông vận tải còn yếu kém, không đồng bộ, chưa tạo ra hành lang vận tải đa phương thức trong khi nhu cầu trung chuyển chất lượng cao cho hàng hóa giữa các phương thức đang ngày càng lớn. Thực tế cũng cho thấy, việc kết nối các phương thức vận tải chưa hiệu quả; chưa phát huy tốt các nguồn lực về hạ tầng, con người, thị trường nội địa và khu vực; các trung tâm logistics đóng vai trò kết nối Việt Nam với quốc tế chưa được đầu tư, xây dựng… dẫn đến chi phí logistics còn cao, chiếm 25% GDP (so với các nước phát triển chỉ từ 9 đến 15%) trong đó, chi phí vận tải chiếm 30 đến 40% giá thành sản phẩm (tỷ lệ này là 15% ở các quốc gia khác). Điều này làm giảm khả năng cạnh tranh dịch vụ, hàng hóa của các DN Việt Nam, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam.
Ba là, hoạt động của chính các DN logistics còn nhiều hạn chế cả về quy mô hoạt động, vốn, nguồn nhân lực… Các DN cung cấp dịch vụ logistics ở Việt Nam hầu hết là những DN nhỏ và vừa, hoạt động kinh doanh dịch vụ logistics còn manh mún, thiếu kinh nghiệm và chuyên nghiệp, cung cấp các dịch vụ cơ bản, hoặc cung cấp từng dịch vụ đơn lẻ, cạnh tranh về giá là chủ yếu, ít giá trị gia tăng, thường chỉ đóng vai trò là nhà thầu phụ hay đại lý cho các công ty nước ngoài gồm: Dịch vụ logistics chủ yếu mà các DN kinh doanh logistics Việt Nam cung ứng cho khách hàng là dịch vụ kho bãi, vận tải hàng hóa, giao nhận hàng hóa, bốc xếp, dịch vụ phân loại, đóng gói bao bì, lưu kho... còn các dịch vụ khác trong chuỗi dịch vụ logistics mặc dù có một số DN cung ứng nhưng số lượng không nhiều và chưa được quan tâm phát triển.4. GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN NGÀNH LOGISTICS TẠI VIỆT NAM
Theo Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025, Việt Nam phấn đấu tỷ trọng đóng góp của ngành Dịch vụ logistics vào GDP đạt 8%-10%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ đạt 15%-20%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50%-60%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16%-20% GDP, xếp hạng theo chỉ số năng lực quốc gia về logistics (LPI) trên thế giới đạt thứ 50 trở lên. Với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một đầu mối logistics của khu vực, trong thời gian tới cần tập trung triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
Một là, tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về dịch vụ logistics. Theo đó, sửa đổi một số quy định, bổ sung về dịch vụ logistics tại Luật Thương mại, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho hoạt động logistics.
Hai là, ban hành các chính sách hỗ trợ thúc đẩy ngành Dịch vụ logistics phát triển. Theo đó, xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics tại địa phương hiệu quả, phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của từng địa phương.
Ưu tiên bố trí ngân sách hỗ trợ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ và tiến bộ kỹ thuật cho phát triển dịch vụ logistics, xã hội hóa nguồn lực cho phát triển dịch vụ logistics, góp phần nâng cao năng lực và khả năng cạnh tranh của các DN cung cấp dịch vụ logistics.
Ba là, hoàn thiện kết cấu hạ tầng logistics, bằng việc tiếp tục rà soát các quy hoạch, kế hoạch, đảm bảo tính đồng bộ của hạ tầng giao thông và dịch vụ vận tải với mục tiêu phát triển ngành Dịch vụ logistics. Rà soát, điều chỉnh quy hoạch, cơ cấu sản xuất địa phương gắn với phát triển hạ tầng và dịch vụ logistics, đảm bảo các quy hoạch, kế hoạch về giao thông, vận tải phù hợp với các chiến lược, quy hoạch về sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, xuất nhập khẩu, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, gắn kết quy hoạch về trung tâm logistics, cảng cạn, kho ngoại quan trong một tổng thể thống nhất.
Bốn là, nâng cao năng lực DN và chất lượng dịch vụ. Cần có cách thức hỗ trợ giúp các DN Việt Nam hiểu rõ và nhận thức đúng về quy trình cung cấp các dịch vụ logistics, đặc biệt là trong quá trình vận tải; Đào tạo có hệ thống nguồn nhân lực có kinh nghiệm và được trang bị đầy đủ những kiến thức chuyên môn, am hiểu luật pháp trong nước và quốc tế.
Về phía DN, ngoài nguồn nhân lực cần được nâng cao trình độ ngoại ngữ công nghệ để đáp ứng với việc hội nhập các DN cần đầu tư cơ sở vật chất, nâng cấp và mở rộng hệ thống kho bãi, các trang thiết bị bốc xếp, vận chuyển chuyên dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác; Liên doanh, liên kết với các DN trong và ngoài nước để kết nối, mở rộng mạng lưới dịch vụ trong cả nước và trên thế giới để tạo đầu ra thị trường ngoài nước và nâng cao khả năng chuyên môn của cán bộ để từ đó nâng cao tính cạnh tranh trong hoạt động kinh doanh.
Năm là, phát triển thị trường dịch vụ logistics. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại cho dịch vụ logistics thông qua việc đăng cai, tổ chức các hội thảo, hội chợ, triển lãm quốc tế về logistics. Tổ chức các đoàn nghiên cứu ra nước ngoài và mời các đoàn DN nước ngoài vào Việt Nam trao đổi cơ hội đầu tư, hợp tác về phát triển dịch vụ logistics.
5. KẾT LUẬN
Nền kinh tế Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu, quy mô thị trường dịch vụ logistics ngày càng mở rộng đem đến nhiều cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp kinh doanh logistics, đồng thời cũng tạo ra những thách thức không nhỏ đối với sự phát triển của các doanh nghiệp kinh doanh logistics tại Việt Nam. Doanh nghiệp có thêm nhiều đối thủ cạnh tranh, môi trường kinh doanh luôn có sự biến đổi, nhu cầu người tiêu dùng ngày càng tăng cao từ chỗ mong muốn về chất lượng, giá cả… đến mong muốn được đảm bảo và cam kết bởi thương hiệu, uy tín. Việc nghiên cứu tiềm năng, cơ hội và thách thức để từ đó đưa ra các giải pháp phát triển ngành Logistis tại Việt Nam hiện nay là một xu hướng phát triển tất yếu, giúp cho các doanh nghiệp ngày càng tiến sâu và mở rộng thị trường.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. Nguyễn Văn Chương, 2007. Phát triển dịch vụ logistics khi Việt Nam hội nhập WTO, Tạp chí Hàng hải online.
[2]. Đặng Đình Đào, 2010, 2011. Phát triển các dịch vụ logistics ở nước ta trong điều kiện hội nhập quốc tế. Đề tài NCKH độc lập cấp Nhà nước, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, Trường Đại học Kinh tế quốc dân.Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn