Ứng dụng sơ đồ tư duy vào học tập và giảng dạy

Thứ ba - 08/09/2020 14:45
I. Giới thiệu:
Hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghệ thông tin, chúng ta đang tiếp cận với nguồn kiến thức, nguồn tài liệu học tập, nghiên cứu vô cùng phong phú. Bên cạnh đó, chúng ta thường xuyên phải ghi nhớ, tổng hợp hay phân tích một vấn đề bằng  nhiều phương pháp như kẻ Sơg, gạch đầu dòng các ý chính, vẽ sơ đồ tổng hợp,… Tuy nhiên, các nội dung học tập và nghiên cứu chưa bao giờ được hệ thống và được nghiên cứu kỹ lưỡng. Vì vậy, trong công tác giáo dục, ngoài vấn đề truyền đạt kiến thức cho sinh viên, chúng ta cần hướng sinh viên đến một phương pháp học tập tích cực và tự chủ để lĩnh hội tri thức, và giáo viên cũng cần có phương pháp nghiên cứu để luôn cập nhật kịp thời tri thức của thế giới. Để tiếp cận tốt cần có phương pháp giúp hệ thống lại những kiến thức đó. Việc xây dựng được một “hình ảnh” thể hiện mối liên hệ giữa các kiến thức, sẽ mang lại những lợi ích đáng quan tâm về các mặt: ghi nhớ, phát triển nhận thức, tư duy, óc tưởng tượng và khả năng sáng tạo… Một trong những công cụ hết sức hữu hiệu để tạo nên các “hình ảnh liên kết” là Sơ đồ tư duy. Đây là phương pháp ghi chú đầy sáng tạo, hiện đang được ngành giáo dục khuyến khích đưa vào thực hiện trong giảng dạy và học tập.
Sơ đồ tư duy (Mindmap) là phương pháp được đưa ra như là một phương tiện mạnh để tận dụng khả năng ghi nhận hình ảnh của bộ não. Đây là cách để ghi nhớ chi tiết, để tổng hợp, hay để phân tích một vấn đề ra thành một dạng của lược đồ phân nhánh. Phương pháp này giúp ghi lại bài giảng mà chỉ dùng các từ then chốt và các hình ảnh. Cách ghi chép này nhanh, dễ nhớ và dễ ôn tập hơn.
Cấu tạo của sơ đồ tư duy gồm có:
• Chủ đề chính
• Nhánh con
• Từ khoá
• Hình ảnh gợi nhớ
• Liên kết
• Màu sắc, kích cỡ
Sơ đồ tư duy là một phương pháp học hiệu quả trong giáo dục
II. Ứng dụng Sơ đồ tư duy trong giảng dạy
1. Giảng dạy
Sơ đồ tư duy là công cụ lý tưởng cho việc giảng dạy và trình bày các khái niệm trong lớp học. Sơ đồ tư duy giúp giảng viên tập trung vào vấn đề cần trao đổi cho sinh viên, cung cấp một cái nhìn tổng quan về chủ đề mà không có thông tin thừa. Sinh viên sẽ không phải tập trung vào việc đọc nội dung trên Slide, thay vào đó sẽ lắng nghe những gì giáo viên diễn đạt. Hiệu quả giảng bài sẽ được tăng lên.
Trong quá trình giảng dạy, giảng viên có thể thêm ngay vào sơ đồ tư duy bài giảng của mình những ý tưởng hay, đột phá phát sinh hay từ sự đóng góp của sinh viên.
2. Chuẩn bị tài liệu, bài tập phát trên lớp học
Sơ đồ tư duy là công cụ giảng dạy lý tưởng, giúp ta phân phát tài liệu bài tập trong lớp học, vì trong sơ đồ tư duy sẽ chứa thông tin ngắn gọn, màu sắc, hình ảnh cùng với cách bố trí trực quan hấp dẫn sẽ cuốn hút các sinh viên ngay lập tức. Mindmap cung cấp cái nhìn tổng quan, ngắn gọn về một chủ đề, làm cho ngay cả những vấn đề phức tạp nhất cũng trở nên dễ hiểu.
3. Khuyến khích thảo luận và suy nghĩ độc lập
Theo nghiên cứu của trường tiểu học Cambridge gần đây, đánh giá rằng việc tương tác trong lớp học và lắng nghe sinh viên là yếu tố quan trọng để giúp sinh viên suy nghĩ độc lập. MindMap là công cụ lí tưởng hỗ trợ cho các cuộc thảo luận trong lớp, vì Sơ chất Sơ đồ tư duy khuyến khích các sinh viên tập trung liên kết giữa các chủ đề cũng như hình thành lan tỏa ý tưởng và ý kiến của họ.
4. Đánh giá sinh viên
MindMap là một công cụ quan trọng, giúp ta đánh giá kiến thức củasinh viên trước và sau bài giảng về một chủ đề cụ thể. Qua đó, giảng viên có thể theo dõi sự hiểu biết của sinh viên. Sơ đồ tư duy khuyến khích sinh viên thể hiện ý tưởng theo sự hiểu biết của cá nhân và tự đánh giá bản thân sau buổi học.
III. Ứng dụng Sơ đồ tư duy trong học tập
Sơ đồ tư duy còn là công cụ hữu ích đê giúp cho sinh viên đạt kết quả học tập tốt hơn, cải thiện khả năng nhớ. Quan trọng hơn là công việc ghi chép của sinh viên sẽ đột phá đáng kể giúp tiết kiệm thời gian của mình.
1. Ghi chép và ghi chú
Đầu tiên, MindMap là công cụ ghi chép thông tin vô cùng hiệu quả. Đối với sinh viên, số lượng bài học cần ghi chép ngày càng nhiều và gặp khó khăn để ghi nhớ. Sơ đồ tư duy đề xuất cách ghi thông tin chỉ bằng từ khoá, sau đó liên kết các kiến thức, ý tưởng một cách trực quan. Mọi thông tin thể hiện trên sơ đồ sẽ cho ta nội dung cốt lõi của môn học. Do đó, việc ôn tập sẽ trở nên dễ dàng hơn.
2. Lên kế hoạch làm bài tập lớn
Sử dụng MindMap để lên kế hoạch cho tiểu luận, phát triển ý tưởng nhanh chóng. Cấu trúc lan toả của MindMap sẽ phát sinh ý tưởng, sinh viên chỉ việc viết ra, sắp xếp theo ý chính. Điều đặc biệt là với Sơ đồ tư duy, não ta sẽ tập trung hoàn toàn vào chủ đề viết mà không bị xao lãng.
3. Học bài thi
Sinh viên nên lập MindMap cho từng môn học ngay từ đầu năm, thêm vào những ý chính, quan trọng. Dành ra khoảng 5 phút mỗi ngày để xem lại bổ sung, cập nhật những kiến thức học được mỗi ngày. Thông tin từ các nhánh trong Sơ đồ tư duy sẽ liên kết với nhau. Cuối cùng những kiến thức sẽ được ghi nhớ một cách chủ động.
4. Kích thích sự sáng tạo và giải quyết vấn đề
Dùng MindMap để vẽ ra nhiều khả năng và lựa chọn cho vấn đề, sinh viên có thể thông qua đó tìm được giải pháp nhanh nhất, dễ nhất và tốt nhất và nên ghi ra tất cả ý tưởng. Chính những ý tưởng này sẽ kích hoạt tiềm năng sáng tạo vô tận.
5. Thuyết trình
Khi chọn MindMap làm giải pháp thuyết trình, ghi lại từ khoá và hình ảnh, việc này kích hoạt kỹ năng diễn đạt và khả năng ghi nhớ. Công việc thuyết trình sẽ trở nên tự nhiên hơn và sẽ có nhiều thời gian để giao tiếp, trao đổi vấn đề.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây