Thị trường logistics thế giới và xu hướng phát triển dịch vụ logicstics.

Thứ tư - 28/10/2020 15:38

1. Tình hình thị trường logistics thế giới

Năm 2019, thị trường vận tải và logistics toàn cầu chịu tác động bởi các yếu tố chính gồm: những bước tiến lớn về công nghệ, biến động thương mại quốc tế, những xu hướng mới trong thương mại điện tử và các yêu cầu mới về bảo vệ môi trường, phòng chống biến đổi khí hậu trong logistics. Thương mại toàn cầu trở nên khó dự đoán hơn, với tác động đan xen của các FTA thế hệ mới và các rào cản thương mại, các yếu tố bất lợi về địa chính trị... khiến nhiều chủ hàng và các công ty logistics phải liên tục điều chỉnh kế hoạch kinh doanh. Căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ thậm chí đã tạo nên một dịch vụ logistics mới là “chuyển dịch” toàn bộ hệ thống nhà xưởng từ Trung Quốc sang các thị trường khác. Sự phát triển của các nền tảng thương mại và thanh toán điện tử toàn cầu như Alibaba, Amazon và e-Bay, đã cho phép nhiều doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa tại các thị trường mới nổi tiếp cận người tiêu dùng trên toàn thế giới bằng cách mở rộng các kênh tiếp thị, hệ thống phân phối và logistics xuyên biên giới của họ. Đồng thời, nhiều công ty đa quốc gia đang tập trung kế hoạch đầu tư phát triển mạng lưới logistics ở các thị trường mới nổi để tận dụng mức tăng chi tiêu của người tiêu dùng, nguồn lực tại chỗ và đáp ứng đúng thị hiếu địa phương. Xu hướng tự động hóa đang làm thay đổi nền sản xuất toàn cầu cũng như hoạt động logistics phục vụ sản xuất và tiêu dùng. Số hóa nền kinh tế, đổi mới cơ chế hỗ trợ của Chính phủ, văn hóa tiêu dùng, sự phát triển của thương mại điện tử và kinh tế chia sẻ đang giúp logistics liên ngành và xuyên biên giới phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Về quy mô lĩnh vực logistics toàn cầu (gồm cả logistics tự thực hiện và dịch vụ logistics - thuê ngoài), do sự phức tạp đó nên các thống kê và đo lường về quy mô thị trường logistics toàn cầu vẫn chưa thống nhất, đặc biệt trong bối cảnh có sự đan xen rất lớn giữa các loại hình logistics và tích hợp các hoạt động trong chuỗi cung ứng xuyên biên giới. Theo báo cáo “Logistics Service Market Report - Forecast up to 2027” phát hành bởi Market Research Future, doanh thu thị trường dịch vụ logistics (3PL, 4PL) toàn cầu đạt trên một nghìn tỷ USD trong năm 2019 (tăng so với mức 900 tỷ USD năm 2018) và dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ 6,9%/năm trong giai đoạn dự báo 2019 - 2027, đạt trên 2 nghìn tỷ USD vào năm 2027.

2. Xu hướng phát triển dịch vụ logistics

Những thay đổi trong chuỗi cung ứng toàn cầu (về quy mô, cấu trúc, phân bổ theo địa lý), đặc biệt trước những biến động lớn trong thương mại quốc tế là nhân tố tác động mạnh nhất tới lĩnh vực logistics thế giới trong năm 2019 và trong thời gian tới. Các ngành có những thay đổi lớn và có tốc độ phát triển nhanh về dịch vụ logistics gồm sản xuất thực phẩm, hóa mỹ phẩm, bán lẻ (do tác động của thương mại điện tử), sản xuất các mặt hàng công nghiệp có tính quốc tế hóa cao (sản phẩm điện tử, dệt may,giày dép...). Ngoài ra, ngành công nghiệp hàng không vũ trụ cũng thu hút những sáng kiến lớn về logistics do yêu cầu phức tạp và gần như hoàn hảo trong quy trình cung ứng.

Dịch vụ 3PL và 4PL là đầu kéo của thị trường logistics toàn cầu. Trong đó, các dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn gồm có: giao nhận hàng hóa, quản lý vận chuyển hàng hóa, tư vấn, tối ưu hóa tuyến đường, quản lý dự án, quản lý kho và lưu trữ và tư vấn chuỗi cung ứng trong số các dịch vụ logistics khác. Ngoài ra, những hoạt động liên quan đến việc áp dụng các dịch vụ logistics công nghệ cao như theo dõi và giám sát, phân tích, dự báo và lập kế hoạch theo thời gian thực dự kiến sẽ mang lại nhiều cơ hội sinh lời cho thị trường dịch vụ logistics trong những năm tới.

Liên kết trong cung cấp và sử dụng dịch vụ logistics tiếp tục là lựa chọn của các nhà sản xuất lớn để xây dựng chuỗi cung ứng phù hợp và cải thiện tính linh hoạt trong hoạt động toàn cầu. Năm 2019 chứng kiến làn sóng M&A sôi động trong lĩnh vực logistics do áp lực cạnh tranh gay gắt trong bối cảnh thương mại toàn cầu biến động mạnh. Chạy đua về công nghệ tiếp tục tạo lợi thế cạnh tranh, tiết kiệm thời gian, tối ưu hóa chi phí, trách nhiệm, linh hoạt và giảm rủi ro. Do đó, thúc đẩy sự ra đời và đổi mới một loạt các giải pháp logistics tiên tiến. Tác động của các quy định về bảo vệ môi trường và an toàn lao động trong ngành logistics tác động lớn đến toàn bộ ngành logistics thế giới.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây